(Post 19/03/2008) Một loạt tín hiệu vui đang
mở ra sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và bước
vào cuộc chơi đầy thử thách: Internet.
Trò chơi
trực tuyến tiếp tục phát triển |
|
2 triệu USD đầu tư cho VC với hệ thống bamboo.com, 2
triệu USD đầu tư cho Timnhanh.com, VinaGame thu nhập hàng trăm tỷ đồng
và chuẩn bị lên sàn chứng khoán Mỹ, quảng cáo trực tuyến tăng trưởng 200%,
IDG ventures đầu tư vào hơn 20 công ty CNTT, 17,5 triệu người dùng Internet…
Sự chuyển mình của Internet
Việt Nam
Hạ tầng phát triển nhanh nhất thế giới
Theo thống kê trong tháng 10/2007, cả nước đạt 860 nghìn
thuê bao Internet, tương đương 4,92 triệu thuê bao quy đổi, đạt mật độ
5,7 thuê bao/100 dân; số người sử dụng dịch vụ Internet là 17,5 triệu
người, chiếm gần 21% dân số. Theo dự kiến của Bộ TT&TT, năm 2010,
số người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt 35-40%.
Như vậy, trong 10 năm qua Internet Việt Nam đã làm nên
một “Thánh Gióng thời công nghệ cao” với tỷ lệ phát triển nhanh nhất thế
giới.
... nhưng nghèo về dịch vụ và nội dung
Chính nhờ sự phát triển nhanh của hạ tầng, số lượng người
dùng các dịch vụ trực tuyến của nước ta không hề nhỏ. So với các quốc
gia trong khu vực và trên thế giới, số người dùng truy cập vào các website
tin tức và giải trí Việt Nam khá cao (hiện Google VN, VnExpress, DanTri,
24h… đang nằm trong TOP 500 các website đông người truy cập nhất thế giới).
Tuy nhiên, không tương xứng với đầu tư cho hạ tầng kết
nối, các dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam hiện còn khá nghèo nàn, đa phần
chỉ tập trung vào 2 lĩnh vực: tin tức và giải trí. Các dịch vụ khác hầu
như còn bỏ ngỏ.
Có thể hiểu một phần vì hiện tổng doanh thu trực tuyến
của Internet Việt Nam chưa đủ hấp dẫn. Với cùng một công đầu tư, các dịch
vụ thuộc hai lĩnh vực kể trên nhanh chóng thu hút đông người sử dụng,
sau đó doanh nghiệp sống bằng quảng cáo (một số online games sống bằng
thu phí người dùng). Các dịch vụ khác gần như chưa có doanh thu.
Theo nhận định từ các chuyên gia, mặc dù 100% các trường
đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện trung ương, 98% số trường trung học;
92% số doanh nghiệp vừa và nhỏ... đã có Internet. Thế nhưng, đa số sinh
viên vẫn chưa được thụ hưởng thành quả từ Internet, 91,9% số doanh nghiệp
được khảo sát không quan tâm đến website; 70% số doanh nghiệp tại thành
phố lớn hầu như không sử dụng dịch vụ Web... Các vấn đề bảo mật, kho dữ
liệu, ứng dụng từ Internet vẫn cho thấy Internet Việt Nam đang ở mức độ
sẵn sàng thấp (nguồn: báo Tuổi Trẻ).
Có thể thấy, tốc độ phát triển công nghệ Internet Việt
Nam sau 10 năm là ngoạn mục song chất lượng phát triển cư dân, ứng dụng,
dịch vụ... của Internet thì vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, một tín hiệu vui là trong khoảng 2 năm trở
lại đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào cuộc chơi dịch vụ trực
tuyến. Từ tin tức, âm nhạc sang games, mạng xã hội, video, thương mại
điện tử… với một số thành công đáng ghi nhận.
Từ việc VnExpress.net lọt vào TOP 100 website được truy
cập nhiều nhất thế giới đến thành công trị giá hàng trăm tỷ đồng của Võ
Lâm Truyền Kỳ - VinaGame (hiện đang làm thủ tục niêm yết trên sàn chứng
khoán NASDAQ, Mỹ) và những gặt hái lớn của VTC (Audition, tin nhắn SMS),
24h trên thị trường quảng cáo trực tuyến… đang tạo nên một làn sóng mới
về dịch vụ Internet tại Việt Nam.
