Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần II  
 

(Post 22/07/2009) Nội dung bàn tròn trực tuyến giữa VietNamNet và "Vua tường lửa" Gil Shwed, CEO của Check Point. xoay quanh chủ đề về một thế giới kết nối trong thời đại internet, những ảnh hưởng, tác động của nó tới các nước và cơ hội cho Việt Nam...

Các phần đã đăng:

"Tấn công" thị trường quốc tế, khó không?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế còn thị trường Trung Quốc thì sao? Ông đã tới Trung Quốc, vậy ông cảm thấy thị trường Trung Quốc dễ hay khó tiếp cận?

CEO Check Point Gil Shwed: Thị trường Trung Quốc quả thực là rất khó, ngay cả khi chúng tôi sử dụng người địa phương cho công ty Check Point của chúng tôi ở đó. Ở mọi thị trường, chúng tôi cũng hợp tác với các đối tác địa phương, để các công ty này phân phối lại các sản phẩm của chúng tôi. Họ đại diện cho chúng tôi và trong nhiều trường hợp là bộ mặt của chúng tôi.

Và trên thực tế họ làm cho chúng tôi thành công rất nhanh, không chỉ ở Mỹ mà còn trên thị trường thế giới vì lúc họ biết hoặc nghe nói về sản phẩm của chúng tôi, chẳng hạn như thông qua một hội chợ ở Mỹ, ngay lập tức các công ty ở Nhật Bản, châu Âu gọi điện muốn làm đối tác phân phối của chúng tôi ở các thị trường địa phương đó. Ngày nay, chúng tôi bán sản phẩm trên toàn thế giới. Tôi nghĩ Trung Quốc là một thị trường khó song chúng tôi vẫn bán được nhiều sản phẩm. Nói chung phần lớn thế giới đều cởi mở với công nghệ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trung Quốc thường rất giỏi trong khả năng sao chép các giải pháp, công nghệ để sản xuất hàng loạt các giải pháp, sản phẩm công nghệ đó đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường địa phương. Công ty ông đối phó thế nào với tình trạng đó?

CEO Check Point Gil Shwed: Tôi nghĩ công nghệ nói chung và đặc biệt là công nghệ bảo mật thay đổi rất nhanh. Do vậy, các bạn phải luôn thay đổi và phát triển sản phẩm. Vì thế, sao chép và sản xuất những sản phẩm bảo mật cách đây 5 năm sẽ không giúp các bạn xâm nhập được bất kỳ thị trường nào. Điều quan trọng mà toàn thế giới cần làm và chúng tôi đang làm là luôn đưa ra những sản phẩm, công nghệ, khả năng mới, cải tiến sản phẩm để họ rất khó theo kịp những sản phẩm, công nghệ này.

Tôi thấy Trung Quốc chưa cởi mở với việc phân phối các sản phẩm nước ngoài song lại rất cởi mở muốn tiếp thu công nghệ tiên tiến nhất. Tôi không nghĩ sản phẩm của chúng tôi bị sao chép nhiều ở Trung Quốc hoặc có lẽ chúng tôi không biết. Theo tôi không nên lo lắng về việc sản phẩm có bị sao chép hay không hoặc bị sao chép bằng cách nào, mà nên nghĩ về thế hệ sản phẩm mới.

Trong 30 năm qua, Check Point đã nỗ lực hết sức để là công ty tiên phong trong lĩnh vực bảo mật và chúng tôi vẫn duy trì được vị thế đó bằng cách làm việc hết sức chăm chỉ. Nếu chúng tôi không hiệu quả ở một khâu nào đó, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn và tìm ra những giải pháp mới. Chúng tôi luôn khuyến khích các ý tưởng mới bên trong công ty, luôn lắng nghe khách hàng, hiểu được những mong đợi của khách hàng và các thách thức. Đó là sự thú vị của công nghệ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Làm sao công ty ông có thể cạnh tranh với các đối thủ khác, chẳng hạn như đối thủ chính của ông là Cisco? và làm cho công ty ông trở nên mạnh hơn, cạnh tranh hơn?

CEO Check Point Gil Shwed: Thị trường công nghệ thông tin rất cạnh tranh với hàng trăm công ty. Chúng tôi chỉ là công ty cạnh tranh thế hệ thứ tư trên thị trường. Rất nhiều công ty thế hệ thứ nhất đã biến mất trong không gian của chúng, song đó không phải là các công ty chính. Các công ty chính mà ông nói tới, chẳng hạn như Cisco, là những công ty lớn và rất giỏi về mạng, với thị phần toàn cầu, lại không chuyên về bảo mật. Chúng tôi có thể tiếp cận với nhiều khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới bởi mọi người muốn các sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi tiếp tục phát triển, tiếp tục làm cho sản phẩm của chúng tôi tốt hơn.

