(Post 11/01/2006) "Nếu là bạn tốt của VN thì
phải phê phán VN. Tôi tin có rất ít sự phê bình mang tính xây dựng liên
quan tới chính sách và thành tựu kinh tế xã hội của VN, cả ở trong nước
lẫn nước ngoài", Trên tinh thần đó, ông Thomas Vallely, Giám đốc
chương trình Việt Nam của ĐH Harvard đã "xin trình bày bài phê bình
dưới đây" tại phiên thảo luận có nội dung "Giáo
dục ĐH Việt Nam: Nguồn lực và cơ hội"...
GS Thomas Vallely |
|
NHU CẦU HIỆN TẠI VỀ TRI THỨC Ở VN: YẾU
Tôi đặc biệt quan tầm tới hệ thống giáo dục ĐHVN trong
nhiều năm qua. Chắc một số bạn cũng đã rõ, 6 tháng vừa rồi, tôi đã phần
nào được biết đến nhiều ở VN thông qua bình luận về các chiến lược xây
dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế (thông qua người bạn tốt của tôi, ông
Nguyễn Anh Tuấn).
Về bản chất, cải thiện giáo dục ĐH ở VN liên quan tới
việc tạo ra nguồn cung cấp kiến thức. Cung cấp các nhà khoa học và kỹ
sư là một điều gì đó mà mọi người trong hệ thống đều hiểu. Cần nhiều
nỗ lực, thời gian và tiền bạc mới thành lập được một cơ sở nghiên cứu
và đào tạo SV ở trình độ cao. Vai trò của nhà nước trong việc thành
lập các cơ sở giáo dục và nghiên cứu hiệu quả rất khó khăn. Tuy nhiên,
nhìn rộng ra, sẽ thấy thêm một vấn đề khác: Ngay cả khi thành lập thêm
nhiều những cơ sở như thế, các nhà khoa học có trình độ sẽ chỉ trở về
hoặc ở lại một quốc gia nơi cần tới và trọng dụng trình độ, kiến thức
của họ. Khi những nghiên cứu sinh (NCS) VEF học xong, hoàn toàn xác
đáng khi xem xét môi trường mà mình sẽ trở về.
Tôi gọi vấn đề này là nhu cầu về tri thức.
Thực ra, tôi muốn nói gì khi dùng cụm từ này? Nền kinh tế của một quốc
gia tạo ra nhu cầu về người tài và sáng kiến của họ. Việc thị trường
thưởng công cho những người tài và người có giáo dục lại tạo ra nhu
cầu học tập của mọi người. Đương nhiên, đây là vấn đề con gà và chất
lượng trứng. Rõ ràng, người ta không tìm thấy các trường
ĐH đẳng cấp quốc tế ở những nơi có nền kinh tế kém phát triển. Còn
các nước phát triển lại có ít nhất một vài trường như thế.
Tháng 10/2005, Báo điện tử VietNamNet
đăng tham
luận xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế mà Chương trình
Harvard Vietnam đã viết để gửi cho Chính phủ VN. Năm qua,
VN đã vượt qua Trung Quốc về sử dụng internet/đầu người dân.
Gần đây, tôi lại thấy một minh chứng rõ ràng về quy mô phát
triển mạng lưới internet ở VN, và sức mạnh của VietNamNet:
tháng trước trong khi đạp xe ở Bình Định, các nhân viên khách
sạn đã nhận ra tôi là một GS ĐH thông qua tấm hình của tôi
trên báo này). |
Đối với chúng ta, những người theo sát VN, nhu cầu hiện
tại về tri thức ở VN còn yếu. GS tại các trường ĐH hàng đầu ở Hà Nội
tin rằng SV chủ yếu coi bằng cấp là bàn đạp để có một việc làm
trong khu vực kinh tế quốc doanh.