Nở rộ đầu tư
Với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la, quỹ
đầu tư mạo hiểm IDG Ventures đã khai hoả phong trào đầu tư “dot com” tại
Việt Nam. Hơn 20 công ty CNTT đã được IDG rót vốn, trong đó có VinaGame,
Vega (clip.vn), Cyworld.vn, Yeuamnhac.com, Chodientu.com, baamboo.com…
Không hề chậm chân, VinaCapital cũng lên tiếng bằng việc đầu tư 2 triệu
USD cho hệ thống Timnhanh.com, nhiều quỹ và cá nhân khác đang ráo riết
săn tìm các hạt mầm tiềm năng trên miền đất hứa Internet.
Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu laptop và máy tính cá nhân,
các dòng điện thoại cao cấp có tính năng truy cập Internet, cộng với sự
phát triển của ADSL, WIFI, WIMAX, 3G… đang nhanh chóng mở ra một thị trường
rộng lớn đầy tiềm năng cho ngành dịch vụ trực tuyến.
Rào cản thanh toán đang dần được gỡ bỏ, quản lý nhà nước
liên tục đổi mới, hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet
mới thành lập, nhiều hạt mầm đã được đầu tư hứa hẹn những vụ mùa bội thu
của dịch vụ trực tuyến Việt Nam trong một vài năm tới.
Nhìn vào sự phát triển của các nước đi trước, nơi các
quỹ đầu tư thế giới đang rót nhiều tỷ đô cho các trang web và phần mềm
trực tuyến, các công ty “dot com” được mua lại hàng ngày, có thể thấy
làn sóng đầu tư dot com lần thứ 2 đang diễn ra tại nhiều quốc gia. Mỹ,
Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia đều đang có những bước tiến
vượt bậc với vô số dịch vụ chạy trên nền Internet như mạng xã hội, tìm
kiếm, tin tức, giải trí, âm nhạc, email, chat, giáo dục, TMĐT, video,
bản đồ…
Dịch vụ trực tuyến: Tăng
tốc và cạnh tranh
Với những nhận định như trên, có thể thấy nửa cuối năm
2007 trở đi sẽ là thời gian các công ty tăng tốc và cạnh tranh gay gắt.
Internet Việt Nam chắc chắn sẽ nhanh chóng thay da đổi thịt.
Về thể loại dịch vụ:
1. Các dịch vụ online games vẫn phát triển mạnh
Hàng chục online games được phát hành trong thời gian
qua đã mang về hàng triệu khách hàng và doanh thu không nhỏ cho VinaGame,
VTC. Các nhà cung cấp dịch vụ đầu tư nhiều triệu đô la để mua game và
phát triển, dịch vụ trò chơi trực tuyến rõ ràng đã bứt tốp ngoạn mục trong
một thời gian ngắn. Qua mặt các đàn anh phát triển nhiều năm trước như
các dịch vụ tin tức, online game nhận được sự quan tâm rất lớn của hầu
hết các đại gia công nghệ như FPT, VDC, VTC.
Các nhà cung cấp đang chuyển hướng dần từ các game nhập
vai nhiều người chơi (MMORPG) sang các casual games (trò chơi đơn giản,
nhanh chóng và không yêu cầu cài đặt) như đánh bài, cá ngựa, xếp hình
(trong đó socvui.com, boom là một vài ví dụ điển hình)
Dự đoán online game vẫn là dịch vụ chiếm doanh thu chính
so với các dịch vụ trực tuyến khác.
2. Các dịch vụ tin tức tiếp tục thống trị
Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn từ doanh thu, bản quyền
đến chi phí hàng tháng cho đội ngũ phóng viên, tin tức trực tuyến vẫn
là một trong những dịch vụ thu hút đông người dùng nhất trong thời gian
tới. Vị trí độc tôn của một vài tờ báo điện tử sẽ bị lung lay bởi phiên
bản báo điện tử của các tờ báo giấy lớn, cộng thêm sự chia sẻ cho các
dịch vụ đặc thù như tin thể thao, tin thời trang, blog… Cuộc chiến trên
vùng đất này hứa hẹn sẽ hết sức căng thẳng và kịch tính.
