(Post 15/02/2008) Thị trường phần mềm nội địa
với quy mô khổng lồ đã khiến các doanh nghiệp Nhật Bản luôn nằm trong
tình trạng thiếu hụt nhân lực, phải đi tìm sự bù đắp từ bên ngoài, chủ
yếu là từ thị trường Trung Quốc.
Trước thực trạng này, nếu sớm có bước đột phá về số lượng
và chất lượng trong đào tạo nhân lực CNTT thì Việt Nam sẽ mau chóng trở
thành thị trường outsourcing lý tưởng trong mắt các doanh nghiệp Nhật
Bản.
Có thể thấy trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn
có thể trở thành thị trường gia công phần mềm lớn cho Nhật Bản, bởi đến
nay nhiều doanh nghiệp CNTT của Nhật như NEC và Hitachi đều có xu hướng
chọn Việt Nam làm thị trường outsourcing số một. Hiện tại, Việt Nam đang
chiếm 15% tổng outsourcing của NEC và 26% đối với tập đoàn Hitachi. Con
số này chắn chắn sẽ còn tăng mạnh trong tương lai và là triển vọng lớn
cho ngành phần mềm của nước ta, đồng thời cũng là bài toán đặt ra cho
ngành đào tạo CNTT, khi mà số lượng và chất lượng nhân lực CNTT Việt Nam
vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là về khả năng ngôn ngữ và kỹ năng.
Vượt rào cản ngôn ngữ
Tại hội thảo diễn ra trong Ngày CNTT Việt - Nhật mới
đây tại Hà Nội, các ý kiến đưa ra đều cho rằng vấn đề ngôn ngữ là trở
ngại đầu tiên khiến nhân công Việt Nam khó có thể vào làm việc trong các
công ty của Nhật. Hiện nay hầu hết các trường học ở Việt Nam đều dạy ngoại
ngữ tiếng Anh, chỉ những người đã từng du học tại Nhật hoặc học ở các
trường ngoại ngữ chuyên khoa tiếng Nhật thì mới biết tiếng Nhật.
Như vậy, số người biết tiếng Nhật ở Việt Nam không nhiều,
còn số người làm về CNTT mà biết tiếng Nhật, thông thạo tiếng Nhật lại
càng hiếm hoi. Hơn nữa, tiếng Nhật lại là một ngôn ngữ tương đối khó học,
theo thống kê chưa chính thức thì ở Việt Nam trong vòng 5 năm (từ 2000-2005),
chưa có đến 100 người đỗ cấp độ 1 (cấp độ cao nhất trong tiếng Nhật),
hầu hết họ là giáo viên, du học sinh hoặc sinh viên học đại học tiếng
Nhật từ 4 năm trở lên. Để tìm được số lập trình viên có trình độ tiếng
Nhật đạt cấp độ cao thì quả là… đếm trên đầu ngón tay, trong khi thị trường
Nhật rộng mở, cần tới hàng chục nghìn người.
Đại diện của Công ty Sáng tạo cho biết, đối với các lập
trình viên tối thiểu phải có trình độ tiếng Nhật cấp độ 2, có ít nhất
3 năm làm việc trong lĩnh vực IT thì mới đạt là lập trình viên cầu nối
tại công ty của họ. Cách đây 4 năm, công ty Sáng tạo đã bắt đầu việc tự
đào tạo nhân viên của mình bằng cách cử 20 nhân viên sang Nhật. Tuy nhiên,
mặc dù doanh nghiệp đã phải chi một khoản tương đối tốn kém, mà kết quả
lại không được như ý muốn, vì các nhân viên này đã phải dành phần lớn
thời gian cho công việc chuyên môn, không có thời gian dành cho học tiếng
Nhật.
Như vậy vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp làm ăn với
Nhật hiện nay là: liệu họ nên đợi các trường đại học dạy tiếng Nhật cho
sinh viên CNTT trong trường kỹ thuật? hay đợi các Trung tâm đào tạo tiếng
Nhật làm giúp nhiệm vụ này khi các Trường đại học không thể đáp ứng được
nhu cầu? Hay nên chăng thành lập riêng một trung tâm nào đó chuyên đào
tạo tiếng Nhật cho các nhân viên ngành IT?
