Lận đận công nghiệp phần mềm  
 

(Post 22/04/2011) Mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng cho đến nay ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) Việt Nam vẫn chưa tận dụng, khai thác được các lợi thế của mình để phát triển một cách xứng tầm.

Các lập trình viên của một doanh nghiệp phần mềm ở TPHCM. Ảnh: LÊ TOÀN

Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 07 của Chính phủ ban hành vào năm 2000 đã đặt viên gạch đầu tiên làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của một ngành kinh tế mới - ngành công nghệ thông tin (CNTT).

Sau hơn một thập kỷ ra đời, ngành công nghiệp này đã đạt được những thành tích khó có thể phủ nhận. So với năm 2001 thì doanh thu năm 2010 đã tăng khoảng 20 lần, nhân lực tăng 10 lần và số lượng doanh nghiệp tăng gần 20 lần...

So rộng ra thì quả là không có một ngành kinh tế quốc dân nào đạt được một tốc độ phát triển mạnh mẽ như vậy. Trong giai đoạn đó, Việt Nam cũng đã thu hút rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực CNTT và trở thành điểm đến quan trọng của dịch vụ gia công phần mềm toàn cầu. Tuy nhiên nhìn về tổng thể CNPM vẫn đang trong tình trạng phát triển manh mún, chưa tương xứng so với tiềm năng thực tế từ doanh thu cho đến nhân lực, số lượng, quy mô doanh nghiệp hãy còn khiêm tốn.

Nhanh nhưng chưa mạnh

Hiện nay, CNPM ở Việt Nam về cơ bản vẫn chỉ mới dừng lại ở khâu gia công cho nước ngoài nhưng quy mô nhìn chung còn nhỏ lẻ. Quy mô lớn nhất hiện nay như FPT cũng chỉ gần 6.000 nhân viên về mảng phần mềm và dịch vụ CNTT, trong đó hơn 3.000 phục vụ cho gia công. Cũng chỉ số ít công ty gia công vượt qua số 500 kỹ sư phần mềm như CSC, TMA Solutions, LogiGear, Global CyberSoft... Trong khi đó để thu hút được những dự án quan trọng, cần lực lượng gia công đủ lớn và có chất lượng. Nhưng trong 10 năm qua lực lượng này liên tục biến động do ảnh hưởng của sự thăng trầm trong nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, muốn làm được phần mềm thì phải trải qua con đường gia công. Có gia công thì mới có thu nhập, có kinh nghiệm tích lũy để sau đó tiến lên ở mức phát triển cao hơn: đầu tư cho mảng nghiên cứu và phát triển (R&D). Thế nhưng, gia công thì giá trị gia tăng bao giờ cũng thấp. Điều đáng buồn hơn nữa, theo lãnh đạo một công ty phần mềm, sản phẩm do mình làm ra nhưng phải đội cái tên của người khác. “Nhiều sản phẩm của mình đang được bán và sử dụng ở Nhật, Mỹ, châu Âu. Vậy mà có ai biết mình làm ra đâu. Người tiêu dùng chỉ biết thương hiệu của bên đặt hàng gia công thôi!”, vị lãnh đạo bày tỏ. Đây là một trong những lý do đến nay Việt Nam chưa có sản phẩm phần mềm có thương hiệu đúng nghĩa xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu lép khi mang chuông đi đánh xứ người thì ngay tại sân nhà họ cũng thua thiệt. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ mới làm được những phần mềm đơn giản, giá trị thấp chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi nhu cầu về CNTT, trong đó quản trị ở khu vực công (chính phủ điện tử) và khối doanh nghiệp lớn là thị trường đầy tiềm năng nhưng đa số doanh nghiệp chưa đủ năng lực để khai thác một cách tương xứng. Chỉ riêng ở khu vực công đã có biết bao nhu cầu như quản lý lý lịch tư pháp, nhân khẩu, số nhà, đăng ký kinh doanh, hải quan, khai thuế... Cho đến gần đây FPT được lựa chọn để triển khai được hệ thống khai thuế thu nhập cá nhân nhưng còn ở vị trí là nhà thầu, còn thực hiện chủ lực vẫn là hai doanh nghiệp nước ngoài.

Hầu hết các hợp đồng cung cấp những phần mềm lớn, chuyên ngành có trị giá lớn từ hàng trăm ngàn đến hàng chục triệu đô la Mỹ trong thời gian qua đều thuộc về các công ty nước ngoài. Chẳng hạn để có được dịch vụ bán lẻ hiện đại trong ngành ngân hàng như hiện nay, mỗi ngân hàng phải đầu tư ban đầu hàng chục triệu đô la Mỹ cho hệ thống lõi (core banking). Chưa tính con số gấp nhiều lần để triển khai các giải pháp quản lý và hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động thường ngày. Khối các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp lớn trước sức ép cạnh tranh cũng trở thành thị trường lớn của ngành phần mềm. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng triệu đô la Mỹ cho các giải pháp quản trị tổng thể của các hãng nước ngoài như Tân Hiệp Phát, Petrolimex, Tổng công ty Xi măng, Thủ Đức House, Novaland.... Ngay cả Công ty Chứng khoán FPTS của FPT cách đây mấy năm cũng mua phần mềm của hai nhà cung cấp nước ngoài mặc dù công ty con FPT đang cung cấp phần mềm cho khoảng 50% doanh nghiệp chứng khoán trong nước.

