Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường - Bài cuối: Không chạy theo “thị hiếu xã hội”  
 

(Post 28/04/2007) GDP tăng, mức sống người dân tăng…, nhưng sự phát triển của chúng ta hiện chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo càng xa thêm. Soi rọi bên trong từng lĩnh vực, chúng ta lấy làm tiếc nếu có những chính sách, quyết định sáng suốt hơn thì bộ mặt đất nước hẳn đã khác nhiều.

GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang

Các phần đã đăng:

Và lỗi lớn nhất là chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực then chốt là giáo dục và đào tạo. Chúng tôi có cuộc trao đổi với GS Võ Tòng Xuân (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang – một trong những vị giáo sư đầu ngành nổi tiếng là “gai góc” nhưng đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

* PV: Hiện nay tất cả các địa phương đều đào tạo giống nhau cả về phương pháp, giáo trình giảng dạy đến ngành nghề đào tạo theo kiểu “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Theo GS, chúng ta có nên theo mô hình “mỗi nhà một sản phẩm”?

GS VÕ TÒNG XUÂN: Mỗi tỉnh một trường ĐH là một quyết định “theo thị hiếu xã hội” mà không theo nhu cầu phát triển kinh tế. Thị hiếu xã hội ở các nước nghèo đều giống nhau: làm mọi cách để có mảnh bằng ĐH, mong thoát ra khỏi làng quê xơ xác. Người ta rất sợ làm nghề vì lương thợ trung cấp quá thấp (trong khi đó nước ngoài trả lương thợ có tay nghề nhiều khi cao hơn lương ĐH chỉ biết lý thuyết và nghiên cứu).

Vì vậy ít người nghèo thích vào học trường nghề, mà chỉ muốn đi thẳng lên ĐH. Trong khi đó, phát triển kinh tế địa phương rất cần nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, các loại dịch vụ và chuẩn bị lao động xuất khẩu.

Trong thời đại WTO, nhu cầu nguồn nhân lực tay nghề này quan trọng gấp nhiều lần hơn nguồn lao động lý thuyết hàn lâm từ các ĐH mà phải mất ít nhất 4 năm mới đào tạo được một ít phần trăm lao động ở mỗi địa phương. Do đó, chúng ta nên nhanh chóng điều chỉnh quyết định đào tạo “theo thị hiếu xã hội” mà nên quyết định sáng suốt là “theo nhu cầu phát triển kinh tế thời hội nhập”.

Trong 2 ngày 27 và 28-3 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã cùng các chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam thảo luận quy chế thành lập trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ). Đây là loại trường rất phổ biến ở tất cả các quận khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, ở Canada, châu Âu (nhất là Đức và Hà Lan) và một số nước châu Á.

Theo kinh nghiệm của trên 1.200 trường CĐCĐ ở Hoa Kỳ, mỗi trường CĐCĐ được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ đào tạo kỹ năng thực hành mọi ngành nghề chuyên môn cho mọi tầng lớp lao động của địa phương, từ thanh niên đến người lớn tuổi có nhu cầu học hỏi.

Trường không được quyền từ chối khi người dân địa phương muốn xin vào học. Mỗi khóa học có thể chỉ vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc học theo tín chỉ, rồi lần lần liên thông lên ĐH, nếu có điều kiện tài chính. Nhưng đó là cách làm của các nước tiên tiến, còn ở ta thì loại trường CĐCĐ hoàn toàn mới lạ với văn hóa, tập quán của Việt Nam.

Ít ai ở Việt Nam có thể tưởng tượng trên đời này có một loại trường dạy đủ thứ kỹ năng thực hành nghề nghiệp, thu nhận vào đủ hạng người học như thế. Nhưng thực tế đã có hàng ngàn trường như vậy trên thế giới. Tôi đề nghị sau khi quy chế về trường CĐCĐ được Bộ GD-ĐT xây dựng trên cơ sở đóng góp ý kiến của chuyên gia, có thể gọi tên là Đại học Cộng đồng (cho hợp thị hiếu xã hội) trên cơ sở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề hiện có trên địa bàn tỉnh.

