Thử phân tích công việc của tân Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo  
 

(Post 20/07/2006) Dân ta quá lo lắng chuyện trồng người: có bảy Bộ trưởng mới, chỉ tân Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) được nhận thư. Ông Bộ trưởng có hai thư trả lời rồi. Nhà giáo am hiểu tâm lý dân tộc, “người trên cây không lo, người dưới gốc lo”! Nhưng lo là một việc, làm lại là một việc khác. Bài này thử phân tích tân Bộ trưởng GD-ĐT sẽ làm những việc lớn nào, và có làm nổi không.

Tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

1. Trước hết, nên gạt một bên những chuyện nhỏ trong công cuộc Giáo dục (GD). Coi là “nhỏ”, những chuyện không nằm ở cái gốc vấn đề. Xuất phát của cái gốc là cái hạt bé tí, bé mà to. Từ cái gốc, nơi đẻ ra mọi chuyện tốt hoặc xấu, thì ở chính chỗ đó, dù trục trặc bé tí như một con sâu thôi, cũng nên coi là to. Còn có biết bao xum xuê nhưng không là gốc thì vẫn coi là nhỏ.

Một cái cửa bao giờ cũng nhỏ và hẹp hơn một toà nhà, nhưng phải qua cửa mới vào được cái thênh thang bên trong. Toà bin-đinh nghìn buồng thì cửa cũng chỉ một và bé. Thế là, cái thênh thang sẽ vẫn “nhỏ” hơn, không thể to hơn cái “nhỏ” chỉ bằng hai cánh cửa hẹp, mà nếu nó khép chặt thì tuyệt đối không thể vào nổi bên trong toà nhà.

Xã hội dễ xúc động trước những chuyện “nhỏ” nhưng lại có vẻ to. Nhưng sẽ dại dột nếu chiều xã hội, đuổi theo giải quyết vô vàn những cái lá bị sâu mà quên chỉ một cái gốc bị mối. Cần phân biệt những chuyện có vẻ to, song thực chất là nhỏ. Chuyện thầy giáo Việt Khoa tố cáo thi cử gian lận dĩ nhiên là cần, hành động đó dũng cảm, đáng yêu. Song khi nhìn toàn cục sự nghiệp giáo dục thì lại nên coi đó là chuyện nhỏ. Sức nào mà đi chặn tất cả các kỳ thi với hàng triệu thí sinh vừa đeo cả núi phao vừa sì sụp khấn vái cầu cúng kiêng cữ; với hàng trăm nghìn giám thị mà một cái tặc lưỡi cũng đủ xoá sổ một kỳ thi; với bao nhiêu triệu phụ huynh leo tường giúi phong bì vượt rào ném bài? Sao không nghĩ chặn một cái cửa con con để thi cử trở về đúng chỗ: một việc đánh giá cần thiết, chứ không thành bệnh dịch hoành hành? Nghĩ khác đi sẽ có cái nút bấm khác.

Làm cách gì phân biệt được cái gì “nhỏ” và cái gì “to” trong GD? Đó là tuỳ cách nhìn sự thật của người xử lý vấn đề. Chẳng hạn, có người nhìn thấy “bệnh thành tích”, nhưng cũng nó, có người thấy “bệnh nói dối” hoặc thấy “thói ăn cắp”, và ta sẽ có các cách xử lý khác hẳn.

Vì thế tiếp theo đây mới thử phân tích mấy việc làm hoặc cách xử lý.

2. Bây giờ ta giả định sẽ cùng tân Bộ trưởng xử lý những đầu việc lớn về GD tại Bộ GD-ĐT, tại cái nơi bấm nút GD ấy!

Chỗ của Bộ trưởng mới tại Bộ GD-ĐT không phải là căn phòng xưa kia có một ông Hạc được đem đặt vào ngồi, có một ông Quân quyết tâm ngồi, và gần đây hình như có một ông Hiển cũng ghé ngồi. Cái chỗ ngồi của tân Bộ trưởng không nằm giữa bốn bức tường, mà nằm trong hành động của ông khi ông sẽ làm gì cùng với những người ngồi kín các phòng xung quanh, rồi còn ngồi khắp những nhà (báo và xuất bản), những viện (đã giải thể hoặc đã mở lại) và rất nhiều trường (đại học và cao đẳng), những căn cứ địa vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của chất lượng GD.

2.a. Có thể công việc lớn đầu tiên của tân Bộ trưởng là cải tổ về tổ chức và nhân sự chăng? Hẳn là nhiều lúc sắp xếp công việc trong đầu, tân Bộ trưởng cũng nghĩ tới việc lớn đó. Cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương trước khi hết nhiệm kỳ bỗng có một lần nói với báo chí rằng chúng ta phải sửa lỗi hệ thống. Bây giờ nhiều người quen nói đến lỗi hệ thống. Song lỗi hệ thống là lỗi lô gích hay lỗi chất lượng những con chip tạo nên phần cứng?

