"Chọn nghề cùng bạn": Mỹ thuật đa phương tiện  
 

(Post 19/12/2007) "Hồi mẫu giáo, tôi thường bộc lộ năng khiếu với môn Mỹ thuật. Cô giáo tôi đã phải gặp riêng bố tôi đề nghị cho tôi học tăng cường lớp vẽ. Những năm học cấp 2, tôi vẫn thể hiện mình là người có óc quan sát và cảm nhận mỹ thuật tốt. Tôi muốn theo đuổi Mỹ thuật đa phương tiện". Bạn Trần Quang Thiện (lớp 12D5 THPT Chu Văn An, Hà Nội) chia sẻ những băn khoăn khi định hướng theo ngành Mỹ thuật đa phương tiện.

Mỹ thuật đa phương tiện hiện có nhiều tiềm năng

Đã một tháng kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ nhưng thực sự tôi vẫn đang băn khoăn. Việc lựa chọn nghề nghiệp thường gắn liền với khả năng học tập. Vậy mà, giữa giáo dục và việc làm vẫn có một khoảng cách khá lớn. Tôi có cảm giác, ở đại học họ không dạy chuyên sâu vào nghề nghiệp thực tế. Hơn thế, ngoài sách vở ra thì không thể thao, không kĩ năng mềm, không có những hoạt động xã hội một cách đúng nghĩa.

Phần lớn chúng ta ai cũng đã từng gặp câu hỏi: “Sau này bạn định làm nghề gì?”. Lần đầu tiên tôi gặp câu hỏi đó là năm học lớp 2. Đó là chủ đề một tiết học của lớp chúng tôi: “Hãy mô tả nghề nghiệp tương lai sau này của các em!”. Đứa mượn bố mẹ cái tai nghe để mô tả nghề bác sỹ sau này, đứa cuộn tờ giấy lại giống cái ống nhòm rồi mơ ước sẽ trở thành một nhà thiên văn học. Những ước mơ đó thật đẹp nhưng tôi không hiểu, nếu đặt câu hỏi “Để trở thành nhà thiên văn học/bác sĩ phải làm thế nào?” thì các bạn tôi sẽ trả lời sao.

Sau lần đó, tuy cũng từng đối mặt với những câu hỏi như vậy nhưng tôi không mấy bận tâm vì ai cũng có suy nghĩ rằng “Đằng nào cũng phải hết cấp 1, cấp 2, đến khi thi Đại học rồi tính sau”.

*****

Lớp 10, tôi mới bắt đầu lo lắng. Lúc đó tôi nghĩ rằng, học giỏi cái gì sau này sẽ làm việc về cái đó chứ chưa hình dung ra các nghề nghiệp đa dạng như hiện nay. Nhớ lại hồi học mẫu giáo, tôi thường bộc lộ năng khiếu với môn Mỹ thuật. Cô giáo tôi đã phải gặp riêng bố tôi đề nghị cho tôi học tăng cường lớp vẽ.

Những năm học cấp 2, tôi vẫn thể hiện mình là người có óc quan sát và cảm nhận mỹ thuật tốt. Sau này, tôi có hỏi lại là sao hồi đó tôi không được học thì bố kể lại rằng bố không muốn cho tôi học các môn năng khiếu mà muốn tôi chú tâm vào những môn văn hóa mà bố tôi muốn. Bằng chứng là tụi bạn luôn nhờ tôi vẽ hộ những bài tập về nhà. Đầu mỗi giờ mỹ thuật, những tác phẩm của tôi luôn được thầy giáo dùng làm bài mẫu. Hồi đó, có lần tôi đã từng bỏ cả một ngày trời để tìm chủ đề, tìm cảm hứng cho những bài vẽ trên tờ giấy A4 với một sự đam mê và yêu thích vô cùng.

Lên cấp 3 thì thay vào đó là Photoshop, DreamWaver, ... (cũng vì chúng mà tôi học hành sa sút).

*****

Bố tôi đã áp đặt tôi ngay từ bé. Bố muốn tôi làm giáo viên toán. Tôi cũng từng thích nghề sư phạm vì nó hợp với tính cách ưa tiếp xúc và khả năng truyền đạt thông tin của tôi. Còn Toán, nếu như cấp 1, cấp 2 là quá khứ “hoàng kim” của tôi với môn Toán thì lên cấp 3 khác hẳn.