Tại “anh”, tại “ả”?

Theo các chuyên gia, với Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 07 của Chính phủ được ban hành cách đây hơn 10 năm và sau đó là hàng loạt chương trình triển khai, Việt Nam đã có một chính sách phát triển ngành CNTT nói chung và CNPM khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo GS. Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT), nguyên Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, nguyên nhân chủ yếu khiến cho CNPM còn yếu kém là do lãnh đạo các cơ quan quản lý chưa nhận thức và quan tâm đúng mức để chính sách được thực thi nghiêm túc.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, từng chỉ ra rằng nếu Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh thành, các ngành, mỗi nơi dành ba ngày/năm hoặc mỗi quí một buổi để toàn bộ lãnh đạo cùng bàn về CNTT thì CNTT lúc đó mới thực sự là vấn đề thường trực, là mối quan tâm thực sự của chính quyền và xã hội. Việc phát triển một ngành quan trọng nào đó suy cho cùng là của lãnh đạo các cấp, các ngành, một khi có quyết sách và quyết tâm thì sẽ thực hiện tốt.

Chỉ thị 58 từng đưa ra những biện pháp mạnh để giúp cho ngành CNTT phát triển, chẳng hạn như yêu cầu các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin trong nước; các hành vi cố ý vi phạm hoặc gây cản trở cho việc ứng dụng này phải bị xử lý nghiêm... Thế nhưng, nhiều ý kiến cho biết để xâm nhập được vào thị trường khu vực công là cả một đoạn trường.

Các lập trình viên của một doanh nghiệp phần mềm ở TPHCM. Ảnh: LÊ TOÀN

“Họ mua hàng không phải mục đích để xài mà là muốn cái kia kìa” - giám đốc một doanh nghiệp than phiền. “Cái kia kìa”, theo ông, chính là các khoản thối lại bắt buộc cho những người có quyền quyết định hợp đồng cung cấp hàng của doanh nghiệp. Đây là điều làm nhiều doanh nghiệp nản lòng và bỏ cuộc. Sản phẩm phần mềm vốn là dịch vụ, trong khi cơ chế “một cục” của các dự án là một khó khăn khi tiến hành triển khai tại các đơn vị nhà nước. Mối quan hệ này làm triệt tiêu động lực đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và do đó, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà khi làm ăn ở thị trường khu vực công.

Mặt khác, bản thân nhiều doanh nghiệp vẫn chưa định hình được một cách bài bản chiến lược phát triển của mình, trong đó đặc biệt là khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. “Xâm nhập vào khu vực công thì bị nhũng nhiễu. Còn muốn bán được sản phẩm ở khu vực doanh nghiệp thì phải có thương hiệu mà đối với doanh nghiệp chuyên làm gia công thì làm gì có thương hiệu”, giám đốc một doanh nghiệp trần tình. Cũng chính vì những lý do này mà cách đây ba năm kế hoạch quay về thị trường trong nước để xây dựng thương hiệu của một công ty nổi tiếng về gia công phần mềm đã phải sớm nhận thất bại. Kế hoạch này đã phải dừng lại sau khi công ty lỗ gần 30 tỉ đồng.

FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO9001.

Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT

Khó khăn lớn nhất của ngành CNPM Việt Nam vẫn là khâu nhân lực. Theo ông Quang Nguyễn, chuyên gia tư vấn quản lý CNTT, với xuất phát điểm tương đối thấp, Việt Nam khó giành được các dự án toàn vẹn, thường chỉ là các hợp đồng gia công một phần của các dự án. Lâu nay Việt Nam chỉ mới phát triển được đội ngũ lập trình viên tốt trong khi khó khăn lớn nhất của ngành này là nguồn nhân lực quản lý, nghiên cứu và sáng tạo, chẳng hạn các kiến trúc sư hệ thống hay giám đốc dự án và đội ngũ quản lý cấp trung. Nếu tạo ra 1 triệu nhân lực phát triển phần mềm trong kế hoạch đến 2020 mà không có kế hoạch khuyến khích phát triển đội ngũ này thì sự khập khiễng là khó tránh khỏi.

Ông Quang cho rằng việc phát triển mảng gia công phần mềm phải gắn liền với kế hoạch tốt cho ngành CNTT trên cơ sở lâu dài là nhằm thay đổi cục diện lao động từ gia công sang lao động trí tuệ. Nhưng để thành công cần có một chiến lược nguồn nhân lực dài hạn và tổng quan hơn. Nguồn nhân lực đó phải đủ điều kiện để tiếp cận và phát huy những tri thức mới về công nghệ và dựa vào những kiến thức ấy phục vụ cho việc phát triển ngành CNTT trong nước và qua đó sẽ giải quyết những vấn đề trong nước.

