(Post 31/03/2007) Độc lập nghiên cứu, tôi lao
vào đọc các tài liệu quý giá của EDF và cố gắng hoà mình với tập thể mới,
mặc dù tiếng Pháp còn chưa sõi. Rồi tôi nhanh chóng được chọn tham gia
một dự án tự động hóa các thiết bị điều khiển lưới điện cao áp bằng vi
tính. Nguyên do là trong thời gian thử việc, dựa trên kinh nghiệm từng
có với VT80, tôi đã tự mình tìm hiểu bộ vi xử lý Intel 8085 có khả năng
mạnh về ngắt rồi xây dựng thành công một hệ phát triển cho chip mới này.
Nhóm thực tập sinh với Alain và Hoàng Thành Đào đi thăm Nhà thờ
Đức Bà Paris (Photo CCSTV, 1978) |
|
Kỳ I: VT80 - chiếc
máy vi tính đầu tiên của Việt Nam
Kỳ II: Các thiết kế mới
Đầu năm 1978, tôi cùng một số ứng viên khác được gọi
đi kiểm tra trình độ hiểu và diễn đạt tiếng Pháp. Sứ quán Pháp nằm trong
một khu vườn tuyệt đẹp, có cả sân tennis, cạnh cổng là một bảng đồng ghi
lại sự kiện năm 1972 bom Mỹ đã làm chết tới 6 người kể cả ông Tổng đại
diện Pierre Susini. Mới tự học được vài tháng nên tôi lo lắm và thực tế
đã ngúc ngắc không ít, thế mà đỗ mới lạ kỳ, có lẽ chỉ vì biết gì nói nấy.
Khi anh Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế dặn dò các điều kiện xuất ngoại và an
ninh, rồi trao hộ chiếu công vụ và tấm vé Air France có ghi giá cao hơn
Airoflot gấp mấy lần, thì tôi bắt đầu hiểu “đi Tây” khó như thế nào. Chia
tay gia đình và bè bạn, tôi một mình lên đường. Lộ trình hàng không lúc
đó dài hơn 4 ngày, phải đi vòng qua Trung Quốc và chờ đổi máy bay nhiều
lần. Ngay từ cửa khẩu Nam Ninh, thái độ của các nhân viên biên phòng và
kiểm dịch đã cho thấy quan hệ giữa hai nước khác xa những gì báo, đài
phản ánh. Bắc Kinh xám xịt trong sương giá, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình
vừa quay lại nắm quyền, thông tin trong sứ quán trái ngược nhau, nhưng
vì trẻ tuổi lạc quan nên tôi không hề có ý nghĩ nào về khả năng chiến
tranh.
Đến Paris, tôi rơi vào một thế giới khác hẳn, kinh thành
này thật xứng danh "thủ đô ánh sáng" về nhiều nghĩa, song không
"hoa lệ" như sách viết. Dân lành ăn mặc giản dị và gọn ghẽ,
may mà tôi chưa diện cái bộ "mốt" Hà Nội vừa mới mua. Lại vẫn
có một cán bộ ra đón. Anh ấy tự giới thiệu là phụ trách thực tập sinh,
dọc đường vui chuyện chỉ sân bay và các khách sạn bảo: "Sợ chưa?".
Tôi thật thà nói: "Roissy hiện đại và mênh mông, nhưng nông dân mất
ruộng sống thế nào ở nơi phi cơ ầm ầm suốt ngày đêm?" Anh ngớ ra,
rồi về đến trú quán lại ngạc nhiên lần nữa khi tôi cám ơn và trả tiền
chuyên chở. Đơn giản, tôi nghĩ mình đi đâu thì da vẫn vàng, 5 năm giờ
mới lại được ăn no, vậy nên cố học cái hay của họ. Suốt kỳ thực tập, tôi
đã thường xuyên nộp báo cáo công tác và trích học bổng ít ỏi "đóng
góp cho quê hương"... qua anh. Mấy năm sau nghe đồn anh đổi quốc
tịch, lần này đến lượt tôi sững sờ vì nếu không nhầm thì đó là con một
cụ trước kia cực kỳ quyền thế và nghiêm túc.
