Phần mềm VN: “Ngôi sao” không biết kiếm tiền?  
 

(Post 25/07/2009) Việt Nam được thế giới xếp hạng “ngôi sao”, đứng trong top 10 những địa chỉ hấp dẫn về gia công phần mềm (GCPM) toàn cầu nhưng doanh thu vẫn rất nhỏ.

Lợi thế giá rẻ nhất châu Á và vị trí "ngôi sao" không đủ làm cho doanh nghiệp gia công phần mềm giàu lên. Ảnh MT

Từ đầu năm đến nay, ngành GCPM của VN liên tục đón nhận tin vui. Đầu tiên là báo cáo của hãng tư vấn Thonlons, Mỹ công bố đầu tháng 2-2009 xếp hạng TP. HCM đứng thứ 4 và Hà Nội đứng thứ 11 trong top 50 thành phố mới nổi hấp dẫn nhất về GCPM..

Khoảng một tháng sau, Gartner công bố báo cáo xếp hạng 10 quốc gia hấp dẫn nhất khu vực châu Á - TBD về GCPM, trong đó có VN. Trong số 10 quốc gia này, VN được Gartner đánh giá là nước có giá gia công rẻ nhất.

Mới đây, hãng nghiên cứu thị trường AT Kearney công bố danh sách 50 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về GCPM, xếp hạng VN đứng thứ 10, tăng 10 bậc so với lần công bố trước đó vào năm 2007. Đây là lần đầu tiên VN được xếp trong top 10 quốc gia về GCPM của AT Kearney.

Mặc dù được thế giới đánh giá cao, nhưng nghịch lý là doanh thu từ GCPM của VN rất nhỏ. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm VN (Vinasa), doanh thu của toàn ngành phần mềm VN đạt 300 triệu USD trong năm 2006, 498 triệu USD năm 2007, khoảng 600 triệu USD năm 2008 và năm nay dự báo toàn ngành chỉ tăng 10%. Trong đó, GCPM chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của toàn ngành phần mềm. Con số này rất nhỏ bé nếu so sánh với những quốc gia mạnh về GCPM cùng đứng trong top 10 với VN như Trung Quốc đạt 110 tỷ USD năm 2008, còn Ấn Độ là 52 tỷ USD.

So thứ hạng “ngôi sao” của VN trong lĩnh vực GCPM toàn cầu với doanh thu thực tế đặt ra câu hỏi phải chăng các doanh nghiệp phần mềm VN và toàn ngành phần mềm nói chung không biết tận dụng thế mạnh của mình để kiếm tiền hay là các nghiên cứu quốc tế trên đã “tô hồng” tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này?

Trao đổi của phóng viên báo BĐVN với lãnh đạo của 4 công ty GCPM hàng đầu ở VN sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi trên.

Ông Hoàng Ngọc Hùng (bên trái) nhận giải thưởng Việt Nam ICT Awards từ Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp. Ảnh Thanh Hải

Việt Nam mới chỉ là tiềm năng

Ông Hoàng Ngọc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm CMC: Việt Nam thực sự là nước có tiềm năng trong lĩnh vực GCPM. Có thể thấy các yếu tố như: dân số trẻ tuổi đông, nhiều thanh niên thích theo ngành CNTT, chính phủ khá tích cực trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ, giá rẻ. Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố khác Gartner đã lưu ý như chất lượng nguồn nhân lực về kỹ thuật và ngoại ngữ, trình độ quản lý dự án và quy trình, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng thực sự của chính phủ, khả năng tham gia toàn cầu hóa của Việt Nam và chất lượng nhân lực đều tương đối yếu khi so sánh với nhiều nước đang cạnh tranh khác.

