"VN nằm trong đợt sóng sáng tạo CNTT toàn cầu tiếp theo!"  
 

(Post 02/02/2008) Sang Việt Nam trong một ngày làm việc bận rộn, ông Steven Mills, Phó Chủ tịch cấp cao IBM kiêm Giám đốc tập đoàn phần mềm IBM đã dành hai buổi làm việc chính để tiếp xúc với giới sinh viên CNTT và giới phát triển phần mềm Việt Nam. Trong đó, ông chia sẻ nhiều kinh nghiệm và có những nhận định tích cực về tương lai ngành CNTT Việt Nam.

Steven Mills thuyết trình trước giới công nghệ Việt Nam trong buổi hội thảo về tương lai ngành phần mềm. (Ảnh: Thế Phong)

Năm 2007, giới công nghệ trong nước vẫn còn nhớ các cuộc viếng thăm của nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới IT thế giới như Bill Gates hay Steve Ballmer, vì thế, sự có mặt lần này của Steven Mills được xem là cuộc "xông đất" đầu năm đầy thú vị cho CNTT Việt Nam 2008. Trong các buổi tiếp xúc với giới công nghệ trong nước, ông Steven Mills chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm, cũng như nhiều nhận định tích cực về tương lai của công nghiệp phần mềm Việt Nam.

VN: "Cường quốc phần mềm" hay "cường quốc nhân lực phần mềm"?

"Cơ hội để phát triển trong lĩnh vực phần mềm của các bạn chỉ phụ thuộc vào năng lực và kỹ năng của các bạn mà thôi. Người ta vẫn mãi đang tìm kiếm những người có đủ kỹ năng trong lĩnh vực phần mềm để làm việc cho họ ở bất kỳ đâu. Trong thời đại này, khoảng cách địa lý chẳng còn là trở ngại nữa...", Steven Mills nói với các sinh viên công nghệ tại ĐHBK Hà Nội.

Ông Steven đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng khi đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm và tầm nhìn của mình đối với giới công nghệ trẻ của Việt Nam. Theo ông, trình độ viết mã (coding) không phải là vấn đề cốt yếu như những năm trước đây nữa, do mức độ cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao. Cơ hội nghề nghiệp cho giới lập trình viên phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng làm việc trong lĩnh vực phần mềm.

"Đó là khả năng thiết kế phần mềm chuyên sâu, khả năng phát triển các mẫu ứng dụng phong phú, kiến thức về các nhu cầu kinh doanh, kỹ năng kiểm tra, kỹ năng tạo mẫu sản phẩm, khả năng kiến trúc và sắp xếp dữ liệu"...

Theo Steven, những yêu cầu nói trên hiện đang là những kỹ năng có giá trị rất cao của giới lập trình viên. Tất cả phải được cụ thể hóa thành các chuẩn và thành thạo ở mức kỹ năng sẽ trở thành yếu tố then chốt trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phần mềm, và những kỹ năng này phải được chuẩn bị theo quy trình đào tạo cho nguồn lực con người trên diện rộng, thay vì mỗi người tự đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn như nhiều năm trước đây.

Một trong những điểm Steven Mills hết sức nhấn mạnh khi nhận xét về giới lập trình viên Việt Nam, đó là việc cần thiết phải lập tức bổ sung các kiến thức nền tảng về những lĩnh vực kinh doanh mà họ tạo ra sản phẩm phần mềm để phục vụ.

"Bởi vì anh phải rất am hiểu về lĩnh vực tài chính, hoặc viễn thông... thì mới có thể tạo ra các sản phẩm phần mềm phục vụ tốt cho chúng, thậm chí, phải hiểu cả phương thức kinh doanh để tạo ra các giá trị thế hệ kế tiếp thay vì luôn luôn phải tiếp nhận các yêu cầu sửa đổi nâng cấp từ phía khách hàng".

Những thông điệp của Steven Mills đưa ra được giới công nghệ trong nước rất đồng tình, khi mà thực tế nguồn nhân lực cao cấp về CNTT ở Việt Nam và khu vực đều được khẳng định là đang thiếu hụt trầm trọng. CN phần mềm Việt Nam hiện vẫn chưa khởi sắc, và mục tiêu muốn trở thành trung tâm về out sourcing của khu vực và thế giới cho đến nay đang dần bị thay thế.

