(Post 20/02/2008) Hai trong số những gương
mặt trẻ nhận giải thưởng tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần này là
Giang Thiên Phú và Lê Trung Minh Quân, đều sinh năm 1989... Hiện tại,
Phú là sinh viên năm thứ nhất của khóa đào tạo lập trình viên Aptech.
Để sáng tạo ra chiếc kính hiển vi này, chàng trai luôn được gia đình và
bạn bè gọi là người “ăn máy tính, ngủ máy tính” đã có thời gian cả chục
năm trời tích lũy kinh nghiệm từ việc khám phá thế giới computer.
Chung niềm
đam mê khám phá, Lê Trung Minh Quân (trái) và Giang Thiên Phú
đã sáng tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Ảnh: H.Y |
|
Webcam thành kính hiển vi
Chỉ trong vòng một tuần xoay sở với chiếc máy tính, Giang
Thiên Phú, sinh năm 1989 - cậu học sinh vừa tốt nghiệp trường THPT ở Đông
Anh (Hà Nội) - trong thời gian chờ kết quả thi đại học (tháng 7-2007)
đã sáng tạo ra chiếc kính hiển vi siêu rẻ, siêu tiện lợi.
“Thực ra, tất cả các máy camera đều làm được kính
hiển vi nhưng làm từ webcam là rẻ nhất, giá thành chỉ hơn 200 ngàn đồng.
Vì thế em đặt tên cho sản phẩm của mình là kính hiển vi làm từ webcam”
- Phú giải thích.
Hiện tại, Phú là sinh viên năm thứ nhất của khóa đào
tạo lập trình viên Aptech. Để sáng tạo ra chiếc kính hiển vi này, chàng
trai luôn được gia đình và bạn bè gọi là người “ăn máy tính, ngủ máy tính”
đã có thời gian cả chục năm trời tích lũy kinh nghiệm từ việc khám phá
thế giới computer.
Trong suốt quá trình học phổ thông, Phú nhận thấy các
thiết bị phục vụ học tập trong nhà trường còn thiếu rất nhiều. Vì thế,
giờ thực hành các môn khoa học tự nhiên giống như...cưỡi ngựa xem hoa!
Phú kể: “Chiếc kính hiển vi duy nhất của trường giá
rất đắt mà tính năng sử dụng lại phải quan sát trực tiếp bằng mắt thường,
mỗi lần chỉ được một bạn lên quan sát, thế nên thí nghiệm với cả lớp thì
coi như đi...ngắm kính”.
Từ băn khoăn ấy, Phú về tiến hành lên bản vẽ, chạy thử
nghiệm phần mềm chiếc kính hiển vi của mình trên máy tính rồi bắt đầu
mua vật liệu bao gồm webcam, thấu kính... với tổng phi phí hơn 200.000
đồng về tự chế tạo.
Khi tiến hành nghiên cứu này, Phú chỉ mong khuyến khích
những bạn trẻ tự thí nghiệm, nghiên cứu. Đồng thời, khi đưa vào ứng dụng,
kính hiển vi này có thể giúp ích rất nhiều trong việc dạy và học trong
nhà trường phổ thông. Lúc kết hợp với máy chiếu, kính hiển vi này có thể
giúp cùng một lúc ghép 2 - 3 lớp học và cơ hội nắm bắt thông tin như nhau.
Thêm một ưu thế của kính hiển vi này là khi kết nối với máy tính, trên
màn hình có thể dễ dàng quan sát các vi sinh vật cực bé.
Theo đó, có thể quay phim, chụp ảnh hoạt động của các
vi sinh vật, quan sát được các hình ảnh cấu tạo vi mô của các phiên bản
thực vật.
Đặc điểm cơ bản của thiết bị là đặt vật cần quan sát
ở gần tiêu điểm thấu kính hội tụ (sử dụng loại kính có tiêu cự cực ngắn)
sẽ có hình ảnh rất lớn trên màn ảnh của webcam, từ đó sẽ chuyển hình ảnh
thành tín hiệu để truyền về máy tính, tiếp tục sử dụng máy chiếu lên màn
hình rộng, để hàng trăm người cùng được xem.
Ngay từ nghiên cứu đầu tiên, Phú đã thành công và “đơn
đặt hàng” của các bạn cùng trang lứa bay đến tới tấp. Phú không bán mà
tận tình hướng dẫn, khuyến khích các bạn làm ra sản phẩm.
Riêng trong năm 2007, sáng tạo của Phú đã được tổ chức
Sở hữu Trí tuệ Thế giới Wipo trao giải nhất; Bằng khen và Huy chương vàng
của Ban tổ chức cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên Vifotec, đồng thời
Phú nhận được Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của T.Ư Đoàn.
90 sản phẩm được trao giải thưởng năm 2007
được lựa chọn kỹ lưỡng từ 925 hồ sơ. Hầu hết các sản phẩm đã từng
nhận giải thưởng tại các cuộc thi trong và ngoài nước trên nhiều
lĩnh vực.
