(Post 09/05/2007) Chương trình Siêu thị việc
làm - tiêu điểm của Festival tuyển dụng sinh viên, cử nhân khối ngành
kinh tế lần 2- vừa diễn ra tại Hà Nội đã thu hút hàng vạn sinh viên tới
thử sức cơ hội nghề nghiệp và nơi thực tập. 31 doanh nghiệp đã mở cửa
để đón nhận khoảng 3.000 sinh viên vào làm việc và thực tập. Tuy nhiên,
theo nhiều nhà tuyển dụng, nhiều nhất cũng chỉ nhận được 10-15% số sinh
viên có thể đáp ứng được các yêu cầu để vào thử việc.
Theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn cả nước có hơn 70%
sinh viên ra trường không có việc làm ổn định hoặc không theo đúng ngành
nghề mình chọn. Sự mất cân đối giữa lý thuyết và kỹ năng thực hành vẫn
đang tiếp tục là rào cản đối với sinh viên trên hành trình xin việc. Nguyên
nhân xuất phát từ cả hai phía: nhà trường và sinh viên.
Cho đến hiện tại, khi thị trường lao động ngày càng thay
đổi mạnh, đòi hỏi người lao động đáp ứng nhanh yêu cầu thực tế công việc
thì chương trình học tại các trường đại học vẫn cơ bản theo lối mòn: nặng
lý thuyết, nhẹ thực hành. Một số trường đã có những thay đổi nội dung
đào tạo sát với thực tế hơn nhưng do thiếu điều kiện, phương tiện để sinh
viên thực hành, thiếu sự liên kết trong đào tạo giữa nhà trường và cơ
sở sản xuất, kinh doanh nên khoảng cách học và hành vẫn còn xa vời. Khi
ra trường, mớ kiến thức sinh viên có được khác xa với thực tế công việc.
Và đương nhiên, thời gian để thích ứng với công việc tương đối dài. Trong
khi đó, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng những người
có khả năng làm việc tức thì, thậm chí là phải có kinh nghiệm vài năm.
Về phía sinh viên, phần lớn còn thiếu ý thức về việc
cập nhật kỹ năng thực hành. Họ chủ yếu chú trọng đến bằng tốt nghiệp,
kết quả học tập, mà ít quan tâm các yếu tố thực hành, kỹ năng ngành nghề,
và các kỹ năng khác như khả năng giao tiếp, thảo luận, đóng góp ý kiến,
thuyết trình trước đám đông; hay tìm hiểu về công ty, việc làm mà mình
định nhắm đến... Vì thế, nhiều sinh viên ra trường có bằng khá, giỏi,
thậm chí hai, ba bằng nhưng vẫn thất nghiệp.
“Học đi đôi với hành”, là khẩu hiệu bấy lâu nay của ngành
giáo dục. Tuy nhiên, việc phấn đấu thực hiện khẩu hiệu đó chưa đạt được
hiệu quả đáng kể. Vì thiếu kỹ năng thực hành, hằng năm, số sinh viên ra
trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề vẫn luôn chiếm
tỷ lệ cao.
Nếu các trường đại học không nhanh chóng thay đổi nội
dung và phương pháp đào tạo, gắn học tập, nghiên cứu với thực tế, thì
còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Nếu các sinh viên không tự cập nhật kiến thức cuộc sống,
kiến thức ngành học của mình, thì chính họ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh
tốt nghiệp rồi thất nghiệp.
HUY QUÂN
(theo báo Quân Đội Nhân Dân) |