(Post 05/03/2008) Với bể bơi, sân tennis thậm
chí vườn bách thú, khu công sở của nhiều hãng công nghệ cao Ấn Độ giống
với một câu lạc bộ giải trí hơn là một khối văn phòng. Những cách sinh
hoạt này, cùng với các cuộc thi tuyển khắt khe, thậm chí gửi thư cho bố
mẹ, đang trở thành những vũ khí hữu hiệu của các trưởng phòng nhân sự
các công ty công nghệ Ấn Độ trong cuộc tranh giành và giữ chân các nhân
viên tốt nhất.
Bể bơi
trong khu văn phòng của hãng Satyam. Muốn thu hút được nguồn nhân
lực tốt, một trong những yếu tố các công ty công nghệ chú trọng
là tạo môi trường làm việc, sinh hoạt sang trọng, tiện nghi. |
|
1001 bí quyết tuyển dụng và giữ nhân viên
Tuyển dụng và giữ chân những người giỏi nhất luôn là
một cuộc đấu tranh gay gắt. Các công ty công nghệ ngày càng trở nên tinh
vi hơn trong bí quyết giữ nhân viên. Để theo kịp nhu cầu, các “tay chơi”
công nghệ lớn như Infosys, TCS, Wipro và Satyam, cần và thuê thêm vài
ngàn nhân viên mới mỗi quý.
Như vậy, ngay cả khi Ấn Độ cho ra đời khoảng 300.000
kỹ sư mới tốt nghiệp mỗi năm, cuộc cạnh tranh giành giữ người tốt nhất
vẫn luôn khắc nghiệt. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa khiến cuộc
cạnh tranh nóng bỏng hơn, đó là trong số những kỹ sư này, chỉ khoảng 25%
có thể làm việc ngay lập tức.
Virender Aggarwal, Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch cấp cao
của Satyam, nói Ấn Độ được xem là vương quốc gia công CNTT, song lại đang
phải đối phó với sự khan hiếm nhân lực nghiêm trọng. Ông cho biết năng
lực giáo dục và cho ra lò các kỹ sư CNTT của Ấn Độ không hề tăng lên,
trong khi sự phát triển của ngành này đang ngày càng thăng tiến. Chính
phủ không thể tăng số lượng các trường đào tạo về công nghệ nhằm đáp ứng
đủ nhu cầu thực tế.
“Chính phủ cần chi nhiều cho giáo dục”, ông
nói và nhấn mạnh tình huống thiếu nhân lực sẽ khiến mức lương tăng cao,
gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng sản phẩm cuối cùng. Đó
là lý do tại sao các công ty gia công Ấn đang phải chuyển công việc ra
ngoài bởi mức lương đôi khi trở nên không thể kham nổi. “Có những
quốc gia giá lao động rẻ hơn Ấn Độ, vì thế chúng tôi tuyển dụng họ vào
thay vì người Ấn Độ”, Aggarwal nói.
Do vậy, giữ chân những người giỏi nhất mà các công ty
đã tuyển được cũng là một khó khăn lớn. Một báo cáo gần đây của hãng nghiên
cứu McKinsey&Co đã chỉ rõ: “Ấn Độ đang trong cơn khát tìm kiếm
nhân sự cao cấp để thực hiện các dự án lớn. Trong bối cảnh này, quản lý
nhân sự tốt là một nhân tố lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Khảo sát tại các hãng công nghệ lớn ở Ấn, tỷ lệ ăn mòn
nhân sự (tức số nhân viên bỏ việc mỗi năm) ở mức khoảng 14% trong các
vị trí CNTT nhưng có thể lên cao hơn trong quá trình kinh doanh. Những
nhân viên có từ 1-4 năm kinh nghiệm là những người có nguy cơ “nhảy việc”
nhiều nhất, do được các tập đoàn lớn ở Mỹ và châu Âu mời gọi. Điều này
có nghĩa là các công ty Ấn phải khéo léo, thông minh và quyết liệt hơn
trong cách thu hút và giữ chân những nhân viên này.
Câu chuyện lương bổng
Thu nhập, dĩ nhiên là một cách để nhân viên cảm thấy
hài lòng, vui với chỗ làm việc. Mức lương thấp – đặc biệt với lớp nhân
sự cấp dưới – là một trong những động lực khiến ngành gia công Ấn Độ hấp
dẫn các hãng công nghệ thế giới lại đang tăng lên từng ngày.
