(Post 05/04/2008) Giá mua bản quyền phần mềm
máy tính vẫn còn quá cao so với thu nhập người dân Việt Nam. Chúng ta
cần chiến lược dài hạn để khuyến khích phát triển phần mềm nội địa, đặc
biệt là khai thác phần mềm nguồn mở (PMNM) nhằm tăng tính chủ động về
công nghệ và giảm sự phụ thuộc vào phần mềm thương mại.
Thứ trưởng
Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tại buổi đối thoại trực tuyến
với người dân về ứng dụng và phát triển CNTT, sáng 29/02/2008.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
|
Đó là nội dung trả lời của Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn
Minh Hồng dành cho bạn Nguyễn Hồng Vinh (Hà Nội) đại diện cho nhiều câu
hỏi của bạn đọc quan tâm đến vấn đề bản quyền phần mềm trong phát triển
CNTT trong cuộc trả lời trực tuyến ngày 29/2 tại Hà Nội.
"Tôi cho rằng các chính sách liên quan đến bản
quyền phần mềm có ảnh hưởng lớn tới việc phát triển CNTT nước nhà. Bảo
vệ bản quyền chính là bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy
sản xuất phát triển. Tuy nhiên chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn do chi
phí mua bản quyền nước ngoài là chính", bạn Vinh chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ TT-TT khẳng định: "Vấn đề giảm
chi phí bản quyền phần mềm đang được Bộ và Chính phủ đánh giá là yếu tố
quan trọng để thúc đẩy và phát triển CNTT". Theo đó, có 2 hướng
giải quyết vấn đề này. Một mặt, Bộ TT-TT đại diện đàm phán với Microsoft,
hãng sản xuất những phần mềm cơ bản quen thuộc với người dùng Việt Nam,
để giảm giá mua bản quyền phần mềm. Mặt khác, Bộ lên kế hoạch phát đẩy
mạnh việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở OpenOffice để tăng tính tự chủ,
giảm chi phí mua bản quyền.
"Do chi phí bản quyền phần mềm thương mại là
khá cao so với kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan nhà nước, nên
cùng với việc đàm phán với các tập đoàn phần mềm như Microsoft để có được
thảo thuận mua phần mềm của họ với giá hợp lý nhất có thể",
Thứ trưởng nói. "Việt Nam cũng cần có các giải pháp, chiến lược
dài hạn nhằm khuyến khích phát triển các phần mềm của mình, trong đó đặc
biệt là khai thác sử dụng phần mềm mã nguồn mở nhằm tăng tính chủ động
về công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc".
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, việc đẩy mạnh ứng dụng PMNM
sẽ tác động đến sự phát triển CNTT trên nhiều góc độ. Đầu tiên là tạo
điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ do giảm được chi phí mua bản quyền
phần mềm. Vấn đề bản quyền được đông đảo người dùng cá nhân cho đến các
doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cả các công ty hoạt động trong lĩnh
vực CNTT quan tâm sâu sắc vì chúng liên quan trực tiếp đến túi tiền của
mình. Thay vì phải bỏ một số tiền nhất định để mua phần mềm, các sản phẩm
PMNM hiện nay được hiểu là những thứ sẵn có trên Internet, người dùng
chỉ cần download về dùng.
Tiếp đến là việc phát triển PMNM sẽ có tác động đến việc
công tác nghiên cứu và phát triển, làm cơ sở hình thành những sản phẩm
phần mềm của Việt Nam. Điều này xuất phát từ yếu tố đặc thù của sản phẩm
PMNM: được hình thành từ những dự án mở, được hậu thuẫn bởi những tập
đoàn công nghệ lớn. Qua đó từng bước hình thành nguồn nhân lực CNTT có
chất lượng.
Cả 3 tác động đó khiến PMNM đóng vai trò quan trọng trong
phát triển CNTT Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, việc triển
khai vẫn còn có những cản lực nhất định.
Người đại diện Bộ TT-TT cho biết việc triển khai PMNM
đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể
như Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ... Trong chương trình đào tạo hiện nay vẫn còn
những "độ vênh" nhất định. Điều đó dẫn đến một thực tế như thắc
mắc của bạn N.T.H (TP HCM): "Tại sao trong các chương trình đào
tạo IT hiện nay, đặc biệt là mức phổ thông (bằng A), chỉ dạy những phần
mềm thương mại và có bản quyền (như Word, Excell,...)? Phải chăng là chúng
ta đang tự "mua dây buộc mình"? Ai sẽ dùng một công cụ khác
nếu họ không biết sử dụng?"
Lộ trình
"Khó khăn lớn nhất đối với ứng dụng và phát
triển PMNM chính là thói quen. Hiện Bộ TT-TT đang chuẩn bị tổ chức triển
khai đào tạo, hướng dẫn sử dụng, nâng cao nhận thức và tạo thói quen cho
người dùng", Thứ trưởng Hồng nói.
Đó cũng là lý do hiện tại phải duy trì song song 2 loại
phần mềm thương mại và PMNM. Việc mua bản quyền phần mềm Microsoft Office
giới hạn về số lượng và thời hạn là giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo các
cơ quan nhà nước không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Việc ký kết hợp đồng
thỏa thuận với Microsoft đã được tiến hành trong năm 2007. Theo nội dung
bản hợp đồng này, Microsoft công nhận việc sử dụng phần mềm văn phòng
của Microsoft với các phiên bản mới nhất là hợp pháp trong vòng 3 năm
kể từ sau khi ký. Từ nay tới năm 2010, nếu Microsoft có sản phẩm văn phòng
mới hơn, các bản quyền sẽ tự động được nâng cấp. Tuy nhiên, hợp đồng cung
cấp vẫn còn được hai bên xúc tiến và chưa đi đến ký kết.
