Xóm tôi thời điện tử - Chương 1  
 

(Post 14/01/2006) Thế là một năm đã trôi qua, chuyện bếp núc của “Làng Tin học” phần lớn đã được tường trình một cách chân thật với bạn đọc. Nhưng “ảnh hưởng” của “bếp núc” này thế nào? Không ít bạn đọc đã gửi thư về mong được biết tường tận hơn. Vâng, đó là một đòi hỏi chính đáng và chúng tôi xin gửi đến bạn đọc câu chuyện “Xóm tôi thời điện tử” để phản ánh thêm một góc nhìn mới về CNTT. Có thể đôi lúc, đôi chỗ hơi “ngoa” một chút song “Chuyện làng tin học” cũng như “Xóm tôi thời điện tử” không có ý gì khác ngoài đi tìm một chữ “Chân”...

Chương 1: Ông tiến sĩ ở Mỹ về

Xóm tôi ở ngoại thành Hà Nội, tọa lạc trên nền một làng hoa cũ. Sau này, làng được cấp chính quyền cho đổi lên thành phường, nhưng mọi nếp cũ không phải một sớm một chiều mà thay đổi ngay được. Khi tôi còn đang học ở Liên Xô thì nhận được thư bố mẹ báo tin: nhà ta đã dọn về nhà mới. Ngày về nước, tôi khấp khởi mừng thầm, ngỡ ngàng nhấm nháp tận hưởng cái cảm giác sung sướng của anh chàng đang sống ở khu tập thể cao tầng (mẫu nhà nghe đâu là luận án phó tiến sĩ về xây dựng đô thị hay kiến trúc nông thôn gì đó) trong những căn hộ có trần cao 2 mét 8 – cái quạt điện cơ lúc nào cũng vù vù sát mang tai, sẵn sàng chém vào lưng vào đầu bạn, khi bạn bắc ghế đẩu lúi húi thắp hương cho các cụ những ngày rằm ngày Tết – nay được đổi đời. Niềm vui chẳng tày gang, vì tôi bắt đầu sợ và ngán ngẩm những âm thanh, hình ảnh - được bên công nghệ thông tin họ gọi là multimedia – tương xứng với văn hóa làng: chó chạy rông, sủa gâu gâu, ị bừa bãi; nước rửa bát đổ ngang đường, nước mưa hắt từ trên cao xuống trúng gáy người đi đường; tiếng cát-xét mở to quá mức, xen lẫn với tiếng gõ mõ tụng kinh đều đều; rồi thì giật mình thon thót vì mình thì đã chủ ý chuyển kênh ti-vi, nhưng ông hàng xóm lơ đễnh không chuyển, đâm ra cứ đúng bữa ăn trưa, ăn tối của gia đình thì lại được thưởng thức thêm đủ các loại băng (không phải băng cát-xét, băng vi-đê-ô, mà là): Sô-phơ-ti-na, Kô-téch-goai... nghe chán ngắt.

Từ ngày có Henry Trần về, mọi việc đổi khác. Chúng tôi thường gọi anh là Hery vì anh tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ mạng ở Hoa Kỳ về. Còn gọi anh là Trần vì anh hay... ở trần. Anh về hôm trước, hôm sau đã thấy có mặt ở đủ các thể loại cuộc họp. Họp tổ dân phố, họp phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh... anh có mặt tuốt. Anh khiêm tốn xin phép ngồi nép vào một góc dự họp (lịch sự như Mỹ có khác!) trên cái ghế gấp vải bạt mang theo (ông cụ thân sinh anh làm nghề cắt tóc di động, chắc đã “sang tên” cho anh cái ghế cổ truyền này), lắng nghe từ đầu đến cuối mọi ý kiến tranh luận đôi khi chả ra đầu ra đũa, hai mắt mở to, cái miệng hơi cười cười, vầng trán không hề nhăn một tẹo nào. Người đâu mà nhẫn, tôi phục anh sát đất.