Tuy nhiên, có một hiện tượng trên thế giới là thường những người không có chuyên môn về bảo mật sẽ dễ dàng tiếp tục mua sản phẩm bảo mật của các công ty không chuyên về lĩnh vực này, như sản phẩm của Cissco chẳng hạn. Còn đối với những người chuyên về bảo mật và muốn phân tích các vấn đề của mình, họ ngay lập tức sẽ chuyển đổi, mua sản phẩm của chúng tôi. Thực tế là nhiều khách hàng hiện tại của chúng tôi đã từng là khách hàng của Cisco. Hơn 95% trong tổng số khoảng 500 công ty lớn nhất trên toàn cầu là khách hàng của Check Point.

Tôi nghĩ trong lĩnh vực công nghệ, các công ty lớn đóng vai trò quan trọng song các công ty nhỏ và vừa vẫn luôn có cơ hội. Các bạn có thể trực tiếp nhảy vào thế hệ công nghệ thứ ba hoặc thứ tư.

Việt Nam và chiến lược phát triển công nghệ thông tin

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông nghĩ gì về thị trường VN đối với công ty của ông?

CEO Check Point Gil Shwed: Tôi mới chỉ ở Việt Nam một ngày nên và trước đây đã tìm hiểu một chút về Việt Nam song không nhiều. Tuy nhiên, cho tới nay tôi thấy người Việt Nam có nhiều động lực và nhiều người muốn thành công, muốn tận dụng lợi thế của công nghệ. Tôi thấy Việt Nam đang khuyến khích giáo dục, đầu tư nhiều cho giáo dục. Điều đó có ý nghĩa quan trọng bởi vì sự thành công về công nghệ bắt nguồn từ những người có học thức, cón giáo dục tốt. Internet ở VN cũng giống như các nơi khác và Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Check Point sẽ có chiến lược như thế nào để tiếp cận vào thị trường Việt Nam?

CEO Check Point Gil Shwed: Giống như ở những nơi khác trên thế giới, chúng tôi làm việc ở đây, chúng tôi có các đối tác địa phương rất tốt. Chúng tôi có một số nhà phân phối địa phương. Chúng tôi hợp tác với các công ty tích hợp hệ thống địa phương. Chúng tôi cũng mong muốn đầu tư vào giáo dục để giúp mọi người hiểu thêm về thách thức an ninh mạng,hiểu cách chúng tôi có thể giúp họ. Tôi biết là có nhiều mối quan tâm tới đầu tư tại đây bởi vì mọi người muốn tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn, chứ không chỉ mua sản phẩm. Khi bạn tìm hiểu và học hỏi, bạn sẽ có kết quả tốt nhất.

Chiến lược xâm nhập thị trường của chúng tôi là hợp tác với các đối tác địa phương. Check Point có các nhân viên ở khu vực để có thể trợ giúp hàng ngày tại Việt Nam. Cho tới nay, thị trường tại Việt Nam của chúng tôi đang tăng trưởng rất nhanh.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có hài lòng về các đối tác Việt Nam của Check Point hay không?

CEO Check Point Gil Shwed: Chúng tôi rất hài lòng về các đối tác của mình ở Việt Nam. Họ đã và đang làm rất tốt. Đối tác địa phương không nhất thiết phải phủ hết mọi phân đoạn thị trường ở một quốc gia có dân số lớn như Việt Nam. Tôi nghĩ điều cần làm là xem xét cách hợp tác của chúng tôi với các đối tác địa phương. Chúng tôi áp dụng chiến lược tương tự đối với các nước khác trên thế giới.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Check Point có thể tận dụng như thế nào những nhân tài và nguồn lực địa phương để tạo ra các động lực kết hợp mới?

CEO Check Point Gil Shwed: Chúng tôi cần các nhân tài địa phương, những người hiểu công nghệ, hiểu sản phẩm của chúng tôi và thích ứng với môi trường. Chúng tôi cung cấp các công cụ để thành công trong thị trường này và chúng tôi cần những nhân tài biết sử dụng thành công những công cụ đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có thể đưa ra một số quan điểm về chiến lược công nghệ thông tin ở VN?

