(Post 12/01/2007) Việc xây dựng và cải tổ đại
học đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Cụm từ “đẳng cấp quốc tế”
thường được sử dụng như mốt thời thượng. Thử hỏi đại học có “đẳng cấp
quốc tế” là gì?
GS Hồng
Lê Thọ - tác giả bài viết |
|
Thế nào là đẳng cấp thế giới?
Sở dĩ các trường đại học trên thế giới được ca ngợi,
xem là có trình độ cao là vì những lý do sau đây:
1. Lực lượng giảng
dạy và nghiên cứu là những người có uy tín trong học thuật, bản thân những
người này có các công trình khoa học hàng đầu (topics), đang được giới
học thuật trong ngành chú ý hay trích dẫn, tham khảo để nối tiếp. Bên
cạnh những nhà nghiên cứu này là một bộ máy sinh viên - thầy giáo cùng
hợp tác (working team) và họ có những phòng nghiên cứu riêng trong đại
học, cùng đứng tên chung đề tài trong khi hướng dẫn sinh viên làm luận
văn tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Có nhiều vị giáo sư đạt giải thưởng
về học thuật trong và ngoài nước, tạo ra được mũi nhọn cho đại học mình,
như trường hợp MIT, Harvard (Mỹ), Oxford (Anh) hay Kyoto (Nhật)...
2. Sinh viên ra
trường đều được đánh giá cao với luận văn tốt nghiệp có giá trị khoa học
thật sự và hầu hết tìm được việc làm ở những viện nghiên cứu chuyên ngành,
đại học, nhà máy, cơ quan khoa học... có thể tiếp tục sự nghiệp nghiên
cứu chuyên môn hay thi thố tài năng của mình.
3. Đại học có
đủ bộ máy quản lý nhân sự, khoa học lẫn tài chính nhằm tổ chức giảng dạy
và nghiên cứu học thuật hoàn chỉnh, là nơi đào tạo nhân tài cho xã hội
đáng tin cậy.
Quả không ngoa khi những sinh viên tốt nghiệp ĐH Harvard,
MIT đều được trọng vọng. Tại Pháp, những "cửa lớn" (grande porte
- các công ty hàng đầu) luôn giành giật sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp,
ngay khi chưa bước chân ra khỏi Ecole Polytechnique (ĐH Bách khoa) hay
Teidai (ĐH Đế quốc) ở Nhật hoặc Princeton, Harvard (Mỹ), họ có một tương
lai vô cùng hứa hẹn, trở thành nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý
cao cấp hay lãnh đạo bộ máy nhà nước...
Như vậy, ngoài đầu ra đắt giá của "sản phẩm"
đào tạo, một trong những tiêu chí đánh giá một đại học có tầm cỡ hay không
là khi nhìn vào CV (Curriculum Vitae - lý lịch) về học thuật của thành
phần giảng dạy và những công trình nghiên cứu của đại học đó chứ không
phải sự đánh giá chủ quan, mang tính "tự xưng", xem mình là
đẳng cấp quốc tế (mà không ai có thể thẩm định theo một tiêu chí nào cả).
Hơn thế nữa, chất lượng giáo dục ở đại học không chỉ
dừng lại ở nội dung học tập của sinh viên mà còn tuỳ thuộc vào khả năng
đóng góp vào nhu cầu của xã hội như thế nào của thầy và trò ở đại học,
trong đó nghiên cứu khoa học là một chức năng không thể thiếu.
Không thể có một đại học "đẳng cấp" quốc tế
mà các vị giáo sư chẳng có công trình khoa học, chỉ đứng giảng theo lối
từ chương, lật sách đọc bài sáo mòn từ năm này sang năm khác. Thực tế
này càng lộ rõ khi số đại học mới được thành lập tăng nhanh, trong năm
2006 - 2007 đã có 25 trường đại học, trong số đó số thầy "đủ"
trình độ vô cùng khan hiếm.
