(Post 16/04/2008) “Đào tạo theo tín chỉ (TC)
đã được biết đến rất nhiều mấy năm gần đây và hẳn không còn là điều mới
mẻ gì đối với các giảng viên cũng như sinh viên ĐH ở Việt Nam. Trong bài
viết này, tôi chỉ đề cập tới một số vấn đề tôi quan sát thấy về hệ tín
chỉ ở một số trường ĐH ở Mỹ, và liên hệ đến việc chuyển đổi từ hệ niên
chế sang hệ tín chỉ ở Việt Nam”.
Các sinh
viên một lớp đang học theo phương pháp đào tạo theo tín chỉ. Ảnh:
Lê Anh Dũng |
|
Giáo sư Vũ Quốc Phóng, Trường ĐH Ohio, Mỹ gửi tới VietNamNet
các bài viết về “Hệ tín chỉ ở Mỹ và việc đổi sang hệ tín chỉ ở Việt Nam”.
Dưới đây, VietNamNet giới thiệu các bài viết này.
Tín chỉ - đơn vị đo khối lượng kiến thức
TC là đơn vị đo lường khối lượng kiến thức học được
trong trường. Nói vắn tắt, một môn học có 1, 2 hoặc 3 giờ giảng dạy chính
thức trong một tuần thì có 1, 2 hoặc 3 TC. Ở Mỹ phần lớn các trường dạy
theo học kỳ semester, bao gồm 15 tuần học và 1 tuần thi. Nhưng cũng có
nhiều trường dạy theo học kỳ quarter, bao gồm 10 tuần học và 1 tuần thi.
Vì thế, một TC của trường dạy theo quarter bằng 2/3 của một TC của trường
dạy theo semester.
Như là một đơn vị đo lường, sự khác biệt giữa TC và “đơn
vị học trình” được áp dụng ở Việt Nam, về cơ bản, cũng như sự khác biệt
giữa TC-semester và TC-quarter, hay là giữa TC Mỹ và TC châu Âu. Ngay
ở Mỹ, cũng có trường sử dụng đơn vị đo lường khác thay cho TC, như ở ĐH
Harvard (Mỹ), đơn vị đo lường chính thức được gọi là “nửa môn” (half-course).
Tuy nhiên, ta có thể quy đổi về một đơn vị đo lường thông
dụng nhất là TC (semester); ví dụ, 1
half course ở Harvard tương đương với 4 TC.
Về bề ngoài, tất cả các hệ tín chỉ ở Mỹ, châu Âu và các
nước là những phương pháp đếm các kiến thức mà một sinh viên tích lũy
được cho đến khi đủ để tốt nghiệp (credit accumulation) và những quy định
về chuyển đổi TC (credit transfer).
Tuy nhiên, trong khi các hệ tín chỉ ở châu Âu và các
nước khác chủ yếu là các “hệ đếm tín chỉ”, thì hệ tín chỉ ở các trường
ĐH ở Mỹ thường được gắn chặt với các yêu cầu tối thiểu bắt buộc về kiến
thức rộng (general education requirement) và yêu cầu chuyên ngành.
Yêu cầu tối thiểu về kiến thức rộng
Kiến thức rộng được định nghĩa ở đây không phải là phải
được học một số những pho sách kinh điển cụ thể nào, hay tiếp thụ được
những thông tin về những lĩnh vực cụ thể nào, mà là tìm hiểu các giá trị
văn hóa khác nhau thông qua các lĩnh vực kiến thức được phân phối trong
nhiều lĩnh vực, các phương pháp nghiên cứu khác nhau được áp dụng cho
các lĩnh vực đó như thế nào và giá trị của các phương pháp đó.
Yêu cầu về kiến thức rộng đó được cụ thể hóa trong các
chương trình giáo dục kiến thức rộng (general education program).
Ví dụ, ở ĐH Ohio, chương trình giáo dục kiến thức rộng
bao gồm 3 nhóm các môn học gọi là tier I, tier II và tier III.
