(Post 30/12/2006) Sự ra đời của Đại học FPT
được vinh dự bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật, đáng chú ý nhất về
CNTT - TT Việt Nam năm 2006, do BBT, phóng viên tạp chí TGVT - PC World
VN bình chọn.
Đại học
FPT là 1 trong 10 sự kiện nổi bật về CNTT - TT năm 2006 do PC
World VN bình chọn. |
|
1
Triển khai thực hiện Luật CNTT; Thủ Tướng Chính Phủ làm trưởng ban chỉ
đạo quốc gia về CNTT. Theo Chỉ Thị số 07/CT-BBCVT ngày
28/7/2006 của bộ trưởng bộ Bưu Chính Viễn Thông, các văn bản quy phạm
pháp luật đi kèm Luật CNTT do bộ BCVT soạn thảo phải hoàn thành trước
ngày 1/2/2007. Chỉ Thị nói trên yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc
bộ, sở BCVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện tốt việc xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trình Chính Phủ ban hành; xây dựng văn
bản QPPL của bộ BCVT; tuyên truyền, phổ biến Luật CNTT; thực thi Luật
CNTT.
Trong khi đó theo Quyết Định số 1046/QĐ-TTg ngày 9/8/2006
về việc điều chỉnh phân công người đứng đầu một số tổ chức tư vấn, phối
hợp liên ngành do Thủ Tướng Chính Phủ thành lập thì Thủ Tướng Chính Phủ
sẽ làm trưởng ban chỉ đạo chương trình hành động triển khai Chỉ Thị số
58-CT/TW của Bộ Chính Trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong
sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá giai đoạn 2001 - 2005 (ban chỉ
đạo quốc gia về CNTT). Trước đó, Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm đã đảm nhận
cương vị này.
2
Intel đầu tư 1 tỷ USD xây nhà máy lắp ráp và kiểm định chip.
Nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, Intel, đã đầu tư 1 tỉ USD
để xây dựng nhà máy sản xuất tại TP.HCM. Tháng 2/2006, Intel tuyên bố
sẽ chi 300 triệu USD để xây dựng một nhà máy, đến tháng 11/2006, Intel
lại quyết định tăng vốn đầu tư vào dự án nói trên lên con số 1 tỷ USD.
Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2009. Đây không những là
dự án đầu tư công nghệ bán dẫn đầu tiên tại VN mà còn là nhà máy lớn nhất
trong hệ thống cơ sở lắp ráp và kiểm định chip của Intel trên toàn cầu.
Hiện 1 tỷ USD là cam kết đầu tư lớn nhất của 1 công ty Mỹ vào VN.
3
Bill Gates đến VN. Người sáng lập tập đoàn CNTT hàng đầu
thế giới Microsoft, ngày 21/4/06 đã chính thức thăm và làm việc tại VN.
Chuyến thăm hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho ngành CNTT cũng như cục
diện đầu tư vào ngành CNTT tại VN.
4
Hội nghị bộ trưởng CNTT - TT ASEM tại Hà Nội. Hội nghị
bộ trưởng CNTT - TT ASEM (Hội Nghị Cấp Cao Á – Âu) đã được tổ chức tại
Hà Nội từ 28/11 – 1/12. Tại đây các bộ trưởng đã thông qua một số đề xuất,
dự án hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp CNTT-TT ASEM. Hội nghị có
mục tiêu chính là hệ thống hóa, gắn kết và nhân rộng các sáng kiến về
CNTT-TT đã và đang triển khai trong ASEM; Gắn kết các sáng kiến về CNTT-TT
của các khu vực khác mà các nước ASEM là thành viên; Thu hút sự quan tâm
của DN với các mục tiêu ứng dụng CNTT cho sự phát triển của cộng đồng
2 châu lục. Hội nghị này là sự kiện quốc tế cấp bộ trưởng lần đầu tiên
được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực CNTT-TT, đồng
thời là kết quả của sáng kiến VN về “Hợp tác ASEM trong ứng dụng CNTT
để phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực”.