Tôi sợ toán, ghét toán. Toán học ở Việt Nam thiếu tính ứng dụng. Hơn nữa, tình hình học toán hiện nay thì tôi không thể chịu nổi. Nói về tích phân, đạo hàm, lượng giác, không gian..., người ta có hàng chục đầu sách viết về nó, trong khi người soạn sách gói gọn chúng trong 2,3 tiết học. Bạn bè tôi hầu như ai cũng phải đi học thêm, tiết học những môn phụ thì lôi toán ra làm. Thiếu thời gian luyện tập, chương trình bất hợp lí, phải học nhiều môn thừa... khiến tôi sợ toán. Tôi nhận ra rằng, trước kia tôi giỏi toán chỉ là do trí thông minh.

Lớp 10, thi đỗ vào một trường chuyên, tôi được bố mua cho 1 dàn máy vi tính. Trước đó, năm lớp 9, dù chưa nghĩ đến chuyện sẽ có máy, chưa hình dung ra mình sẽ làm nghề nghiệp cụ thể gì nhưng ở các mục “nghề nghiệp sau này” trong các cuốn lưu bút, tôi đều viết là “một công việc liên quan đến Công nghệ thông tin”. Bạn sẽ thấy vô lí rằng chưa có máy tính sao lại thích và biết về CNTT rồi? Thực ra, niềm đam mê này của tôi xuất phát từ những lần tình cờ đọc được những quyển tạp chí PC World, Echip ở nhà bác tôi. Và cũng nhờ chúng, nhờ Internet, tôi đã biết đến một mảnh đất trong CNTT rất phù hợp với tôi: Mĩ thuật truyền thông đa phương tiện (Multimedia Designer-MD), mà cụ thể là thiết kế Web.

*****

Tôi thích CNTT chứ không hẳn thích tin học. Nếu tôi theo tin học, tôi sẽ phải học những thứ xa vời với lĩnh vực tôi thích. Tính cách ưa hướng đến cộng đồng, cảm nhận mỹ thuật tốt cộng với khả năng sử dụng rất thành thạo Internet... là những yếu tố có lợi để tôi bước vào lĩnh vực này.

Quả thực, MD đúng là một cuộc hôn nhân kì diệu giữa nghệ thuật và kĩ thuật. Trong thế giới đầy sáng tạo này, những cảm xúc thăng hoa của bạn đều được thể hiện bằng công nghệ số. Hơn thế, nếu là một WebDesigner, những tác phẩm nghệ thuật của bạn sẽ được tất cả mọi người chiêm ngưỡng và đánh giá. Hiện nay, rất nhiều tổ chức muốn có một chỗ đứng cho mình trên mạng Internet thông qua website. Ngoài ra, web còn can thiệp và hỗ trợ cho mọi lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, âm nhạc… và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, truyền hình số, giải trí số.

*****

Tôi nhận thấy mình thích lĩnh vực này bắt đầu từ những slide học tập, các poster, clip, website mà tôi làm. Tôi từng mơ ước lớn lên sẽ làm việc cho một tờ báo điện tử dành cho giới trẻ ở Việt Nam. Đồng thời, tôi sẽ mở dịch vụ thiết kế, tư vấn quảng cáo, quảng bá thông tin cho các sự kiện trên Internet, sau đó thử sức luôn với lĩnh vực giải trí số.

Tuy nhiên, tất cả những ước mơ đó đều sụp đổ khi tôi quay trở lại thực tại: các tổ chức đào tạo thiết kế đồ họa và truyền thông đa phương tiện ở Hà Nội đếm trên đầu ngón tay. Đại học RMIT thì tôi không đủ điều kiện và khả năng tài chính để học. Học viện FPT-Arena yêu cầu thi tiếng Anh trong khi tôi lại học tiếng Pháp, học phí cao cũng là một rào cản. Đào tạo Đại học chính qui thì có trường Mỹ thuật Công nghiệp đào tạo ngành này, tuy là song song với vẽ tay truyền thống. Nếu thi vào Mỹ thuật Công nghiệp, trớ trêu và vô lí thay, tôi phải học vẽ tối thiểu là 2 năm may ra mới có cơ thi đỗ vào trường.

Tôi muốn theo đuổi Mỹ thuật đa phương tiện, nhưng tình hình hiện nay không cho phép.