GCPM cũng là ngành đòi hỏi quy mô. Công ty lớn của Việt Nam như Fsoft có trên 2.000 người, TMA khoảng 800 người chưa thể so với quy mô nhiều nghìn người của Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Số lập trình viên trong cả nước khoảng 30-40 nghìn người là con số quá nhỏ bé nếu tính đến con số một triệu và hai triệu của Ấn Độ và Trung Quốc. Thêm vào đó với năng lực hiện tại, các công việc phần lớn của các công ty phần mềm Việt Nam làm được chủ yếu ở cấp thấp. Vì vậy VN thực sự có tiềm năng và được nhìn nhận về tiềm năng đó. Tuy nhiên phần lớn tiềm năng đó chưa biến thành hiện thực trong hiện tại hoặc thậm chí một tương lai gần trong 2-3 năm nữa.

Ngoài ra tại Việt Nam sự thiếu hụt không chỉ ở nhân sự cao cấp mà cả các nhân sự phù hợp (về kinh nghiệm, về năng lực công nghệ và ngoại ngữ) cho nhiều dự án gia công phần mềm cũng làm ảnh hưởng nhiều đến cung cầu nhân sự và làm tăng giá. Lợi thế về chi phí giá rẻ sẽ không duy trì được lâu.

Trong khi đó, GCPM VN đang phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia. Cạnh tranh lớn nhất có thể nói là từ Trung Quốc với đội ngũ nhân sự đông đảo, giá cả khá cạnh tranh, mặc dù giá cao hơn Việt Nam vài chục phần trăm nhưng với kinh nghiệm phát triển và quy mô của họ khoảng cách ưu thế giá này cũng không thực sự tạo lợi thế.

Ông Nguyễn Ích Vinh

Nghiên cứu hơi lạc quan

Ông Nguyễn Ích Vinh, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty xuất khẩu phần mềm Tinh Vân: Đúng là các nghiên cứu quốc tế trên có phần hơi lạc quan khi tạo ra một vị thế như vậy cho VN. Tuy nhiên tôi đánh giá rằng các nghiên cứu này hoàn toàn không nhìn nhận sai lệch về tiềm năng.

Ở đây phải nhấn mạnh chữ tiềm năng của VN vì bên cạnh những điểm yếu không thể phủ nhận rút ra từ thực tế là trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, thì thế mạnh vẫn là nguồn nhân sự đáp ứng được yêu cầu chuyên môn với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các nước khác như Ấn Độ hoặc Trung Quốc.

Nhìn một cách lạc quan vào trình độ ngoại ngữ ngày càng được chú trọng cải thiện của đội ngũ lập trình viên hiện tại và trong tương lai gần, VN có thể được lựa chọn nhiều hơn trong các dự án gia công lớn và do đó sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể.

Về giá, Gartner cũng đã đúng. Chi phí nhân công đang là thế mạnh lớn nhất của VN trong bức tranh chung về GCPM. Thế mạnh chi phí rẻ, theo quan điểm riêng của tôi, sẽ được duy trì trong một thời gian không dài, có thể chỉ đến hết 2011 khi toàn cảnh kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Mức độ toàn cầu hóa tăng lên một nấc mới, kinh tế Việt Nam tăng trưởng kéo theo chi phí nhân sự, không chỉ riêng cho nhân sự GCPM, thì việc cạnh tranh giữa các nước có nhân sự gia công sẽ hoàn toàn dựa và chuyên môn và đặc biệt khả năng ngoại ngữ và thích nghi với môi trường làm việc quốc tế. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều mà các kỹ năng này có thể được cải thiện.

Ông Lê Xuân Hải

Đừng nhầm “tiềm năng” và “năng lực thực sự”


Ông Lê Xuân Hải, Giám đốc Công ty gia công phần mềm Việt (VietSoftware International): Kết quả đánh giá của các tổ chức này khá khách quan và đáng khích lệ cho VN. Doanh thu thực sự từ GCPM của VN còn nhỏ bé vì chúng ta mới tham gia ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu dựa trên các việc viết chương trình, kiểm thử phần mềm hoặc thiết bị nhúng. Mức doanh thu khoảng trên dưới 100 triệu USD hiện nay, hoặc cứ giả sử dưới 500 triệu USD, là quá nhỏ so với tiềm năng và mong muốn của VN. Các tổ chức phi vụ lợi đánh giá ở mức độ “tiềm năng” là có lý, và chúng ta đặc biệt cần cảnh giác với thái độ tự mãn và nhầm tưởng tiềm năng với năng lực thực sự đủ sức cạnh tranh quốc tế cho cả quốc gia VN.

