(Post 23/01/2008) “Sứ mệnh của giáo dục không phải là đào tạo công cụ cho xã hội, mà là đào tạo những con người chủ thể của xã hội; không chỉ là nơi cung cấp kiến thức cho con người, mà còn cung cấp cho xã hội những con người có khả năng tạo ra tri thức, dám sống dám nghĩ bằng cái đầu và trí tuệ của mình…” Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đại học Phan Châu Trinh phát biểu tại cuộc hội thảo. | |
Đó là kết luận của TS. Trần Hữu Quang - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times (STR) sau ngày làm việc đầu tiên (17/01) tại buổi Hội thảo khoa học “Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học” do ĐH Hoa Sen chủ trì. Người học chưa tư duy độc lập Phát biểu khai mạc hội nghị, Th.S Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho rằng: "Sứ mệnh trường đại học là trang bị kiến thức vững chắc, cập nhật và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho người học rèn luyện năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Ở đó, thầy và trò chủ động lựa chọn nội dung tri thức và phương pháp truyền đạt, trao đổi, phát triển sao cho việc dạy, học và nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả tối đa". Ý kiến này được đông đảo sự ủng hộ đồng thuận của các đại biểu. Song song với việc truyền đạt kiến thức, điều cốt lõi là luyện được cho người học tinh thần ham mê, hăng say khám phá, khát khao tìm hiểu thế giới, khát vọng tìm kiếm tri thức mới, ở nơi chân trời mới. Bởi lẽ, biển học là mênh mông vô tận, không bao giờ là đủ. Cho nên, trong bối cảnh hội nhập mở cửa hiện nay, khi mà các doanh nghiệp đang hăng hái đầu tư vào nước ta, thì nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo, tư duy độc lập là một vấn đề cấp bách và thiết yếu. Cũng tại buổi hội thảo, nhà văn Nguyên Ngọc đã phát biểu về tầm quan trọng của tính tư duy chủ động của người học: "Nhiệm vụ hàng đầu của ngành giáo dục, là tạo ra những con người có ý chí, lòng say mê, khả năng tự học, tự chiếm lĩnh tri thức mới, suốt đời. Kế đến là rèn luyện tư duy độc lập, chức năng quan trọng, thiêng liêng, cao quý nhất của đại học, cái làm cho nó là đại học". Toàn cảnh cuộc hội thảo khoa học “Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học”. | |
Trao quyền tự chủ cho các trường ĐH? Vào ngày đầu tiên trong thời gian 2 ngày của hội thảo, các đại biểu đã cùng phát biểu, thảo luận và trao đổi về những trở lực và ràng buộc khiến ĐH Việt Nam chưa phát huy được đúng mức tính chủ động cần thiết. Ý kiến được đại đa số đại biểu đồng tình tại hội nghị, đó là quyền tự chủ của trường đại học chưa đúng tầm, vẫn còn bị phụ thuộc quá nặng vào Nhà nước, vào Bộ GD-ĐT, nên có phần hạn chế việc phát triển tính tư duy chủ động trong cả người dạy và học. Đa số các đại biểu đều cho rằng việc tuyển sinh ĐH hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào quy chế, đề thi… do Bộ quy định thống nhất chung cho cả nước. Các đại biểu đều tỏ thái độ mạnh mẽ khi đề cập đến mâu thuẫn “Một trường đại học không có quyền tự quyết định việc tuyển sinh cho trường mình, nhưng lại hoàn toàn có quyền cấp bằng công nhận tốt nghiệp cho những sinh viên ấy”. NGƯT Vũ Thế Khôi phát biểu: "Mỗi năm với những môn kinh điển, tổng số SV nước ta ngồi nghe giảng thụ động đã vượt 1 năm lên lớp của các đại học tiên tiến trên thế giới. Chương trình quá tải về lý thuyết cùng phương pháp truyền thụ đơn thuần không thể giúp rèn luyện tính chủ động tư duy." GS Bùi Trọng Liễu, ĐH Paris (CH Pháp) trình bày quan điểm của mình về kì thi tuyển sinh bằng thi trắc nghiệm do Bộ quy định : "Ta luôn đề cao việc tránh học vẹt, đề cao việc học tập cho HS biết suy luận, tư duy, tự học. Nếu dùng thi trắc nghiệm để đánh giá thì hoàn toàn ngược lại với tinh thần nói trên." Ngoài ra, GS cũng trình bày sự “hãi” của mình về việc thi trắc nghiệm: "Thi trắc nghiệm phần nào là đưa ra nhiều giải đáp sai và 1 giải đáp đúng. Và khi hình ảnh của cái sai đã thâm nhập vào đầu thì xua đuổi nó ra là rất khó". Ông kết luận: "Nó (việc thi trắc nghiệm - PV) không thể hợp với "tính chủ động tư duy." Trong ngày thảo luận cuối cùng của cuộc hội thảo này, ngày 18/01, các đại biểu sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể trong lĩnh vực KHCN, lĩnh vực khoa học kinh tế, KHXHNV cũng như trong quản lý giáo dục. Nguyễn Dũng (theo VietNamNet) |