Đầu tuần sau, đã thấy anh đề xuất với bác bí thư chi bộ cụm một kế hoạch hành động thuộc diện ác liệt: nối mạng toàn xóm. Ai không có máy tính, anh cho vay tiền mua trả góp. Phần mềm không biết anh kiếm ở đâu về, nhưng miễn phí luôn. Xóm tôi cũng có kha khá gia đình thuộc diện tri thức chuyển từ nơi khác về, nên Henry Trần không phải tuyên truyền nhiều, hầu hết mọi người đều vui vẻ chấp nhận tham gia kế hoạch của anh với thái độ tích cực. Ai còn hơi chút xíu thắc mắc thì đã có Ban thiếu niên nhi đồng đến nhà tỉ tê giải thích thêm: chủ trương này của chi bộ cụm còn có ích cho các cháu nhà bác nữa đấy, thế nay mai các cháu nhà bác nó không học lý thuyết mạng ở trường à...

Anh nói là làm. Mươi hôm đã thấy anh đích thân thuê thợ chở một ô-tô máy tính về, bắc thang mắc dây, đục đục nối nối, lắp ống gen khắp xóm. Độ hai tuần sau, đã thấy các bà các chị mặt mũi hớn hở mỗi khi ra đường. Chả ai nói với ai câu nào, chỉ tủm tà tủm tỉm. Tôi hỏi Henry thì anh bảo, đó là công nghệ chat: khi nào rỗi rãi, vào mạng là chat được. Anh không dịch ra tiếng Việt chattán gẫu – anh bảo, dịch như thế là phạm tội, là nguy hiểm chết người – vì một công nghệ cao cấp như công nghệ mạng, đã biến đổi phong cách sống theo như hình thái ngày càng tiến bộ hơn, sẽ đòi hỏi một từ dịch đắt hơn, không thể suồng sã như cái từ “tán gẫu” được.

Đầu tiên, để cho cả xóm có khái niệm (người Mỹ họ gọi là gieo-khái-niệm-vào-đầu dân chúng), Henry Trần mở một diễn đàn, trên đó có nhiều câu đố, câu hỏi thảo luận... Anh đố cả xóm: “Đố cả xóm biết: cái gì vốn dĩ màu trắng, nhưng rơi xuống lại biến thành màu vàng?”, làm khuấy động một cao trào vào mạng. Mỗi người một ý kiến, nhưng xem ra chả có ý kiến nào thuyết phục. Khi ấy, câu trả lời từ phía Henry Trần là: quả trứng, làm cả xóm... tức anh ách. Anh lại đố tiếp: “Tìm một từ tiếng Anh mà bất kỳ đứa bé Việt Nam lên ba nào không cần phiên dịch vẫn hiểu được?”. Cả xóm lại bóp trán... lên mạng. Khó đây. Đáp án của anh, đến cả cô giáo dạy tiếng Anh tiểu học cũng bị bất ngờ, chứ bỡn: từ cut (= cắt). Anh Trần giải thích, sở dĩ phải học tiếng Anh nhiều, vì mạng Internet hầu hết chứa thông tin tiếng Anh. Một cụ bô lão hỏi, thế không cho bọn trẻ nó học tiếng Việt Nam à. Anh Trần xin vâng, “treo” luôn một câu đố lên diễn đàn: “Đố cả làng tìm một câu tiếng Việt mà nếu thay 1 dấu hỏi trong câu đấy bằng 1 dấu sắc thì nghĩa của cả câu không hề thay đổi”. Xóm tôi náo nức sưu tầm các loại sách vở, câu đố dân gian, tục ngữ phương ngữ thành ngữ... song, khó bỏ mẹ, chả ai đoán được. Các cụ bô lão lắc đầu than vãn: “Anh mà đố tiếng Nôm thì chúng tôi còn đoán được, chứ La-tinh khó lắm”. Hơn ba ngày trôi qua, vẫn không một ai giải ra. Đến kỳ giải đáp, thấy anh Trần viết vẻn vẹn: “Xin cảm ơn” trên diễn đàn, chả ai hiểu anh định cảm ơn cái gì. Hỏi thì anh cười cười, bảo: “Cả xóm đã xem câu đố của các cụ nhà ta ngày xưa chưa? Con gì như con bò thui, Chín mắt chín mũi chín đuôi chín đầu. Đáp án là con-bò-thui. Nay, một lần nữa, xin cám ơn”. Hiểm quá. Thì ra, anh bôn ba nhiều mà vẫn nhớ ra tiếng Việt mình có hai từ đều đúng cả, thay lẫn được cho nhau: cảm ơncám ơn.

