(Post 08/08/2009) Quy định chung về nhân lực
công nghệ cao trong Luật công nghệ cao có một số nội dung đáng chú ý là:
Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ lao động - thương binh - xã hội (Tổng cục dạy
nghề) và Bộ KH&CN sẽ chịu trách nhiệm trong các vấn đề liên quan đến
đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao; thực hiện các cơ chế,
chính sách ưu đãi đặc biệt, chế độ ưu đãi cao nhất về phát triển nhân
lực công nghệ cao (thuế và các ưu đãi ngoài thuế) cho các tổ chức (viện,
trường, doanh nghiệp...), cá nhân tham gia.
Đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với thực
tiễn
Luật công nghệ cao nêu rõ: “Phát triển nhân lực
công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo
dục và đào tạo quốc gia nhằm thực hiện chính sách của nhà nước đối với
hoạt động công nghệ cao”. Đào tạo nhân lực công nghệ cao phải
gắn với thực tiễn, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ cao đáp ứng
nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm về số lượng,
chất lượng và cơ cấu nhân lực công nghệ cao; sử dụng hiệu quả và đãi ngộ
thỏa đáng. Nhân lực công nghệ cao phải được đào tạo đồng bộ về cơ cấu,
trình độ bao gồm nhà khoa học, nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ,
cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật. Nhà nước sẽ tạo điều
kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước
ngoài tham gia phát triển nhân lực công nghệ cao; dành ngân sách, các
nguồn lực, áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật để
phát triển nhân lực công nghệ cao.
Về vấn đề ngân sách dành cho đào tạo, luật quy định rõ
ngân sách giáo dục và đào tạo hàng năm phải có kinh phí để chọn cử học
sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc; giảng viên, nghiên cứu viên,
chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật
để đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về công nghệ cao.
Khánh thành Công ty công nghệ bán dẫn Ges Việt Nam, tại
Khu công nghệ cao - TP.HCM
Xây dựng cơ sở đào tạo công nghệ cao theo hướng
xã hội hóa
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh,
liên kết với tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công
nghệ cao với các chế độ ưu đãi, hỗ trợ (về đất đai, thuế thu nhập doanh
nghiệp, thuế nhập khẩu, quỹ về khoa học, công nghệ..., chi phí đào tạo).
Thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt
để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao
- Môi trường làm việc và sống thuận lợi.
- Chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm.
- Bổ nhiệm vị trí then chốt về khoa học và công nghệ.
- Chế độ ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân.
- Điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế.
- Tôn vinh, khen thưởng...
Đối với vấn đề hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực
công nghệ cao, luật quy định: đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực
phát triển nhân lực công nghệ cao, ưu tiên hợp tác đào tạo sinh viên ngành
kỹ thuật công nghệ cao tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên
tiến khu vực và thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả người có trình
độ cao, lực lượng trẻ tài năng hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo
công nghệ cao, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt
Nam.
TS. Đặng Duy Thịnh (Viện chiến lược - chính
sách KH&CN)
(theo báo Khoa Học Phổ Thông) |