*****

Trước mắt, tôi sẽ thi vào một trường đại học. Hoặc, tôi sẽ không vào đại học mà học ở một nơi khác. Tôi sẽ cố gắng sở hữu những chứng chỉ liên quan trong ngành CNT T như ACCP, Master CIW Designer, … vì chúng rất có giá trị với công việc thiết kế, điều hành website, máy chủ web.

Tôi biết, yếu tố thời gian và ngoại ngữ sẽ ngăn cản tôi. Nhưng, tôi nghĩ phải có lòng tin, tin vào mình và vào cuộc sống. Phải có lòng tin và biết ước mơ vì đó là yếu tố đầu tiên bạn cần có nếu muốn thành công.

Cuốn sách gây ảnh hưởng gần đây nhất tới tôi là cuốn “Thế hệ @-thế hệ 8X”. Nhờ nó, tôi biết đến những con người trẻ tuổi đầy nghị lực, có hoài bão và dám đi theo con đường của chính mình. Tôi sẽ không trở thành một giáo viên dạy Toán như bố tôi muốn. Điều này làm tôi liên tưởng đến một câu hát của cô bé Kim như một tuyên ngôn của giới trẻ vậy: “Hãy đi theo con đuờng mình thật sự thích”.

Hiện tại, tôi chỉ mong qua được kì thi tốt nghiệp. Hồ sơ thì đã nộp nhưng tương lai lại mơ hồ. Có lẽ giờ tôi nên đi làm bài tập như các bạn thay vì ngồi vẽ tương lai như thế này?

Trần Quang Thiện
(lớp 12D5 THPT Chu Văn An, Hà Nội)

Ý kiến tư vấn

TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học

Em đã có một quá trình chuẩn bị lặng lẽ và kiên trì cho việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai. Ngành em chọn còn mới mẻ và giàu tiềm năng: Mỹ thuật truyền thông đa phương tiện (Multidia - Disigner - MD). Và với năng khiếu mỹ thuật đã ít nhiều được chứng tỏ từ thời bé, em đã có những lợi thế ban đầu nếu theo đuổi ngành này.

Đúng như những gì em tìm hiểu và phân tích, việc theo đuổi một trường đại học chính quy, có chuyên ngành hẹp gắn với dịch vụ thiết kế, quảng cáo... còn chưa nhiều. Cũng có một thực tế là hầu như mọi thí sinh muốn thi đỗ đều trải qua thời gian theo đuổi học vẽ trong vài năm. Đây lại là điều em không thích thú. Do vậy, em phải có những lựa chọn bổ sung khác…

Cũng phải nói rằng, theo như trình bày của em thì em là người có tham vọng và khá ôm đồm, cho dù sự ôm đồm ấy hình thành dựa trên những toan tính, phân tích bản thân trong tương quan với thực tế ngành nghề đào tạo hiện nay của chúng ta…

Bản thân tôi được giảng dạy một môn khoa học cơ bản ở trường Đại học Mỹ thụât Công nghiệp Hà Nội cũng biết đến những nhóm cựu sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã họat động khá nổi và hiệu quả trong những lĩnh vực thiết kế web và cung cấp các dịch vụ ứng dụng thiết kế, quảng cáo...

Thực tế chỉ ra rằng, người ta có nhiều cách đi tới mục tiêu đã vạch. Dự tính của em cũng đã hàm chứa những cách thức đó. Các rào cản về thời gian và ngoại ngữ có thể gây khó khăn nhưng không ngăn chặn được em nếu em nuôi dưỡng và đẩy tới hơn nữa lòng tin.

Ông Mai Thanh Long, Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena

Chào Thiện,

Nhận xét đầu tiên của anh là em ý thức khá rõ về điểm mạnh của mình, điều mà nhiều bạn ở tuổi em còn loay hoay tìm kiếm. Với năng khiếu và đam mê CNTT của em, việc định hướng đến Mỹ thuật đa phương tiện hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên có một vài điểm anh chưa thực sự đồng ý với em.