Tìm ra chân lý trong chuyện này thực khó. Vì tinh thần có cao đến mấy, cũng chẳng ai dại nhận mình là con chip hôi. GD muốn ra sao thì ra, mình vẫn là tầm cỡ ở Đài Loan gọi bằng học sĩ! Dễ gì qua một đêm nhận một quyết định, ù té từ phó tiến sĩ thành tiến sĩ, những mong đuổi kịp mật độ tiến sĩ ở Cộng hoà Dân chủ Đức trước khi nước này mất hút vào Cộng hoà Liên bang Đức. Đôi khi tự an ủi, có thể Tài chưa cao, nhưng Đức thì trọng chăng? Chớ coi thường cái “Tâm” của người dựng tượng Phật ở quê, người hương khói nghi ngút, bản sắc đậm đà thế còn đòi gì hơn?

Cãi cọ đúng sai chuyện này thật khó. Tốt nhất là dùng một phép thử. Đây là phép thử đo được cả phần cứng lẫn phần mềm trong hệ thống: tân Bộ trưởng hãy làm cách gì công khai và minh bạch những khoản tiền cả tỉ đô-la Hoa Kỳ cho Cải cách Giáo dục (CCGD) từ năm 1995 đến nay.

Liệu tân Bộ trưởng có dùng nổi liệu pháp thanh tra kiểm toán các dự án CCGD bằng tiền đô-la Hoa Kỳ đi vay không? Nếu tân Bộ trưởng dùng liệu pháp đó, liệu có được các căn cứ địa của mình ủng hộ không? Tôi không biết chắc. Điều tôi biết chắc, ấy là, mười năm qua, bao nhiêu kỳ họp Quốc hội, nhưng chưa bao giờ chuyện tiền dự án CCGD đựoc đem ra mổ xẻ cả. Một mình tân Bộ trưởng chắc là không mạnh bằng cả một cơ quan lập pháp kiêm giám sát và phản biện. Việc làm to tát số một về tổ chức và nhân sự chắc (chắn) khó mà xong!

Ta cho qua.

2.b. Có thể công việc lớn tiếp theo của tân Bộ trưởng là cải tổ về chất lượng GD chăng?

Chất lượng GD cũng như một bữa ăn ngon. Nhà nghèo ra vườn vơ nắm rau láo nháo nấu với con cua đồng, thêm quả cà tự cấp tự túc, bữa ăn xam xưa vẫn ngon. Có khi còn ngon hơn lúc trong túi có tiền tỉ, và là tỉ đô-la Mỹ hẳn hoi, nhưng là tỉ đô-la đi vay của đám hậu sinh ông McNamara cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Xã hội nói nhiều đến chất lượng GD qua Tài và Đức của nhà giáo. Tôi lại muốn nói đến mối tương quan giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và chất lượng GD Việt Nam.

“Ngân hàng Thế giới (WB), đó không phải là cái bạn vẫn hình dung về một ngân hàng. Nó sẽ lấy đi tiền của bạn - và nếu bạn là người đóng thuế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thì nó đã lấy mất rồi. Thế nhưng bạn đừng có tới Washington DC nơi tổng hành dinh của nó để mà đòi rút tiền ra hoặc là nộp đơn xin vay, bởi vì WB chỉ cho các chính phủ vay. Thực ra thì nó chỉ cho các chính phủ không có khả năng vay nơi khác vay. Đó là nhà băng khi hết đường thì mới đến mà vay, nó cho vay đến các quốc gia có nhiều rủi ro tín dụng đến nỗi không thể nhận được vốn với thời hạn và mức lãi phải chăng từ các nhà đầu tư tư nhân.

Công chuyện kinh doanh của WB là sự phát triển của Thế giới Thứ ba, một hoạt động có thể mô tả như là một nghệ thuât - bởi vì chắc chắn nó không là khoa học - nghệ thuật nâng cao cuộc sống các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tin. Thực sự cái gì là nâng cao và làm cách nào thực hiện sự nâng cao đó là những vấn đề tranh cãi trong hơn năm chục năm trời. Thế nhưng bất kể nội dung của “phát triển” là gì thì WB cũng vẫn cứ là nhà lãnh đạo công cuộc đó.

WB duy nhất là người lãnh đạo to lớn nhất của Thế giới Thứ ba. Nó nắm trong tay hơn 11 phần trăm các món nợ nước ngoài dài hạn, cả công lẫn tư ở các nước này. Thế nhưng WB còn làm nhiều hơn là cho vay tiền; nó còn quyết định cả việc dùng tiền vay được như thế nào. Nó đề xuất, nó thiết kế, và nó kiểm soát cách thức thực thi các dự án do nó tài trợ. Nó yêu cầu bên vay phải có những chính sách kinh tế và các chính sách đối nội khác được nó coi là sẽ dẫn tới sự phát triển có kết quả. Ngoài ra, nó còn có ảnh hưởng to tát ghê gớm đến các quyết định của những nhà tài trợ khác trong việc ủng hộ hoặc bỏ rơi một dự án - hoặc một quốc gia.“

Những dòng chúng ta vừa đọc không do tôi nghĩ rồi viết ra. Đó là trích từ cuốn sách 432 trang của Catherine Caufield in và tái bản nhiều lần. Tên sách là Trùm ảo tưởng – Ngân hàng Thế giới và nạn nghèo khó của các nước (Masters of Illusions – The WB and the Poverty of Nations, Henry Holt & Co xuất bản, 1996, 1997, 1998).

