(Post 31/12/2008) Họ đều là những nhân vật
không thể thiếu được đối với sự phát triển của nền tảng Web hiện nay.
Người ta có thể thấy được ở họ sự nỗ lực phi thường, cũng như khả năng
sáng tạo, lãnh đạo tài tình để chèo chống con thuyền doanh nghiệp đi đúng
hướng.
1. Jerry Yang - CEO Yahooo
Yang là nhân vật được đề cập nhiều nhất trong vụ sáp
nhập “hụt” với Microsoft bởi ông chính là người cực lực phản đối kế hoạch
này.
Yang cũng là tâm điểm chỉ trích của các cổ đông chiến
lược, nhà đầu tư, và không ít kẻ quyền lực khác muốn lật đổ ông sau khi
“dám” từ chối Microsoft.
Tuy nhiên, sóng gió đã đi qua giờ là lúc mà Yang phải
vắt óc tìm kế sách mới vực dậy Yahoo sau nhiều quý liên tiếp kinh doanh
yếu kém. Cổ phiếu Yahoo trong một tháng trở lại đây đã rớt xuống mức thấp
nhất trong vòng gần 6 năm qua.
Trong khi đó, các nhà làm luật lại đang nhòm ngó thỏa
thuận Yahoo - Google bị cho là vi phạm luật cạnh tranh. Hai hãng này đã
ký một thỏa thuận quảng cáo trên công cụ tìm kiếm mà theo công bố sẽ mang
lại khoản doanh thu 800 triệu USD mỗi năm.
Một nhà lãnh đạo có tài như Yang chắc sẽ phải căng mình
ra đối phó với những vấn đề hóc búa như doanh thu giảm, sự phản đối về
chủ trương lãnh đạo và sự can thiệp của cơ quan luật pháp.
2. Anssi Vanjoki - Phó Chủ tịch Nokia
Anssi Vanjoki là gương mặt tiêu biểu đại diện cho Nokia
trong thời kỳ chuyển đổi từ nhà máy sản xuất phần cứng sang nhà cung cấp
các dịch vụ Internet di động.
Khái niệm “máy tính đa truyền thông” - như cách gọi dòng
điện thoại thông minh (smartphone) Nokia của Vanjoki, đang trở thành phương
tiện kết nối với Internet và các dịch vụ hữu dụng như mạng xã hội, download
nhạc, hoặc dẫn đường.
Tất cả những gì mà Vanjoki đang nỗ lực thực hiện đều
hướng tới mục tiêu đẩy lùi các đối thủ Apple, Google và RIM trên thị trường
smartphone.
3. Rupert Murdoch - nhà tài phiệt
Nhà tỉ phú này đã rất thành công với các mô hình truyền
thông và biến chúng thành quyền lực thực sự. Giờ đây ông đang thực hiện
lại điều đó với MySpace, mạng xã hội mà Murdoch mua lại năm 2005 với giá
“bèo” 580 triệu USD.
Nằm dưới sự điều hành của News Corp., MySpace đã “lột
xác” từ một website cho người dùng đăng tải lời nhắn bạn bè và nghe ca
khúc của các ban nhạc mới nổi thành một cổng web giải trí đầy đủ với doanh
thu hàng năm ước tính vào khoảng 800 triệu USD. Hiện MySpace đã có hơn
117 triệu người dùng trên toàn thế giới.
4. Jack Ma - CEO Alibaba
Đối với hầu hết các doanh nhân Trung Quốc thì Jack Ma
là một anh hùng. Từng là một thầy giáo, Ma, năm nay 43 tuổi, đã trở thành
người sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Alibaba, một trong những “trụ cột”
của thương mại điện tử Trung Quốc.
Alibaba có trụ sở chính đặt tại quê hương của Ma, đó
là thành phố Hàng Châu. Alibaba hiện đang quản lý chi nhánh Yahoo Trung
Quốc và website người tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc là Taobao.
Thương hiệu chính của tập đoàn này là trang web Alibaba.com,
một mô hình dịch vụ doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) giúp kết nối các
nhà xuất khẩu & nhập khẩu vừa và nhỏ tại Trung Quốc với các đối tác
quốc tế.
Dưới sự chỉ đạo của Ma, Alibaba đã chi ra 1,5 tỉ USD
để thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ tại thị trường Hồng Kông, và đã
rất thành công. Hiện Alibaba đang nhân rộng mô hình này tại các thị trường
lớn hơn như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
5. Steve Jobs - CEO Apple
Từ sau khi trở lại với cương vị CEO Apple năm 1996, Steve
Jobs được coi là “bộ não” chính của hãng Quả táo này. Ông đã cách mạng
hóa nhu cầu giải trí của người dùng, từ âm nhạc, chương trình truyền hình
tới phim ảnh, máy tính, đầu thu số…
Kho nhạc số iTune của Apple hiện đang là kênh bán lẻ
nhạc lớn nhất tại Mỹ với doanh số 5 tỉ bài hát (tính tới cuối tháng 6/2008).
Năm 2007, Steve Jobs đã trở thành gương mặt không thể
thiếu của thế giới không dây khi ông cho công bố “siêu phẩm” iPhone, chiếc
điện thoại với màn hình cảm ứng và cách thức điều khiển đầy sáng tạo và
hiệu quả. iPhone đã thách thức các đối thủ đến từ Motorola và RIM.
Gia Nguyễn
(theo báo Tiền Phong) |