Tiến sĩ Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty VietSoftware:
Cần ban hành cơ chế bảo trì phần mềm

Trong lịch sử phát triển của ngành kinh doanh phần mềm thế giới, cơ cấu giá cả luôn là: tổng chi phí = chi phí mua và triển khai phần mềm + chi phí dịch vụ định kỳ. Tuy nhiên hầu như tất cả các dự án đầu tư của cơ quan Nhà nước hiện đều không có “chi phí dịch vụ định kỳ”. Theo các hợp đồng như vậy, nghĩa vụ của nhà cung cấp (bên bán) đối với bên chủ đầu tư (bên mua) chấm dứt sau khi thời hạn bảo hành miễn phí chấm dứt, thường là 12 tháng hoặc hơn. Điều này dẫn tới hậu quả, hoặc chủ đầu tư không nhận được dịch vụ tốt, hoặc nhà cung cấp chịu thiệt hại do không có thu nhập từ dịch vụ phải thực hiện, hoặc cả hai.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, một hợp đồng phần mềm thường có giá trị bảo trì từ 10-20% (hoặc hơn) giá trị mua và triển khai phần mềm. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bế tắc của thị trường phần mềm khu vực nhà nước trong nhiều năm qua. Do chi tiêu trong thị trường nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nên tình trạng này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành.

Hiện nay, ngành phần mềm trên thế giới ngày càng chuyển mạnh sang xu hướng dịch vụ, theo đó, bên mua thậm chí không trả tiền cho phần mềm và triển khai phần mềm mà chỉ trả tiền cho việc sử dụng mà thực chất là tiền dịch vụ bảo trì. Tiền dịch vụ bảo trì định kỳ chính là nguồn thu nhập mà các nhà cung cấp nhắm tới để phát triển bền vững, lâu dài. Thiết nghĩ cần ban hành ngay lập tức cơ chế “bảo trì phần mềm” hoặc “dịch vụ phần mềm”, bổ sung cho cơ chế “hợp đồng xây dựng và triển khai phần mềm” như hiện nay. Tiến tới, Nhà nước có thể ban hành cơ chế “dịch vụ phần mềm” để tiết kiệm đầu tư, giảm rủi ro cho các công trình CNTT của Nhà nước.

Việc ban hành cơ chế mới này sẽ giúp thị trường phần mềm khu vực nhà nước năng động và khởi sắc hơn, vừa tăng hiệu quả cho các công trình CNTT, vừa đem lại nguồn lợi bền vững cho các doanh nghiệp.

Hoàng Duy ghi

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM:
Chính sách vẫn chưa đủ mạnh

Quá trình phát triển của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trong 10 năm qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc đặt nền móng ngành công nghiệp phần mềm (CNPM). Tuy nhiên nếu so sánh với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp phần mềm Trung Quốc, Ấn Độ và vài nước khác thì sự phát triển của Việt Nam chưa có gì đáng nói. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung nó phụ thuộc vào thị trường, nguồn lực phát triển (vốn, nhân lực, công nghệ), và những quyết sách của Chính phủ.

Trong 10 năm qua, môi trường quản lý và chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và CNPM không ngừng được hoàn thiện. Nếu so với cách đây 5-10 năm thì đã hoàn thiện hơn nhiều. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cho rằng chính sách vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển nhanh hơn. Theo tôi, vấn đề này có một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, khi một chính sách mới được ban hành thì nó tạo ra một đợt sóng tác động mạnh vào doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng sau một thời gian nếu không có sự đổi mới nó sẽ trở lại trạng thái “phẳng lặng”. Thời gian qua, tốc độ cập nhật và đổi mới các chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển CNPM và CNTT chưa theo kịp diễn biến thực tế, và nếu có thì lại theo xu hướng ít khuyến khích hơn, không làm nổi bật được sự khác biệt so với nhiều lĩnh vực khác nếu chúng ta xét dưới góc độ đây là ngành kinh tế động lực.

Thứ hai là chưa có sự chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan từ chính phủ đến các địa phương trong việc triển khai nên đã làm giảm nhiệt.

Thứ ba là có thể do những tác động của việc không hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn đầu nên hoạt động truyền thông, quảng bá cho ngành không còn mạnh như giai đoạn 2000-2005. Đây cũng là yếu tố tác động quan trọng đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuyết Ân ghi

(nguồn TBKTSG)

Tin liên quan:


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ thông tinĐể Việt Nam mạnh về công nghệ thông tin: Cần sự liên kết ba bên
"Tuyệt chiêu" cho sinh viên ngành kỹ thuậtVì sao Silicon Valley “khát” nhân lực?
Đào tạo sát thực tế, mới hayLàm việc tại gia, một công ba việc
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11