CEO Check Point Gil Shwed: Tôi nghĩ ở mọi quốc gia việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng IT, mở cửa thị trường IT đóng vai trò quan trọng. Điều mà tôi thấy khi tôi gặp gỡ một số quan chức và nhiều người là họ rất cở mở với IT, muốn tiếp thu các công nghệ mới. Cần có sự thúc đẩy và động lực để sử dụng nhiều công nghệ hơn, và để trở thành một bộ phận của thế giới. Do vậy, lời khuyên duy nhất mà tôi có thể đưa ra là tiếp thu càng nhiều công nghệ mới càng tốt, khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng công nghệ càng nhiều càng tốt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ Israel rất thành công trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và dịch vụ đắt tiền trên thị trường thế giới. Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm đó của Israel?

CEO Check Point Gil Shwed: Trước tiên phải bắt đầu từ nội lực. Từ chính phủ, chẳng hạn như chính phủ Israel, nên hỗ trợ nền kinh tế địa phương, tạo các quỹ, hỗ trợ các doanh nghiệp IT nhỏ mới thành lập trong xuất khẩu, các doanh nghiệp IT có sản phẩm tốt, tạo môi trường thuận lợi. Tuy nhiên, đó không phải là đòn bẩy chính. Điều cốt yếu là mọi người phải muốn thành công trên thế giới. Bạn không thể dạy mọi người cách đổi mới, buộc mọi người mà chỉ có thể khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi để họ xuất khẩu, đầu tư, tiếp cận Internet. Nói chung chính phủ không thể thay thế các cá nhân và tinh thần đổi mới thường xuất phát từ các cá nhân.

Một điều mà tôi nghĩ các bạn nên làm là khuyến khích người Việt Nam đang sống ở nước ngoài trở về nước hoặc hợp tác. Tôi biết Silicon Valley có nhiều người Việt. Tạo ra cầu nối có ý nghĩa rất quan trọng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tuy nhiên một số người lo ngại chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp không đồng đều. Vậy bài học từ Israel là gì?

CEO Check Point Gil Shwed: Chính phủ Israel thực ra đã hỗ trợ các công ty công nghệ thông tin từ cách đây 20 năm, thông qua hình thức tạo điều kiện dễ dàng để các công ty thành lập, đầu tư và kinh doanh. Chính phủ Israel không thể quyết định công ty nào sẽ thành công trong hai, ba hoặc bốn năm nữa mà chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích để các công ty đầu tư, kinh doanh mà thôi. Họ không thể biết trước ý tưởng nào trong số vài ba ý tưởng sẽ thành công, có thể là một mà cũng có thể là ba.

Chính phủ Israel tạo ra các quỹ hỗ trợ đầu tư. Đó là cơ chế mà chính phủ sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Một vài năm sau các quỹ này cũng sẽ mang lại lợi nhuận cho chính phủ vì các quỹ này sẽ trả lại tiền cho chính phủ, thậm chí lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, Check Point không nằm trong số các công ty nhận sự hỗ trợ trên của nhà nước mà chúng tôi tự đầu tư. Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn để các công ty đổi mới, đầu tư và nhiều công ty Israel đã thành công nhờ sự hỗ trợ đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn

Cơ hội trong khủng hoảng

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang tác động ra sao tới Check Point và lĩnh vực an toàn thông tin?

CEO Check Point Gil Shwed: Cho tới nay chúng tôi chưa bị ảnh hưởng. Check Point là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq của Mỹ, công bố kết quả kinh doanh hàng quý. Mọi người biết chúng tôi. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2008 của Check Point rất tốt. Có lẽ kết quả sẽ tốt hơn nhiều nếu khủng hoảng kinh tế không nổ ra.

Tôi chắc rằng khủng hoảng kinh tế thế giới không loại trừ bất kỳ ai, các công ty lớn sẽ chi tiêu ít hơn nhằm tiết kiệm ngân sách. Mọi người cũng sẽ thắt chặt hầu bao Tuy vậy, tôi cho rằng lĩnh vực bảo mật và an ninh mạng tương đối ổn định vì mọi người cần an ninh. Và bảo mật chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngân sách IT của các công ty. Nếu ai đó muốn tiết kiệm chi phí, trước tiên họ nên cắt giảm các khoản chi lớn chứ không phải khoản chi nhỏ.