Tình trạng thiếu nhu cầu về tri thức khuếch đại những
vấn đề tồn tại bấy lâu trong hệ thống giáo dục ĐHVN. Do có quá ít nhu
cầu đối với những nhân tài thực sự và thành tích học tập chẳng quan
trọng bằng các mối quan hệ, bằng cấp bị mất giá trị. Tiêu cực ngày càng
tràn lan trong nhà trường. Không chỉ có vậy, người sử dụng lao động
tại TP.HCM thường phàn nàn, cử nhân ra trường hiện không
làm đúng ngành nghề họ theo học.
GS Malcom Gilis, cựu Chủ tịch ĐH
Rice, thành viên của Hội đồng quản trị VEF, là một chuyên gia quốc
tế lão luyện về mối quan hệ giữa khoa học và sáng tạo. GS Gillis giải
thích với tôi rằng đa số những sáng chế kỹ thuật tiên tiến nhất bắt
nguồn từ các ngành khoa học cơ bản.
Tôi đề cập tới điều này vì trong khi xem xét những nghiên
cứu sinh (NCS) VEF hiện nay, có một điểm nổi bật: 70% NCS đang nghiên
cứu khoa học máy tính và kỹ thuật điện cũng như các lĩnh vực kỹ thuật
khác. Rõ ràng, SV đang chọn nghiên cứu những ngành mà trước mắt
có nhu cầu. Đây chỉ là quan sát, không phải sự chỉ trích. Tuy
nhiên, điều đó có nghĩa VEF hiện chưa tìm được những người giỏi trong
các lĩnh vực vật lý, sinh học và hoá học. Với mục tiêu cải thiện nền
khoa học ở VN, đây là một tình thế khó xử đối với VEF và tình thế này
không có câu trả lời dễ dàng. Hoàn toàn tự nhiên khi chọn những người
giỏi nhất và hoàn toàn tự nhiên khi SV theo học những chuyên ngành nơi
có nhiều việc làm tốt.
Tuy nhiên, VN sẽ cần nhiều nhà vật lý học, sinh học và
hoá học nếu thiết lập một trường ĐH đẳng cấp quốc tế và trở thành một
bộ phận của hệ thống khoa học toàn cầu. VEF có lợi thế hơn so với nhiều
nhóm khác trong việc giải quyết điều này và nên xem xét kỹ vấn
đề này. Theo quan điểm của riêng tôi, trong ngắn hạn, cách duy nhất
để xây dựng năng lực nghiên cứu cao học trình độ cao trong những ngành
khoa học này là đầu tư đào tạo các SV khoa học ở nước ngoài.
GS Chung Kim có nói với tôi rằng, ngay cả các NCS khoa
học của ĐH quốc gia Seoul cũng gặp khó khăn khi cạnh tranh trong các
chương trình khoa học dành cho NCS ở Mỹ do trường thiếu năng lực. Những
điểm yếu trong đào tạo các SV khoa học ở VN còn nghiêm trọng hơn và
cần được giải quyết, song sẽ không thể giải quyết nhanh. Tạo ra những
tiến sĩ khoa học tài giỏi đòi hỏi phải có hệ thống giáo dục khoa học
tốt dành cho SV.
TẠO RA NHU CẦU TRI THỨC
Giờ, tôi xin trở lại với thiếu nhu cầu tri thức ở VN
hiện nay.
Xin bắt đầu với quan sát: môi trường thúc đẩy nhu cầu
sáng tạo hầu như là trách nhiệm của nhà nước vì nó đòi hỏi rất nhiều
chính sách phức tạp về những vấn đề đa dạng. Chẳng hạn như giáo dục,
tài chính, luật pháp và chăm sóc y tế.
Những người quen thuộc với thành tích phát triển kinh tế gần đây của
VN có thể hỏi tại sao nhu cầu lại là một vấn đề.
Hội nghị chuẩn bị
gia nhập WTO của VN (Ảnh: Nguyên Vũ) |
|
Thử hỏi, có bao nhiêu quốc gia khác đạt được tốc
độ tăng trưởng GDP 8% hoặc xuất khẩu trên 20%? Đói nghèo đang giảm
khi nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập theo Luật Doanh nghiệp
2000. FDI
đang tăng tới mức ngay cả Thái Lan cũng phải lo ngại. Hầu hết, các
nước khác sẽ từ bỏ nhiều thứ để có được thành tích kinh tế này.