- Tier I bao gồm những môn về kỹ năng tính toán và tiếng Anh (tiếng
Anh cho tất cả các sinh viên, kể cả sinh viên Mỹ). Sinh viên phải học
1 môn toán (đại số sơ cấp, lượng giác,…) và 2 môn tiếng Anh (viết tiểu
luận) trong nhóm tier I.
- Tier II là nhóm các môn kiến thức rộng thật sự, được phân bổ trong
5 lĩnh vực: các khoa học ứng dụng và công nghệ, tầm nhìn văn hóa đa
dạng (cross cultural perspective), nghệ thuật & nhân văn (humanities
and fine arts), khoa học tự nhiên và toán học, các khoa học xã hội.
Sinh viên phải lấy được tổng cộng 30 tín chỉ trong nhóm Tier II, trong
đó phải thuộc ít nhất là 4 trong 5 lĩnh vực kể trên, mỗi lĩnh vực không
ít hơn 4 TC nhưng không nhiều hơn 12 TC [ii].
- Tier III bao gồm những môn học mà đòi hỏi các phương pháp tiếp cận
khác nhau, từ các khía cạnh khác nhau, với các loại kiến thức khác nhau,
đến cùng một vấn đề. Sinh viên phải chọn 1 môn trong nhóm Tier III và
chỉ các sinh viên năm cuối mới được đăng ký các môn trong nhóm này.
Tổng khối lượng các môn học của chương trình giáo dục kiến thức rộng
ở ĐH Ohio chiếm khoảng ¼ trong tổng số các TC cần có để tốt nghiệp.
Cho đến nay, các trường ĐH ở châu Âu và nhiều nước khác không có yêu
cầu về giáo dục kiến thức rộng trong chương trình ĐH (có
những ngoại lệ). Họ cho rằng sở dĩ ở Mỹ phải có yêu cầu giáo dục kiến
thức rộng là vì giáo dục phổ thông ở Mỹ chất lượng kém, do đó sinh viên
ĐH phải mất một năm để học lại các kiến thức phổ thông.
Những ý kiến đó có những cơ sở nhất định, nhưng không hoàn toàn đúng,
vì yêu cầu về kiến thức rộng tồn tại ở tất cả các trường ĐH ở Mỹ, kể cả
những trường lớn như Harvard, và nó phản ánh một triết lý của giáo dục
ĐH hơn là một cách sửa chữa những khiếm khuyết của giáo dục phổ thông
ở Mỹ.
Ví dụ, chương
trình kiến thức rộng ở ĐH Harvard, được gọi là chương trình lõi (core
curriculum), cũng chiếm khoảng ¼ toàn bộ khối lượng các môn học mà một
SV phải học để tốt nghiệp, và bao gồm các môn trong những lĩnh vực: Văn
hóa nước ngoài, Lịch sử, Văn học & Nghệ thuật, Luận đạo đức (moral
reasoning), Luận tính toán (quantitative reasoning), Khoa học, và Phân
tích xã hội.
Sinh viên ở ĐH Harvard phải học tối thiểu 32 môn học tương đương với 32
half-courses để tốt nghiệp (tương đương với 32x4 = 128 TC của các trường
ĐH khác ở Mỹ), trong đó khoảng ½ các môn để thỏa mãn yêu cầu chuyên ngành,
khoảng ¼ các môn để thỏa mãn các yêu cầu về chương trình giáo dục kiến
thức rộng (chương trình lõi), còn lại là những môn được hoàn toàn tự chọn
theo ý thích hoặc để thỏa mãn yêu cầu của chuyên ngành thứ yếu (minor).
Và các chương trình chuyên ngành
Ngoài chương trình giáo dục kiến thức rộng mà bất kỳ sinh viên Mỹ nào
cũng phải thỏa mãn, các trường con và các khoa còn có thể có những yêu
cầu cụ thể khác cao hơn so với yêu cầu tối thiểu của toàn trường, và mỗi
chuyên ngành lại có những yêu cầu về số các môn học bắt buộc thuộc về
chuyên ngành.
