(Post 11/04/2007) Khi Việt Nam gia nhập WTO, giới trẻ phải chuẩn bị nhiều kĩ năng để hội nhập. Trong đó, điều quan trọng cần có là một cung cách làm việc chuyên nghiệp và có kế hoạch. Có tới 80% những người thành công trong sự nghiệp là do họ có “kế hoạch cuộc đời” và thực hiện nó một cách khoa học. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc | |
Linh hoạt: dễ làm "vỡ" kế hoạch - Thưa ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tư duy lập kế hoạch của người Việt? Người Việt ta, trước kia, chịu ảnh hưởng sâu của nền nông nghiệp lúa nước. Không phải xã hội nông nghiệp không có kế hoạch. Thực ra là có kế hoạch nhưng không tổ chức và thực hiện nó một cách chặt chẽ. Đến nay, cái truyền thống nông nghiệp đó được đưa vào trong xã hội khiến nhiều người vẫn có thói quen tùy tiện, ngẫu hứng. Trong xu thế phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập, từ xã hội đến mỗi cá nhân nếu không xây dựng kế hoạch một cách khoa học, không có quyết tâm cao thì sẽ bị tụt hậu. - Là một người có cơ hội làm việc nhiều với người nước ngoài và đã từng sang Hà Lan học tập trong một thời gian dài, ông có thể so sánh nét khác biệt trong cách lập kế hoạch của người Việt và cách lập kế hoạch của người nước ngoài? Rõ ràng là có nhiều điểm khác biệt. Điều này cũng xuất phát từ tư duy của những con người khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau. Tư duy của người Việt là tư duy động, linh hoạt và thiên về cảm tính. Tư duy của người phương Tây là tĩnh, thiên về lí tính. Chính vì thiên về lí trí nên họ có kế hoạch, có cách tổ chức chặt chẽ hơn ta. Điểm khác biệt cũng xuất phát từ hai nền sản xuất: Nông nghiệp và công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên không ổn định. Người Việt buộc phải lập và thực hiện một cách linh hoạt các kế hoạch của mình. Sử dụng cái linh hoạt và liên tục linh hoạt khiến các kế hoạch của người Việt dễ bị phá vỡ. Ngược lại, sống trong xã hội công nghiệp, có tính ổn định cao, do đó, người nước ngoài thường có thói quen lập kế hoạch rất chi tiết từng ngày, từng tháng, thậm chí từng năm.
Tất nhiên, văn hóa và nền sản xuất chỉ là nguyên nhân khách quan. Việc lập kế hoạch của người Việt chưa hiệu quả chủ yếu là từ suy nghĩ. Tức là phải có quyết tâm thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc, phải có trách nhiệm trước kế hoạch của mình.
Chúng ta hay có thói quen đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho khách quan. Một người đến cơ quan muộn anh ta sẽ lấy lí do là tắc đường hay hỏng xe. Thực tế là do anh ta.
Người nước ngoài thì không vậy. Nếu họ đi muộn và bị sếp trách cứ, lập tức họ nhận lỗi và có kế hoạch khắc phục việc đi muộn của mình.
Đừng nghe nói, hãy nhìn cách làm! - Các bạn trẻ ngày nay đã có nhiều thay đổi về suy nghĩ. Vậy ông có nhận xét gì về cách lập kế hoạch của họ?
Tôi rất mừng vì có nhiều bạn trẻ có những kế hoạch bản thân hết sức táo bạo. Họ có kế hoạch trong mọi chuyện. Từ kế hoạch trong công việc, giải trí, du lịch, thậm chí cả kế hoạch trong tình yêu.
Các kế hoạch phần nào đã bộc lộ trách nhiệm của họ đối với bản thân, bộc lộ là những con người sống có mục tiêu, ham học hỏi. Hơn hết, bộc lộ một cung cách làm việc chuyên nghiệp.
Tôi rất ngạc nhiên khi biết có bạn lập kế hoạch đạp xe từ Bắc vào Nam. Nhiều bạn có kế hoạch mỗi năm đặt chân đến 2 hoặc 3 nước trên thế giới. Nhiều bạn dự kiến thành lập công ty, dự kiến kiếm những số tiền lớn.
Tuy nhiên, những người lập ra kế hoạch và thực hiện thành công kế hoạch đó không nhiều.
Hãy đừng nghe anh ta nói mà hãy xem anh ta làm như thế nào. Việc lập kế hoạch thì dễ, thực hiện nó mới là điều khó. Do đó, có nhiều bạn trẻ nghĩ ra những kế hoạch lớn lao. Đề ra rồi bỏ đấy thì mọi việc cũng trở nên vô nghĩa. Lại có những bạn lập kế hoạch không dựa trên khả năng và điều kiện của mình, đến lúc kế hoạch bị phá vỡ sẽ bị thất vọng rất lớn.
Tôi luôn khuyến khích những bạn trẻ có hoài bão lớn. Song, những dự định, những kế hoạch quá xa với khả năng thực hiện sẽ trở thành ảo tưởng.
Tôi có một cậu cháu. Trong dịp tết năm ngoái, cậu ta có dự định trong năm 2006 sẽ sang Ai Cập thăm quan các Kim Tự Tháp. Ý tưởng rất hay nhưng không thể muốn là đi ngay được. Để làm được điều đó, cậu ta phải có tiền, phải học ngoại ngữ và chí ít cũng phải biết đôi chút kiến thức về lịch sử và kiến trúc của Kim Tự Tháp. Sau một năm, kết quả là cháu tôi vẫn chưa thực hiện được kế hoạch của mình do số tiền chi phí sang Ai Cập quá sức với cậu.
- Ông có lời khuyên gì cho cách lập kế hoạch của người trẻ?
Vấn đề là ở tính khả thi của kế hoạch. Một kế hoạch đề ra phải có tính khả thi. Có nghĩa là nó phải thực hiện được và thực hiện thành công. Khi lập kế hoạch cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố như khả năng, hoàn cảnh, con người, vật chất…
Tôi đồng ý với kế hoạch táo bạo của các bạn trẻ. Tuy nhiên kế hoạch có thành công hay không, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, nó không còn phụ thuộc vào sức mạnh duy ý chí.
Theo tôi, để có kế hoạch đạt hiệu quả cần phải xác định từ khâu lập kế hoạch. Cần lập kế hoạch có tính khả thi cao. Tính khả thi ở đây là sự phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, khả năng của bản thân. Hơn nữa, khi đã lập kế hoạch thì phải nỗ lực và quyết tâm thực hiện. Phải thường xuyên tự kiểm tra tiến độ thực hiện của kế hoạch.
Lập và thực hiện kế hoạch cần theo từng bước. Chia kế hoạch thành các giai đoạn nhỏ. Thành công ở giai đoạn này sẽ là bước tạo đà cho giai đoạn tiếp sau và để đi đến mục tiêu cuối cùng của kế hoạch.
Cuối cùng, việc lập kế hoạch phải có mục tiêu vì sự phát triển của cá thể và cộng đồng. Đi ngược lại mục tiêu phát triển, những kế hoạch sẽ trở thành những âm mưu.
- Xin cảm ơn ông! Thế Đạt (thực hiện) Bài 1- Kế hoạch cuộc đời Bài 2- Những kế hoạch gây "sốc" Bài 3- Những người trẻ sống bằng kế hoạch của người khác Bài 4- Không kế hoạch, thành công chỉ là ăn may! (theo VietNamNet) |