3. Các dịch vụ giải trí được tăng cường
Tốc độ truy cập ngày càng cao, giá máy chủ, phí thuê
hosting ngày càng rẻ chính là những động lực lớn nhất để các dịch vụ giải
trí trực tuyến nở rộ thời gian qua từ nhạc trực tuyến, video trực tuyến
đến chia sẻ ảnh, phim… Chỉ chịu thua hai đàn anh là games và tin tức,
các dịch vụ giải trí online hứa hẹn sẽ tạo nên một vườn hoa đầy màu sắc
4. Kết bạn, mạng xã hội, dịch vụ cộng đồng, blog
lên tiếng
Có thể nói Việt Nam đã sắp bước qua thời “ăn no mặc ấm”,
giờ người dùng Internet đang bị bão hoà và có phần bội thực thông tin.
Người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, cá nhân hơn, sự chăm sóc, phục vụ
và nhu cầu được tham gia điều khiển cuộc chơi rõ rệt hơn bao giờ hết.
5. Các dịch vụ tìm kiếm được đầu tư lớn và khởi
sắc
Với tỷ lệ 41% tổng ngân sách chi cho tìm kiếm trực tuyến
(theo Interactive Advertising Bureau), đây là mảnh đất màu mỡ nhất của
Internet. Bamboo, Zing, 7sac, Socbay, Timnhanh… lần lượt được đầu tư từ
các quỹ lớn và cạnh tranh khốc liệt. Với tham vọng xây dựng một Baidu
của Việt Nam cạnh tranh với Google bằng nội dung địa phương bằng “độc
chiêu” tìm kiếm MP3 và blog Việt, các cỗ máy tìm kiếm “made in Vietnam”
đang có những thành công bước đầu. Tuy nhiên cuộc chiến này là mô hình
Zero-sum game (chỉ có 1 người chiến thắng tuyệt đối), liệu ai sẽ thực
sự chiếm ngôi vị độc tôn?
6. Rao vặt – thương mại điện tử sẽ bùng nổ
Mặc dù thời gian qua hầu hết các trang TMĐT trong nước
chỉ dừng ở chức năng rao vặt, các thương vụ đa phần được thực hiện offline
(do rào cản thanh toán trực tuyến), hàng loạt công ty vẫn đầu tư dài hơi
cho miếng bánh này. Chodientu, Rongbay, muare, 123mua… đều đang chờ thời
điểm để bùng phát. Đang trong “phòng thí nghiệm” nhưng chắc chắn sẽ có
những tên tuổi lớn tham gia và chiếm ưu thế là các chuyên mục rao vặt
của các báo điện tử. Dự kiến chiếm 17% ngân sách quảng cáo trực tuyến,
rao vặt và catalogs hứa hẹn sẽ không phụ lòng các nhà đầu tư.
7. Thêm nhiều “showroom” của video clips, truyền
hình trực tuyến, video on-demand (theo nhu cầu)
Ngay sau khi Google mua lại YouTube với 1,65 tỷ USD,
nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư cho dịch vụ video trực tuyến.
Clip.vn của VEGA được IDG đầu tư, xem.vn của 24h đều đã thu hút một lượng
khách hàng không nhỏ. Với sự ráo riết chuẩn bị cho IPTV của FPT Telecom,
lượng người xem phim trực tuyến trên các trang iOne.net (trước đây), ePhim.com
hiện nay, truyền hình trực tuyến cũng đang mang lại cho người dùng Internet
Việt Nam thêm một lựa chọn mới. Tuy nhiên, do đặc thù tốn băng thông và
máy chủ, cuộc chơi này sẽ chỉ dành cho các doanh nghiệp rủng rỉnh hầu
bao.
