(Post 22/08/2009) Sau 3 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhiều trường công tại TP.HCM đã chuyển sang cơ chế tự chủ một phần hay tự chủ toàn phần. Có những trường đã tăng lương giáo viên và nâng cao được chất lượng đào tạo, điển hình như Trường THPT Nguyễn Thái Bình, nơi có điểm tuyển đầu vào không cao (23 điểm), nhưng tỷ lệ đậu tốt nghiệp khả quan (khoảng 95%). Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q. Tân Bình) là mô hình “trường phổ thông không dạy thêm để thu tiền”: học sinh học thêm các môn văn, toán, lý, hóa và Anh văn không phải đóng tiền. Trường có 50 lớp với hơn 2.400 học sinh, 90 giáo viên. Về tài chính có: ngân sách (như tất cả các trường công khác), học phí thu theo quy định của UBND TP. là 110.000 đồng/HS/tháng và không thu thêm bất kỳ một khoản nào khác, đồng thời thực hiện chế độ miễn giảm học phí (cho 10 - 15% số học sinh). Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, trường đã có điều kiện cải thiện cơ sở vật chất: các phòng học được trang bị hệ thống bàn ghế mới, bảng đen đúng tiêu chuẩn, có máy chiếu lưu động phục vụ yêu cầu dạy và học, các phòng vi tính được nối mạng. Đến cuối năm 2008, mỗi giáo viên có thu nhập tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng từ khoản tiết kiệm chi tiêu của nhà trường. Về chất lượng đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong 3 năm vừa qua bằng hoặc cao hơn tỷ lệ trung bình của thành phố. Do ngày càng có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình vào trường nên điểm chuẩn đầu vào đã tăng lên tới 30 điểm cho năm học 2008 - 2009. Thực hiện xã hội hóa việc xây dựng cơ sở vật chất, Trường mầm non Rạng Đông (Q.6) đã được xây dựng theo đúng quy cách trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, bao gồm 15 phòng học, 10 phòng chức năng và 1 hồ bơi. Trường có đầy đủ các thiết bị phục vụ việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục ngoài giờ lên lớp, khuôn viên trường có xích đu, thang leo, cầu tuột, bập bênh, xe đạp... Trường xây dựng kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng trẻ có khoa học, có sự phân công hợp lý, kiểm tra chặt chẽ nên luôn đạt kết quả cao. Trường cũng thực hiện việc giáo dục theo chương trình mới, giúp trẻ được hoạt động tự nhiên, thoải mái, phát triển tốt về nhận thức và khả năng giao tiếp - mạnh dạn, mạch lạc, suy luận tốt, biết trao đổi với cô, với bạn, biết thực hiện một số công việc tự chăm sóc bản thân... Thu nhập của giáo viên thâm niên trên 1 năm, bậc 1, cao đẳng hiện là 2,6 triệu đồng/tháng; thâm niên trên 20 năm, bậc 8, cao đẳng, 4,1 triệu đồng/tháng - chưa kể khoản giờ phụ trội (200 ngàn đồng/tháng). Ở Trường THCS Phan Bội Châu (Q. Tân Phú), từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, lương giáo viên đã được cải thiện rõ rệt - bình quân là hơn 4,7 triệu đồng/tháng: cao nhất là hơn 5,9 triệu đồng, thấp nhất hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Đối với giáo viên hợp đồng, cao nhất là 3 triệu đồng, thấp nhất gần 2,3 triệu đồng. Chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao; trường đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi cấp thành phố và cấp quận về giáo viên dạy tốt, ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh giỏi, thể dục thể thao, nét vẽ xanh... Hiện nay, tại TP.HCM có 1.250 trường (trong tổng số 1.254 trường) thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, được phân loại theo 3 hình thức: đơn vị sự nghiệp loại I (tự đảm bảo kinh phí hoạt động) có 9 trường, đơn vị sự nghiệp loại II (tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động) có 1.090 trường (87,2%), đơn vị sự nghiệp loại III (ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động) có 151 trường (12,08%). Theo ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, 770 trường có thu nhập tăng (61,6%), trong đó 11 trường tăng từ 1 đến 2 lần. Thành công có ý nghĩa nhất của việc thực hiện cơ chế tự chủ nói chung, tự chủ tài chính nói riêng, là phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường nhằm giải quyết kịp thời các tình huống, khắc phục tình trạng trì trệ kéo dài trong những năm qua. Sau khi được giao tự chủ tài chính, các trường đã chủ động xắp xếp lại tổ chức, nhân sự phù hợp với yêu cầu thực tế; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo khả năng tài chính, phân bổ nguồn tài chính hợp lý; nâng cao chất lượng giáo dục và tăng thu nhập cho giáo viên. Anh Thư (theo báo Khoa Học Phổ Thông) |