Anh Trần còn bảo, thực ra từ thời xa xưa, các cụ nhà mình đã tiên đoán ra máy vi tính, có điều chưa muốn làm mà thôi. Này nhé, Thánh Quát (cụ Cao Bá Quát) đã chẳng từng có một câu đối nổi tiếng “Trời sinh ông Tú Cát, Đất nức con bọ hung” là gì. Ông Trời đã tạo ra cát, ra silicat, ra silic, thì dưới trần gian chỉ có mỗi việc sản xuất ra con bọ mà thôi. Con bọ đây chính là bộ vi xử lý, thành phần chủ yếu của nó là cát, nói theo ngôn ngữ của các nhà hóa học bây giờ tức là silicat, là silic. Chữ hung có hai nghĩa, vừa màu hung hung, vừa hung dữ, chạy tốc độ nhanh như tên bắn. Cả hai tính chất này đều đặc trưng cho “con bọ”. Ông Trời làm ra cát tự nhiên để cho con người chế tạo ra bộ vi xử lý. Đúng chưa nào?

Đối với đám con nít, anh Trần “treo” cho chúng nó câu đố nảy lửa: “Cái gì đi thì đứng, đứng lại ngã”, khiến chúng nó tối tăm mặt mũi, không còn thời gian đâu lao đầu vào các hàng chơi điện tử nữa, mà phải học-học nữa-học mãi. Bọn trẻ con bắt đầu thường xuyên giao lưu với nhau trên mạng: Chúng nó rủ nhau đi học, hẹn hò nhau đi bơi, đá bóng... Thậm chí, đứa nào có đầu óc sáng tạo một tí thì trao đổi với bạn bè các bộ sưu tập tem thư, các bộ đề kiểm tra học kỳ, đề thi đại học, đề thi học sinh giỏi quận, huyện...

Hội phụ nữ xóm áp dụng công nghệ mạng như thế nào? Tôi xin phép nêu gương vài lá thư điện tử tiêu biểu. “Chị Th. ơi, hôm qua em bận nấu cơm, không xem được tập 22. Chị có biết, thế thằng Ai Can Cook có yêu cái con Ju Sing Good không?”, “Chán quá M. ạ, Hee Can Muk chết rồi!”, “Nhẽ ra See Kan Hock phải lấy Wee Can Khoc mới đúng chứ?”, vân vân và vân vân... Bà Mãi là hạnh phúc nhất. Bà này từ ngày về hưu, có chiếc tủ kính bày bán lặt vặt ở đầu xóm, ai mua gì thì bán nấy. Sau khi nối mạng, ai có nhu cầu, cứ meo cho bà. “Chị Mãi ơi, cho em ba gói mì gà nhé!”, thế là không đầy hai phút sau đã thấy chú chó Phốc của bà nai nịt gọn gàng ba gói mì trên lưng, đứng sẵn ngoài cổng nhà mình, chân gãi gãi cánh cửa sắt. Mua hành lá, rau mùi tàu hay cà chua cũng vậy, cực tiện. Nhưng nếu ai quên trả tiền, thế nào con Phốc cũng ngỏng cổ sủa mấy tiếng gâu gâu ra ý nhắc, Henry Trần phỏng dịch là “Xin ông đưa nhanh lên!”, “Ông đưa nhanh lên!” và “Đưa nhanh lên!”, tương ứng với tiếng chó sủa là 5, là 4, hay là 3. (Hóa ra, ở Hoa Kỳ, anh được bồi dưỡng thêm cả ngôn ngữ của loài... cẩu). Bà Mãi lần các đốt ngón tay lẩm nhẩm tính, cứ cái đà này, sang năm bà phải lắp thêm dăm ba cái vi tính nữa, vì đơn đặt hàng nhiều quá.

Họp chi bộ để phổ biến nghị quyết bây giờ dễ lắm. Bác bí thư dự thảo nghị quyết chi bộ xong, liền meo (gửi) cho mấy bác trong chi ủy để góp ý kiến, sau đó phô-oát (chuyển tiếp) cho từng đảng viên một. Đỡ tốn bao nhiêu là giấy phô-tô. Ông bố tôi hài lòng với phương thức họp mới, vì ông bảo, trước đây thảo luận cho ra vấn đề “Kỳ sau chúng mình họp lúc nào và họp ở đâu nhỉ?” cũng đã tương đương với một buổi họp rồi.

