(Post 08/07/2009) "Nhưng có lẽ nên hiểu
sự xâm lăng bây giờ khái niệm rộng hơn, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc
hiện nay bao hàm nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ có quân sự. Phải quan
tâm đến hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa nhiều hơn trong tình hình hiện
nay. Vì đây là chỗ nhạy cảm, dễ làm ta mất nước hơn những lĩnh vực khác."
- Nhà báo Hữu Thọ.
Nếu là người trẻ, phải xông pha, dám đón nhận những việc mà có thể những người khác ngại ngần hoặc không làm được. Ảnh:Tuoitre.vn |
|
Các phần đã đăng:
Yêu nước phải bằng hành động
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Về chủ nghĩa
yêu nước rõ ràng chúng ta sẽ còn bàn rất nhiều và có thể đi vào tất cả
những chi tiết khác trong đời sống, trong công việc. Chúng ta đang đi
đến những phút cuối cùng của bàn tròn: Lòng yêu nước, cuộc đối thoại giữa
các thế hệ. Vẫn còn hai câu hỏi nữa mà bạn đọc gửi đến.
Bạn đọc Nguyễn Đức Anh, một cán bộ Đoàn ở Hải Phòng hỏi
anh Võ Văn Thưởng rằng: Yêu nước không phải là việc cứ nói yêu nước thì
làm gì cũng được mà phải có điều kiện cho những người trẻ yêu nước.
Cụ thể là phải giao đúng việc cho họ, với năng lực, trí
tuệ và khát vọng của họ. Nhưng hiện thực nay những người trẻ chỉ là những
người luôn bị xoa đầu, coi là trẻ, mà không được giao những việc mà với
lòng tự trọng, trí tuệ, trách nhiệm và lòng yêu nước của họ, họ có thể
làm được.
Tuổi trẻ dần dần trôi đi, và tất cả những năng lực, tài
năng của họ không được sử dụng. Vô hình trung, lòng yêu nước của họ muốn
cũng không thực hiện được. Vậy với vai trò là Bí thư thứ nhất Trung ương
Đoàn, anh nói gì và làm thế nào cho những người trẻ sẽ được sử dụng một
cách đúng nhất với đạo đức, trí tuệ và vị trí của họ?
Anh Võ Văn Thưởng: Tôi vẫn kiên trì
một quan điểm là yêu nước phải có những biểu hiện rất là cụ thể của nó.
Bởi vì nếu chỉ nói chung chung tôi là người yêu nước
thì đôi khi cũng dễ dẫn tới sự ngụy biện, và đôi khi người ta lợi dụng
tình cảm đó để làm những chuyện không có lợi cho đất nước. Hơn ai hết
đối với tuổi trẻ, lòng yêu nước phải được thể hiện ra bằng những việc
làm cụ thể. Để trả lời câu hỏi của bạn cán bộ Đoàn đặt ra, tôi phải nói
về biểu hiện của lòng yêu nước trong quan niệm của tôi đối với người trẻ.
Thứ nhất, nếu là người Việt Nam, anh phải ý thức mình
là người Việt Nam, có văn hoá của người Việt Nam, tình cảm của người Việt
Nam và mong muốn đưa Việt Nam phát triển không thua kém các nước trong
khu vực và trên thế giới. Đó là tình cảm tự thân đầu tiên.
Thứ hai, nếu anh là một công dân anh phải thực hiện đúng
và đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân theo luật quy định.
Thứ ba, trong mỗi một lĩnh vực công tác khác nhau, trong
từng thời điểm khác nhau, nếu là người trẻ, anh phải là người xông pha,
dám đón nhận những việc mà có thể những người khác ngại ngần hoặc không
làm được, nhưng mình dám chấp nhận thử thách và dám đương đầu.
Trước những xung đột về lợi ích, nếu đặt được lợi ích
của dân tộc, của đất nước lên đầu thì đó mới thực sự là người yêu nước.
Sẵn sàng giao trọng trách cho người trẻ
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Đoàn thanh
niên, các cấp Uỷ đã làm những gì để khích lệ lý tưởng sống, khích lệ tinh
thần yêu nước, dám hy sinh quyền lợi riêng cho sự lớn lên của dân tộc,
của xã hội?
Anh Võ Văn Thưởng: Để động viên khích
lệ những tinh thần đó đặt lại một vấn đề là tạo cơ hội môi trường như
thế nào để người trẻ học tập rèn luyện và phấn đấu thực hiện khả năng
và trách nhiệm của mình. Đây là một vấn đề lớn và được đặt ra rõ ràng.
Hội nghị ban chấp hành TƯ Đảng lần 7 đã ra nghị quyết
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì đẩy
mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đã xác định thanh niên là rường cột
của nước nhà. Thanh niên là lực lượng có vai trò quyết định đến vận mệnh
đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, sự thành công hội nhập
kinh tế quốc tế, xây dựng xã hội Việt Nam thành công dân giàu nước mạnh
xã hội công bằng văn minh.