Các trường ĐH ở Mỹ hàng năm đều có các niên giám chương trình học cử nhân
và cao học (undergraduate catalog and graduate catalog). Các niên giám
này đều được in ra phát cho sinh viên và được để trên website của trường.
Trong các niên giám này, tất cả các môn học trong trường được liệt kê
đầy đủ, kèm theo các mã (code) của các môn học này, các mô tả ngắn gọn
về nội dung, các yêu cầu tiên quyết (prerequisite).
Cũng trong niên giám này, sinh viên có thể tìm thấy các hướng dẫn chi
tiết về các yêu cầu chung của toàn trường và các yêu cầu riêng của từng
trường con và từng khoa, nói riêng là các yêu cầu về chương trình giáo
dục kiến thức rộng, của các loại văn bằng (degrees) và các chương trình
chuyên ngành (majors).
Thông thường, mỗi môn học có một mã (code) của môn học đó. Phần đầu của
mã là phần chữ, cho biết khoa hoặc ngành của môn học, và phần tiếp theo
là phần số để phân biệt các môn học khác nhau, trong đó số thứ nhất cho
biết mức độ (level) của môn học.
Các môn có mã số từ 101 đến 499 là của chương trình cử nhân, các môn từ
101 đến 199 đều có mức 1 (nói chung không nhất thiết số cao hơn nghĩa
là mức cao hơn, bởi vì chỉ có số đầu tiên là số đánh dấu mức, còn các
số tiếp theo chỉ dùng để phân biệt môn này với môn khác).
Nếu môn học là một phần của một chuỗi kéo dài 2 học kỳ trở lên, thì sau
phần số còn có thể có phần chữ để cho biết môn học đó nằm ở đâu trong
chuỗi.
Ví dụ, MATH263A là mã của môn tính vi tích phân (calculus). Phần chữ
đầu (MATH) cho biết đây là môn toán (mathematics), phần 263 chỉ rằng môn
này có mức độ 2.
Việc mã hóa các môn học nói chung tùy thuộc từng trường, nhưng phương
pháp nêu trên là phổ biến nhất (và thuận tiện cho việc áp dụng CNTT).
Ví dụ, yêu cầu chuyên ngành của văn bằng cử nhân khoa học sinh vật ở
ĐH Ohio là sinh viên phải học ít nhất 54 TC về ngành sinh vật (các môn
có mã bắt đầu bằng BIOS), trong đó ít nhất có 3 môn ở mức độ 300-400.
Ngoài ra, có một danh sách nhỏ những môn bắt buộc trong nhóm các môn
khoa học tự nhiên và toán học đối với tất cả các sinh viên ngành sinh
vật (gồm 4 môn sinh vật, 2 môn hóa học, 2 môn toán, 1 môn thống kê và
1 môn vật lý). Còn chuyên ngành sinh vật tế bào và phân tử (tên gọi: cellular
and molecular biology, mã: BS2520) thì
lại có những yêu cầu riêng cụ thể hơn.
Nói chung, niên giám có thể thay đổi hàng năm, như thêm các môn học mới,
bỏ các môn không còn phù hợp nữa, thay đổi yêu cầu giáo dục kiến thức
rộng hay yêu cầu của các chương trình chuyên ngành. Các trường thường
có quy định về cái gọi là niêm giám nhập học (catalog of entry) của sinh
viên.
Theo định nghĩa, quyển niên giám của năm có học kỳ đầu tiên mà một sinh
viên đăng ký học được gọi là niêm giám nhập học, và nó sẽ được áp dụng
với sinh viên này trong 5 năm. Nếu trong vòng 5 năm sau đó nhà trường
có thay đổi yêu cầu thì những yêu cầu mới sẽ không áp dụng đối với SV
có niên giám nhập học cũ.
(Còn tiếp)
GS Vũ Quốc Phóng (ĐH Ohio - Mỹ)
(theo VietNamNet) |