(Post 18/12/2006) Trưa 14/12, khu vực xung
quanh nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội) đông nghẹt
người tiễn đưa GS Nguyễn Văn Đạo. Những giọt nước mắt lăn dài tiếc thương
của người thân, bạn bè, học trò và cả những người ngưỡng mộ nhà khoa học
hàng đầu VN.
>
GS Nguyễn Văn Đạo qua hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp/ GS. Nguyễn Văn Đạo
qua đời do tai nạn giao thông/ GS Đạo trả lời VnExpress về đổi mới giáo
dục
Trong buổi sáng, hơn 200 đoàn đã đến phúng viếng GS Nguyễn
Văn Đạo, trong đó nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Là người kế nhiệm, đồng thời từng nhiều năm công tác
cùng GS Đạo, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Đào Trọng Thi đã không cầm nổi
nước mắt khi đọc bài điếu văn. Giọng ông lạc hẳn đi. Bên dưới, hàng người
cúi đầu lặng lẽ.
Đôi mắt đỏ hoe, GS TSKH Đỗ Sanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng
thư ký Hội Cơ học Việt Nam tiếc nuối: "Trước hôm bị tai nạn, anh
ấy còn làm công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cho phép thử
máy bay siêu nhẹ VAM2. Anh ấy còn nhắc tôi làm sao sớm tiến hành việc
này".
Theo ông Đỗ Sanh, GS Đạo rất tận tâm với đội ngũ, với
khoa học. Năm 1971, GS Sanh có viết một bài báo tiếng Nga và được thày
Đạo đọc, hoàn chỉnh. Hồi đó, liên lạc với nước ngoài bị hạn chế, bất chấp
nguy hiểm, GS Đạo đã tự tay mang giúp đồng nghiệp bài báo đó sang Liên
Xô.
"Một điều lạ là anh Đạo rất cẩn thận, nguyên tắc
mà lại bị tai nạn. Ngay như bảo tôi đóng một cái dấu, anh ấy cũng yêu
cầu phải căn chỉnh sao cho ngay ngắn, nếu nghiêng, lệch là anh ấy có ý
kiến ngay", một đồng nghiệp của ông ở Hội Cơ học cho biết.
Tiễn người cháu trai về nơi an nghỉ, bà Nguyễn Thị Tình
bùi ngùi: "Số anh ấy lúc nào cũng khổ. Hồi ở Phú Thọ, học lên đến
cấp 3 thì gia đình gặp khó khăn, sáng đến trường, chiều phải đi làm thuê,
làm mướn kiếm tiền ăn học. Đến khi thành đạt, cũng lại tất bật suốt ngày.
Ngay cả khi ngồi trên xe cũng phải làm việc".
MỘT SỐ HÌNH ẢNH:
Tiến Dũng
(theo VnExpress) |