(Post 29/07/2009) Hoàn toàn không phải trả
một đồng lệ phí, hàng chục ngàn sinh viên trên cả nước sẽ có cơ hội gặp
gỡ và học tập kinh nghiệm từ các doanh nhân, cán bộ thành đạt thông qua
chương trình E-Learning trên cổng tri thức Thánh Gióng.
Các đại
biểu đánh giá cao ý tưởng của chương trình, nhưng khẳng định "1000
doanh nghiệp" cần có sự kết nối với các dự án khởi nghiệp
khác, đồng thời sinh viên phải có ý thức học tập một cách "chững
chạc" thì mới đạt được hiệu quả mong muốn. Ảnh: C.M |
|
Chỉ cần đăng ký tham gia thông qua Đoàn trường hoặc trang
web www.thanhgiong.vn, các bạn
sinh viên sẽ có cơ hội tham gia khóa học. Mỗi khóa bắt đầu với một buổi
gặp mặt khởi động, sau đó học viên trao đổi với các doanh nhân hàng tuần
qua mạng, trong khoảng từ 6-10 tuần. Phương pháp học khá hiện đại khi
học viên được cung cấp các bài giảng multimedia, trắc nghiệm, thực hành
theo tình huống và thảo luận - hỏi đáp trực tiếp với giảng viên lẫn các
học viên khác thông qua diễn đàn.
Với cách học này, các nhà tổ chức hy vọng học viên sẽ
tiếp thu hiệu quả hơn, trong khi các doanh nhân tình nguyện tham gia giảng
dạy trong chương trình cũng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức.
Nội dung học xoay quanh việc ứng dụng kiến thức đã học
vào thực tế, kỹ năng phỏng vấn và tiếp thị bản thân, kỹ năng ứng xử chuyên
nghiệp hay làm việc nhóm - là những điểm yếu căn bản và phổ biến của sinh
viên Việt Nam, như thừa nhận của Giáo sư Nguyễn Lân Trung, Phó Hiệu trưởng
Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc chương trình Topica,
đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ E-learning cho chương trình, thì học
viên và doanh nghiệp sẽ có khoảng 10-20 giờ để trao đổi chiều sâu với
nhau, thay vì tiếp xúc chớp nhoáng trong các buổi giao lưu sinh viên -
doanh nghiệp thông thường.
"Rất đông doanh nhân tâm huyết, tình nguyện
muốn đóng góp cho giáo dục, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp sau, nhưng
họ lại không có nhiều thời gian và chưa có một diễn đàn để làm việc đó.
Với chương trình này, họ sẽ có thể hiện thực hóa mong muốn của mình",
ông Tuấn chia sẻ.
Trên thực tế, việc thiếu thời gian luôn là một trở ngại
đối với các doanh nhân. Ông Vũ Huy Đạt, Giám đốc tài chính Công ty Alcatel-Lucent
cho biết, ông cũng rất hứng thú tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề
với sinh viên, nhưng thường thì những buổi như vậy chỉ kéo dài 1-2 giờ.
"Chúng tôi rất bận nên không có điều kiện để
theo sát sinh viên, nhưng nhiều trưởng, phó phòng ở công ty tôi có nhiều
thời gian hơn mà kiến thức, nhiệt huyết cũng không kém gì. Chỉ có điều,
họ ít được các trường mời tới thuyết trình mà thôi. Những chương trình
như "1000 doanh nghiệp" sẽ giúp giảm bớt sự lãng phí tài nguyên
này".
"Ông thầy xã hội"
Mục tiêu của chương trình là mời được 1000 doanh nhân
đến từ nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp khác nhau, cả trong nước lẫn nước
ngoài/liên doanh vào cuối năm 2010, giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm
cho khoảng 30.000 học viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn
quốc.
"Sinh viên Việt Nam ít có điều kiện tiếp xúc
với doanh nghiệp, vì thế, giữa nhà trường và thị trường lao động luôn
tồn tại một khoảng cách rất lớn. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ
là bước đệm để trong tương lai, sinh viên có thể khởi nghiệp dễ dàng hơn",
ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội chia sẻ trong
cuộc họp báo.
Quan điểm này cũng nhận được sự chia sẻ tích cực từ Giáo
sư Nguyễn Lân Trung. Thẳng thắn thừa nhận rằng "kinh nghiệm và kỹ
năng là hai thứ mà nhà trường không thể cung cấp được cho sinh viên, hoặc
cung cấp một cách quá ít, quá thiếu", ông khẳng định: "Chương
trình đào tạo đại học (ở tất cả các ngành) đều chưa đáp ứng được yêu cầu
của thị trường. Hành trang mà chúng tôi trang bị cho các em quá xơ cứng
và lý thuyết".
Chính vì thế, ông Trung tỏ ra rất hào hứng về ý tưởng
mà ông gọi là "ông thầy xã hội". Đông đảo, đa dạng, tự nguyện
và thực tế, đó chính là những ưu điểm tuyệt đối của "ông thầy xã
hội" so với nhà trường truyền thống. Ông cũng tin rằng nếu chương
trình có thể "chạy tốt" đúng như ý định ban đầu, 5 năm nữa hiệu
quả xã hội mà nó tạo ra sẽ rất sâu rộng.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó
Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tiết lộ một ẩn
ý của chương trình là cổ vũ sinh viên đi làm thêm, trải nghiệm thực tiễn
và tự thân vận động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông cũng
tin rằng chương trình cần phải kết nối được với các dự án khởi nghiệp
và hỗ trợ sinh viên khác mới có thể tạo được hiệu quả, hiệu ứng xã hội
cần thiết.
Một số cử tọa bên dưới tỏ ra kém lạc quan hơn và hoài
nghi về mục tiêu quá tham vọng của chương trình. Không phủ nhận việc chương
trình "1000 doanh nghiệp" có phần tham vọng, nhưng ông Nguyễn
Hoàng Hiệp, Bí thư Trung ương Đoàn tuyên bố: "Có tham vọng mới là
thanh niên". Ông Hiệp khẳng định, chìa khóa thành công của chương
trình nằm ở chính người học. "Nếu các bạn sinh viên tham gia
không đến đầu đến đũa, thấy bạn bè học thì cũng lên mạng cho biết thì
chẳng một chương trình nào có thể thành công cả".
Theo ông, công nghệ E-learning không mới, nhưng ý tưởng
về chương trình lại có thể mở ra một hướng mới như đào tạo nghề, đào tạo
ngoại ngữ trực tuyến. Vấn đề là người học sẽ đón nhận ý tưởng này như
thế nào và áp dụng những gì được học một cách thiết thực, có chiều sâu
hay không.
Trọng Cầm
(theo VietNamNet) |