Bộ mặt của xóm tươi hẳn. Im ắng, yên tĩnh, sạch sẽ. Hệt như ở trong đền trong chùa vậy. Góp ý gì với nhau, cứ lên mạng, cũng đỡ bị phê bình là “ăn to nói lớn”. Mọi chủ trương chính sách quy mô xóm bao giờ cũng hợp lòng dân cả xóm, vì ai cũng có trách nhiệm đóng góp ý kiến, và khi đã biểu quyết xong - việc này, xóm tôi thực hiện trên mạng – là tiến hành luôn, không oong-đơ gì cả. Ai làm sai điều gì, bác bí thư sẽ cho “bêu xấu” lên mạng. “Đề nghị nhà bà K. không thả chó ra vào buổi sáng nhớ”, thế là hết cái nạn chó thả rông. “Bác H. chú ý hộ tình hình vệ sinh trước cửa nhà nhớ”, thế là gói ny-lông to đùng đựng vỏ ốc luộc trước nhà bà H. bị quẳng vào thùng rác ngay tắp lự một cách không thương tiếc. “Cháu X. đừng vặn nhạc to quá, có bà Q. đang bị ốm đấy nhớ”, thế là lập tức tiếng cát-xét tịt ngóm, vân vân...

Trình độ của mấy bà nội trợ lên tay, vì có sự chuyển giao công nghệ qua mạng. “Chị L. ơi, món sườn xào chua ngọt làm như thế nào?”, “Bác P. bày cho cháu nấu món miến lươn mấy. Cho lươn vào trước hay cho miến vào trước hả bác?”, “Cô G. còn mẻ cho chị xin một ít nấu thịt-chó-giả-cầy, chị cảm ơn”... Đàn ông mỗi khi tụ họp nhau đều gật đầu công nhận cái món cháo hành nóng-giẫy-cả-lưỡi gây giờ chuẩn lắm, y hệt thời của nhà văn Nam Cao: ăn đến đâu, ra mồ hôi tới đấy.

Trong lĩnh vực thời trang và shopping cũng vậy. Có trao đổi thông tin vẫn hơn. “Cái O. mua ở đâu mảnh vải đẹp thế? May ở hàng nào mà khéo thế, rủ chị đi với”, “Của nhà em mới đi Xinh về mua tặng đấy”, “Này D., mày mới mua cho mấy đứa trẻ bộ quần áo ở đâu ra mà diện thế?”, “Hàng SIDA ở vỉa hè đấy chị ạ”...

Tình thân giữa những đứa trẻ trong xóm được cải thiện rõ rệt. Chúng nó phổ biến cho nhau cách làm diều, cách làm kính viễn vọng để ngắm Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Hỏa. Chúng nó dạy nhau chơi ghi-ta, thổi sáo, thổi kèn hắc-mô-ni-ca. Bài Múa sạp là “Sòn sòn sòn đô sòn...”, còn bài Làng tôi là “Đồ, mì son lá son...”, khỏi cần học ký xướng âm. Đứa nhớn bảo đứa bé học bài, đâu ra đấy. “Anh T. ơi, em học đúng cô giáo Văn của anh năm ngoái. Anh meo cho em mấy cái bài văn đạt điểm 10 của anh nhé!”, “Đừng, tao cũng chép lại bài của mấy anh học lớp trên tao. Cùng cô Kh. cả nhưng bài 10 của anh ấy thì tao được có 7. Bài 7 thì tao lại được cô cho 9 rưỡi, cộng thêm điểm chữ đẹp mới được 10. Chữ mày xấu như gà bới. Nhớ luyện chưởng thêm đi nhé”.

Sau này, tôi có hay Henry Trần nói lại là, không tránh khỏi, chúng nó có thể giải bài tập hộ cho nhau, nhưng tôi cho việc ấy là vô hại. Các cụ đã chẳng dạy, học nào chả là học, không bổ ngang cũng bổ dọc. Vả lại, các em học sinh ở nước ta còn rất kém về tác phong “làm việc tập thể”. Không tập từ bây giờ đi, thì tập vào lúc nào? Vào mạng nhiều, tiếng Anh của bọn trẻ nhuần nhuyễn, bố mẹ gọi, chúng không còn “vâng, dạ” như xưa nữa, mà đã chuyển sang “ô-kê”.