Cũng có thể vẽ một bức tranh nền kinh tế VN và những
triển vọng ngắn hạn của nó. Chắc chắn, sẽ ít màu hồng. Ngay bây giờ,
tôi muốn giới thiệu với quý vị một bức tranh như thế và gợi ý
rằng những người quan tâm tới nền khoa học VN nên lo lắng vì bức tranh
nêu lên những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu các NCS đang tu nghiệp
ở nước ngoài có tìm được
cơ hội để phát huy đầy đủ tài năng của họ ở VN hay không. Nếu những
xu hướng hiện nay không thay đổi, tôi sợ là họ sẽ không
tìm được.
Tôi biết, một số người sẽ coi nhận định này là quá bi
quan. Một người bạn tốt - một quan chức cấp cao VN - từng nói với tôi
rằng, nếu là bạn tốt của VN thì phải phê phán VN. Tôi
tin có rất ít sự phê bình mang tính xây dựng liên quan tới chính sách
và thành tựu kinh tế xã hội của VN, cả ở trong nước lẫn nước ngoài.
Trên tinh thần đó, tôi xin trình bày phần phê bình dưới đây.
Một phần thành tựu kinh tế của VN đáng được xem xét kỹ
hơn - tỷ lệ tăng trưởng sản lượng công nghiệp. Các nhà kinh tế lưu ý
rằng bất kỳ khi nào khu vực tư nhân (hiện đang tăng trưởng nhanh gấp
2 lần khu vực nhà nước) tiến gần tới khu vực nhà nước về giá trị, có
sự suy giảm đột ngột và không thể giải thích được về giá trị của khu
vực tư nhân. Điều này làm người ta kết luận rằng, đó không chỉ là sự
trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu dùng dữ liệu sản lượng công nghiệp năm 2003
làm cơ sở thì sẽ thấy chưa tới 1/5 tăng trưởng công nghiệp tới từ các
doanh nghiệp quốc doanh.
Điều này mô tả rõ ràng rằng khu vực nhà nước không còn
đóng ''vai trò dẫn đầu'' trong nền kinh tế VN. Chiếm một phần nhỏ trong
tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp, tạo việc làm và xuất khẩu nên chỉ khi
tiếp tục thu hút được lượng vốn lớn thì khu vực này mới đóng vai trò
lớn.
Quả thực, VN là một trong số những quốc gia duy nhất
trên thế giới mà trong đó tỷ lệ phần trăm vốn được phân bổ cho khu vực
nhà nước đang tăng lên. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi không phải
vì thiếu nguồn lực mà khu vực nhà nước suy giảm. Tôi cho rằng
tiếp tục nói về ''vai trò dẫn đầu'' đối với khu vực nhà nước là bỏ qua
thực tế và làm ảnh hưởng tới tương lai.
6 vấn đề "kinh khủng"
Giờ, chúng ta hãy xem xét một số xu hướng không hỗ trợ
một triển vọng xán lạn:
- Không
thể gia nhập WTO trong năm 2005 và chưa chắn đã gia nhập được
trong năm 2006.
- Những lo ngại thực tế liên quan tới việc phân bổ, sử dụng vốn từ
một đợt phát
hành trái phiếu gần đây
- Ngày càng tụt hạng trong bảng xếp hạng
tham nhũng, cùng với hệ thống luật pháp còn nhiều vấn đề và thậm
chí là lộn xộn.
- Sự phát
triển chậm chạp của một hệ thống tài chính lành mạnh.
- Những thay đổi mang tính thụt lùi đối với luật đầu
tư, quay trở lại với phương pháp tiếp cận từng dự án, thay vì
đăng ký đơn giản.
- Những vấn đề liên quan tới cổ phần hoá
và đầu tư của nhà nước. Hai vấn đề này cho thấy tiếp tục có sự
quan tâm tới việc tạo ra sự công nghiệp hoá dựa vào nhà nước. Điều
đó sẽ làm cho khu vực tư nhân hiệu quả hơn thiếu vốn và giới hạn khu
vực này chủ yếu ở những doanh nghiệp có quy mô nhỏ với khả năng cạnh
tranh hạn chế trong các thị trường quốc tế.
