(Post 04/01/2007) Tháng 9.2006, ĐH FPT đã làm đơn xin phép Bộ GD-ĐT được thử nghiệm tự chủ và chịu trách nhiệm trong các hoạt động của mình, xin tuyển sinh ngay trong tháng 10 với 500 chỉ tiêu theo cách tuyển sinh riêng, sau nhiều văn bản qua lại, Bộ đã có công văn đồng ý đó là một sự kiện đáng chú ý trong 9 tiêu điểm của ngành giáo dục năm 2006 do báo Thanh Niên bình chọn. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong vòng vây của báo chí | |
1. Năm đầu tiên học sinh cả nước học chương trình phân ban trung học Sau 4 năm thí điểm, chương trình phân ban trung học được chính thức triển khai đại trà cả nước từ năm học 2006-2007. Ngoài hai ban có từ đầu (Ban Khoa học tự nhiên và Ban Khoa học xã hội - nhân văn), việc triển khai đại trà có thêm một ban mới là Ban Cơ bản và chính ban này lại được nhiều học sinh chọn lựa nhất. Không ít ý kiến cho rằng: sự xuất hiện của Ban Cơ bản với các môn nâng cao tự chọn theo khối thi ĐH về bản chất là sự thất bại của đề án phân ban. Tuy nhiên, theo các tác giả đề án thì đó không phải là thất bại mà trong tương lai có thể chỉ còn lại một ban theo hướng của Ban Cơ bản hiện nay. 2. Lần đầu thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH Lần đầu tiên, việc thi bằng hình thức trắc nghiệm được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ ở môn ngoại ngữ. Việc ra đề thi thiếu chặt chẽ gây hiểu lầm cho thí sinh trong các câu tự chọn nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc. 3. "Sự cố Hà Tây" và nói không với tiêu cực trong thi cử Mặc dù trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã chọn Hà Tây là trọng điểm thanh tra và chấn chỉnh công tác thi tốt nghiệp THPT, nhưng địa phương này tiếp tục để xảy ra quá nhiều lộn xộn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây) là người đã dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực khi trực tiếp làm giám thị tại Hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A. Tiếp ngay sau đó, thầy giáo Lê Đình Hoàng lại công bố thêm 4 đoạn phim về kỳ thi hỗn loạn tại hội đồng thi Nam Đàn 2 (Nghệ An) và các vụ lộn xộn vài nơi khác nữa đã khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chọn việc tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử là một trong hai trọng tâm của cuộc vận động đầu tiên trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình. 4. "Đường dây chạy trường" bị phanh phui Từ những lá đơn của một số phụ huynh và cựu giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) gửi đến Báo Thanh Niên, "đường dây chạy trường" ở trường này đã bị phanh phui 10 ngày trước khi bước vào năm học mới. Vấn đề "chạy trường" sau nhiều năm được dư luận đặt ra, "xới xáo", đây có thể xem là lần đầu tiên một vụ tiêu cực cụ thể được lôi ra ánh sáng. 5. Đổi mới quản lý đại học chuyển động mạnh Nhiều vấn đề liên quan đến mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý, hoạt động của các trường ĐH được diễn ra liên tục, với cường độ cao: nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đào tạo sư phạm, học chế tín chỉ, kiểm định chất lượng, tự chủ đại học... được bàn bạc ở nhiều nơi. Khá nhiều văn bản, hướng dẫn, lấy ý kiến về nhiều vấn đề rất tiến bộ chung quanh công tác quản lý giáo dục ĐH đã được giới thiệu. Tháng 9.2006, ĐH FPT đã làm đơn xin phép Bộ GD-ĐT được thử nghiệm tự chủ và chịu trách nhiệm trong các hoạt động của mình, xin tuyển sinh ngay trong tháng 10 với 500 chỉ tiêu theo cách tuyển sinh riêng, sau nhiều văn bản qua lại, Bộ đã có công văn đồng ý cũng là một sự kiện đáng chú ý của quá trình chuyển động đổi mới quản lý đại học. 6. Vụ đổ bể SITC Ngày 22.1, trong khi mọi người đang chuẩn bị đón Tết âm lịch, các cơ sở của Trường Anh ngữ SITC đồng loạt đóng cửa tại TP.HCM và ngay sau đó trên cả 6 tỉnh thành lớn khác. Quyền lợi người học bị thiệt thòi lớn nhưng ở góc độ các cơ quan quản lý chỉ mới thấy được phần nào trách nhiệm quản lý, nhưng còn ai phải chịu trách nhiệm thì... không rõ. 7. Bệnh thành tích được công khai đề cập Cũng từ sự kiện Hà Tây và liên tục sau đó là các hội nghị có tính chất lắng nghe, cầu thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo mà căn bệnh thành tích nhiều năm nay của ngành giáo dục được công khai mổ xẻ. Câu chuyện tưởng như rất cá biệt là "ngồi nhầm lớp", "sáng lớp 6, chiều lớp 1" lại phổ biến ở nhiều địa phương mà nguyên nhân chính là bệnh thành tích! Do vậy chủ đề thứ hai của cuộc vận động trong toàn ngành là chống bệnh thành tích đang tạo một luồng gió mới trong ngành. 8. Nhiều hoạt động hỗ trợ cho kỳ thi ĐH, CĐ và hướng nghiệp cho học sinh được toàn xã hội quan tâm. Trong đó chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tiếp tục được mở rộng trên nhiều tỉnh thành, không chỉ tổ chức ở các tỉnh phía Nam mà mở rộng ra các tỉnh phía Bắc. 18 đài truyền hình địa phương và trung ương tại các khu vực đã tổ chức ghi hình truyền hình trực tiếp phục vụ cho hàng triệu thí sinh và gia đình. Hoạt động Tiếp sức mùa thi cũng được duy trì ở quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn. Về phía Bộ GD-ĐT bước đầu đã xóa độc quyền trong việc in ấn tài liệu thông tin tuyển sinh bằng việc thiết lập cổng thông tin tuyển sinh điện tử về tuyển sinh. 9. Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân có thể được xem là một sự kiện của giáo dục trong năm. Một bộ trưởng chịu khó đi, xông xáo và có dấu ấn cá nhân tích cực ngay trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ. Người đang được cả xã hội kỳ vọng và điểm đáng nói ở vị tân bộ trưởng là rất chịu khó đối thoại với báo giới. Nhóm Phóng viên Giáo dục (theo Thanh Niên Online) |