Về mặt nhận thức của Đảng và Nhà nước vai trò của thanh
niên, giao trọng trách cho thanh niên, chuyện này không cần bàn cãi nữa.
Để triển khai những tư tưởng đó thành giải pháp cụ thể, Đảng đã đặt ra
yêu cầu coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, bố trí cán bộ trẻ
ở tất cả các cấp, từ cấp phòng đến địa phương lên Trung ương. Mà trong
độ tuổi thanh niên khi phấn đấu đến một mức độ nào đó thì hầu như ở cấp
nào cũng có cán bộ trẻ.
Tôi thấy trong nghị quyết của Đảng, tư tưởng của Đảng
cũng như trong phát biểu công khai trong nhiều cuộc gặp gỡ của các đồng
chí lãnh đạo với thanh niên đều thấy có niềm tin và kì vọng, tinh thần
sẵn sàng giao trọng trách cho giới trẻ. Chuyện này cần chứng minh.
Tôi đảm nhận nhiệm vụ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn
thanh niên cộng sản HCM, hiện nay có nhiều Bí thư tỉnh, thành Đoàn cũng
ở lứa tuổi 30, 31. Nhiều Bí thư quận ủy khi mới 31, 32. Nhiều Phó chủ
tịch, chủ tịch Ủy ban lứa tuổi cũng chỉ trên dưới 30. Đó là những biểu
hiện cụ thể rằng Đảng và Nhà nước này tin tưởng sẵn sàng giao trọng trách
này cho người trẻ.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Anh Võ Văn
Thưởng chỉ là một trong rất hiếm những ví dụ về việc trọng dụng người
trẻ. Chính sách của Nhà nước trong việc sử dụng nhân tài, đặc biệt những
nhân tài trẻ là đúng nhưng việc thực hiện lại đứng ở một bến bờ khác…
Anh Võ Văn Thưởng: Có một vấn đề nữa
vừa là mong muốn, vừa là trách nhiệm của người trẻ.
Người trẻ thì nhiều, nhưng người trẻ đủ điều kiện, tiêu
chuẩn đòi hỏi mỗi cá nhân phải rèn luyện, tự vươn lên chứ không thể nhân
danh là tôi trẻ, tôi phải đảm đương công việc đó. Anh phải học hành rèn
luyện, xâm nhập thực tế, xác định mục tiêu mình như thế nào. Vấn đề này
đặt ra với người trẻ phải nghiêm túc.
Thứ hai là người trẻ có mong muốn những tư tưởng chủ
trương đó của Đảng đối với người trẻ từng bước được cụ thể hóa thành những
quy định, quy chế, quy chuẩn để người trẻ căn cứ vào đó như định hướng
để học tập rèn luyện, phấn đấu.
Với sự trải nghiệm thực tế của chúng tôi hiện nay, có
thể đặt câu hỏi: Hãy tin tưởng một cách sâu sắc là nếu chúng ta tin tưởng
có khả năng, thật sự có kiến thức, tấm lòng thực sự vì đất nước thì bạn
đó sẽ được trọng dụng. Tôi nói điều này hoàn toàn không sách vở, bằng
sự trải nghiệm của chính mình, của bạn bè xung quanh trong thời gian vừa
qua.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
|
Dễ mất nước khi yếu kinh tế, mờ bản sắc
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi xin
có một câu hỏi cho 3 vị khách mời. Câu hỏi này được rất nhiều bạn đọc
trong đó có cả cá nhân tôi đặt ra.
Ngay trong những câu hỏi đã bày tỏ và đã minh chứng lòng
yêu nước của người Việt Nam đương đại chứ không chỉ trong quá khứ. Tất
cả những câu hỏi này cùng thống nhất trong một tư tưởng: Không bao giờ
một con người nào, một dân tộc nào mong muốn chiến tranh, khát vọng hòa
bình là khát vọng vĩnh viễn của tất cả các thế hệ, tất cả các dân tộc.
Nhưng chúng ta sẽ không thể nói rằng sẽ không bao giờ còn nguy cơ một
cuộc chiến tranh nào nữa đối với dân tộc chúng ta, hoặc đối với một dân
tộc khác trên thế gian này.
Nếu bây giờ có một đội quân xâm lược, tiến hành cuộc
chiến tranh với dân tộc Việt Nam thì với từng vị trí cũng như tuổi đời
của mình, nếu được đứng lên nói một lời gì đó với thanh niên, nhân dân
Việt Nam trước nguy cơ chiến tranh cận kề thì nhà báo Hữu Thọ sẽ nói điều
gì? Kêu gọi một cuộc chiến tranh như dân tộc ta, ông cha, tổ tiên ta đã
từng làm hay ông nói điều gì khác?
Nhà báo Hữu Thọ: Có lẽ nên hiểu sự xâm
lăng bây giờ khái niệm rộng hơn. Anh yếu về kinh tế có thể anh bị lệ thuộc.
Anh yếu văn hóa, thậm chí mất bản chất văn hóa dân tộc thì mất từ gốc.
