(Post 12/12/2007) Một sáng thứ bảy mùa xuân,
khoảng 90 sinh viên của trường đại học Stanford cùng một nhóm sinh viên
Trường Đại học Califronia tụ tập tại đại bản doanh của Google, tham dự
những cuộc thi sôi động như giải ô chữ, ráp hình Lego...
Alice Chang,
một học viên sắp tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy
tính tại Stanford được cả Google, Microsoft, eBay lẫn Oracle săn
đón. Nguồn: The New York Times |
|
Đó là Ngày hội Google Games, được tổ chức thường niên
như một dịp so tài cao thấp giữa sinh viên hai trường Stanford-Berkeley.
Nhưng đằng sau không khí vui vẻ ấy là một chiến lược tuyển dụng hoàn toàn
nghiêm túc của Google, một sứ mệnh không kém phần khó khăn: Giành giật
nhân tài về tay mình.
Tuyển dụng bằng ngày hội
Khi mà ngành công nghiệp hi-tech đang dần trở lại thời
hoàng kim và bước vào một đợt bùng nổ mới, cuộc đua tuyển dụng chưa bao
giờ lại trở nên căng thẳng và quyết liệt như vậy.
Những hãng như Google, Microsoft và Yahoo thường xuyên
săn đón cùng một ứng viên và rất nhiều trường hợp, họ chứng kiến một nhân
tài đáng giá bị đối thủ hớt tay trên ngay trước mũi.
Đấy là chưa kể một "binh đoàn" các hãng công
nghệ nhỏ, mới thành lập, đang mọc lên tại Thung lũng Silicon như nấm.
Để thu hút nhân tài, những hãng này đã xếp xó cái gọi là "phỏng vấn
tuyển dụng" truyền thống vì sự vô tích sự của nó.
Thay vào đấy, họ tổ chức những sự kiện như Bài giảng
ngoại khóa về công nghệ, tiệc cocktail, buffet Pizza, các cuộc thi săn
lùng kho báu, các cuộc thi lập trình có tên "Ngày hack" ...
"Đó là những cơ may hiếm có để giới thiệu với
các sinh viên về văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi, để họ thấy rằng là
một phần của Google thì vui đến thế nào", ông Ken Krieger, một
kỹ sư Google tình nguyện làm Giám khảo cuộc thi ráp hình Lego cho biết.
Đói khát tài năng
Để có được thành công và tốc độ tăng trưởng đáng ngưỡng
mộ như ngày hôm nay, Google hiểu hơn bất cứ ai tầm quan trọng của đội
ngũ kỹ sư tài năng mà hãng đang chiêu nạp dưới trướng. Cũng chính vì thế,
không hãng nào tỏ ra "máu lửa" bằng Google trong các cuộc chiến
tranh giành nhân tài.
Google săn đuổi bất cứ tài năng nào mà họ tình cờ biết
được/bắt gặp/nghe nói đến, coi nhân tài như "xăng" để vận hành
guồng máy khổng lồ. Nguồn nhân lực của Google đã tăng gần gấp đôi mỗi
năm, và tính đến hết tháng 3 vừa qua thì dừng lại ở con số hơn 12.200
người.
Mỗi tháng, Google bổ sung thêm khoảng 500 nhân viên.
Và trên website của hãng, người ta vẫn còn nhìn thấy tới... 800 vị trí
trống chưa tuyển được.
Những câu chuyện về sự "đói khát tài năng"
của Google, về quy trình tuyển dụng không giống ai của họ liên tục được
truyền đi. Rất nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp tin rằng Google là nhà tuyển
dụng đáng mơ ước nhất, thậm chí còn hơn cả hãng tư vấn blue-chip McKinsey
& Company lừng danh - một vị trí mà McKinsey đã nắm giữ suốt 12 năm
qua.
"Được sống trong một môi trường mà bạn sẽ học
được nhiều điều chính là lý do tôi chọn Google", Alice Yu-Shan
Chang, một trong vài trăm sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay và thẳng tiến
đến đại bản doanh Google ngay sau đấy, cho biết.
Nhưng cũng
có những người như Joffe lại rời bỏ Google để đi tìm cơ hội đổi
đời ở những hãng công nghệ nhỏ, mới thành lập. Nguồn: The New
York Times |
|
Chiều ứng viên như chiều "vợ"
Chang - học viên cao học chuyên ngành khoa học máy tính
và quản lý tại Stanford được cả Microsoft lẫn Google, eBay và Oracle săn
đón
Microsoft thậm chí đã làm mọi thứ có thể để thỏa mãn
yêu cầu của Chang, từ việc tìm cho cô một chỗ làm không xa Bay Area, nơi
cô đang sống, cho tới việc đích thân phó chủ tịch tập đoàn gọi điện trao
đổi.
"Với Google, bạn không có nhiều thời gian tiếp
xúc với các nhân vật cấp cao như vậy". Thế nhưng cuối cùng Chang
vẫn quyết chọn Google, bởi vì Gã khổng lồ tìm kiếm đã chấp nhận cho cô
thay đổi vị trí, công việc 6 tháng/lần.
"Như thế người ta mới có thể tiến bộ được. Hơn
nữa, tôi cảm thấy mình hợp với văn hóa doanh nghiệp của Google hơn. Ở
đó toàn những người trẻ và sáng tạo".
Trong khi ấy, hầu hết đồng nghiệp của Chang tại Microsoft
đã ở vào độ tuổi ngoài 30 và hướng nội hơn, bởi họ đã có gia đinh.
Không chỉ tranh giành sinh viên với Microsoft, Google
còn nổi tiếng với việc "hớt tay trên" nhân tài từ đối thủ phần
mềm. Lấy thí dụ, Kaifu Lee, Chủ tịch Google Greater Trung Quốc từng là
giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại nước này. Sau khi Google
mời Lee về làm việc vào năm 2005, Microsoft đã giận dữ đâm đơn kiện cả
hai, cáo buộc Google cạnh tranh không lành mạnh và lợi dụng thông tin
nội bộ.
Cơ hội đổi đời
Một đối thủ khác của Google và Microsoft là Yahoo cũng
thường xuyên tuyển người từ các Ngày hội hack thường niên.
"Hàng chục nhà lập trình đã đi từ cuộc thi này
vào thẳng phòng thí nghiệm của Yahoo. Chiến lược tuyển dụng này của chúng
tôi đã phát huy hiệu quả", ông Bradley Horowitz, Phó chủ tịch
Chiến lược sản phẩm của Yahoo cho biết.
Tuy nhiên, cả ba ông lớn đều nói rằng đối thủ tuyển dụng
khó nhằn nhất của họ lại chính là những hãng công nghệ nhỏ, mới thành
lập.
Lấy thí dụ như trường hợp của Nitay Joffe. Sau hai năm
làm việc tại Google, Joffe sẽ chuyển sang làm ở Powerset, một hãng công
nghệ có trụ sở tại San Francisco. "Powerset có tất cả những gì
mà Google có - những con người thông minh, những dự án thú vị, công nghệ
tuyệt vời...", Joffe tâm sự.
Nhưng Powerset sở hữu một yếu tố mà Google không bao
giờ thỏa mãn được: Khả năng phất lên như tên lửa, tương đương với trúng
vé số độc đắc. "Với hãng nhỏ, bạn chứng kiến giá cổ phiếu tăng
từ 5 cent lên 50 USD. Nhưng Google khó lòng mà tăng từ 480 USD lên 4.000
USD được".
(Trọng Cầm - VietNamNet, NYT) |