Làm sao mà các kết quả lại tốt đến vậy và các vấn đề
lại kinh khủng tới vậy? Về cơ bản, VN đang nằm ở trung tâm của một ''cơn
bão hoàn hảo'' gồm những yếu tố kinh tế thuận lợi. Hầu hết những yếu
tố này nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà nước. Giá dầu cao, giá các
nguyên vật liệu khác cũng tăng mạnh. Sự thay đổi về địa chính trị (chẳng
hạn như do lo ngại về Trung Quốc) đã đẩy các nhà đầu tư Nhật và
Đài Loan tới VN. Viện trợ lên tới hàng nhiều tỷ đôla mỗi năm. Lượng
kiều hối (chỉ tính riêng số tiền chuyển chính thức qua ngân hàng) đạt
gần 4 tỷ đôla. Nếu chúng ta cộng ODA, nguồn thu từ dầu mỏ, FDI và kiều
hối, chúng ta có tổng cộng trên 15 tỷ đôla hay 30% GDP. Nếu khoản tiết
kiệm từ nguồn thu phi dầu mỏ là 10-15%, chúng ta sẽ có nguồn lực trên
40% GDP.
Đợt phát hành trái phiếu 750 triệu USD chỉ để dành cho Vinashin vay đóng tàu (Ảnh: Nguyên Vũ) |
|
VN thiếu la bàn
Chính phủ VN không thể kiểm soát được cơn bão hoàn hảo
này. Tuy nhiên, Chính phủ có thể kiểm soát môi trường chính sách. Tôi
cho rằng những vấn đề nêu ra ở trên ngụ ý về chính sách tồi. Nó cho
thấy VN thiếu la bàn, nghĩa là những phân tích để thúc đẩy tiến trình
chính sách. Xem xét sơ qua về các vấn đề kinh tế hiện nay sẽ làm sáng
tỏ tại sao tôi lại nói như thế.
Thứ nhất, hãy xem xét câu chuyện VN nỗ
lực gia nhập WTO. Nói thẳng là ở đây, cả 2 bên đều thiếu
kỹ năng. Mỹ khăng khăng tiếp tục duy trì hệ thống hạn ngạch
dệt may cũ như một điều kiện gia nhập WTO. Điều này hoàn toàn sai.
VN chỉ chiếm chưa tới 3% hàng nhập khẩu dệt may vào Mỹ và không phải
là mối đe doạ lớn đối với ngành dệt may của Mỹ. Trung Quốc chiếm gần
30% song các nước châu Á khác còn ít hơn nhiều (Ấn Độ dưới 6%) và không
nên bị loại trừ. Thế nhưng, VN lại thất bại trong các cuộc đàm phán.
Thậm chí, VN còn chưa đưa ra được một đề xuất toàn diện trên bàn đàm
phán và đang cố duy trì một hệ thống theo kiểu áp dụng dần dần. Giờ
thì chắc chắn rằng con đường gia nhập WTO sẽ khó khăn hơn trong những
năm tới.
Thật mỉa mai thay khi nhiều ''điều kiện nhượng bộ'' mà
VN chống lại sẽ làm giảm tình trạng độc quyền về dịch vụ và hạ thấp
chi phí ở VN, do đó làm cho VN cạnh tranh và xuất khẩu dễ dàng hơn.
Người ta có thể cho rằng thất bại trong việc gia nhập WTO và những khó
khăn kinh tế phát sinh từ thất bại này cuối cùng có thể trở thành chất
xúc tác mạnh cho cải cách. Nếu đúng như vậy thì khoảng thời gian
chưa vào được WTO sẽ cản trở các loại đầu tư mà chắc chắn sẽ cần các
chuyên gia công nghệ cao. Tóm lại, đó là một cơ hội bị mất -
nhượng bộ những quyền lợi đặc biệt và không nhận thức được quyền lợi
lâu dài của bản thân.