8. Chat, email vẫn do Google và Yahoo thống trị
Có thể thấy lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong
cuộc chơi Internet toàn cầu nằm ở giá trị địa phương, ngôn ngữ, văn hoá
và sự chăm sóc khách hàng. Dịch vụ email, chat đã được khá nhiều các ISP
như VDC, FPT thực hiện từ khá lâu nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Dịch vụ Messenger của VietnamNET không khởi sắc. Gần đây VinaGame cũng
tham gia với tham vọng lật đổ Yahoo tại Việt Nam, tuy vậy còn một khoảng
cách khá xa để đuổi kịp Yahoo (chat + email), Google (email) và SkyPE
(chat) về cả mạng lưới khách hàng, hạ tầng, sự ổn định dịch vụ và tính
hữu ích của sản phẩm. Đơn giản vì tất cả các dịch vụ của các đại gia nước
ngoài đều miễn phí và đều đang có phiên bản tiếng Việt.
Về công nghệ:
Dự đoán sẽ có hai xu hướng chính: Mua công nghệ nước
ngoài về Việt hoá và tự phát triển.
Hầu hết các sản phẩm lớn đều được mua sản phẩm đang thành
công ở nước ngoài và đưa về Việt Nam, Việt hoá, làm marketing và bán hàng.
Đặc trưng là các online games dạng MMORPG mà tiêu biểu là Võ Lâm Truyền
Kỳ (Trung Quốc), Audition (Hàn Quốc), MU (Hàn Quốc)… Cyworld.vn là mạng
xã hội đầu tiên được Việt hóa (từ Cyworld Hàn Quốc). Với 2 lợi thế rõ
rệt trong mô hình này là thời gian phát triển sản phẩm ngắn, dịch vụ đã
được kiểm nghiệm thành công ở thị trường nước ngoài, dự đoán trong thời
gian tới sẽ có nhiều sản phẩm được tung ra theo mô hình này.
Một số dịch vụ nhỏ hơn, đặc biệt các mô hình web 2.0
lại có thể được sản xuất trong nước. Với lợi thế dễ thích nghi, dễ sửa
đổi, các mô hình nhỏ gọn này hoàn toàn có thể nhanh chân chiếm được các
thị trường khe, nơi các đại gia chưa kịp dòm ngó đến.
Sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm web 2.0 mang tính tương tác
cao như mạng xã hội, kết bạn, các trang web chia sẻ, kết nối thành viên.
Một trong những “đặc sản” của web 2.0 chính là khả năng nhúng (embed)
vào các hệ thống khác như blog, forum, báo điện tử… Với sự chuyên biệt
phục vụ một nhu cầu (ví dụ một hộp nghe nhạc được nhúng vào blog) kết
hợp với một cộng đồng sẵn có, sẽ là mô hình 3 bên cùng có lợi: người dùng,
dịch vụ nhúng và dịch vụ cho nhúng. Thêm vào đó cũng sẽ xuất hiện nhiều
cuộc bắt tay giữa Internet với truyền hình, báo giấy.
Trong một vài năm tới với sự phát triển rầm rộ của các
công nghệ di động như WIFI, WIMAX, 3G, chắc chắn sẽ có nhiều dịch vụ kết
nối với mobile hữu ích hơn tin nhắn SMS hiện tại. Những dòng điện thoại
mới như iPhone, Gphone sẽ hiện hữu nhiều nơi mang đến cho Internet một
kênh phân phối mới, cá nhân hoá và rộng khắp.
Kết quả:
1. Người dùng được nhiều lợi ích
Rõ ràng thị trường dịch vụ Internet thời gian tới sẽ
vô cùng sôi nổi và cạnh tranh quyết liệt. Người sử dụng chính là đối tượng
được hưởng lợi nhiều nhất. Đa dạng dịch vụ, chăm sóc tốt, nhiều khuyến
mãi, nhiều bạn bè... Internet chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đôi mắt,
bàn phím và click chuột hơn bao giờ hết, và sẽ không chỉ dừng ở số thanh
niên các thành phố lớn.
2. Quảng cáo trực tuyến lên ngôi
Cộng đồng người sử dụng phình lên, các công nghệ quảng
cáo mới ra đời sẽ đưa quảng cáo trực tuyến trở thành một trong những điểm
nóng của ngành quảng cáo. Với tỷ lệ phát triển 30% và sẽ còn tăng mạnh,
cả Jupiter và Forrester đều dự đoán ngân sách cho quảng cáo trực tuyến
có thể tăng tới 20 - 26 tỷ USD vào năm 2010. Việc các tập đoàn lớn trên
thế giới như Microsoft, Google, AOL, Yahoo đang thâu tóm các công ty quảng
cáo nhỏ hơn và quyết tâm giành thị phần quảng cáo trực tuyến cho thấy
cuộc đua đang ngày càng quyết liệt.
