Bàn chuyện thu phục nhân tài  
 

(Post 15/03/2008) Cổ nhân đã dạy "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Thời đại toàn cầu hóa thì chất xám quyết định quốc gia nào sẽ tiến lên và ai là người tụt hậu. Nếu không có chính sách ưu đãi nhân tài và tạo điều kiện để họ phát triển thì nguyên khí sẽ bay đi. Chuyện muôn thuở "đất lành chim đậu", một qui luật tự nhiên của dòng chảy chất xám từ quê ra tỉnh, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Thống Nhất TTXVN)

Chảy máu chất xám có tự bao đời

Từ thế kỷ 18 đã có làn sóng chất xám chảy từ châu Âu sang châu Mỹ. Những năm 1930, một dòng chảy từ Đức sang Anh và Mỹ, vì ở Đức không được tự do ngôn luận, các nhà khoa học Do thái rất giỏi nhưng bị ngược đãi. Người phát ngôn Hoàng gia Anh nhắc đến "Brain Drain" (chảy máu chất xám) trong những năm 1950, nhiều nhà khoa học của Anh quốc tìm đường sang Mỹ vì đồng tiền bát gạo và điều kiện làm việc tốt hơn.

Sau khi gia nhập EU năm 1991, hơn một triệu công dân Ba Lan trẻ dưới 35 tuổi, có học hành di cư sang Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và các nước giàu có khác. Ngay tại nước phát triển như Đức thì 5 năm gần đây đã mất 140 ngàn trí thức ra đi tìm thế giới mới vì lý do kinh tế.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, người ta tư nhân hóa nghiên cứu khoa học. Các Viện sỹ xưa kia với bao ưu đãi lại rơi vào thảm cảnh mất việc, sống trong nghèo khó nên đã sang các nước giầu làm việc.

Vì sao trí thức ra đi ?

Trí thức ra đi vì nhiều lý do và thường gặp nhất là vì kinh tế. Với xu thế toàn cầu hóa, nơi nào lương cao, chế độ ổn định, môi trường làm việc thân thiện lại có điều kiện vươn lên thì hiển nhiên người có học sẽ chọn "tạm" làm quê hương mới.

Gặp một nhà toán học Việt nam đang định cư ở Paris (Pháp). Anh từng công tác tại một Viện khoa học tầm cỡ quốc gia nhưng lương bổng không đủ chi trả cho con học mẫu giáo ở Hà nội. Triết lý của anh đơn giản: "Người trí thức mà không làm ra đủ tiền để nuôi bản thân và gia đình thì đừng mong họ có kết quả nghiên cứu khoa học tốt. Phương Tây đánh giá con người theo năng lực. Ở Viện cũ, tôi được xét thăng tiến theo lý lịch và sự quen biết". Anh quyết định tham gia dòng chảy chất xám toàn cầu.

Đối với nước nghèo thì chảy máu chất xám quả là tai hại, nhất là các nước có chế độ nhà nước trợ cấp cho ngành giáo dục cao và đại học như Việt Nam. Một quốc gia mất công đào tạo và anh khác giàu hơn đôi chút chỉ đợi thời cơ để "rước" về với mức lương trung bình thậm chí là kém ở nơi mới nhưng lại là cao ngất ngưởng so với mức người trí thức đang hưởng tại quê nhà.

Đã bị chảy máu chất xám lại mất tiền thuê chất xám khác về làm việc. Châu Phi mất khoảng 4 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thuê 150 ngàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc vì nơi đây tỷ lệ chất xám bỏ tổ quốc ra đi vào loại cao trên thế giới. Ở Mỹ La tinh, Jamaica và Haiti vẫn nghèo vì đến 80% chất xám ở nước ngoài.

Xuất khẩu chất xám hay nắn dòng chảy chất xám ?

Quốc gia lớn thu hút chất xám chính bằng sức mạnh kinh tế. Người Mỹ rất thành công trong việc nắn dòng chảy chất xám tự nhiên vào nước họ. Sau chiến tranh những nhà khoa học Đức vĩ đại như Wernher Von Braun hay Einstein đã được mời về với một sự ưu đãi đặc biệt. Đó là chìa khóa đi đến thành công của chương trình vũ khí nguyên tử hay tên lửa hành trình sau này của Hoa Kỳ. Rất nhiều nhà khoa học được giải thưởng Nobel tại Mỹ nhưng không phải sinh ra ở đó.

Nói đến xuất khẩu chất xám thì Ấn Độ và Trung Quốc khá thành công. Họ cử người đi học, khuyến khích ở lại làm thêm một thời gian tại nước sở tại để có kinh nghiệm và tiền bạc rồi quay về. Nhà nước có ưu đãi lớn cho kiều dân, chính sách visa và quốc tịch mềm mỏng, cộng thêm một vài lợi thế khác. Chính phủ Trung Quốc dành cho các chuyên gia Hoa kiều cao cấp được hưởng chế độ lương đặc biệt, con cái được học trong những trường lớp tốt nhất để họ có cảm giác không thấy sự khác biệt lớn giữa làm việc ở nước ngoài hay tại quê nhà.

Một nước thu nhập trung bình có chính sách quốc gia khuyến khích chất xám ra đi nhưng vẫn có lợi đó là Philippines. Cứ mười người Philipines có một người ra nước ngoài làm việc. Hàng năm họ đóng góp khoảng 10 tỷ đô la, tương đương với 12% thu nhập quốc gia.