Thứ hai, gần đây có đợt phát
hành trái phiếu quốc tế 750 triệu đôla. Đợt phát hành này rất đắt
hàng và một số người đang ca ngợi đây là một dấu hiệu cho thấy VN đang
gia nhập vào câu lạc bộ các nước lớn. Có thể đúng như vậy. Song có một
câu hỏi: người ta đang chơi trò chơi gì?
Toàn bộ số tiền này được dành để cho tổng công
ty đóng tàu quốc doanh Vinashin
vay. Công ty đóng tàu tư nhân ABG của Ấn Độ đang xây dựng một xưởng
đóng tàu mới, cỡ lớn. Xưởng này sẽ có khả năng đóng những con tàu 120.000
tấn, đóng tám con tàu cùng một lúc. Xưởng đóng tàu hiện đại đó sẽ chi
phí chưa tới 100 triệu đôla.
Ngay cả khi chi phí cho một xưởng đóng tàu tương tự ở
VN cao hơn 50%, chúng ta có 600 triệu đôla không được giải thích. Tăng
cường quyền lợi mà ít quan tâm tới hiệu quả sẽ không tăng thêm sức mạnh
cho nền kinh tế VN và cuối cùng sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng những
công nhân lành nghề, thậm chí là một số được sử dụng trong dự
án này.
Nhân tài hàng đầu không xếp hàng xin việc ở quốc doanh
Vậy VN không thể thành công chỉ bằng cách xây dựng một
khu vực xuất khẩu hiệu quả hay sao? Điều đó còn phụ thuộc vào FDI và
sự tăng trưởng của các nhà cung cấp có nhiều khả năng hơn. Nói như giới
chuyên môn thì VN sẽ phải ''leo lên chiếc dây giá trị gia tăng'', chứ
không chỉ là một nguồn lao động rẻ và hiệu quả.
Làm điều đó, cần có môi trường kinh doanh tốt. Tuy nhiên,
hạng
tham nhũng của Việt Nam đã giảm từ năm 1997 tới 2005, theo Tổ chức
Minh bạch quốc tế. VN cùng với Indonesia và Philippines gia nhập vào
nhóm các nước có tình hình tham nhũng tồi tệ hơn trong khi Thái Lan,
Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc đều được nâng hạng.
Trong số những thủ khoa tốt nghiệp ĐH năm 2003, có nhiêu người du học và băn khoăn với lựa chọn ở hay về (Ảnh: Nguyên Vũ) |
|
Tương tự, thứ hạng của VN về khả năng cạnh tranh tăng
trưởng (theo diễn đàn kinh tế thế giới) cũng đáng thất vọng, chỉ tăng
lên được một nấc từ năm 2001 tới 2005. Căn cứ vào việc trong suốt thời
kỳ đó, nhiều nước châu Phi cũng được đưa vào xếp hạng và Indonesia,
Malaysia và Thái Lan đều lên được hai, ba nấc thì rõ ràng VN đang thụt
lùi.
Hãy nghĩ về hệ thống pháp luật. Có tin đồn VN đã mất
nhiều cơ hội đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao do các nhà đầu tư lo ngại
về vấn đề bảo vệ quyền sở
hữu trí tuệ. Liệu Intel hay Microsoft sẽ đầu tư nghiêm túc vào một
nơi như thế? Điều đó có thể. Song, nếu VN có một thị trường nội địa
lớn như Trung Quốc. Đáng tiếc là GDP của VN chỉ bằng 50% của Singapore.
Về môi trường luật pháp u ám thì ít ra các công ty trong
nước có thể đối phó được, mặc dù rất khó khăn. Một vấn đề nữa là không
thể có tiền để mở rộng. Do các ngân hàng quốc doanh chi phối hệ thống
ngân hàng và không muốn cho các công ty tư nhân vay tiền mà không có
thế chấp chắc chắn nên các công ty tư nhân hiệu quả ít có cơ hội để
mở rộng, ngoại trừ thông qua lợi nhuận giữ lại.