Ở Việt Nam, mặc dù 24h đang đi những bước tiên phong
ấn tượng, chúng ta vẫn chưa có một giải pháp quảng cáo đột phá nào đáng
kể. Thị trường quảng cáo còn rất nhỏ, chỉ chiếm xấp xỉ 1% tổng số tiền
chi cho quảng cáo nói chung. Trong bối cảnh đó, đa phần các công ty đều
đang loay hoay tìm giải pháp do doanh thu chính của các dịch vụ trực tuyến
vẫn là quảng cáo. Dự đoán không lâu nữa sẽ có những giải pháp vượt trội
để Internet phát huy được ưu thế so với truyền hình và báo giấy.
3. Làn sóng .COM lần thứ nhất của VN: Đầu tư
vào lĩnh vực CNTT tăng mạnh
Sau những cơn sốt chứng khoán ở các lĩnh vực truyền thống
như địa ốc, hạ tầng, ngân hàng, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự
đoán sẽ đi vào ổn định. Vốn đầu tư sẽ chuyển qua các công ty công nghệ
do đầu tư thấp mà có thể đạt lãi suất hàng trăm đến hàng nghìn lần (như
minh chứng từ sự thành công của các công ty công nghệ nước ngoài) Sau
IDG ventures, VinaCaptial, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tìm cách đầu
tư hoặc lùng mua cổ phần của các công ty dịch vụ Internet và điện thoại
di động. Lấy thành công của VinaGame làm ví dụ, khả năng IPO và bán lại
cổ phần của các công ty dot com cho các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam
rất cao. Ngay trong nước cũng sẽ xuất hiện nhiều thương vụ mua bán, thâu
tóm các công ty CNTT vừa và nhỏ. Không lâu nữa chúng ta sẽ được chứng
kiến một cuộc bứt phá ngoạn mục của các công ty dot com trên thị trường
chứng khoán trong nước.
4. Sẽ xuất hiện nhiều dịch vụ phục vụ đối tượng
ở các tỉnh và nông thôn
Do cạnh tranh gay gắt tại các thành phố lớn, ngược lại
các vùng lân cận và nông thôn lại là thị trường bỏ ngỏ, nhiều doanh nghiệp
sẽ nhắm vào các mảnh đất này. Các thông tin gần gũi với người dân như
giá ngô giá lúa, các loại hoa màu thực phẩm sẽ là món ăn tinh thần phù
hợp hơn với bà con làm nông nghiệp. Nếu được hỗ trợ từ phía chính phủ,
các dịch vụ này chính là động lực lớn cho việc đưa Internet về với người
dân nông thôn.
5. Bản quyền được tôn trọng
Các công ty hoạt động trên môi trường Internet thường
lấy thương hiệu làm đầu chính là nhu cầu nội tại thúc đẩy việc tôn trọng
bản quyền tại các doanh nghiệp này. Thêm vào đó, hầu hết các dịch vụ Internet
đều dựa vào nội dung của đơn vị khác (như tin tức, âm nhạc, phim ảnh,
sách truyện …) đồng thời luật và các quy ước quốc tế ngày càng chặt chẽ,
giải quyết bài toán bản quyền chắc chắn sẽ nằm trong danh sách những việc
đầu tiên cần làm của một đơn vị cung cấp dịch vụ Internet.
6. Các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển
Do nhu cầu thanh toán trực tuyến ngày càng cấp bách,
nhiều ngân hàng đang chuẩn bị mở thêm dịch vụ thanh toán điện tử. Techcombank,
ACB, Vietcombank đều đang trong quá trình cung cấp các hình thức thanh
toán trên mạng Internet mà việc bắt tay với VISA cung cấp thẻ VISA Debit
là một ví dụ. VTC, Paynet, VinaPay, FPT và một vài công ty khác đang hy
vọng sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trong một
tương lai rất gần.