Chúng ta không nên thành lập thêm trường ĐH hàn lâm chuyên ngành hoặc tổng hợp như hiện nay, vì không đủ sức đầu tư tài chính cho cơ sở vật chất và không đủ giảng viên/nghiên cứu viên có trình độ tầm cỡ quốc tế. Hãy để các nhiệm vụ của ĐH hàn lâm cho các trường ĐH mạnh, nhất là các trường ở TPHCM và Trường ĐH Cần Thơ.

* Theo GS, nên chăng xây dựng một hệ thống dự báo nhu cầu xã hội trải khắp các tỉnh, thành với một cơ quan điều phối thống nhất? Đây sẽ là cơ sở cho các trường, các địa phương lập kế hoạch đào tạo và điều chỉnh chiến lược phát triển trong từng giai đoạn?

Hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực phải gắn với bộ phận hoạch định chiến lược (HĐCL) của từng địa phương chứ không phải là một đơn vị riêng lẻ. Do đó, trách nhiệm của HĐCL là dự báo luôn nhu cầu nhân lực và đặt hàng cho trường ĐH (nếu nhu cầu cấp lý thuyết cao, nghiên cứu) hoặc cho trường CĐCĐ (nếu nhu cầu là những kỹ năng thực hiện đổi mới những khâu công tác của bộ máy các sở, ban ngành, các công ty, xí nghiệp, các bộ phận trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh).

Thí dụ, khi chúng ta đã vào WTO, một cam kết quan trọng với quốc tế là phải tuyệt đối tôn trọng quyền tác giả, không được in sao lậu những tác phẩm sở hữu trí tuệ khi chưa có được bản quyền. Vậy phần lớn các máy tính của ta sử dụng hiện nay được cài đặt phần mềm không bản quyền, là vi phạm luật quốc tế.

Công ty phần mềm bị sao chép lậu có thể kiện Việt Nam trước WTO. Để tránh tình trạng này xảy ra trên địa bàn một tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao cho trường CĐCĐ của tỉnh nhiệm vụ đào tạo kỹ năng sử dụng hệ thống phần mềm mã nguồn mở Linux cho tất cả các nơi trong tỉnh để thay phần mềm sao chép lậu.

Trường CĐCĐ sẽ liên hệ và hợp đồng với chuyên gia về Linux về trường huấn luyện kỹ năng đó cho mọi người trong tỉnh có nhu cầu học. Chỉ có loại trường như thế mới có thể linh động đáp ứng ngay nhu cầu nhân lực của địa phương.

* Thưa GS, năm qua đã đánh dấu những sự kiện lớn của đất nước: Chúng ta đã là thành viên WTO và tham gia đầy đủ vào các quan hệ quốc tế với Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Tất cả đều mở ra những cơ hội rất lớn cho sự phát triển của đất nước, trong đó có ĐBSCL…

Đúng rồi! Rõ ràng là những sự kiện đó đưa tới một cơ hội rất lớn. Nhưng mà muốn củng cố cái thế này thì nguồn nhân lực của ta phải được nâng cao lên. Nếu tiếp tục như thế này thì chúng ta không thể nắm bắt các cơ hội mà còn phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Nông dân Việt Nam mình có thể nói là rất cần cù, rất chịu khó, siêng năng, nhiều sáng tạo. Nhưng cũng chính nhiều sáng tạo đó làm cho nông dân mình gặp rất nhiều cực khổ, mang họa vào thân! Tôi lấy ví dụ: Bà con nông dân mình gọi là “lão nông tri điền”, người ta dựa vào kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, khắc nghiệt về thiên nhiên nhưng họ chỉ làm tới mức đó thôi chứ không làm cao hơn nữa.