Thị trường trái phiếu và cổ phiếu được sử dụng như một
chiếc phanh kìm hãm tốt độ tăng trưởng của khu vực tư nhân, chứ không
phải là một cách phân phối vốn hiệu quả. Nếu một khu vực mới mở ra,
đó sẽ là những công ty có thể được vay vốn và đây là những công ty nhà
nước hoặc những công ty ''tư nhân'' được ưu đãi cao, có mối liên hệ
mật thiết mới những người đang nắm quyền.
Loại công ty này chắc chắc không thể cạnh tranh thực
sự và cũng không thể bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hoặc
thậm chí vay mượn công nghệ theo một cách sẽ giúp VN tạo ra con đường
riêng, hướng tới năng suất cao hơn. Sự tăng trưởng rất nhanh về tín
dụng có lẽ cũng không phải là ngoại lệ mà là cho các doanh nghiệp nhà
nước vay nhiều hơn.
Như vậy, đối với các ngành sử dụng nhiều tri thức
thì điều này chẳng có gì là tích cực về mặt dài hạn. Chỉ mới
một nhóm nhỏ các công ty sở hữu 50 triệu đôla tiền vốn hoặc nhiều hơn,
người ta sẽ hỏi: các công ty có khả năng cạnh tranh quốc tế ở đâu?
Việc sửa đổi luật
Đầu tư gần đây cho thấy gió đang thổi sai hướng. Có lẽ mục đích
của luật Đầu tư mới là nhằm cải cách theo hướng một cửa đối với luật
hiện có. Tuy nhiên, như một đại biểu Quốc hội đã nói: ''Có cái gọi là
một cửa song vẫn còn nhiều cửa''. Mặc dù có
một số thay đổi vào phút cuối song ấn tượng chung là VN mâu thuẫn
và không thực sự muốn làm cho môi trường kinh doanh dễ dàng. Điều đó
đi ngược lại loại tăng trưởng mà VN cần.
Điều gì đứng đằng sau phần lớn những vấn đề này? Một
cách giải thích là nó thể hiện nỗ lực phát triển một khu vực sở hữu
nhà nước mới, ngay cả khi kinh nghiệm trong quá khứ không tốt và đòi
hỏi của các đối tác thương mại khiến việc làm đó rất tốn kém (về
mặt cơ hội xuất khẩu bị mất đi). Tốc độ cổ phần hoá tiếp tục chậm chạp,
giá
cả cao và sự lựa chọn nghèo nàn trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng
lớn đều chỉ ra mong muốn ngăn chặn và hạn chế các công ty tư nhân hiệu
quả, tạo việc làm và có tiềm năng kỹ thuật tiên tiến.
Nhà nước tiếp tục nâng đỡ các công ty quốc
doanh với chi phí lớn. Những công ty này không thể cạnh tranh trong
các thị trường mở và không có sáng kiến tốt để sử dụng lực lượng tri
thức một cách hiệu quả. Theo hiểu biết của tôi thì những nhân
tài hàng đầu được đào tạo ở nước ngoài hiện không xếp hàng xin làm việc
cho các doanh nghiệp quốc doanh.
Kết luận
Để kết luận, tôi xin trở lại vấn đề cung và cầu
tri thức. VEF đang làm một công việc tuyệt vời nhằm cải thiện
cung và các bạn, những nghiên cứu sinh VEF là người hưởng lợi trực tiếp
của nỗ lực đó. VEF không đơn độc trong công việc này. Tôi ước tính,
các gia đình VN đang chi ít nhất 150 triệu đôla/mỗi năm để cho con em
họ theo học ở nước ngoài. Có nguồn cung tri thức mặc dù cần một hệ thống
ĐH tốt hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng công việc tạo nhu cầu tri thức mà
VN đang làm lại rất tồi.
Tôi đề nghị tất cả chúng ta cần quan tâm nhiều hơn tới các thể chế giáo
dục, kinh tế, luật pháp và chính sách. Chúng tôi, và VN, phải phát hiện
những điểm yếu liên quan và giải quyết những điểm yếu đó.
-
Giáo sư Thomas Vallely
- Biên dịch: Minh Sơn
theo VietnamNet |