(Post 29/03/2008) “Nhà nước phải có tác động,
có chính sách để đẩy nhanh các doanh nghiệp tiến tới làm việc vận hành
theo quy trình trên nền tảng ứng dụng CNTT”.
Ngân hàng
được đánh giá là một lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng CNTT nhưng
trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam, số doanh nghiệp
ứng dụng bài bản còn ít. Ảnh: Thanh Hải |
|
Chỉ ra những nhược điểm cụ thể bấy lâu nay cũng là cách
“hiến kế” tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ thông tin
nước nhà. Đó cũng là góp ý của ông Ngô Trung Việt, chuyên gia nghiên cứu
nhiều năm trong lĩnh vực CNTT ở Viện Công nghệ thông tin quốc gia (Viện
Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Thiếu quy trình làm việc trên nền công nghệ
Hiện nay công cụ CNTT như máy tính, mạng đã bắt đầu phổ
cập và ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong doanh nghiệp. Nhưng cách
làm việc trên nền CNTT của đa phần doanh nghiệp còn chưa được phát triển.
Doanh nghiệp muốn tăng sức cạnh tranh phải làm việc có quy trình khoa
học và công nghệ. Hay nói cách khác là phải xây dựng kiến trúc làm việc
mới trên nền công nghệ thông tin.
Đó là việc của doanh nghiệp nhưng nhà nước phải có tác
động, có chính sách để đẩy nhanh các doanh nghiệp tiến tới làm việc vận
hành theo quy trình trên nền tảng ứng dụng CNTT. Nhà nước có thể hỗ trợ
bằng việc yêu cầu các công ty phải phát triển kiến trúc thế nào trên nền
công nghệ, buộc các công ty phải năng động. Ví dụ nhà nước có chính sách
yêu cầu mỗi công ty ứng dụng trên nền công nghệ thì phải tiến hành cải
tổ kiến trúc như thế nào. Sau bước đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT, đầu
tư xây dựng quy trình làm việc mới cần phải được coi là đầu tư căn bản
để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Hiện nay đã có một số doanh nghiệp năng động đi vào việc
áp dụng quy trình nhưng đó chỉ là một vài điển hình, chưa phải là phổ
biến.
Hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan chính phủ cũng
chưa chú trọng đến việc áp dụng quy trình làm việc khoa học. Nhìn vào
các đề án, các chương trình ứng dụng CNTT vẫn thấy thiếu đường lối lâu
dài. Không có kế hoạch lâu dài, những người đi sau không tận dụng kết
quả của người đi trước để phát triển tiếp, giai đoạn sau lại bắt đầu ở
một góc khác. Tính tổng thể thiếu sẽ không thấy được sự liên tục của chính
sách, thiếu sự điều hành nhất quán qua thời gian. Điều này phản ánh cách
làm việc và toàn thể bộ máy hành chính của Việt Nam vẫn còn dựa rất nhiều
vào đối tượng con người, chưa chú trọng đúng mức tới quy trình khoa học,
cách làm việc theo quy trình như các nước tiên tiến.
Ông Ngô Trung Việt |
|
Thiếu chú trọng lực lượng tri thức trong doanh
nghiệp
Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực mới được
quan niệm là tập trung vào các trường đại học, do đó lực lượng lớn người
làm CNTT trên thị trường, đội ngũ chính nâng cao năng lực cạnh tranh của
CNTT Việt Nam thực tế chưa được tính đến. Đây là bất cập trong nhìn nhận
lực lượng CNTT Việt Nam.
Các đội quân chủ lực của CNTT Việt Nam chủ yếu nằm ở
các công ty trong lĩnh vực CNTT và ở những nơi ứng dụng CNTT mạnh mẽ.
Chính phủ phải có chiến lược để nâng cao năng lực cho những đối tượng
này.
Thị trường công nghiệp phần mềm đang mở rộng, cần nhiều
nhân công nhưng thị trường nhân lực không đáp ứng được. Thị trường trong
nước chưa thật sôi động, do nhu cầu chưa được đẩy lên. Hầu hết các doanh
nghiệp phát triển được phải chạy ra nước ngoài làm gia công, nhưng trong
vài năm tới chắc chắn vẫn thiếu nhân công. Nhiều công ty chỉ đáp ứng được
một phần, không đáp ứng được nhu cầu đặt hàng. “Đại gia” như FPT cũng
chỉ đáp ứng được ¼ nhu cầu do thiếu nguồn nhân lực chưa đủ phẩm chất.
Số lượng đào tạo thì khá lớn nhưng số người thực sự đáp ứng được yêu cầu
của công nghiệp lại rất nhỏ. Trong khi đó, đến nay dường như chúng ta
vẫn chưa có kế hoạch nâng cấp những người làm CNTT để đáp ứng yêu cầu
tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng chưa thúc đẩy mạnh việc chuẩn
hoá nguồn nhân lực, tạo khuôn khổ phát triển cho các cơ sở đào tạo. Hiện
nay việc quản lý lực lượng lao động tri thức thực tế chưa có cơ quan chuyên
trách mà tản mát trong các công ty, xí nghiệp, cơ quan. Mặc dầu tầm quan
trọng của học tập trong thời đại mới đã được nhìn nhận nhưng chưa được
thể hiện thành cơ cấu tổ chức nằm trong hoạt động thường ngày của các
doanh nghiệp, cơ quan.
Trong nền kinh tế tri thức, phẩm chất của con người tham
gia vào các quy trình tri thức là nhân tố thúc đẩy tiến bộ chủ chốt, không
phải là yếu tố máy móc như trong nền kinh tế công nghiệp. Vì vậy, thiếu
một hệ thống theo dõi, phát triển và nâng cấp lực lượng lao động trí thức
là một thiếu sót làm cho các doanh nghiệp kém sức cạnh tranh trên thị
trường.
Đ.Duy ghi
(theo ICTnews) |