Nên cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc hiện nay bao hàm nhiều lĩnh vực chứ
không phải chỉ có lĩnh vực quân sự, mặc dù quân sự là lĩnh vực quan trọng.
Riêng cá nhân tôi lại quan tâm đến hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa nhiều
hơn trong tình hình hiện nay, dễ làm ta mất nước hơn những lĩnh vực khác.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vâng, nhà
báo Hữu Thọ nói hoàn toàn đúng. Nguy cơ cận kề, cụ thể đã và đang xảy
ra là mất đi bản sắc văn hóa, lệ thuộc kinh tế của một dân tộc đối với
một quốc gia khác.
Nhưng tôi vẫn đặt một câu hỏi trong sự giả dụ đó với
anh Võ Văn Thưởng, thủ lĩnh của thanh niên Việt Nam. Khi một cuộc chiến
tranh quân sự xảy ra, anh có tin rằng những người thanh niên hiện nay
lại sẵn sàng ra mặt trận để bảo vệ tổ quốc như cha anh họ từ những năm
tháng trước kia không. Nếu viết một lời kêu gọi cho thanh niên thì anh
sẽ viết như thế nào?
Anh Võ Văn Thưởng: Tôi có một niềm tin
sâu sắc qua lịch sử dân tộc.
Để trả lời câu hỏi của anh Thiều, tôi xin mượn một ý
của Giáo sư Trần Văn Giàu khi nói Chủ nghĩa yêu nước là chủ lưu trong
tư tưởng của dân tộc Việt Nam.
Mỗi khi đất nước có chiến tranh, tư tưởng ấy như những
con sóng cả để nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước. Bất cứ chuyện gì
xảy ra dù có chiến tranh hay phải đối mặt với những khó khăn kinh tế văn
hóa, tinh thần yêu nước sẽ là động lực để giúp cho dân tộc Việt Nam vượt
qua được những khó khăn đó.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Tôi cũng trả
lời luôn là nếu ở thời bình tinh thần ái quốc, yêu nước là một giá trị
đạo đức.
Tôi quan niệm yêu nước là giá trị đạo đức là khi mình
làm điều gì có lỗi, mình bám vào, nương tựa vào một vài giá trị nào đó.
Nếu anh Thiều đặt ra vấn đề mang tính giả dụ, một cuộc chiến tranh thuần
túy quân sự, tôi nghĩ trả lời được bằng kinh nghiệm thôi. Lịch sử Việt
Nam đã chứng kiến không biết bao cuộc chiến tranh, và bao nhiêu kẻ sĩ
trong đó có nhà văn tham gia cuộc chiến tranh. Tôi ví dụ như trường hợp
ông Nguyễn Trãi, tôi vẫn cho lòng yêu nước là tự nhiên nó thế.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Vâng, vấn
đề chúng ta đặt ra rất rõ ràng. Chúng ta không mong đợi một cuộc chiến
tranh ở bất kỳ hình thức nào. Nhưng luôn luôn có những kẻ thù muốn bắt
dân tộc ta làm nô lệ ở một hình thức tinh vi hơn, đánh mất toàn bộ nền
văn hóa dân tộc mình.
Dân tộc nào cũng những khoảnh khắc, thời đại lịch sử
phải làm nô lệ, cuối cùng vẫn vươn tới đi đến cái đích, khát vọng của
dân tộc này đã mang theo, thế hệ này truyền cho thế hệ khác không bao
giờ ngừng tắt. Chúng tôi hoàn toàn tin điều đó.
Khi chúng ta xác định kẻ thù của dân tộc này, lòng yêu
nước của dân tộc này, bất kì hình thức gì, lúc thăng lúc trầm trong xã
hội thì cuối cùng lòng yêu nước như một di sản, một báu vật truyền từ
thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta sẽ làm trong một khoảng khắc nào
đó.
Hôm nay có rất nhiều câu hỏi của bạn đọc đặt vai trò
của thanh niên thế nào trong chống tham nhũng, cuộc đấu tranh thế nào
chống đạo đức giả, và còn nhiều vấn đề khác nữa. Yêu nước như nhà văn
Nguyễn Việt Hà nói là đạo đức sống.
Tất cả những chia sẻ thẳng thắn của các vị khách mời
hôm nay đều cho thấy sự chân thành, đó cũng là một nguồn lực lớn, một
sự khẳng định ý chí của tất cả những người Việt Nam trong cuộc xây dựng
và bảo vệ đất nước.
Thay mặt bạn đọc, VietNamNet xin cảm ơn nhà báo Hữu Thọ,
anh Võ Văn Thưởng, nhà văn Nguyễn Việt Hà. Và tôi cũng mong rằng bạn đọc
của VietNamNet sẽ được gặp lại nhà báo Hữu Thọ, anh Võ Văn Thưởng và nhà
văn Nguyễn Việt Hà với những vấn đề khác của người trẻ, của người già,
của dân tộc. Một lần nữa xin cảm ơn bạn đọc VietNamNet.
Tuần Việt Nam |