Nhiều người có thể hoài nghi khi nhìn vào hiện trạng CNTT Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia trong nước cho rằng nếu phân tích sâu từ khía cạnh tài nguyên và đầu tư sẽ thấy đây là động lực thúc đẩy nền kinh tế đuổi kịp các nước phát triển. Ảnh minh họa: eWeek | |
"Chúng ta có quá nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi như lĩnh vực nào Việt Nam có cơ hội đạt thứ hạng cao? Chúng ta nên tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào? Làm sao tăng trưởng nhanh thu nhập quốc dân mà bền vững? Cách nào hiệu quả để nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân? Làm gì để Việt Nam mãi xanh tươi, không khí mãi trong lành? Làm gì để hiện đại hóa, quốc tế hóa và cơ hội nào cho thanh thiếu niên Việt Nam?... Thời thế và cơ hội giục chúng ta có giải pháp và hành động ngay lúc này. Phải chăng tất cả tựu chung trong cụm từ CNTT?", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa), chia sẻ. Giải đáp những câu hỏi này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng lĩnh vực CNTT đã có những bước tiến đáng khích lệ và có đủ cơ sở để tự tin rằng đây là ngành có tiềm năng nhất trong việc giúp Việt Nam bắt kịp với thế giới. Nền kinh tế VN đang "dựa vào chỗ không phải là thế mạnh" là khai thác tài nguyên và xuất khẩu bởi tài nguyên là yếu tố bất định, mang lại giá trị thấp và gây ra những hệ lụy không mong muốn như ảnh hưởng tới môi trường. "Ngoài ra, một quốc gia mạnh thì phải mạnh về tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta xuất khẩu nhiều loại hàng hóa nhưng người dân lại không trực tiếp được tiêu thụ hàng hóa đó, như mạnh về xuất khẩu gạo nhưng dân vẫn đói", ông Liên lấy ví dụ. Trước bất cập đó, Việt Nam cần phát triển một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững và hiệu quả. Đó là nền kinh tế dựa vào tri thức. CNTT không những là công cụ then chốt cho sự phát triển con người và xã hội, mà còn là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy, trong cách mà con người quan hệ, giao tiếp và về lâu dài sẽ là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và rộng hơn là xây dựng xã hội dựa trên tri thức. Có cùng quan điểm, ông Trương Gia Bình tin CNTT là "đột phá khẩu" của Việt Nam trong kỷ nguyên tri thức: "Chúng ta có thể xuất tài nguyên thiên nhiên, hoặc sản phẩm nông lâm thủy sản… nhưng những ngành đó không đem lại cho VN lợi thế đặc biệt hay thứ hạng cao. Nhưng nếu có 1 triệu kĩ sư CNTT, VN sẽ đứng trong Top 5 về nguồn nhân lực CNTT. Hiện thế giới thiếu 3 triệu và 10 năm tới thiếu 10 triệu lập trình viên. Tôi nghĩ trong các nước đang phát triển chỉ vài nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam có thể nghĩ tới quy mô này".
"Tài nguyên lớn nhất của chúng ta và còn lâu mới đối mặt với nguy cơ cạn kiệt là con người, đây cũng chính là yếu tố quyết định của phát triển CNTT. Khoa học và công nghệ (KHCN) là chìa khóa cho đổi mới và sáng tạo trong kinh tế quốc dân mà CNTT chính là hạ tầng và động lực cho khoa học công nghệ. 'Đất' để ứng dụng CNTT và truyền thông còn rất nhiều và việc dùng chúng như một công cụ hữu hiệu sẽ giúp thúc đẩy phát triển và tăng năng suất các ngành kinh tế khác, cho ta cơ hội phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường", TS. Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Công ty phát triển phần mềm và đào tạo eDT, cũng nhấn mạnh. Không như những ngành công nghiệp khác, CNTT có một số đặc điểm riêng như đây là lĩnh vực dễ nắm bắt và đa số người Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc, không đòi hỏi đầu tư quá lớn và nhất là CNTT luôn thay đổi, biến hóa. Điều này cũng là một thách thức nhưng nếu có khả năng thích nghi nhanh và biết chớp thời cơ, đây lại là cơ hội lớn cho Việt Nam đi tiên phong và phát triển sánh ngang các nền kinh tế lớn. "Sức mạnh kinh tế nằm trong tay người nắm công cụ sản xuất, nhưng chúng ta cũng đang chứng kiến sức mạnh vô hình là thông tin. Và trong tương lai, kẻ thống trị có thể thuộc về người thống trị thông tin. Do đó, một nền kinh tế mạnh sẽ được chi phối bởi các chính sách, chiến lược dài hạn trong việc phát triển thông tin và từ đó đầu tư ngược lại cho các ngành kinh tế khác, thay vì tập trung khai thác nguồn tài nguyên có hạn", ông Liên nhận xét. Còn ông Bình nhận định ước mơ để "CNTT thấm vào từng hạt lúa, củ khoai", để Việt Nam trở thành một quốc gia tiên tiến, có vị trí xứng đáng trong kỷ nguyên số không thể thành hiện thực nếu không có ý chí chính trị cao nhất. Và ý chí này phải thể hiện qua những chương trình hành động quyết liệt, có tập trung đầu tư nhân lực, vật lực rõ ràng. Lê Nguyên (theo VnExpress) Tin liên quan: |