Hệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 3: Hệ tín chỉ: “Viết lại một quyển niên giám”  
 

(Post 23/04/2008) Khi một trường ĐH chuyển từ hệ niên chế sang hệ tín chỉ, xuất hiện một loạt các vấn đề về: chương trình học, áp dụng CNTT trong quản lý, huấn luyện cho nhân viên và giảng viên về hệ tín chỉ, cố vấn cho sinh viên,…, trong đó xây dựng chương trình học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học của sinh viên là hai vấn đề quan trọng nhất.

Sinh viên Đại học FPT

Các bài đã đăng:

Chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn, vừa thừa vừa thiếu

Như đã nói ở trên, hệ tín chỉ ở Mỹ cho phép sinh viên được tự do lựa chọn môn học theo ý thích của mình nhưng phải tuân theo những quy tắc nhất định, tức là phải thỏa mãn các yêu cầu của giáo dục kiến thức rộng và các yêu cầu của chuyên ngành.

Cụ thể, sinh viên phải chọn từ 25%-35% phân phối tương đối đều trong các lĩnh vực toán, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, văn học nghệ thuật, khoa học xã hội,… của chương trình giáo dục kiến thức rộng, và 35%-50% trong các lĩnh vực chuyên ngành, số còn lại được chọn tự do không ràng buộc.

Ở Việt Nam, có thể nói rằng tất cả các trường ĐH đều có một chương trình lõi gần giống như nhau, bao gồm các môn bắt buộc như Triết học Max-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa duy vật, Lịch sử Đảng, v.v… Về mặt thực chất, chương trình đó có thể xem là chương trình giáo dục kiến thức rộng ở các trường ĐH ở Việt Nam.

Một số trường chia các môn học thành các môn đại cương và chuyên nghiệp, nhưng tuyệt đại đa số các môn học đại cương này cũng chỉ gồm các môn triết học nói trên và các môn cơ bản của chuyên ngành. Không có những yêu cầu giáo dục kiến thức rộng thực sự.

Như vậy, vấn đề là chúng ta có nên mở rộng chương trình giáo dục kiến thức rộng hiện nay để đưa thêm một số môn trong các lĩnh vực kiến thức khác nhau hay không? Có nhất thiết phải bắt buộc sinh viên các ngành xã hội học các môn tổng quan về khoa học tự nhiên hay công nghệ, và sinh viên các ngành tự nhiên học các môn tổng quan về văn học và nghệ thuật, khoa học xã hội, hay những vấn đề chung của khoa học và công nghệ, hay không?

Có thể thấy là các trường ĐH ở Việt Nam cho đến nay có xu hướng chú trọng đào tạo chuyên môn hơn là giáo dục kiến thức rộng.

Điều này có thể được giải thích là vì các nhà giáo dục Việt Nam cho rằng sinh viên đã được học đầy đủ các kiến thức rộng trong trường phổ thông rồi, và việc dạy thêm các kiến thức khác ngoài chuyên môn trong trường ĐH là một sự lãng phí.

Mong ước đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được phản ảnh trong các chương trình học của các khoa khoa học tự nhiên và công nghệ được xếp dày đặc các môn học rất sâu về chuyên môn ngay trong chương trình cử nhân (chất lượng dạy các môn đó ở các trường ĐH ở Việt Nam như thế nào là một đề tài khác).

Các trường ĐH ở Việt Nam, khi chuyển sang hệ tín chỉ, cần hiểu rõ bản chất của hệ tín chỉ ở Mỹ và của hệ giáo dục ĐH ở Việt Nam, đặt chúng trong môi trường kinh tế và xã hội của mỗi nước để xem có cần phải thay đổi chương trình học hay không, và nếu cần phải thay đổi thì với mức độ như thế nào.

Trường ĐH trang bị gì cho sinh viên?

Thực tế cho thấy khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, và những gì sinh viên học được trong bốn năm ở trường ĐH chỉ là những phần cơ sở nhập môn của các chuyên ngành học mà thôi.