Về tổng thể, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nó sẽ còn tác động sâu và rộng hơn vì chứng khoán và đầu tư giảm. Bảo mật chỉ là một phần nhỏ trong mối quan tâm của các công ty IT nên có nguy cơ bị giảm đầu tư. Check Point cũng sẽ sớm bị ảnh hưởng nhưng tôi tin công ty có thể vượt qua. Check Point sẽ tiếp tục là công ty mạnh và mạnh hơn nữa. Chúng tôi nhận thấy là các cuộc khủng hoảng kinh tế địa phương cũng như toàn cầu từ trước tới nay chỉ làm cho Check Point ngày càng mạnh hơn, mà minh chứng là cuộc khủng hoảng lớn trong ngành IT những năm 2001 và 2002 và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2003, 2004, chúng tôi đã tồn tại và tiếp tục phát triển.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người cho rằng đây là thời kỳ rất khó khăn với nhiều thách thức. Nhưng tôi nghĩ thách thức thường đi liền với cơ hội. Vậy đâu là cơ hội cho các công ty và mọi người trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay?

CEO Check Point Gil Shwed: Khủng hoảng kinh tế không phải là thời kỳ tốt đẹp. Nhưng hầu hết các công ty, các sáng kiến được xây dựng dựa trên tầm nhìn dài hạn, chứ không phải một hay hai năm. Chẳng hạn nếu nhiều doanh nghiệp phá sản, bạn có cơ hội đi lại dễ dàng hơn và kinh doanh ở nhiều quốc gia. Mọi người không nên dừng lại.

Thực tế là các cuộc khủng hoảng như thế này khiến mọi người sáng suốt hơn, tập trung hơn vào việc họ đang làm. Nếu họ có tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, họ nên tiếp tục đầu tư vào đó. Nhiều cuộc khủng hoảng chỉ mang tính chất tâm lý. Thế giới vẫn tiếp tục chuyển động, mọi người vẫn tiếp tục làm kinh doanh, và tiêu dùng. Điều này giúp nền kinh tế của một nước tồn tại. Tôi đi lại nhiều trên thế giới, chẳng hạn như tháng này tôi đã tới Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á, tôi thấy các khu phố vẫn nhộn nhịp và mọi người vẫn không ngừng làm việc bất chấp khủng hoảng kinh tế.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người cho rằng các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ là chiến tranh mạng, chứ không chỉ là chiến tranh trên biển, trên bộ hoặc trên không. Ông nghĩ gì về việc này?

CEO Check Point Gil Shwed: Trước tiên là tôi hy vọng chúng ta sẽ không chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh bởi tôi không nghĩ chiến tranh là tốt đẹp. Tôi, cũng như thế giới, nhìn nhận Internet là công cụ phục vụ hòa bình chứ không phải chiến tranh, và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, giúp mọi người liên lạc với nhau. Tôi nghĩ nguy cơ các chính phủ hoặc các nhóm khủng bố sử dụng Internet để gây thiệt hại cho đối phương là có thật, thực sự hiện hữu. Mọi chính phủ trên thế giới cần thận trọng vì Internet không có biên giới, do vậy nguy cơ càng lớn hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Là một lãnh đạo doanh nghiệp, là học giả tại trường đại học, nhà sáng chế công nghệ, nhà hoạt động xã hội trên các diễn đàn kinh tế thế giới trong thời gian qua, vậy bước tiếp theo trong phần đời còn lại của ông là gì?

CEO Check Point Gil Shwed: Tôi không thể dự đoán tôi sẽ làm gì trong 5-10 năm tới. Tôi làm việc với máy tính kể từ khi tôi 10 tuổi và tôi luôn muốn làm công việc đó. Máy tính có thể vẫn là tương lai của tôi chứ không chỉ là quá khứ. Điều tôi học được trong 30 năm làm việc với ngành máy tính và từ kinh nghiệm làm việc, gặp gỡ với mọi người là nếu muốn thành công trong một việc nào đó bạn cần phải cực kỳ tập trung. Tôi thực sự toàn tâm toàn ý với Check Point. Tôi vẫn dành thời gian cho giải trí, cho các sở thích khác của tôi, tuy nhiên sự tập trung chính của tôi vẫn là việc tôi đang làm ở Check Point. Để thành công trong thế giới ngày nay chúng ta cần phải cực kỳ toàn tâm toàn ý với công việc.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ông đã tham dự buổi bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay. Chúc ông may mắn và chúc những giấc mơ, dự định, kế hoạch của ông sẽ trở thành hiện thực cùng Check Point. Một lần nữa, xin cảm ơn ông!

(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Thời đại Internet và thách thức toàn cầu hóa sản phẩm - Phần ISử dụng và bồi dưỡng nhân tài còn nhiều bất cập
Khó giữ nước khi yếu kinh tế, mờ bản sắc"Không chống được tham nhũng, đừng hy vọng giáo dục lớp trẻ"
Trực tuyến: "Lòng yêu nước: Đối thoại giữa các thế hệ"Dạy sai có thể khiến cả một dân tộc sai lầm
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11