Đại học FPT - 1 trong 8 sự kiện giáo dục 2006 do VietNamNet bình chọn  
 

(Post 05/01/2007) 1/1/2006 là thời điểm Luật Giáo dục mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Năm 2006, ngành giáo dục có Bộ trưởng mới. 2006, đánh dấu mốc của hàng loạt cái "đầu tiên": năm đầu tiên triển khai đại trà trung học phân ban, năm đầu tiên bỏ thi tốt nghiệp THCS... trong đó việc ra đời và đấu tranh đòi quyền tự chủ của ĐH FPT trở thành một trong các sự kiện...

HS trường ĐH Ngoại thương trong giờ học. Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, cần tự chủ ngay về tài chính cho cơ sở ĐH. (Ảnh: Nguyên Nhung)

Khi các nhà hành pháp đang loay hoay xây dựng văn bản dưới luật để đưa luật vào cuộc sống; khi vị tân Bộ trưởng đang hình thành các ý tưởng và chiến lược để thực hiện cho cam kết "10 năm tới giáo dục VN sẽ khác", khi các sự kiện đầu tiên đang được rút kinh nghiệm để "đo lường hiệu quả" thì trong thực tiễn sống động của ngành giáo dục năm 2006, đã xảy ra hàng loạt sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận.

Một thống kê sau 5 tháng thực hiện cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử cho thấy, cứ 3 ngày thì phát hiện một vụ tiêu cực. Những sự kiện này không phải là hiện tượng "đột biến" phát sinh trong năm mà là biểu hiện cụ thể của những vấn đề giáo dục tồn tại bao năm nay, giờ mới gặp đúng dịp bùng phát.

"Nhận diện" nó không phải để tô bức tranh màu xám mà để đối diện với những khiếm khuyết, những bất ổn, đòi hỏi người quan tâm và có trách nhiệm với giáo dục nước nhà đón nhận, đương đầu. Ở khía cạnh nào đó, những hiện tượng này cũng là dấu hiệu đòi hỏi bức thiết để có những quyết sách để xây dựng nền giáo dục lành mạnh.

Dưới đây là các sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2006 (xếp theo thứ tự thời gian diễn ra).

1. Hệ thống đào tạo Anh ngữ SITC đổ bể

Trong tháng 1 và 2, hệ thống các Trung tâm Anh ngữ SITC tại 7 tỉnh, thành phố lớn trong toàn quốc đổ bể. Tổng Giám đốc điều hành biến mất, kéo theo sự bơ vơ của hàng trăm ngàn học viên và nhân viên làm việc liên quan với những thiệt hại về tiền học phí, tiền công.

"Sự kiện SITC" đối với từng gia đình có thể chưa hẳn là giới hạn của sự sinh tồn nhưng là cảnh báo đối với các dự án đầu tư nói chung. Khi sự kiện xảy ra, người ta thấy kỷ luật chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước thấp, có sự cố xảy ra, không có cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ, sau sự kiện này, đã có yêu cầu rà soát cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài. Đến giờ, vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng thông báo kết quả cụ thể của vụ việc. Sự việc đặt ra yêu cầu bức thiết phải chuẩn bị hành lang pháp lý chuẩn mực cho doanh nghiệp thực hiện, đặc biệt khi thị trường giáo dục có yếu tố nước ngoài, dự báo sẽ bùng nổ khi Việt Nam tham gia WTO.

2. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tháng 6/2006, giáo viên Đỗ Việt Khoa, trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây đã dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh các buổi thi lộn xộn, có sự sắp đặt để tố cáo với cơ quan chức năng. Khi tố cáo, anh Khoa đề nghị không nêu tên, nhưng thấy việc xử lý quá chậm chạp, được báo chí động viên, anh đã công khai danh tính. Với sự vào cuộc tích cực của báo chí, những tố cáo này được làm rõ.

Lần đầu tiên một giáo viên dám lên tiếng và tìm được bằng chứng cho những kết quả "ảo" trong kỳ thi quốc gia mà tỷ lệ đạt yêu cầu thường cao ngất ngưởng. Nhậm chức trong thời gian diễn ra sự kiện, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm thầy giáo Đỗ Việt Khoa và sau đó, mở cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

3. Phanh phui đường dây "chạy trường"

Hiện tượng nhức nhối và nóng lên mỗi mùa tuyển sinh là "chạy trường" với những dư luận về số tiền để có một "suất" vào trường đã bị phanh phui. Đó là đường dây chạy trường tại Trường THPT Lê Qúy Đôn (TP.HCM). Sự việc được phát giác do phụ huynh và cả cựu giáo viên nhà trường bức xúc tột cùng trước việc làm hết sức trắng trợn và nhẫn tâm trong môi trường sư phạm của một vài cá nhân. Một số giáo viên liên đới và hiệu trưởng nhà trường đã bị nghỉ việc. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người liên quan ở cấp cao hơn thì không được đề cập. Một dấu hiệu tiêu cực tuyển sinh khác tương tự đã bị hé lộ tại Hà Nội, ở trường THPT cũng khá nổi tiếng là Kim Liên. Nhưng sau đó, sự việc bị bỏ lửng và không thấy lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục truy.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi đối thoại trực tuyến với bạn đọc. (Ảnh: Lan Hương)