Dù vậy, tiền mua bản quyền phần mềm vẫn là "gánh
nặng" đối với ngân sách hoạt động của các cơ quan nhà nước và nhiều
đơn vị như Bộ GD-ĐT khuyến khích sử dụng PMNM thay thế. Bộ TT-TT mới đây
đã đưa ra danh sách những sản phẩm PMNM được ưu tiên sử dụng trong cơ
quan, dự án có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Bộ TT-TT cũng đang nghiên
cứu kế hoạch thúc đẩy và phát triển PMNM, dự kiến sẽ đệ trình Thủ tướng
Chính phủ vào Quý III/2008. Đây là động thái tiếp theo bổ sung cho Quyết
định 235/2004/QĐ-TTg được Thủ tướng ký duyệt và ban hành về kế hoạch ứng
dụng và phát triển phần mềm nguồn mở giai đoạn 2004-2008.
"Phát triển nguồn mở tại Việt Nam hoàn toàn
theo kế hoạch chứ không phải là các biện pháp thăm dò", Thứ
trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng trực tiếp lựa chọn các câu hỏi của độc giả
gửi về để trả lời |
|
Áp lực từ bản quyền phần mềm
Chỉ riêng trong các cơ quan nhà nước, sau khi Bộ TT-TT
đại diện chính phủ ký hợp đồng mua bản quyền phần mềm thương mại của Microsoft,
một số cơ quan khác cũng tiến hành triển khai sử dụng trên diện rộng phần
mềm nguồn mở OpenOffice, như Bộ Giáo dục đào tạo, các cơ quan Đảng...
Điều này đã khiến một số độc giả thắc mắc.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng giải thích: Do giá mua bản
quyền phần mềm thương mại là khá cao so với khả năng chi tiêu của người
dân Việt Nam hiện nay, nên chúng ta cũng cần có các giải pháp, chiến lược
dài hạn nhằm khuyến khích phát triển các phần mềm của mình, trong đó đặc
biệt là khai thác sử dụng phần mềm mã nguồn mở nhằm tăng tính chủ động
về công nghệ, giảm dần sự phụ thuộc vào phần mềm nguồn đóng. Bộ TT-TT
cũng đã lập một Hội đồng xem xét đánh giá và nhận thấy phần mềm OpenOffice
đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, do vậy
đã đưa vào danh mục phần mềm nguồn mở được ưu tiên sử dụng.
Liên quan đến dự án mua phần mềm bản quyền của Microsoft,
độc giả Lê Mạnh Hà (TP.HCM) hỏi: "Bộ BCVT mua bản quyền phần
mềm này đã lâu nhưng chưa cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Khi nào thì
Bộ làm việc này? Đề lâu như vậy có lãng phí không? Bản quyền có thời hạn
không, nếu có thì thời hạn là bao lâu? Tại sao không mua bản quyền Windows?
Chạy Microsoft Office có bản quyền trên Windows không có bản quyền có
vi phạm không?". Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, việc
ký kết hợp đồng thoả thuận mua bản quyền phần mềm của Microsoft đã được
thực hiện trong năm 2007, nhưng thực tế hai bên vẫn đang hoàn thành các
thủ tục đi đến ký kết hợp đồng cung cấp. Vì vậy, đến thời điểm này việc
mua bản quyền phần mềm nói trên chưa được thực hiện.
Thứ trưởng Hồng nhấn mạnh: Mua bản quyền và phân bổ bản
quyền phần mềm (một sản phẩm có tính vô hình) cho toàn bộ các cơ quan
nhà nước là lần đầu tiên tại Việt Nam nên cần có cơ chế đặc thù về việc
quản lý và phân bổ tài sản. Điều này đã làm chậm kế hoạch triển khai.
Bộ đã làm việc với các bộ liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương
án giải quyết (số lượng bản quyền được mua sẽ được xem như là tài sản
công của Chính phủ Việt Nam dưới quyền quản lý của Cục Quản lý công sản
- Bộ Tài chính, quản lý như các tài sản chung khác. Các cơ quan nhà nước
đều có quyền sử dụng tài sản vô hình này).
Khi được Thủ tướng đồng ý với phương án đề xuất, Bộ sẽ
tổ chức triển khai ngay. Theo thông lệ của Công ty Microsoft áp dụng toàn
cầu, với việc ký và thực hiện Thỏa thuận hợp đồng, Microsoft công nhận
việc sử dụng phần mềm văn phòng của Microsoft với các phiên bản mới nhất
là hợp pháp trong vòng 03 năm kể từ sau khi ký Thỏa thuận hợp đồng. Từ
nay tới năm 2010, nếu Microsoft có sản phẩm văn phòng mới hơn, các bản
quyền sẽ tự động được nâng cấp.
Việc sử dụng Windows không có bản quyền là vi phạm. Tuy
nhiên, thông thường bản quyền Hệ điều hành và các chương trình hệ thống
được các công ty cung cấp máy tính đảm bảo khi bán máy tính. Do vậy, Bộ
TT-TT không đặt vấn đề mua bản quyền Windows.
Hưng Hải (tổng hợp)
(theo VietNamNet) |