Nhờ có mối quen biết sẵn bên Mỹ, anh Trần thiết lập được liên lạc với một hệ thống trang web chuyên về tìm các suất học bổng. Các gia đình trong xóm khoái nhất là nhờ anh tìm hộ các trường đại học hoặc cao đẳng nào ở Mỹ hay cử sinh viên đi thực tập ở... Việt Nam, vì như thế, chắc chắn con cháu họ có cơ hội về phép thăm nhà.

Henry Trần xoay ở đâu được một phần mềm dạy học an toàn giao thông rất sinh động. Mỗi ngày, một người có trí óc trung bình như bà C. bán tào phớ cũng dễ dàng thuộc nằm lòng 10 biển báo. Học 300 biển chỉ tầm độ non một tháng là xong. Mà màu sắc đã đỏ là đỏ loè loẹt, đã đen là đen chùi chũi, đã trắng là trắng toát, ấn tượng hết sức. Rủi cái, đúng hôm cuối cùng bế mạc lớp học trên mạng, Henry lại cẩn thận đi chua thêm một ghi chú nhỏ là “Chú ý: Một số biển báo giao thông trong thành phố đã bị mưa gió làm mờ, một số biển khác lại treo ở vị trí khuất, vướng cây xanh, cột điện. Khi đi đường, các bà các chị phải đặc biệt lưu ý”. Thành thử, cái nhà bà C. vào buổi sáng sớm tinh mơ, trong lúc đi lấy tào phớ ở lò đậu phụ về bán, mải ngỏng cổ tìm biển báo trong lùm cây trên cao, đã chẹt trúng cục gạch nửa dưới đất, ngã lộn nhào, nghe đâu bị gẫy một cái rưỡi xương sườn, phải vào bệnh viện cấp cứu.

Đám đàn ông thu hoạch mạng ở khía cạnh hoàn toàn khác. Hàng ngày, họ chung sức ra một tờ báo tường điện tử, “dán” chi chít các thông tin lên đấy. Tình hình thế giới Tréc-sơ-nhi-a Héc-xê-gô-vi-na, sơ đồ các dinh thự của tổng thống A-đam Hút-xen (tải ở Mỹ về), sơ đồ các phòng làm việc trong Nhà Trắng (tải ở trang web của I-rắc về), danh sách các câu hỏi và đáp án của các cuộc thi Miss (cứ làm như các bố sắp đi thi ấy!), kết quả các kiểu Lích (x-League) đêm qua... Ông tướng nào hay ngủ muộn đều có thể “với tay” truy cập được các thông tin hổ lốn này, ra quán cứ gọi là thuộc vanh vách, “đỡ hổ thẹn” với xung quanh. Không phải lúc nào họ cũng hoạt động một cách stand-alone (cô đơn), mà đôi khi, trước một trận cầu quyết định, họ cùng hướng về một điểm hẹn. “Tối nay mụ đầm già Juve gặp MU. Tao phân công thằng A. lo cái khoản cay, thằng B. lo mực nướng, còn anh lo lạc luộc. Hẹn 0h45 tại nhà thằng D., mà chú D. nhớ thủ sẵn chìa khóa, con mẹ nhà chú là Thát-chơ lắm đấy. Ký tên: Anh Cả”. Đêm hôm đó, vào lúc giải lao giữa 2 hiệp, đã thấy tới tấp thư điện tử bay đến, nội dung na ná như nhau: “Anh ơi, hết bóng đá chưa? Xong anh nhớ về ngay nhé!”, hay “Mình về gấp, thằng cu Tí không chịu ngủ đây này, em bảo nó không được”, hoặc có thư chỉ vẻn vẹn có 3 dấu chấm than “!!!”. Được cái, ông nào cũng nghĩ đấy không phải meo của mình, mà là của cái ông ngồi bên cạnh mình cơ. Thế mới tài.