Thu hút trí thức kiều bào về nước giảng dạy
TPHCM với vị trí thuận lợi trong giao lưu và quan hệ
quốc tế, nơi có những cơ sở vật chất tương đối thuận lợi, nhân lực cho
đại học và cao đẳng được đào tạo từ nhiều nguồn trong cũng như ngoài nước,
vì vậy xây dựng một đại học có tầm khu vực không phải là việc làm không
tưởng. Đã có nhiều kiều bào trí thức về nước tham gia giảng dạy ngắn cũng
như dài hạn, trong đó có một số anh chị em tự nguyện hồi hương từ nhiều
năm qua và hiện có mặt trong bộ máy giảng dạy của đại học bách khoa, tổng
hợp, sư phạm...
Gần đây, một số giáo sư là kiều bào đang giảng dạy tại
các đại học nổi tiếng ở các nước (Mỹ, Pháp, Nhật...) cũng đã đề xuất đề
án xây dựng một đại học "hiện đại", tuy nhiên những nỗ lực đó
còn dừng lại ở mức tham khảo, chưa được quan tâm đánh giá để tích cực
đưa vào việc cải tổ đại học ở nước ta cũng như việc huy động nguồn chất
xám vẫn còn ở mức cá nhân, chưa thành một chính sách tích cực để đưa kiều
bào trí thức trở về tham gia từng phần, góp phần nâng cao trình độ trong
nước như mong muốn...
Ở một số đại học dân lập ở TPHCM, ở các trường trung
học phổ thông cũng đã bắt đầu đưa chuyên gia nước ngoài tham gia giảng
dạy nhưng chủ yếu là ngoại ngữ, chưa có việc kết hợp đào tạo ở các ngành
khoa học tự nhiên và công nghiệp, dù vậy sự liên thông giữa đại học trong
nước và nước ngoài là một bước tích cực để nâng cao trình độ của sinh
viên, nhưng cũng còn ở bước thử nghiệm vì chi phí học tập ở nước ngoài
vào các năm cuối của học trình còn quá cao so với mức thu nhập của người
dân.
Chính phủ Pháp cũng đã có chương trình hỗ trợ, liên kết,
liên thông giữa đại học trong nước với những đại học của Pháp, tổ chức
giảng dạy tại Việt Nam và tu nghiệp tại Pháp (cũng như Australia hay một
vài đại học ở Hoa Kỳ). Bước đi này đều ở mức xuất phát, tập trung ở một
số ngành đặc thù như du lịch, khách sạn, công nghệ thông tin... hy vọng
sẽ phát huy tác dụng trong những năm tới.
Phải chăng Chính phủ nên ban hành một chính sách thực
thi cụ thể hơn nữa triển khai nội dung Nghị quyết 36 về công tác đối với
người Việt Nam ở nước ngoài đã ban hành cách đây hơn ba năm và Bộ GD-ĐT
nên "khoán" cho đại học việc tiếp thu giáo sư thỉnh giảng nước
ngoài (kiều bào trí thức), thực hiện việc hợp tác giảng dạy theo một cơ
chế mở, chi trả theo mức lương độc lập trên cơ sở tự cân đối hay huy động
tài trợ của nước ngoài hay xí nghiệp trong nước.
Với cách làm này, từng bước TPHCM, Hà Nội sớm có những
chuyên ngành (bộ môn) và khả năng nghiên cứu mang tầm quốc tế, từ đó có
thể nhân rộng và phổ cập cho các ngành khác trong đại học và toàn diện
cho cả nước.
Tiềm lực của hai thành phố này rất lớn trong phát triển
kinh tế, công nghiệp và dịch vụ, đó cũng là tiền đề cho những quyết sách
"thông thoáng" tích cực tài trợ và huy động tài chính của xí
nghiệp (được khấu trừ thuế) cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân tài
ngay tại trong nước, tiết giảm chi phí cử cán bộ ra nước ngoài tu nghiệp,
hay để lấy học vị thạc sĩ, tiến sĩ như chủ trương hiện nay.
GS Hồng Lê Thọ (Tokyo)
Sài Gòn Tiếp Thị |