Thứ nhất, ĐH không phải là nơi đào tạo chuyên sâu về kỹ năng mà là về lý thuyết. Thế nên bên cạnh ĐH mới có các trường và trung tâm dạy nghề. Hai loại đào tạo này không thay thế mà bổ sung cho nhau. Ở ĐH người ta không định hướng ngành hẹp như học nghề, vì thế kiến thức ở ĐH có thể không giúp nhiều trong 1 ngành hẹp, nhưng lại là nền tảng rất tốt để đi xa. Anh vẫn khuyên học sinh của anh, nếu muốn đi xa về mặt tư tưởng và ý tưởng thì nên đọc nhiều sách và nếu có thể thì vẫn nên theo học ĐH chuyên ngành (ở nước ngoài là tốt nhất), và đừng tiếc tiền đầu tư cho học ĐH vì về dài hạn là rất có lợi cho phát triển bản thân và nghề nghiệp.

Thứ hai, anh muốn cung cấp thêm một số thông tin ngành nghề, vì những gì em tìm hiểu chưa thực sự chính xác và đầy đủ.

Những chứng chỉ mà em lên kế hoạch "cố gắng sở hữu" như ACCP, Master CIW Designer,… rất cần thiết cho người làm chuyên về CNTT, tuy nhiên phần lập trình là khá nhiều (đặc biệt là ACCP) và thực tế hành nghề trong lĩnh vực đa phương tiện không nhất thiết phải có các chứng chỉ này. Hơn nữa điều hành website và máy chủ web... chẳng liên quan gì đến Mỹ thuật đa phương tiện cả.

Mỹ thuật đa phương tiện bao gồm 2 yếu tố: mỹ thuật và ứng dụng CNTT. Bên cạnh các kiến thức căn bản về mỹ thuật, những người làm nghề này phải làm chủ các phần mềm ứng dụng. Các lĩnh vực mà Mỹ thuật đa phương tiện bao trùm rất rộng, từ 2D (phục vụ in ấn, quảng cáo, hoặc làm các poster,...) đến 3D (modeling, hoạt hình, kỹ xảo, hậu kỳ...), từ web design đến authoring (ứng dụng tương tác),...

Thị trường của ngành này hiện đang phát triển. Theo học ngành này, em có thể làm thiết kế đồ hoạ, làm phim, xử lý hậu kỳ,... tại các công ty quảng cáo, truyền thông, PR, nhà máy in, toà soạn báo, các công ty sản xuất game, đài truyền hình,... Mức thu nhập cũng tuỳ (trung bình 2-4 triệu) và không có quá nhiều đột biến (trừ những người có khả năng xuất sắc). Để có thể đi xa, cần phải có năng khiếu, khả năng sáng tạo cao và làm việc cực kỳ chăm chỉ.

Về trường hợp riêng của em, mặc dù nhận thấy sở trường của mình, nhưng anh cảm thấy em chưa thực sự quyết tâm theo đuổi. Em cần phải nói để bố em thật sự hiểu được mong ước của em và phải chứng minh cho bố em thấy khả năng của mình thông qua các sản phẩm do chính em làm. Về kiến thức, việc em không chuẩn bị tiếng anh để theo đuổi nghề này là một thiếu sót và cho thấy quyết tâm của em chưa cao.

Không có ai có thể thành công trong nghề này mà lại không biết tiếng anh, dù bắt đầu ngay bây giờ hay sau này thì em vẫn phải học tiếng anh. Một ví dụ nữa về việc thiếu quyết tâm của em, đó là em muốn thi vào ĐH Mỹ thuật nhưng không muốn mất 2 năm học vẽ. Nếu đam mê thì phải tìm hiểu và chuẩn bị từ trước, chứ không để đến giờ mới kêu không đủ thời gian. Nếu muốn vào Mỹ thuật Công nghiệp mà không muốn mất 2 năm học vẽ thì có khác gì không chịu khổ luyện mà thành tài chỉ sau 1 đêm sao.

Có năng khiếu, đam mê và làm việc chăm chỉ là những tố chất làm nên thành công, dù ở đâu và làm gì cũng vậy. Em đã có hai yếu tố đầu, chỉ cần quyết tâm và chăm chỉ là sẽ thành công thôi.

Chúc em may mắn.

Trung Kiên (thực hiện)
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Yahoo lo vắng bóng nhân tàiGoogle và các chiêu giành giật nhân tài
Phụ nữ CNTT muốn gì?Học tập với các mô hình ảo “siêu thực”
Nền hành chính điện tử quốc gia: Vài câu hỏi cần trả lời"Thầy giáo CNTT cũng phải tự học suốt đời"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11