Chẳng hạn, những kỹ sư mới tốt nghiệp có thể được trả
khảng 3000 - 7000 USD/năm. Song những mức lương này đang tăng lên khoảng
20%/năm. Còn những nhân sự đã có kinh nghiệm khoảng 5 năm làm việc có
thể hưởng mức lương 20.000 - 25.000 USD/năm. Càng ngày sự khác nhau giữa
mức lương trong các công ty Ấn và mức lương trong các công ty Mỹ, châu
Âu càng ít – chẳng hạn với một nhà quản trị cấp cao, mức lương tại mọi
công ty thường nằm trong khoảng 100.000 – 150.000 USD/năm.
Nhân viên là số 1, khách hàng chỉ ở số 2
Ngoài lương bổng, các hãng đang tìm cách nâng cao lòng
trung thành của nhân viên qua phong cách, văn hóa công ty thật gần gũi
với trái tim và trí tuệ người làm. Hầu hết các công ty lớn đều có những
khu văn phòng rất xa hoa, sang trọng, tiện nghi. Ở đó, nhân viên có thể
bơi, chơi golf, thậm chí thăm vườn bách thú. Gần đây, Wipro đã tổ chức
cả một kỳ nghỉ lớn (gọi là chương trình “Spark”), đó là một sự kiện thể
thao dài ngày, một ngày giải trí dành cho cả gia đình các nhân viên tại
một sân vận động ở Banglore.
HCT Technologies Ltd, một trong những hãng CNTT hàng
đầu Ấn Độ, thậm chí còn có nền văn hóa nhân viên là nhất, sau đó mới đến
khách hàng. S Premkumar, người đứng đầu dịch vụ tài chính của HCL, giải
thích: “Chúng tôi tin rằng giá trị mà chúng tôi tạo ra chính là nhờ
nhân viên của mình”.
Hari Thalapalli, giám đốc nhân sự của đại gia phần mềm
Satyam, giải thích chính sách của Satyam là: “Chúng tôi nhận thấy
không thể hy vọng chấm dứt tình trạng ăn mòn nhân viên tuyệt đối. Vì thế,
chúng tôi không muốn mất đi những người ở cấp lãnh đạo”.
Satyam đặt mục tiêu chọn ra 30% nhân viên giỏi hàng đầu
ở mỗi cấp độ và trao cho họ các quyền ưu tiên – như quyền lựa chọn thi
hành những dự án mới và đều đặn được học tập, đào tạo các công nghệ mới.
Hãng tuyên bố đã giảm được tỷ lệ ăn mòn nhân viên trong nhóm này xuống
còn 5%.
Thalapalli nói Satyam cũng áp dụng các biện pháp cạnh
tranh thu hút và giữ nhân tài, thậm chí viết thư cho bố mẹ, vợ hay chồng
nhân viên để nói rằng “họ đã tạo nên giá trị lớn cho công ty”.
Satyam cũng nỗ lực giữ liên lạc với những người đã rời
bỏ công ty. Phó giám đốc phát triển nhân lực lãnh đạo của công ty, ông
Ed Cohen, nói: “Có một phần trăm lớn những người đã làm việc tại Satyam,
sau đó ra đi và quay lại – cách bạn tiễn mọi người ra đi cũng quan trọng
như cách bạn tuyển dụng hay giữ chân họ”.
Tất nhiên, có những áp lực khác nhau tại các lĩnh vực
khác nhau của thị trường lao động. Ở các trung tâm dịch vụ (call centre),
tỷ lệ ăn mòn nhân viên có thể lên đến mức 80 – 140%/năm, nghĩa là một
công ty phải thay thế toàn bộ nguồn nhân lực mỗi năm.
Souvik Chakraborty, giám đốc điều hành của hãng tuyển
dụng CAPntel, cho biết sự phát triển mạnh mẽ của CNTT có nghĩa là các
chuyên viên giỏi luôn đòi hỏi mức lương cao khi chuyển việc.
Ngoài ra, có những nguyên nhân khác giải thích tỷ lệ
ăn mòn nhân viên tại các call centre, như Venkatesh Roddam, giám đốc hãng
Nipuna – một chi nhánh của Satyam, chỉ ra: “Công việc của các nhân
viên ở call centre được đánh giá là căng thẳng nhất thế giới”. Bởi
xét cho cùng, ai mà không cảm thấy stress khi họ phải xử lý với những
phàn nàn suốt cả ngày?
Thủ thuật tiếp theo mà các hãng công nghệ Ấn áp dụng
trong chiêu thức cạnh tranh nhân sự, đó là đảm bảo khách hàng cũng được
hạnh phúc như nhân viên. Tất nhiên, điều này đòi hỏi một chút khác biệt
hơn là việc xây một bể bơi cho nhân viên thư giãn sau ngày làm việc cực
nhọc.
Anh Minh - nguồn Silicon
(theo báo Bưu Điện Việt Nam) |