Vì vậy, thay vì tham vọng nhồi nhét các kiến thức chuyên ngành, điều có ích hơn là đạt được một sự cân bằng giữa học chuyên ngành và kiến thức rộng, bao gồm cả việc rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng phân tích, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, truyền đạt thông tin, các kỹ năng mềm về các lĩnh vực làm việc độc lập cũng như làm theo nhóm, hợp tác tốt với đồng nghiệp, tâm lý học, v.v…

Điều đặc biệt quan trọng là phải làm sao để sinh viên xác định được là những kiến thức học được ở trường chỉ là phần mở đầu thôi. Nhưng đó là phần mở đầu rất quan trọng, chuẩn bị cho họ kiến thức và kỹ năng để họ tiếp tục học suốt chặng đời tiếp theo, ngay từ những ngày tháng đầu tiên rời ghế nhà trường để đi vào cuộc sống.

Yêu cầu “đào tạo theo nhu cầu xã hội” là chính đáng, nhất là trong điều kiện Việt Nam; chúng ta còn quá nghèo để có thể cho phép mình lãng phí đào tạo ra rồi không sử dụng được vào mục đích gì.

Tuy nhiên, nhu cầu của các doanh nghiệp về lao động rất đa dạng và thay đổi liên tục, cho nên nếu các doanh nghiệp muốn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hòa nhập ngay vào môi trường kinh doanh của họ thì chỉ có cách là họ tự mở trường đại học của công ty họ.

Trên thực tế các công ty lớn ở Mỹ đều có các bộ phận đào tạo của công ty, chuyên giúp cho các nhân viên mới vào làm quen nhanh với các quy trình và công cụ chuyên môn được sử dụng trong công ty. Nhiều khi, các công ty này hợp tác với các trường ĐH để đào tạo, hoặc outsource việc huấn luyện này cho các công ty chuyên về huấn luyện cho doanh nghiệp (corporate training companies).

Chúng ta cần hiểu đúng đào tạo theo nhu cầu xã hội không có nghĩa là đào tạo theo nhu cầu của một doanh nghiệp cụ thể nào, cho dù doanh nghiệp đó rất có quy mô và uy tín, mà là cần phải thường xuyên cập nhật giáo trình, chương trình, đổi mới các môn học, ngành học. Đồng thời duy trì mối quan hệ giữa trường ĐH và các doanh nghiệp thông qua hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và tìm việc làm, v.v…

Thông qua những mối quan hệ trường ĐH và doanh nghiệp như thế, có thể tìm thấy những kỹ năng nào là quan trọng nhất, cần thiết nhất trong quá trình hội nhập của sinh viên vào cuộc sống, để trên cơ sở đó thiết kế những chương trình đào tạo sao cho sau khi tốt nghiệp sinh viên dễ thích nghi với các điều kiện làm việc khác nhau.

Vì thế, tôi cho rằng các trường ĐH ở Việt Nam cũng cần xây dựng lại chương trình đào tạo sao cho đạt được sự cân bằng giữa kiến thức chuyên môn và kiến thức rộng.

Tuy nhiên, thời gian học của sinh viên chỉ hạn chế trong 4 năm và chương trình học không nên quá nặng nề, để khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu.

Một đặc điểm nữa của giáo dục ĐH ở Việt Nam là cần phải chú trọng nhiều đến tiếng Anh. Do đó, chương trình giáo dục kiến thức rộng của các trường ĐH ở Việt Nam có thể chỉ chiếm khoảng 10%-20% tổng sốTC mỗi sinh viên phải tích lũy.

Tiếng Anh cũng có thể chiếm khoảng 10% tổng số tín chỉ nữa, còn lại là chương trình chuyên ngành (40%-60% số TC), chương trình triết học Max-Lenin, và các môn tự chọn hoàn toàn theo sở thích. Cũng có thể gộp chương trình triết học Max-Lenin vào chương trình giáo dục kiến thức rộng.