7. Một số dịch vụ mang tính địa phương sẽ phát
triển mạnh
Như đã phân tích ở trên, thế mạnh cạnh tranh lớn nhất
trong cuộc chơi Internet toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam đang sở
hữu chính là tính địa phương của dịch vụ. Các sản phẩm, dịch vụ được dự
đoán sẽ làm tốt hơn các công ty nước ngoài bao gồm: Từ điển, bộ gõ, bản
đồ, tìm kiếm thông tin địa phương, nhà hàng, khách sạn, du lịch …
Những khó khăn:
Mặc dù viễn cảnh thị trường Internet Việt Nam rất huy
hoàng, nhưng thực tại lại khá ảm đạm. Khi thị trường chưa “chín”, doanh
thu thấp, cash-flow (dòng tiền) sẽ âm. Không ít doanh nghiệp đã phải đóng
cửa khi chưa đến mùa hái quả vì hết vốn.
Thanh toán trực tuyến chính là nguyên nhân lớn thứ hai.
Khi không thu phí được người dùng mà thị trường quảng cáo trực tuyến còn
rất sơ khai, nhiều công ty CNTT đã phải lấy ngắn nuôi dài bằng cách đi
làm các dự án phần mềm, thiết kế web nhỏ lẻ.
Một lý do nữa khiến các công ty dot com phá sản là do
các ông chủ còn quá trẻ. Đa phần các ông chủ của cuộc chơi dịch vụ Internet
đều thuộc thế hệ “8x” (những người sinh từ 1980 đến 1989) do thế hệ này
đón nhận được đúng thời của Internet và các công nghệ di động tại Việt
Nam. Tuy nhiên, ngoài tài năng công nghệ và niềm đam mê, cả vốn lẫn kinh
nghiệm thương trường của các chủ doanh nghiệp này đều còn non nớt. Cách
giải quyết khả quan nhất có lẽ là các doanh nghiệp này nên hợp tác hoặc
thuê các nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, huy động đầu tư vốn của các quỹ
và cá nhân rồi hãy bơi ra biển lớn.
Và khó khăn không thể bỏ qua khi Việt Nam gia nhập WTO
chính là sự cạnh tranh với các công ty nước ngoài ngay tại thị trường
trong nước. Thời điểm này vừa mở ra nhiều cơ hội và cũng vừa mang lại
không ít khó khăn khi các doanh nghiệp phải đối mặt với những tập đoàn
khổng lồ đầy mình công nghệ, vốn lớn kinh nghiệm nhiều. Chi phí cơ hội
trong giai đoạn này rất lớn, nếu biết dự đoán và tận dụng thời gian để
chuẩn bị, chắc hẳn sẽ có nhiều công ty trong nước sánh vai với các tập
đoàn quốc tế tại Việt Nam.
Những cơ hội:
Nhìn vào quá trình chuyển dịch từ đầu tư hạ tầng sang
đầu tư dịch vụ của các quốc gia phát triển (80% các công ty Mỹ là công
ty dịch vụ), có thể thấy tại Việt Nam trong thời gian tới dịch vụ mới
là ngành có thu nhập chính.
Với một thị trường hơn 80 triệu dân và số người sử dụng
Internet lên tới vài chục triệu, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào
những Google, Yahoo, Microsoft của Việt Nam và những công ty CNTT trị
giá hàng trăm triệu USD trong thời gian tới. Một minh chứng hùng hồn là
những người giàu nhất Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đều là dân
công nghệ.
Với sự ủng hộ của chính phủ, với nhu cầu lớn của người
dân, với số vốn không nhỏ của nhiều nhà đầu tư, cơ hội mở ra cho những
nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt các doanh nhân thế hệ 8x là rất lớn.
Một sân chơi rộng, một cuộc chơi đầy những cơ hội trong
một thị trường mở, ai sẽ đặt dấu ấn trong lịch sử 10 năm tiếp theo của
Internet Việt Nam?
Theo kết quả khảo sát tháng 7/2007 do Alcatel – Lucent
thực hiện tại Việt Nam, hầu hết khách hàng chỉ dành từ 10-20USD cho dịch
vụ Internet băng rộng.
Làm sao để tăng lợi nhuận trên mỗi khách hàng? Dịch vụ
trực tuyến sẽ là câu trả lời
Trần Anh
(theo ICTnews) |