Thoạt tiên, kế hoạch cũ gặp trục trặc: Viện Quốc gia
Nghiên cứu Tin học và Tự động học (INRIA) nay hết chỗ thực tập cho tôi,
dường như họ đang ưu tiên hợp tác với người Mỹ về lĩnh vực mạng và ngôn
ngữ ADA rất mới mẻ. Nhờ Alain chạy ngược xuôi thu xếp, cuối cùng tôi được
Trung tâm Nghiên cứu Triển khai của Công ty Điện lực Pháp (EDF) thu nhận.
Ngỡ rủi hoá ra may, thậm chí đại phúc: nơi đây sẽ là cái nôi thực tiễn
giúp tôi và nhiều anh chị đi sau rời bỏ tháp ngà hàn lâm để học một số
quy trình công nghiệp: từ thí nghiệm, chế tạo mẫu... đến việc đưa sản
phẩm vào ứng dụng hàng loạt. Xin nói thêm, lúc đó cả nước Pháp chỉ có
một cỗ máy siêu tính Cray-1 duy nhất mà Quốc hội Mỹ duyệt cho EDF và Đại
học Bách khoa Paris mua để dùng chung.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các GS Henri Van
Regemorter và Gilles Marchal (Photo CCSTV 1981) |
|
Độc lập nghiên cứu, tôi lao vào đọc các tài liệu quý
giá của EDF và cố gắng hoà mình với tập thể mới, mặc dù tiếng Pháp còn
chưa sõi. Rồi tôi nhanh chóng được chọn tham gia một dự án tự động hóa
các thiết bị điều khiển lưới điện cao áp bằng vi tính. Nguyên do là trong
thời gian thử việc, dựa trên kinh nghiệm từng có với VT80, tôi đã tự mình
tìm hiểu bộ vi xử lý Intel 8085 có khả năng mạnh về ngắt rồi xây dựng
thành công một hệ phát triển cho chip mới này. Thấy vậy, ông Rata, vị
giám đốc vừa giỏi quản trị vừa mê kỹ thuật cao, đã đề nghị tôi dùng luôn
hệ đó để thực hiện phần trung tâm của các thiết bị dự án và thiết kế mạch
in của các bìa CPU, EPROM và RAM, bên cạnh 4 kỹ sư EDF thực hiện các tủ
điều khiển lưới điện và cùng một số đối tác khác lập trình ứng dụng bằng
ngôn ngữ bậc cao được dịch chéo (cross compiling) trên máy tính lớn. Đề
nghị trên đi kèm với phụ cấp cao hơn 3 lần học bổng của tôi nên thật bất
ngờ và hấp dẫn. Thấy mình có thể làm xong nhiệm vụ này trước thời hạn
về nước và các mạch in sẽ cho phép sản xuất máy vi tính tin cậy hơn với
cấu hình thay đổi dễ dàng, tôi vội bàn bạc với Alain rồi nhận lời ông
Rata. Mặt khác, tôi nghĩ có lẽ không cần báo cho anh phụ trách biết việc
này và tự dành một phần lớn phụ cấp để sẽ mua vật tư đem về nước, như
thế mới có thể trực tiếp đóng góp cho quê hương đang bị cấm vận, đói nghèo
và tăm tối.
Trong khi gấp rút thực hiện nhiệm vụ trên, nhận thức
của tôi về xã hội bên ngoài EDF còn được mở rộng, bắt đầu bằng việc có
2 vị giáo sư khoảng 50 tuổi nộp đơn xin thực tập vi xử lý sau khi từ xa
đến dự một chuyên đề của dự án chúng tôi. Bên cạnh giao tiếp với giới
cùng nghề, tôi cũng tìm dịp gặp gỡ những người thuộc các lĩnh vực khác
trong đó có một số trí thức rất đáng kính như Alfred Kastler, Henri Carpentier,
Laurent Schwartz,... mà tư tưởng nhân đạo và hành động thực tiễn của họ
đã được nghe nói từ trước. Phần lớn họ đều quan tâm không vụ lợi đến Việt
Nam và chỉ hỏi tôi làm cái gì, vì mục đích nào, chứ không hỏi tôi có bằng
cấp đến đâu. Nhờ những nguồn thông tin khác, tôi lờ mờ hiểu ra thế nào
là các mạng lưới tri thức, biết rõ hơn về lịch sử và tự đặt câu hỏi: "70
năm trước, các ông nghè, ông cống đã từng lập Đông kinh Nghĩa thục, nơi
thanh niên cùng phụ lão vừa dạy vừa học, giương cao ngọn cờ "thực
học, thực nghiệp, chấn hưng dân khí, hậu dân sinh...", tại sao bây
giờ số đông chúng ta lại ham chức sắc và lý luận suông đến thế?".
Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên đi xe hoả đến nhà riêng
của Henri Van Regemorter, Chủ tịch CCSTV, và thăm Đài thiên văn giữa rừng
Meudon, nơi ông làm việc đến tận khi ngã bệnh rồi ra đi vĩnh viễn ngày
24-11-2002. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về vị GS công huân ấy như
sau: "... Những năm các lực lượng thù địch cấm vận Việt Nam, bạn
bè quốc tế đã giúp chúng tôi vượt qua ngăn trở này và Henri là một trong
số đó. Bằng việc thành lập CCSTV, Henri và các đồng sự của mình đã mở
một cánh cửa lúc đó gần như duy nhất để VN có thể liên thông với thế giới
KH và KT đương đại thông qua nước Pháp..." (trích dịch từ "Viet
Nam, une coopération exemplaire", nhà xuất bản L' Harmattan, Paris,
2004).
Các bìa mạch in của VT81 (Photo: Nguyễn Chí Công
2007) |
|
Vài tháng sau, tuyết bắt đầu rơi lạnh lẽo nhưng công
việc cơ bản đã hoàn thành; ông Rata và cả những người không trực tiếp
tham gia dự án đều thực sự vui mừng. Ban lãnh đạo thưởng công, cho phép
tôi được quyền sử dụng các thiết kế của mình vào những mục đích phi lợi
nhuận. Tôi bắt đầu tìm mua những vật tư còn thiếu và nhân bản các mạch
in để đem về nước (lúc đó ở Việt Nam chưa có xưởng làm mạch in nhiều lớp
với lỗ thông và tiếp điểm mạ vàng) cùng hệ phát triển. Trước đó, ngay
sau cơn lụt lớn ở Bắc Bộ, đợt thực tập sinh tiếp theo của Viện KH Tính
toán và Điều khiển đã sang tới Pháp. Anh Tiễu đi Viện Toán học Ứng dụng
Grenoble (IMAG), anh Vũ Duy Mẫn đến làm việc ở Viện Lập trình; còn 2 anh
Thái và Đức đến chỗ tôi, được phân công thực hiện các bìa I/O và nghiên
cứu hệ điều hành CP/M của công ty DRI (Digital Research Inc.), đang chạy
trên các máy vi tính Mỹ. Tuy nhiên ngày ấy còn rất hiếm thông tin sâu
về công nghệ mới, thí dụ sau này tôi mới biết chính năm 1978, Rivest,
Shamir và Adleman đã tìm ra giải thuật mã hoá RSA. Hãng R2E lúc đó cũng
đang nổi tiếng nhất nhì thế giới nhờ dòng máy tính Micral do anh André
Trương (người gốc Việt) cùng các kỹ sư Pháp làm ra từ rất sớm, thế mà
chúng tôi cũng không tìm được đầy đủ tài liệu của họ để học tập. Tôi còn
cùng anh Mẫn (vốn học ở CHDC Đức) sang thăm Đông Berlin, nhân tiện ghé
tìm tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học nhưng chỉ photocopy được vài trang
thư mục về lý thuyết lập trình của Mỹ. Mục kích sự kiểm tra biên phòng
vô cùng ngặt nghèo, rồi vụ bắt bớ các nhà khoa học Đông Đức ở Pháp, tôi
rất sợ cho việc mình đang làm, nhưng cũng không thể nào ngờ bức tường
bê tông Berlin sẽ có ngày sụp đổ. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ tiếp tục săn tìm
các vật tư còn thiếu cho kế hoạch sản xuất loạt máy vi tính VT8X.
Nguyễn Chí Công
(theo Tạp chí Tin học & Đời sống) |