Thực tế, giá rẻ là thế mạnh lớn nhất với GCPM VN. Ngoài một số doanh nghiệp có lợi thế riêng, nhìn chung chúng ta đang cạnh tranh với quốc tế dựa trên giá rẻ. Phương thức này trước hết là kéo được khách hàng về VN, tạo công việc và doanh thu để doanh nghiệp xây dựng đội ngũ và uy tín. Nhưng lạm dụng “thế mạnh” giá rẻ sẽ dẫn đến phá vỡ thương hiệu quốc gia về cam kết chất lượng và trung thực trong hợp tác. Riêng việc giành việc làm bằng mọi giá (và rất rẻ) đồng thời với việc giành giật nguồn nhân lực lẫn nhau đã tự tạo nên cái bẫy chết người của hàng loạt doanh nghiệp trong vòng xoáy của lạm phát chi phí giá nhân công và sự hỗn loạn của thị trường nhân lực không có kiểm soát.

Ngoài thế mạnh giá cả, nếu xét về trình độ, VN còn kém xa các nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philipinnes, chưa nói đến Ấn Độ. Phần nhiều kỹ sư của VN mới chỉ có một vài kỹ năng lập trình đơn giản, trong khi lại thiếu vô số các kỹ năng mềm và giao tiếp để làm việc trong môi trường quốc tế. Thêm vào đó là tình trạng hỗn loạn tự phát về thị trường nguồn cung; nhân lực biết ngoại ngữ Anh/Pháp/Nhật hiếm; yếu kém trong chiến lược PR ở tầm quốc gia; chi phí quá cao cho văn phòng, viễn thông.

Ông Nguyễn Lâm Phương

Năng lực của các công ty là quan trọng nhất

Ông Nguyễn Lâm Phương, Phó Tổng giám đốc FPT Software: Tiềm năng về dịch vụ GCPM chưa phải là đảm bảo chắc chắn cho doanh thu cao từ lĩnh vực này. Vấn đề là các khách hàng cụ thể của VN nhìn nhận như thế nào về các tiềm năng này và quyết định gia công từ VN.

Tiềm năng của quốc gia là một tiêu chí xem xét của khách hàng tuy nhiên năng lực của từng công ty sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định họ có làm ăn ở VN hay không. Vấn đề ở đây là khả năng của các công ty phần mềm VN vận dụng được các tiềm năng của quốc gia và chuyển đổi chúng thành các cơ hội kinh doanh.

Các nghiên cứu của Gartner và AT Kearney giúp ích rất nhiều cho các công ty phần mềm VN vì giá rẻ là yếu tố đầu tiên các công ty nước ngoài quan tâm khi quyết định chọn nơi gia công.

Lợi thế giá rẻ của Việt Nam có thể được duy trì trong một thời gian dài nếu như các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định. Nhưng cũng phải biết là không ai muốn mua một món hàng rẻ nhưng không dùng được. Giá cả thường được cân nhắc cùng với năng suất lao động và chất lượng công việc của các công ty phần mềm. Do vậy cùng với giá rẻ, nếu các công ty phần mềm VN đạt được các chứng chỉ chất lượng quốc tế thì hiệu quả hấp dẫn khách hàng sẽ cao hơn nhiều.

theo Đỗ Duy - ICTnews


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần IIThời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần I
Sử dụng và bồi dưỡng nhân tài còn nhiều bất cậpKhó giữ nước khi yếu kinh tế, mờ bản sắc
"Không chống được tham nhũng, đừng hy vọng giáo dục lớp trẻ"Trực tuyến: "Lòng yêu nước: Đối thoại giữa các thế hệ"
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11