Trong khi muốn làm giàu, muốn phát triển cao hơn thì phải chuyển đổi, phải sử dụng kỹ thuật. Nhưng thường thường bà con mình không theo đâu. Tôi đến nhà một nông dân rất nổi tiếng, tên Hai Chung. Tâm sự với tôi, ông kêu tôi bằng chú Ba: “Mấy nhà khoa học các chú nói tụi tôi nghe tụi tôi khoái lắm, nhưng nói thiệt với chú, mấy chú về rồi cũng lãnh lương, còn tụi tôi mà nghe hết trơn hết trọi thì tụi tôi bán lúa giống hết, trật lất hết trơn. Cho nên giờ nghe một phần thôi”. Một phần mà họ nghe là về cái giống mới thôi: họ chỉ nhận giống mới chứ còn xạ dày, xạ thưa, xạ vừa phải thế nào mà mình nói là họ hổng nghe…

* Ông nghĩ thế nào về vấn đề cải cách giáo dục, đào tạo để phù hợp với người nông dân?

Phải làm sao đừng có những học sinh ngồi nhầm lớp nữa. Hệ thống giáo dục phải được chỉnh đốn lại rất căn bản để học đến lớp 9 là các em có thể làm được rất nhiều thứ. Và khi lên lớp 10, lớp 12 nên có giờ học sinh học, kỹ thuật lâm nghiệp hoặc là công nghiệp.

Bây giờ nói tới xã hội hóa giáo dục, nghe rất hay nhưng cần có biện pháp đi kèm. Nếu có một luật về thuế của Việt Nam mình giống như các nước khác: nếu anh cho tiền cho một trường ĐH, một cơ sở giáo dục, một cơ sở từ thiện mà nhà nước công nhận thì tiền đó anh được phép tính vào trong chi phí tính thuế mà cuối cùng anh được miễn thuế đó.

Bộ giáo dục muốn xã hội cùng chia sẻ chi phí về giáo dục với nhà nước. Cái đó đúng! Nhưng ở Việt Nam hiện khoảng cách giàu nghèo lớn quá. Ở nông thôn phần lớn người ta nghèo mà bắt đóng tiền học như ở thành phố thì làm sao người ta chịu nổi. Muốn trường ĐH, trường dạy nghề phải chất lượng cao, mà chất lượng cao thì phải đầu tư rất nhiều. Cho nên nông thôn chúng ta hiện nay không đi học được là thế.

Theo tôi chúng ta nên phân loại các loại thành phố, tỉnh thành, nơi nào lợi tức thấp thì chúng ta thu học phí thấp thậm chí miễn để cho người ta đi học, còn chỗ nào lợi tức cao thì thu cao. Nhà nước phải đầu tư cho cơ sở vật chất của các trường vùng sâu vùng xa, đồng thời khuyến khích vào học mà không phải đóng học phí quá cao. Mặt khác phải trả lương cô giáo thầy giáo xứng đáng để chất lượng dạy tốt, ít ra cũng một bảy một mười so với thành phố.

Vị trí của chúng ta trong châu Á cũng như trên thế giới về sản phẩm nông nghiệp, thủy sản là rất lâu bền. Nếu chúng ta có chính sách đúng thì sẽ khơi hết tiềm năng để cất cánh mạnh mẽ trong những năm tới.

* Xin cám ơn giáo sư!

Nhóm PV khoa giáo
(theo báo Sài Gòn Giải Phóng)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường - Bài 3: Ba trong mộtĐào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường - Bài 2: Tiệm cận cung – cầu
Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường - Bài 1: Thừa “ngọn”, thiếu “gốc”Chuyên đề Kế Hoạch Cuộc Đời - Bài 6: Đừng ỷ vào sức trẻ!
Chuyên đề Kế Hoạch Cuộc Đời - Bài 5: Thành công: 80% nhờ kế hoạchChuyên đề Kế Hoạch Cuộc Đời - Bài 4: Không kế hoạch, thành công chỉ là ăn may!
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11