Tôi không dám quả quyết là công trình trăm phần trăm suôn sẻ. Người Tây có một câu ngạn ngữ rất hay, đại ý là “Đến ngựa nó có bốn chân còn bị ngã nữa là”. Huống hồ chương trình nối mạng của anh Henry Trần. Một hôm, mấy bà mấy chị ầm ầm gõ cửa nhà Henry, mặt mũi sát khí đằng đằng, khiếu nại vì nhận được thư điện tử từ thành phố Y. ra toàn giun với dế, hôm sau nữa, thư từ tỉnh Z. về thì ra rặt ô vuông là ô vuông. Henry bật máy chủ, choác vài choác, đã thấy nội dung các bức thư hiện ra. Rõ như ban ngày. Chuyên gia có mác Hoa Kỳ giải thích ngắn gọn là các bà các chị gặp vấn đề phông. Vấn đề này, phải đợi chờ quyết định của lãnh đạo cấp trên. Trong thời gian chờ đợi, tất cả phải “rất bình tĩnh”, mọi thứ cứ “giữ nguyên hiện trường”.

Quả nhiên, một vài các cô các bà manh động, quyết định “không thèm dùng chữ Việt có dấu nữa”, đã dẫn tới những vụ việc đáng tiếc. Anh Ch. sau khi đọc meo của vợ mình gửi anh Tr. bên hàng xóm “...Em cam on anh da tan tinh voi em...”, đã nổi xung lên, chỉ tay vào mặt anh Tr., quát: “Sao mày dám tán tỉnh vợ tao?”, làm anh nọ mặt nghệt ra, đứng như trời trồng. Cho đến khi chị vợ giải thích “tan tinh” nghĩa là “tận tình” (vì hôm ấy, không có anh Tr. xông vào thì hai đứa con của anh Ch. dại dột nghịch diêm đã chết bỏng từ lâu rồi), thì anh Ch. mới hai tay bưng lấy đầu, chạy sang nhà anh Tr. xin được “đắc tội”. Anh Kh. hàng xóm nhà tôi cũng “Từ Hải chết đứng” khi bị ông bố vợ lục vấn: “Mày thử nói tao nghe, tao đẻ ra mày từ hồi nào mà mày viết là con đẻ của tao, hử?”. Anh rì rầm thanh minh với tôi: “Tớ viết trong thư là con dể đấy chứ”. Chết nổi, anh này văn hóa lớp ba, chính tả sai be bét. “Con de cua bo” thì tình ngay lý gian, ông bố vợ anh ấy có hiểu nhầm cũng đáng đời! Hơn thế nữa, vẫn còn may là ông ấy không hiểu lầm thành “con dê của bố” đấy. Nếu không thì...

*****

Sau ba tuần nối mạng, tự nhiên thấy cả xóm ỉu xìu như bánh đa ngâm nước. Chả thấy nhà nào thèm mở Internet nữa. Hỏng, bố tôi đang định tổ chức ăn hỏi on-line cho tôi trên mạng con bé Thơm cuối xóm. Kiểu này, không khéo hỏng hết cả bánh kẹo! Tôi mới đi công tác tỉnh xa về, không hiểu mô-tê-chi-răng-rứa, bèn lân la hỏi nguyên nhân, thì bố tôi mắng té tát: “Đi mà hỏi cái anh Trần của mày ấy!”. Tôi chạy sang nhà anh, thấy anh đang gục mặt trên bàn máy tính, tiếng mô-đem rít như nồi cơm sôi. Chết cha rồi, anh mải mê vào mạng, không chịu cúp phiên làm việc. Tôi lay lay anh, gọi giật giọng: “Anh Henry Trần, dậy... dậy...” Anh khe khẽ ngẩng đầu lên, nói như mếu: “Mày ơi... hôm nay cuối tháng... họ đến... thu tiền điện...”. Phải năm phút sau, chờ anh nuốt xong cục nước bọt chẹt ngang cổ, tôi mới có cơ hội nghe anh bổ sung tiếp: “...thoại”.

Theo Tin học & Đời sống - còn nữa


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Nhu cầu về tri thức: vấn đề lớn ở Việt NamCầu truyền hình trực tiếp California-Hà Nội-TPHCM về giáo dục ĐH
Bill Gates nói về học đại họcKết quả cuộc thi Aptech Đồng đội 2005
Ký ức SapaMềm mãi mà không cứng - Nguyễn Thành Nam (Phần kết)
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11