5
Ra mắt tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông. Ngày 26/3/2006,
bộ trưởng bộ Nội Vụ đã công bố và trao Quyết Định số 06/2006/QĐ-TTg của
Thủ Tướng Chính Phủ về việc thành lập tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt
Nam (VNPT Group). Đây là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bưu chính viễn
thông và CNTT VN. Tập đoàn BCVT VN được hình thành trên cơ sở sắp xếp,
tổ chức lại tổng công ty BCVT VN (VNPT), chuyển mô hình quản lý hành chính
tập trung sang mô hình công ty mẹ - công ty con; kinh doanh đa ngành,
đa lĩnh vực, cả trong nước và quốc tế, trong đó BCVT và CNTT là lĩnh vực
kinh doanh chính.
6
Ra mắt đại học FPT. Ngày 27/9/2006, đại học FPT đã nhận
quyết định thành lập trường do Thủ Tướng Chính Phủ ký ngày 8/9/2006. Đây
là mô hình đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam, chuyên về CNTT và trực
thuộc một tập đoàn CNTT. Điểm nổi bật của ĐH FPT là trường được phép hoạt
động theo hình thức tự chủ, không bị hạn chế bởi những quy định lâu nay
của Bộ GDĐT: Tự chủ về chỉ tiêu tiêu tuyển sinh, số lượng SV; tự chủ về
phương thức tuyển sinh; và tự chủ về chương trình đào tạo; tất cả đều
tuân thủ luật cung cầu của thị trường. Đây là một bước đột phá mới, báo
hiệu cho một sự đổi mới toàn diện trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nhằm
nâng cao chất lượng.
7
Thêm hai mạng di động đi vào hoạt động. 2 trong số 6 nhà
khai thác dịch vụ ĐTDĐ cuối cùng được cấp phép tại VN là EVN Telecom và
Hanoi Telecom đã chính thức cung cấp dịch vụ ĐTDĐ trên công nghệ CDMA
trong năm 2006. Thị trường ĐTDĐ VN đã có sự hiện diện của đầy đủ các nhà
khai thác, mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn và người dùng tiếp tục được
hưởng lợi.
8
Đại dịch virus nội và hiện tượng “đánh sập” website ngày càng nhiều, nghiêm
trọng. “Cơn bão” virus được tạo ra ở trong nước lây lan
mạnh mẽ qua Yahoo Messenger, công cụ chat phổ biến tại VN đã khiến nhiều
chatter điêu đứng trong năm 2006. Trong khi đó một loạt các website, nhất
là web về thương mại điện tử bị “đánh sập” mà điển hình nhất là web chodientu.com
đã bị hacker tấn công vào tháng 9/2006.
9
S-Fone triển khai truyền hình di động. Mạng ĐTDĐ S-Fone
đã ra mắt một loạt dịch vụ GTGT cao cấp lần đầu tiên có mặt tại VN trên
nền công nghệ CDMA 2000 1x EV-DO: VOD/MOD (xem phim, truyền hình/ nghe
nhạc trực tiếp trên ĐTDĐ) và Mobile Internet vào ngày 9/10/2006. Đây là
lần đầu tiên, các thuê bao di động VN có thể xem truyền hình di động,
một trong những dịch vụ cao cấp đang trở thành trào lưu tại Hàn Quốc,
Nhật Bản…
10
Luật hạn chế giờ chơi game online. Ngày 1/6/2006, liên
bộ BCVT, Văn Hóa Thông Tin, Công An đã ký ban hành Thông Tư liên tịch
số 60/2006/TTLT - BVHTT - BBCVT - BCA về quản lý trò chơi trực tuyến.
Đây là Thông Tư cần thiết và được đông đảo công chúng mong đợi. Tuy nhiên,
1 trong những qui định trong thông tư - game thủ chỉ được chơi không quá
3 giờ/account/ngày, nếu sau đó có chơi thêm thì hệ thống điểm thưởng sẽ
bị trừ dần và triệt tiêu bằng “0” (không) - đã gây ra tranh cãi khá nhiều
trong suốt thời gian qua.
(theo PC World VN) |