(Post 09/01/2008) Thiếu mục tiêu đào tạo nên
xây dựng chương trình nhầm lẫn. Kết quả kiểm định thí điểm của Bộ GD-ĐT
tại 20 trường, vẫn có 4 ĐH hàng đầu chưa đáp ứng được các yêu cầu về việc
xác định mục tiêu đào tạo. Đây là những thông tin đưa ra tại hội nghị
chất lượng giáo dục ĐH tổ chức ngày 5/1 tại TP.HCM.
Nhiều trường
ĐH thiếu mục tiêu đào tạo. Trong ảnh: Thí sinh thi ĐH. Ảnh: LAD |
|
Thiếu mục tiêu, chương trình nhầm lẫn
"Các trường không hề quan tâm đến mục tiêu đào
tạo. SV thi vào trường cũng không biết mục tiêu đào tạo là gì. Doanh nghiệp
cũng không biết cụ thể mục tiêu đào tạo của từng trường. Và tồi tệ hơn,
chính thầy cô trong trường cũng không nắm hết mục tiêu đào tạo của ngành
mà mình giảng dạy", PGS.TS Thái Bá Cần bức xúc ngay khi mở đầu
hội thảo.
Bởi vậy, chương trình đào tạo đang được xây dựng nhầm
lẫn, thường chỉ dựa trên mục tiêu chung mà quên đi đặc thù của từng ngành,
từng trường và đáp ứng với nhu cầu của địa phương.
Một dẫn chứng ấn tượng mà Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bành
Tiến Long nêu ra: Kết quả kiểm định thí điểm của Bộ GD-ĐT tại 20 trường,
vẫn có 4 ĐH hàng đầu chưa đáp ứng được các yêu cầu về việc xác định mục
tiêu đào tạo.
Có một thực tế, bởi không xác định rõ mục tiêu đào tạo
của từng trường, nên hiện nay nhiều trường khi mới thành lập hoặc mở ngành
đào tạo mới thường chủ yếu chỉ copy lại chương trình đào tạo của một trường
nào đó mà không đầu tư để xây dựng chương trình đào tạo có đặc thù riêng.
Từ mục tiêu không rõ ràng này, SV phải lãnh "hậu
quả": Hơn 50% sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại vì không đáp
ứng được yêu cầu chuyên môn.
Thầy thiếu và “trường” cũng thiếu
Theo báo cáo của Bộ GD - ĐT tại hội nghị, hiện nay khó
khăn lớn tại các trường đại học là thư viện, phòng thực hành, thí nghiệm
và trang thiết bị. Các trường đại học hầu như không đủ diện tích lớp học
theo quy định.
Với nhiều đại biểu, đây cũng là khó khăn để các trường
đại học tiến tới việc đào tạo có chất lượng. Nói như TS Nguyễn Thị Kim
Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Cơ sở hạ tầng của các trường đại học hiện
nay vừa thiếu vừa yếu. Cả nước không có khu đại học nào hoành tráng. Chúng
ta chưa có phòng thí nghiệm mang tính chất quy mô. Trong khi đó, có khá
nhiều khu công nghiệp hoành tráng mọc lên. Điều này chứng tỏ Nhà nước
chưa đầu tư xứng đáng cho giáo dục”.
TS cho rằng chúng ta cần quy hoạch làng đại học. Làng
đại học phải có quy mô như các khu công nghiệp hiện nay.
Người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao
chất lượng đào tạo. Nhưng các trường đại học hiện nay vẫn chưa giải quyết
được bài toán này.
Ông Thái Bá Cần chia sẻ: “Các trường đang được giao
giải quyết bài toán không có lời giải. Nguồn lực để nâng cao chất lượng
là một con số xa xỉ. Nguồn lực hữu hạn và bị rào xung quanh bởi những
quy chế”.
Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng cho
rằng: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu về số
lượng, hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu. Năng lực ngoại ngữ
của các giảng viên và cán bộ quản lý, nhất là tiếng Anh còn hạn chế. Cán
bộ quản lý chưa được đào tạo một cách có hệ thống”.
“Sinh viên được quyền chọn thầy cho mình là cách
tốt nhất để tạo sự cạnh tranh trong giáo dục”, GS-TS Đào Xuân Học,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn góp ý.
"Hạn chót" chuẩn đầu ra vào cuối năm
nay
TS Vũ Thị Phương Anh – ĐHQG TP.HCM cho rằng: “Đào
tạo có chất lượng là đào tạo đúng mục tiêu. Và mục tiêu của mỗi trường
khác nhau. Vì thế, chúng ta phải chia các nhóm trường khác nhau trong
đào tạo. Muốn nâng cao chất lượng cần phải có sự phân chia rõ ràng”.
Để làm được điều đó, cần thay đổi công nghệ, thay đổi
cách quản lý để nâng cao chất lượng trong tình hình hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết "Ngành
giáo duc phải có đánh giá sát hơn trình độ của sinh viên. Xác định những
thời cơ để tìm ra giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của các
nhà đầu tư.”
Ông Nhân đã yêu cầu tới tháng 12/2008, các ĐH, CĐ phải
công bố chuẩn đầu ra, và xây dựng được chương trình khung trong năm 2009.
Đoan Trúc
(theo VietNamNet) |