(Post 07/04/2007) Thói quen lập kế hoạch phải bắt đầu từ mục tiêu, trong cuộc sống mình hướng đến cái gì. Tìm ý nghĩa cuộc sống ở đâu... Đó là những câu hỏi rất lớn, nhưng cũng là băn khoăn của nhiều người, và không dễ có câu trả lời. TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ ý kiến về câu chuyện "kế hoạch cuộc đời". TS Nguyễn Sỹ Dũng | |
Câu trả lời có khi thay đổi theo hệ thống giá trị và theo thời gian. Tuy nhiên, trong cuộc sống mình phải có "đích" hướng đến, và muốn đạt được thì phải lên kế hoạch... Thực tế, các bạn trẻ thường có hào hứng rất chung chung: "Muốn thành đạt, muốn cống hiến, muốn làm nhiều điều có ích..." Những ham muốn như vậy đặt nền tảng cho định hướng giá trị tốt. Nhưng định hướng hành động không thực vì nó không rõ những mục đích vươn tới. Chẳng hạn: muốn phục vụ dân tốt hơn thì phải chọn những nghề phục vụ dân nhiều hơn...Nghĩa là định hướng hành động phải cụ thể hóa hơn một bước nữa thì người Việt không có nhiều. Mục tiêu cụ thể của giới trẻ thường chưa đề ra được. Nguyên nhân do xác định định hướng chậm. HS ở Việt Nam học phổ thông không có phân ban như các nước (mấy năm nay làm thí điểm thì có quá nhiều vấn đề). Ví như mô hình giáo dục của Mỹ, phân ban ngay từ nhỏ: Có những người Văn thì học lên rất cao, nhưng Toán thì học ở lớp dưới... Chương trình của họ rất "mềm". Và theo định hướng gì thì họ sẽ phân học theo chương trình từ nhỏ. Nguyên nhân nữa là hệ thống giáo dục của mình chưa dạy những kỹ năng mà chỉ dạy kiến thức. Trong khi, mô hình trường của Mỹ và châu Âu có dạy khả năng tư duy, khả năng tổ chức thời gian, khả năng giao tiếp, khả năng làm chủ thời gian ...Toàn bộ những tư duy đó được dạy ở nhà trường. Nói như vậy để thấy rằng, việc lập kế hoạch của giới trẻ chưa thành thói quen một phần cũng do chưa có định hướng giáo dục từ nhà trường. Việc dạy tổ chức thời gian, tổ chức công việc để thành đạt...rất quan trọng. Việt Nam cũng có bài học, dạy có kế hoạch, có trật tự kỷ luật. Nhưng những bài học đó giàu tính đạo đức hơn là dạy những kỹ năng. Do vậy, cần phải đào tạo những kỹ năng để học sinh có thể tổ chức thời gian để lên kế hoạch được. Như vậy, nhu cầu đặt ra cho hệ thống là phải có tổ chức làm được việc đó. Nếu làm được thì nền tảng, thói quen, các kỹ năng tổ chức công việc, lên kế hoạch...sẽ có chiều hướng tốt hơn. Giới trẻ hiện chưa có thói quen lập kế hoạch một phần do chương trình đào tạo chưa cập nhật. Vì vấn đề cốt lõi là phải có kỹ năng để làm. Kỹ năng bắt đầu từ việc xác lập mục tiêu cuộc sống; trong đó có mục tiêu dài hạn. Để đạt mục tiêu dài hạn thì phải xác lập các mục tiêu ngắn hạn và có bố trí thời gian hợp lý; cũng như công cụ, phương thức, nguồn lực thực hiện... Những kỹ năng như vậy nếu không được đào tạo và trường ĐH cũng không đào tạo thì khả năng lập kế hoạch rất yếu. Việc lập kế hoạch rất cần thiết. Vì, nếu có kế hoạch thì sẽ làm chủ được cuộc đời, còn không thì "may nhờ, rủi chịu", cũng có khi thành đạt. Trong hệ thống mình không loại trừ tính "ăn may". Cũng có khi "Người lập kế hoạch 10 năm phấn đấu không bằng người được cơ cấu 1 giờ". Nhưng số người được "cơ cấu" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số là phải xác lập được mục tiêu cá nhân... Việc lập kế hoạch có lợi là: Chọn được đúng thời gian cho đúng việc sẽ giảm chi phí về thời gian và chi phí khác; có thời gian đánh giá kế hoạch và đánh giá khả năng của mình để điều chỉnh; đồng thời, thấy được các công cụ để đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, không nên quá cứng nhắc trong kế hoạch. Vì thực tế, trong cuộc sống giới trẻ vẫn không đủ dữ liệu để lập kế hoạch. Thậm chí những năng khiếu vẫn chưa hoàn thiện một cách đầy đủ. Kiều Oanh (ghi) Bài 1- Kế hoạch cuộc đời Bài 2- Những kế hoạch gây "sốc" Bài 3: Những người trẻ sống bằng kế hoạch của người khác (theo VietNamNet)
|