"Sẽ không chỉ là out sourcing", Phó Chủ tịch hiệp hội phần mềm Vinasa nói trong cuộc hội thảo ngay sau bài diễn thuyết của Steven."Trong 10 năm nữa, Việt Nam chưa thể trở thành cường quốc về CNTT, nhưng chúng ta nên đặt mục tiêu trở thành cường quốc về nguồn nhân lực CNTT của thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ", ông nói.

"VN trong đợt sóng sáng tạo tiếp theo của CNTT toàn cầu"

Trong các cuộc tiếp xúc với giới công nghệ Việt Nam, Steven Mills thường nhấn mạnh đến một khái niệm là "Kiến trúc hướng dịch vụ" (SOA) trong hướng phát triển công nghiệp phần mềm tương lai. Ông cho biết khái niệm này có ba phần tử chính: Một kiến trúc dữ liệu hợp lý; lượng thông tin đầy đủ và thông suốt; sau cùng là yếu tố con người.

Theo vị Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc tập đoàn phần mềm IBM, khi có được một hệ thống dữ liệu đầy đủ, một kiến trúc hợp lý để thông tin chạy trên đó luôn được chia sẻ một cách thuận lợi nhất (chẳng hạn bằng các ứng dụng web 2.0) cộng với các yếu tố sáng tạo của con người, công nghiệp phần mềm sẽ phát triển cực mạnh và vững chắc.

"Lịch sử CNTT thế giới cho thấy, thời kỳ bùng nổ về www từ năm 1994 đến năm 2000 là kết quả của nhu cầu và thực tế bùng nổ thông tin diễn ra cách đó nhiều thập kỷ. Tương tự như vậy, giá trị thực sự của CNTT cho đến nay mới chỉ bắt đầu hiện thực hóa. 3 đến 5 năm nữa có lẽ mới là thời điểm bùng nổ thực sự. Và tôi nhắc lại là các bạn đang có hơn bao giờ hết những cơ hội để trở thành một phần của đợt sóng sáng tạo đó".

Lấy dẫn chứng cho nhận định của mình, Steven nói rằng ông nhận thấy Việt Nam hiện đã có một cơ sở hạ tầng về băng thông tương đối, có tốc độ phát triển tốt. Thêm vào đó, sự phát triển của Viễn thông cho phép lao động của Việt Nam có thể đóng góp cho sự phát triển của công nghệ thế giới mà không gặp phải rào cản từ khoảng cách vật lý. Steven khẳng định các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đang "ngày càng hài lòng với giải pháp nguồn nhân lực ảo", nghĩa là không hoàn toàn làm việc tập trung mà chuyên môn hóa và phối hợp với nhau trên toàn cầu.

"Thêm vào đó, là một quốc gia đang phát triển, các bạn sẽ tránh được cái "bẫy" mà nhiều nước phát triển khác từng vướng phải: tốn tiền cho quá nhiều lựa chọn của cùng một công nghệ mà không biết cái nào thực sự cần. Các bạn có cơ hội lựa chọn những công nghệ, phương thức tiên tiến nhất cho sự phát triển của mình và tránh được những kỹ thuật không ích lợi."

"Nhưng cũng giống như IBM không chỉ đến đây để phục vụ riêng một thị trường Việt Nam, các bạn nên tư duy theo cách không chỉ nhìn vào bối cảnh các công ty trong nước mà hãy xem xét bối cảnh từ Việt Nam với các khả năng cần có trong tương lai để trở thành một phần trong đợt sóng sáng tạo tiếp theo của CNTT thế giới", Steven Mills nhấn mạnh thông điệp cuối cùng.

Thế Phong
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


"Thế hệ trẻ Việt Nam đang có những cơ hội toàn cầu!"Walt Disney và những triết lý thành công
Sinh viên Đại học chưa dám tư duy độc lậpNhân lực CNTT: Vận hội lớn, khủng hoảng cao
Cách học hiệu quả tiếng Anh chuyên ngành CNTTBàn về đào tạo “đẳng cấp quốc tế” ở nước ta
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11