Hệ tín chỉ = “Viết lại một quyển niên giám”

Như vậy, mặc dù các trường ĐH ở Việt Nam đều có các chương trình học đang sử dụng, việc xây dựng lại chương trình học khi chuyển sang hệ tín chỉ là điều bắt buộc phải làm.

Nói một cách ngắn gọn, xây dựng chương trình học theo hệ tín chỉ tức là viết lại một quyển niên giám cho trường ĐH.

Nhưng không chỉ là một liệt kê các môn học, mà phải là một quyển niên giám với đầy đủ chức năng của nó, để làm sao mỗi sinh viên đều có thể tìm thấy ở đó đầy đủ thông tin về các môn học, về các yêu cầu để được nhập học, đăng ký học các môn, đăng ký chuyên ngành và tốt nghiệp, v.v…

Cụ thể hơn, sau đây là liệt kê một số yêu cầu mà quyển niên giám phải có:

  • Mỗi một môn học đều phải có tên môn học, mã, số TC, nội dung tóm tắt và yêu cầu tiên quyết;
  • Phải có quy định cụ thể về chương trình giáo dục kiến thức rộng và danh sách những môn nằm trong chương trình này;
  • Phải có quy định cụ thể về yêu cầu của các trường con và các khoa, danh sách các chuyên ngành của các khoa (tên và mã của từng chuyên ngành), và các yêu cầu cụ thể của từng chuyên ngành (số TC cần phải học về chuyên ngành, danh sách của các môn có thể lựa chọn, các hạn chế, một số lựa chọn mẫu để sinh viên tham khảo,…).

Công việc xây dựng chương trình là một khối lượng công việc lớn và phải huy động rộng rãi các giảng viên trong trường tham gia. Từ việc tập hợp lại các môn hiện nay đang dạy, cấp cho mỗi môn một mã hợp lý, viết một giới thiệu tóm tắt (không quá 200 chữ) cho từng môn, quy định yêu cầu tiên quyết, số TC,…, đến việc xây dựng chương trình giáo dục kiến thức rộng, các chương trình của các khoa và các chuyên ngành.

Ngoài ra, cần phải thiết kế thêm một số môn học bổ sung để phục vụ cho hệ tín chỉ, để cung cấp thêm cho các chương trình chuyên ngành và đặc biệt là cho các chương trình giáo dục kiến thức rộng, để sinh viên thực sự được lựa chọn, cho dù còn là một lựa chọn hạn chế.

Nếu không làm như thế, tôi e rằng việc chuyển đổi từ hệ niên chế sang tín chỉ chẳng qua là đem cái khung tín chỉ đè lên cái hệ niên chế mà thôi.

Để cho công việc tiến hành có hiệu quả, đúng tiến độ, mỗi trường ĐH phải có một hội đồng chương trình phụ trách chung việc xây dựng các chương trình học. Trong hội đồng chương trình cần có các ban phụ trách chương trình giáo dục kiến thức rộng và các chương trình chuyên môn, và mỗi trường con, mỗi khoa phải có các ban xây dựng các chương trình chuyên môn.

Xây dựng các chương trình học phải là công việc chung của đội ngũ giảng viên của toàn trường. Các ban nói trên có trách nhiệm tổ chức, phân công công việc đến các nhóm giảng viên để xây dựng các chương trình học, chứ không phải là họ phải trực tiếp làm công việc này.

(Còn tiếp)
GS Vũ Quốc Phóng (ĐH Ohio - Mỹ)

(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Hệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 2: “Thầy diễn thuyết trò nghe” vẫn có chất lượng cao?Hệ tín chỉ: Từ ĐH ở Mỹ đến ĐH ở Việt Nam - Bài 1: Hệ tín chỉ và các yêu cầu tối thiểu trong ĐH ở Mỹ
"Tấm thảm" cho nhân tài đã thực sự "đỏ"?Dấu ấn Việt ở Cambridge
Đưa nguồn mở lên "bệ phóng" chiến lược phát triển phần mềm!Bộ Thông Tin - Truyền Thông xây dựng chính sách XNK phần mềm, nội dung số
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11