Ở nước ta hiện nay mới có Trường Đại học FPT và Dự án
HEDSPI của Đại học Bách Khoa Hà Nội là dạy song ngữ Việt – Nhật trong
chương trình giảng dạy cho sinh viên CNTT. Tuy nhiên số lượng sinh viên
được đào tạo trong dự án HEDSPI chỉ mới dừng lại ở con số tuyển sinh 120
sinh viên/năm, còn tại Đại học FPT số sinh viên học lớp tiếng Nhật cũng
chỉ nhỉnh hơn một chút. Hơn nữa, số giáo viên có khả năng dạy CNTT bằng
tiếng Nhật cũng rất “quý hiếm”, điều này phải trông chờ vào sự hợp tác
của các doanh nghiệp để đưa các kỹ sư đã và đang làm việc trong công ty
của Nhật sang dạy ngôn ngữ cho sinh viên.
Cần một chuẩn kỹ năng CNTT
Theo số liệu từ VINASA, hiện nay mỗi năm các trường đại
học ở nước ta có khoảng 10.000 kỹ sư CNTT, nếu tính cả các trường cao
đẳng và trường dạy nghề thì con số là 20.000 người. Tuy nhiên, trên thực
tế số người tham gia vào lĩnh vực phần mềm chỉ tăng thêm 6.000 từ năm
2005 đến năm 2006. Điều này có nghĩa là thị trường nhân lực CNTT nước
ta đang trên đà tăng nhanh về số lượng, đến mức việc đào tạo nhân lực
có thể thay bằng cụm từ “sản xuất” nhân lực, trong khi đó thì vấn đề chất
lượng lại đang là vấn đề làm đau đầu các nhà chiến lược.
Mặt khác, chương trình đào tạo cho nhân viên của mỗi
công ty lại khác nhau, gây tốn kém không ít cho các doanh nghiệp. Các
sinh viên của chúng ta khi ra trường có kỹ năng lập trình rất tốt, nhưng
họ lại không có một số chuẩn kỹ năng cần thiết khi làm việc trong các
công ty nước ngoài nói chung, và đặc biệt là Nhật Bản. Một trong những
cách làm của các doanh nghiệp hiện nay là động viên để các nhân viên mới
tự học các kỹ năng này với thời gian ít nhất là từ 6 tháng đến 1 năm.
Các cơ sở đào tạo hiện nay thì đang có xu hướng đưa các
chuẩn quốc tế về CNTT vào chương trình đào tạo. Tại Đại học FPT, nội dung
giáo dục chuyên nghiệp của Chương trình đào tạo cử nhân CNTT được định
hướng cơ bản dựa theo các chuẩn quốc tế cao nhất về quy trình chất lượng
như ABET (chuẩn cao cấp nhất về quy trình chất lượng đào tạo các ngành
kỹ nghệ và công nghệ của Mỹ) và về khung chương trình đào tạo CNTT như
ACM (ACM là Hiệp hội lâu đời nhất và lớn nhất về đào tạo CNTT trên thế
giới). Các sinh viên trong dự án HEDSPI nằm trong Đại học Bách khoa Hà
Nội cũng đang được đào tạo theo chuẩn CNTT của Nhật (ITSS).
Như vậy một yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là cần
có sự kết hợp giữa các cơ sở đào tạo, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt
Nam (VINASA) và các doanh nghiệp để đưa ra một chuẩn kỹ năng cơ bản, bắt
buộc các sinh viên phải học nếu muốn làm việc ở bất cứ một công ty nào.
Đứng trước yêu cầu đó, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA)
đã đưa ra kế hoạch xây dựng hệ thống chuẩn đánh giá nhân lực CNTT phù
hợp với các hệ chuẩn nhân lực quốc tế và Nhật Bản. Hệ thống chuẩn mới
này dự kiến sẽ hoàn thành và ban hành trong năm 2008.
(theo Tin học Tài chánh)
|