4. Thay Bộ trưởng Giáo dục

Nhậm chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với cam kết "10 năm tới, giáo dục Việt Nam sẽ khác", ông Nguyễn Thiện Nhân đã thực hiện hàng loạt chuyến đi cơ sở, tiếp xúc thực tế. Khởi xướng cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

Cũng trong năm 2006, ông Nhân đã đặt vấn đề về đời sống giáo viên với chủ trương đưa quy định về dạy thêm học thêm lên lấy ý kiến, cùng cam kết đến năm 2010 giáo viên sống được bằng lương dù dự án đến 2007 mới hoàn thành để trình Chính phủ.
Song song với đó, các chỉ tiêu chiến lược cho bậc học đã được vạch ra như "nở rộ" ĐH, C Đ tới con số 600 vào 2020 và đào tạo 20.000 tiến sĩ mà một bộ phận dư luận có quan tâm tới giáo dục bậc cao tỏ ra quan ngại với những chỉ tiêu số lượng có dấu hiệu của "phong trào".

5. Hiện tượng văn mẫu và phá rào

Thí sinh Hoàng Thùy Nhi thi vào Trường ĐHSP thuộc ĐH Đà Nẵng đã có bài thi được ban giám khảo chấm điểm 10, sau đó được phát hiện là giống hệt sách tham khảo. Câu chuyện lại là một điểm nhấn cho vấn đề không mới: thi cử nặng nề, cách học nhồi nhét và cách chấm thi khuôn sáo.

Cùng thời gian đó, Sở GD-ĐT Ninh Thuận ra đề thi cho HS lớp 10 toàn tỉnh theo dạng đề mở "trái tim có điều kỳ diệu" và không có đáp án "mẫu" gây nhiều tranh cãi khác nhau. Đến tháng 10, 2 bài văn của các em học sinh lớp 10 ở Hà Nội và Nghệ An lại khiến dư luận được thêm một phen bàn tán vì sự đồng cảm giữa người ra đề, chấm và học sinh về tính nhân văn cần thiết ở một môn học mà sự sáo mòn là điều tối kỵ, sự sáng tạo và cảm xúc chân thật là những yếu tố cần khuyến khích. Hiện tượng này sau đó lại dẫn tới những hiệu ứng trong trường phổ thông mà mặt trái của nó là đổi mới đã đi quá xa, sáng tạo "theo phong trào".

6. Xóa độc quyền sách giáo khoa

Trước dư luận về những tác hại do hiện tượng "độc quyền" sách giáo khoa (sách vừa quá tải vừa dở, thay sách liên miên, Nhà xuất bản Giáo dục siêu lợi nhuận; SV ĐH “đói” giáo trình), nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có Công thư gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu thanh tra tài chính và công tác xuất bản sách giáo khoa tại Nhà xuất bản Giáo dục.

Hết tháng 12 chưa có kết quả thanh tra, nhưng Nhà xuất bản Giáo dục đã chủ động đề xuất đề án "xóa độc quyền" trong vấn đề này.

7. ĐH đòi tự chủ

ĐH tư thục FPT vừa ra đời đã thông báo tuyển sinh theo hình thức riêng, đồng thời đề nghị được thí điểm theo cơ chế quản lý "tự chủ". ĐH này đưa ra mức học phí kỷ lục so với giá cả phổ biến của học phí ĐH Việt Nam, đồng thời cam kết có chính sách bảo lãnh cho SV vay tiền ngân hàng học tập, tặng học bổng trị giá 500.000USD và đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sau thời gian kiên định yêu cầu ĐH FPT cần hoàn tất các thủ tục theo quy định chung hiện nay, cuối cùng thì Bộ GD-ĐT đã cho phép trường thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo kế hoạch của trường đặt ra.

Từ sự kiện này, dấy lên thảo luận về vấn đề tự trị ĐH Việt Nam. Trong đó, đề cập tới trách nhiệm xã hội của trường ĐH và những việc cần làm ngay thực hiện đúng chức năng quản lý về nhà nước về giáo dục.

8. Hiện tượng "ngồi nhầm lớp"

Học sinh lớp 7 nhưng không biết đánh vần. Học sinh lớp 8 nhưng làm các phép tính đơn giản cũng sai bét.

Có trường học thời khóa biểu khá đặc biệt "sáng 6, chiều 1" (buổi sáng HS học chương trình lớp 6, buổi chiều HS học lại kiến thức cơ bản về đọc, viết, tính toán của cấp 1).

Hiện tượng HS lên các lớp học cuối tiểu học, cấp THCS không thành thạo đọc, viết không phải riêng có của năm 2006 nhưng năm nay mới bùng phát trên nhiều báo chí.

Đến tháng 11, Bộ GD-ĐT phải có yêu cầu các địa phương rà soát lại hiện trạng nhức nhối này.

(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


Đại học FPT - 1 trong 8 sự kiện CNTT Việt Nam 2006 do VNExpress bình chọnĐại học FPT - 1 trong 9 tiêu điểm của ngành giáo dục năm 2006 do báo Thanh Niên bình chọn
Đại học FPT - 1 trong 10 sự kiện 2006 do báo Dân Trí bình chọnĐại học FPT - 1 trong 10 sự kiện CNTT - TT năm 2006 do PC World VN bình chọn
“Điểm Hẹn FPT” - Liên hoan văn nghệ sinh viên Học viện Quốc tế FPTHọc viện Quốc tế FPT thăm hỏi và trao quà cho gia đình nhân viên thiệt hại do bão Durian
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11