(Post 19/01/2008) VN đang đón làn sóng đầu
tư mới vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với quy mô chưa từng có,
nhưng nguồn nhân lực lại đang có những lổ hổng lớn. Cần sớm xoá bỏ 2 vòng
luẩn quẩn và tạo ra vòng phát triển mới.
Các đại
biểu tìm hiểu sản phẩm phần mềm của Trung tâm Tin học (Đại học
Khoa học tự nhiên TP.HCM) |
|
Ngày 10/1 tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị đào tạo theo
nhu cầu xã hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
"Vận hội lớn"
"VN đang có vận hội lớn để phát triển ngành CNTT",
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Một minh chứng là 5 công ty
lớn ( Intel, Renesas, Campal, Samsung và Foxcon) đã quyết định đầu tư
gần 10 tỷ USD để thiết kế, sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động,
thiết bị viễn thông… Đến năm 2012, doanh số của 5 công ty này có thể đạt
30 tỷ USD, tăng tổng mức xuất khẩu lên gấp rưỡi, chiếm 1/3 GDP của VN
hiện tại.
Trong hai năm, kể từ 2006, nhu cầu kỹ sư phần mềm của
IBM tại VN đã tăng gấp 10 lần. Công ty Havey Nash (Anh) đến VN năm 2001
và hiện sử dụng 1.500 kỹ sư phần mềm. Hãng Boeing đang tìm đối tác tại
VN, yêu cầu mỗi hợp đồng cần tối thiểu 1.000 kỹ sư phần mềm.
Tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) chuyên sản xuất các sản
phẩm liên quan đến điện thoại di động, linh kiện máy tính, viễn thông,
điện tử và tiêu dùng, sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ USD và cần trên 50.000 lao
động.
Công ty Campal (Đài Loan) chuyên chế tạo máy tính xách
tay và các thiết bị viễn thông đầu tư vào VN với số vốn ban đầu 500 triệu
USD cũng đang cần tuyển 1.200 kỹ sư để đào tạo tiếp ở nước ngoài.
Ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm Việt
Nam VINASA, cho hay, theo khảo sát của Kearney (Mỹ), VN đứng thứ 20 trong
số 25 nước hấp dẫn nhất về Outsourcing. Tại Nhật, VN là đối tác hấp dẫn
thứ 4 trong năm 2006 và thứ 1 trong năm 2007 trên lĩnh vực này. Một tập
đoàn Anh sẵn sáng ký đảm bảo việc làm tại châu Âu cho tất cả SV tốt nghiệp
ĐH đủ trình độ tiếng Anh…
Khủng hoảng cao
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, các nhà đầu
tư lo lắng lớn nhất là tìm đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu với chi phí
lao động thấp hơn các nước khác.
Điều đáng nói, trong lúc nền kinh tế, tổ chức và doanh
nghiệp đang thiếu trầm trọng nhân lực CNTT thì hàng năm, có hàng ngàn
SV tốt nghiệp không có khả năng tìm kiếm việc làm đúng nhu cầu của doanh
nghiệp, hoặc phải đào tạo lại.
Tháng 7/2004, TP.HCM khảo sát gần 200 doanh nghiệp phần
mềm và cơ sở đào tạo CNTT. Kết quả cho thấy tổng số "cung" (gồm
ĐH, CĐ, kỹ thuật viên trung cấp chuyên nghiệp) trong 6 tháng cuối năm
2004 vượt "cầu" 5 lần, năm 2005 vượt gần 40 lần. Nhưng thực
tế, công ty TMA tuyển được 14%, công ty Global Cybersoft chọn được 10%,
và con số này ở công ty PSV là 5% số ứng viên so với yêu cầu. Chưa kể,
những người được tuyển hầu hết cần đào tạo thêm về kiến thức, kỹ năng
và ngoại ngữ.
Sau khi đầu tư dự án 1 tỷ USD tại TP.HCM, Công ty Intel
cần tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, điện
tử, CNTT, tự động hoá. Kiểm tra gần 2.000 SV năm cuối, có 320 em đạt trung
bình và chỉ có 90 SV đạt yêu cầu tuyển dụng.
Một trong những công ty hàng đầu thế giới về thiết kế,
sản xuất vi mạch là Renesas (Nhật) năm 2007 đã triển khai xây dựng trung
tâm thiết kế tại TP.HCM, cần tuyển khoảng 1.000 kỹ sư về thiết kế bán
dẫn. Suốt 2 năm tìm kiếm khoảng 500 kỹ sư cho giai đoạn đầu, công ty này
chỉ tuyến được… 60 người trong số hơn 1.000 hồ sơ.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện
VN còn rất ít chuyên gia CNTT giỏi có trình độ tư vấn, thiết kế các hệ
thống lớn, cung cấp giải pháp tổng thể…; thiếu lao động giỏi ngoại ngữ,
thành thạo chuyên môn đạt chuẩn quốc tế cho công nghiệp CNTT.
Xoá vòng luẩn quẩn
Ông Phạm Tấn Công cho rằng, cần sớm xoá bỏ hai vòng luẩn
quẩn đối với trường học (thu học phí thấp - đầu tư thấp - chất lượng đào
tạo thấp - chất lượng nhân lực thấp – cơ hội việc làm lương thấp) và doanh
nghiệp (chất lượng nhân lực thấp - thị trường thấp - hợp đồng giá trị
thấp - lợi nhuận thấp - trả lương thấp).
Thay vào đó, phải tạo ra vòng phát triển mới cho trường
học (mức thu học phí quốc tế - đầu tư tầm quốc tế - đào tạo chất lượng
quốc tế - chất lượng nhân lực quốc tế - cơ hội việc làm lương quốc tế)
và doanh nghiệp (chất lượng nhân lực quốc tế - thị trường quốc tế - hợp
đồng quốc tế - lợi nhuận cao - trả lương cao).
Cụ thể, khuyến khích đầu tư các trường ĐH, CĐ tư thục
chuyên ngành CNTT chất lượng quốc tế. Ban hành chính sách hỗ trợ liên
kết giữa trường và doanh nghiệp CNTT.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho hay,
từ nay đến 2010, sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quan
tâm nhân lực quản lý CNTT và nhân lực mũi nhọn đầu ngành CNTT.
“Nếu lao động VN có lợi thế chi phí thấp nhưng không
có kỹ năng và tri thức phù hợp thì sẽ không có giá trị đối với nhà đầu
tư và chúng ta sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc
phát triển ngành CNTT trong 20 năm tới!” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân cho hay.
Ông cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự gia
tăng nhanh chóng các doanh nghiệp CNTT và viễn thông lớn của nước ngoài
đầu tư vào VN đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực có tính chuyên nghiệp
cao. Điều đó đã tạo sức ép mạnh mẽ đối với các cơ sở đào tạo cũng như
các nhà quản lý giáo dục và đào tạo, CNTT và viên thông.
theo 24H.COM.VN (VietNamNet) |