Chất xám Việt Nam liệu có bị chảy máu?

Cụ Hồ trong một chuyến sang Pháp đã mang về một đội ngũ trí thức trẻ. Sau này, họ trở thành những cán bộ đầu ngành và thực sự đã đặt nền móng khoa học cho nước nhà.

Những năm 60-70, hàng chục vạn trí thức trẻ được đào tạo ở các nước XHCN cũ đã quay về xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chất xám một thời đã ra đi và quay về mà không cần một lời kêu gọi. Họ về cội nguồn vì nghĩa lớn đó là tình yêu đất nước. Số đông đang đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước thoát nghèo và đạt thu nhập 1000$/người vào năm 2010.

Ngày nay, với xu thế toàn cầu hoá đã có những trí thức Việt nam ra đi nước ngoài làm việc. Số đó cũng chỉ chiếm khoảng 1-2% toàn bộ những người được đào tạo đại học và trên đại học, con số quá nhỏ bé so với Trung Quốc (5%), Ấn Độ (7%), Châu Phi (50%) hay Mỹ La tinh (60%).

Nếu như phần trăm kia cao chút nữa thì hẳn chúng ta có lý do để tự hào vì phần trăm càng lớn nghĩa là trí thức càng có giá. Để làm việc ở môi trường quốc tế, người trí thức phải giỏi thực sự, có trình độ cao về ngoại ngữ. Lo lắng thay những "trí ngủ" đang ngồi tại các Viện nghiên cứu không biết làm gì ngoài vài đề tài khoa học phi thực tế, với đồng lương và trợ cấp đề tài còm cõi mà đồng tiền ấy lại do dân đóng thuế.

Ước mong giá như họ đủ tự tin vào làm việc tại các công ty nước ngoài, liên doanh đa quốc gia hay các Viện nghiên cứu quốc tế để xem mình có là "ai". Sau vài năm công tác, va chạm trong cạnh tranh khốc liệt sẽ học được thêm nhiều, tự hoàn thiện bản thân và họ quay lại giúp đất nước. Có bao nhiêu "tiến sỹ giấy" đang "ăn bám" đất nước ? Đó có phải là chất xám thật không hay chỉ là "nguyên khí ảo" đang ngồi than cơ chế ?

Gần đây, số sinh viên Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến. Hiện có hơn 6.000 trí thức trẻ đang học tại đây. Trong 5 hay 10 năm tới, khoảng 20.000 tiến sỹ trẻ sẽ được đào tạo. Lời khuyên của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân "nếu không có cái mới thì đừng làm tiến sỹ" là một hứa hẹn tốt đẹp cho đất nước. Số này dễ bị cuốn theo dòng chảy chất xám toàn cầu. Dầu vậy, thông qua chính sách VISA chặt chẽ và có thời hạn, các nước phát triển như Mỹ, Australia, EU cũng đang giúp sinh viên các nước nghèo đi du học, làm việc một thời gian, có tích luỹ kinh nghiệm, tiền bạc và sau đó phải quay về phục vụ đất nước.

Bàn chuyện thu phục nhân tài

Chúng ta có đội ngũ trí thức kiều dân khá lớn ở khắp năm châu. Khá đông có trình độ cao, hiểu biết luật pháp quốc tế và mối quan hệ rộng rãi chính là kho báu cho Việt Nam. Nhiều người còn mối ràng buộc sâu sắc với đất nước.

Chỉ cần Việt nam là nơi "đất lành" thì "chim sẽ đậu". Cần có chính sách tốt về kiều dân, VISA hay quốc tịch mềm dẻo, sở hữu tài sản công bằng, luật về đầu tư nước ngoài thông thoáng có tính đến yếu tố người Việt, không phân biệt nguồn gốc, đánh giá con người qua khả năng hơn là lý lịch. Đôi lúc cần cả việc chú ý lắng nghe sự khác biệt – lý do chính của việc ra đi - sẽ thu hút được chất xám về, giữ được nguyên khí quốc gia không bay đi.

Người trí thức cũng đời thường và có nhu cầu về cuộc sống như bao người. Họ phải giải bài toán hóc búa về yêu quê hương xứ sở bằng cách nào cho tốt nhất. Tôi đã đi du học và quay về phục vụ đất nước 18 năm. Tự nhận thấy chất xám của mình được sử dụng với hiệu quả đáng ngờ, tiêu tiền của dân nghèo cho những báo cáo khoa học vô tích sự trong khi bản thân vẫn không đủ ăn, vợ con nheo nhóc, đành phải ra đi...

Rất nhiều người trí thức đang ở hải ngoại vẫn mong ngày nào đó có dịp quay về cố hương. Điều đó rất phụ thuộc vào những người có khả năng nắn dòng chảy chất xám hướng về đất Việt.

(theo Tiền Phong)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


2008: Khi CNTT-TT đã ngấm…Gặp 2 PGS trẻ nhất sinh cùng ngày
Tranh giành nhân sự kiểu Ấn ĐộViệt kiều với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam
Tăng chất lượng nhân lực CNTT, kích thích cạnh tranh doanh nghiệp!Người viết phần mềm tặng 1.000 bệnh viện
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11