(21/07/2007) Huy động vốn đầu tư cho CNTT được
đánh giá là khâu yếu nhất trong triển khai Chỉ thị 58 giai đoạn 2001 –
2005. Đây là một trong những yếu tố chính khiến CNTT Việt Nam chưa hoàn
thành kế hoạch đề ra.
Hội thảo
đánh giá bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai Chỉ thị 58 của
Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT. Ảnh: Hưng Hải |
|
Xuất phát điểm thấp...
Theo ước tính, ngân sách đầu tư cho CNTT Việt Nam trong
giai đoạn từ năm 2001 – 2005 từ các nguồn khác nhau chưa tới 0,4% GDP,
thấp hơn nhiều lần so với con số 2% GPD đề ra trong Kế hoạch Tổng thể.
Xu hướng tăng của lượng tiền đổ vào lĩnh vực này tăng từ 30 – 50% mỗi
năm, nhưng xuất phát điểm quá thấp nên vẫn không đủ “lực” để có sự phát
triển nhảy vọt.
Kinh nghiệm các nước đang phát triển muốn đẩy mạnh CNTT
đều phải có mức đầu tư hàng năm không dưới 1% ngân sách. Cụ thể như Hàn
Quốc, quốc gia điển hình phát triển thần tốc về CNTT tại châu Á, dành
tới 1,4% ngân sách. Estonia cũng dành 1% ngân sách hàng năm để thực hiện
tham vọng và trở thành nước đang phát triển đi đầu trong ứng dụng CNTT.
Nguồn vốn phân bổ cho các dự án của Việt Nam vừa nhỏ
giọt, vừa dàn trải, chưa quán triệt chủ trương ưu tiên đầu tư cho ứng
dụng và phát triển CNTT. Cách phân bổ ngân sách không theo trọng điểm
và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch, mang màu sắc cảm tính của cơ chế “xin
– cho”.
...làm đình trệ các dự án!
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, toàn bộ các dự án,
chương trình của Kế hoạch Tổng thể được phân bổ trong mục “Đề án 95 và
chương trình phần mềm nguồn mở” bên cạnh Đề án 112 và Đề án 47. Tuy nhiên,
phần lớn các dự án được đầu tư dưới danh nghĩa Đề án 95 không có trong
danh mục chương trình và dự án trọng điểm của Kế hoạch Tổng thể. Mặt khác,
việc huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng CNTT hầu như không
có.
Hạn chế về nguồn lực khiến hầu hết các chương trình,
dự án liên quan đến ứng dụng và phát triển CNTT trong giai đoạn 2001 –
2005 bị đình trệ. Trong số 4 chương trình trọng điểm, duy nhất có Chương
trình phát triển nguồn nhân lực CNTT là xây dựng xong kế hoạch triển khai
cụ thể được phê duyệt với 6 dự án, đề án. Chương trình này sau đó chưa
triển khai được vì không có cơ chế huy động nguồn tài chính riêng. Thay
vào đó là nguồn tiền hạn chế từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo
dục và các nguồn tài trợ.
Hai chương trình xây dựng và phát triển công nghiệp phần
cứng và phần mềm đều không đạt được tiến trình như dự kiến. Các chỉ tiêu
liên quan đều không đạt được. Doanh thu dự kiến từ công nghiệp phần mềm
đạt 500 triệu USD, trong đó xuất khẩu 200 triệu USD, chỉ đạt 45% chỉ tiêu,
doanh thu xuất khẩu đạt 35%.
Duy nhất có Chương trình Xây dựng và nâng cấp kết cấu
hạ tầng viễn thông và Internet, tuy không được xây dựng trong Kế hoạch
Tổng thể, nhưng lại có nhiều nội dung liên quan được triển khai nhất.
Nguyên nhân là vì ngày 8/2/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch
phát triển Internet Việt Nam 2001 – 2005.
Dự án trọng điểm duy nhất này không mắc phải vấn đề kinh
phí là Dự án Hiện đại hoá hệ thống ngân hàng. Nắm phần lớn nguồn ngân
sách tổng kinh phí huy động cho cả giai đoạn 2001 – 2005, dự án này có
kinh phí lên tới 9.755 tỷ đồng, trong đó dành cho Ngân hàng Nhà nước là
108 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại chiếm 9.647 tỷ đồng và cũng là dự
án có những kết quả dễ nhìn thấy được nhất.
Hiện tại, 85% nghiệp vụ ngân hàng đã được chuyển lên
xử lý trên mạng máy tính ở các cấp độ khác nhau. Hệ thống thanh toán liên
ngân hàng được xây dựng theo chuẩn quốc tế được đưa vào hoạt động năm
2002. Hệ thống thanh toán nội bộ các ngân hàng thương mại được vận hành
từ năm 2003 với số lượng thanh toán tăng 35% mỗi năm.
Dù vậy, trình độ ứng dụng CNTT trong ngành này vẫn có
nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân
bởi cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng
CNTT đặc thù của ngân hàng. Kiến trúc thống nhất về hệ thống cho ngành
này cũng chưa có, thiếu cơ sở phát triển đồng bộ giữa các đơn vị.
Ngân sách - Cần lắm!
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính,
Nhà nước cần thể hiện quan điểm rõ ràng về nguồn lực cho CNTT, cụ thể
bằng tỷ lệ ngân sách dành cho lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những
kiến nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đề xuất với Chính phủ nhằm
khắc phục những vấn đề tồn tại khi triển khai giai đoạn 2 từ 2006 – 2010.
Con số này có thể lớn hoặc nhỏ nhưng đảm bảo cho các đơn vị hoạch định
và triển khai chương trình tổng thể trung và dài hạn.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn
của giới CNTT-TT thế giới. Song song với những cơ hội thì điều đó cũng
cho thấy chúng ta đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ hai phía: giá
cả từ các quốc gia trong khu vực và chất lượng từ các tập đoàn đa quốc
gia với bề dày kinh nghiệm.
Hưng Hải
(theo VietNamNet) |