Lễ tuyên dương các tác giả đoạt giải được
tổ chức vào 19g30 hôm nay (24-11) tại Hội chợ Triển lãm Giảng
Võ, Hà Nội.
|
Học sinh chuyên Sử làm... robot phun sơn
18 tuổi, nghiên cứu và thiết kế thành công robot sơn
tường tự động có nhiều tính năng ưu việt như: tiết kiệm sơn, thời gian,
chi phí, có độ an toàn tuyệt đối..., Lê Trung Minh Quân (sinh năm 1989)
đã khiến nhiều người bất ngờ.
Tự đầu tư hơn 100 triệu đồng và mất hơn 10 tháng mày
mò làm robot phun sơn tự động, cậu sinh viên năm thứ nhất Khoa Quản trị
kinh doanh (ĐH Mở Hà Nội cơ sở tại Đà Nẵng) không ngờ công trình khoa
học của mình lại thành công đến vậy.
Quân được tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới Wipo trao giải
đặc biệt, rinh luôn bằng khen và Huy chương vàng của Ban tổ chức cuộc
thi sáng tạo Thanh thiếu niên Vifotec và Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của
T.Ư Đoàn năm 2007.
“Chứng kiến cảnh các thợ sơn tường leo trèo nguy
hiểm, phải tiếp xúc với mùi sơn độc hại, em nghĩ ngay đến việc thiết kế
một chiếc máy phun sơn đơn giản” - Quân chia sẻ về ý tưởng của mình.
Tay máy của robot sơn tường được di chuyển bằng khí nén
và con trượt bi tuyến tính thông qua hệ thống điều khiển tự động, tạo
nên chuyển động tịnh tiến theo chu kỳ hành trình lên, sang ngang và đi
xuống.
Van cấp sơn cho đầu phun tự động đóng mở nhờ đầu dò vị
trí khi gặp tường thì đóng lại và khi gặp cửa sổ hoặc đến vị trí giới
hạn trên và dưới tự mở ra, thực hiện công việc như một người thợ thực
thụ.
Quân bắt đầu làm máy phun sơn khi đang là học sinh lớp
11... chuyên Sử trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi! Theo học
chuyên ngành xã hội, lại chưa từng được biết qua về kỹ thuật tự động,
quyết định nghiên cứu làm máy phun sơn của Quân khiến gia đình và bạn
bè không khỏi sửng sốt.
Quân âm thầm nghiên cứu và cố gắng thuyết phục ba mẹ
đầu tư. Cậu học sinh chuyên Sử dò dẫm đi từng bước và cố gắng làm tốt
từng việc trong bước đi ấy.
“Em tìm đến một anh ở Cty đường Quảng Ngãi, nhờ mượn
sách về mày mò tìm hiểu. Đồng thời em đi học lập trình PLC, học điều khiển
khí nén, điều khiển động cơ bước để phục vụ cho việc nghiên cứu”.
Thời gian đầu, khó khăn chồng chất, phải lấy tư liệu
từ tài liệu nước ngoài, thế nên Quân phải học thêm cả tiếng Anh, nhiều
đoạn không dịch được phải đi thuê...
Quá trình sáng tạo mất nhiều thời gian, tốn kém và thiếu
chủ động, khiến Quân nản chí, nhất là khi lâm vào tình thế bí, không biết
lập trình thế nào để cho robot chạy tự động, hay robot phun một màu thì
được còn phun nhiều màu thì làm cách nào?...
Ý nghĩ cần phải tìm cách thoát khỏi thế bí ấy luôn thường
trực trong đầu, Quân tìm đến nhà máy đường Quảng Ngãi và xin đi thăm dây
chuyền sản xuất của nhà máy để tiếp tục học hỏi.
Không ngờ, dây chuyền sản xuất ở đó cũng có nhiều điểm
tương đồng với việc mà Quân đang theo đuổi. Quân thấy vỡ lẽ ra được nhiều
điều, dần dần gỡ từng thế bí qua quá trình đi thực tế và học hỏi kinh
nghiệm của các anh, chị trong nhà máy. Mọi nỗ lực, cố gắng của Quân đã
mang lại thành công, đến mức cậu và cả gia đình đều không ngờ.
Điều mà Quân tâm đắc nhất sau khi làm được robot sơn
tự động ấy đã hiểu được một phần thế nào là tự động hóa, đồng thời chứng
minh được rằng dù học sinh chuyên ngành xã hội nhưng có niềm đam mê và
sáng tạo thì vẫn có thể làm được những việc cần nhiều kiến thức khoa học,
kỹ thuật.
Năm 2006, đã có hai nhà đầu tư gọi mời hợp tác nhưng
Quân chưa nhận lời, vì khi đó bận thi Đại học và còn chưa đủ tự tin. Hiện
tại, Quân đang đăng ký bản quyền sản phẩm và tìm kiếm nhà đầu tư thích
hợp để hợp tác sản xuất tung ra thị trường bởi sản phẩm này có tính khả
thi cao.
(theo Phương Hiếu - Hải Yến, Tiền Phong) |