Tôi hoàn toàn không nghi ngờ WB khi họ hướng dẫn các nước kém phát triển cách xây dựng một nền kinh tế thị trường.

Nhưng cho phép tôi hoàn toàn nghi ngờ WB khi các chuyên gia của họ nhúng tay vào văn hoá và giáo dục dân tộc của bất kỳ nước nào.

Ấy thế nhưng WB đã cho vay trót lọt cả tỉ đô-la để nước ta CCGD. Chắc chắn việc “cải cách” nền GD đối với những ai đó phải là việc sinh lợi, nên mới dễ dàng vay nợ nhiều đến thế. Sự suy đoán bằng lô-gich cần được kiểm chứng. Liệu tân Bộ trưởng có thể tự mình thanh tra, hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét tiền đi vay được dùng làm gì, và dùng như thế nào cho CCGD?

Tôi không tin tân Bộ trưởng bơi nổi ra khỏi mê hồn trận do đồng tiền dự án đan dệt, và e rằng ông sẽ chịu thua thôi. Cuộc “cải cách” mà thực chất chỉ là làm sách giáo khoa “mới” một cách đáng ngờ, sẽ vẫn từ từ trôi theo con đường viết sách chôn học trò.

Ta cho qua.

2.c. Tôi hình dung thấy một việc thứ ba tân Bộ trưởng có thể làm mà không sợ thất bại, song cũng lại chưa chắc làm nổi.

Việc làm này có thể gọi bằng hai tên, gọi nó là thả nổi hoặc gọi nó là tự chủ hoá đều không khác nhau.

Hãy thả nổi cho các trường (nhất là trường đại học) được tự chủ một cách triệt để. Hãy thả nổi cho có những bộ sách giáo khoa (ở mọi cấp học) ganh đua nhau đem lại cách học xứng đáng nhất với con dân một đất nước có hẳn một Văn Miếu ở thủ đô.

Lại có ngay câu hỏi của ông quan liêu: ai quản? (Ôi chao, đến cái từ “quản lý” mà ông quan cũng lười nhác nói tắt là “quẩn”!). Trả lời duy nhất: chất lượng quản lý.

Chất lượng đào tạo trong sản phẩm GD là nhà quản lý vĩ đại nhất mà không một cơ chế bao cấp quan liêu lười nhác nào có thể thay thế.

Cái nhà quản lý mang tên Chất Lượng đó sẽ giảm biên chế hộ ông tân Bộ trưởng mà chẳng cần những biện pháp phũ phàng. Học sinh, sinh viên, trước nỗi lo thất nghiệp sau khi ra trường, sẽ tự động quay lưng lại các thứ học sĩ mang đủ thứ danh hiệu nhưng chất lượng không đáp ứng họ.

Dĩ nhiên, sẽ có trục trặc lúng túng một thời gian. Nhưng ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Đến người đàn bà muốn có con cũng phải “dại” hoặc phải “lúng túng” ít nhất 280 ngày nữa là! Làm gì có cảnh vừa mang bầu lại vừa là gái đồng trinh?

3. Phân tích ba việc lớn tân Bộ trưởng có thể làm, giải pháp thả nổi (hoặc tự chủ hoá) nền GD có thể là cách xử lý khôn ngoan nhất, ít va chạm nhất, ít cần đến ngành công an vào cuộc nhất, đủ sức tạo ra sức sống mới mạnh mẽ nhất, song lại sẽ khó nhận được những gật đầu đồng tình.

Biết làm thế nào?

Một dân tộc cũng như một con người. Nó cũng sinh ra, lớn lên, trưởng thành, và tàn lụi. Một con người khi trẻ trung thường gào thét đòi Tự do: các nhà cách mạng bao giờ cũng bắt đầu sự nghiệp khi còn trẻ, để tái sinh ra một dân tộc trẻ. Khi một dân tộc luống tuổi, thì cũng như một con người luống tuổi, Tự do chỉ còn là kỷ niệm mỗi năm đem ra lễ lạt một lần. Vậy nên có khi cũng cái thực thể tự do đó lại thích xui con trẻ hãy thận trọng trước Tự do.

Biết làm thế nào?

Một dân tộc cũng như một con người, biết nghĩ thì biết tự an ủi, sông có khúc, người có lúc.

Biết làm thế nào?

Phạm Toàn
Biệt thự Thu Trang, 8 tháng 7 năm 2006


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Trước ngưỡng cửa WTO, ngành công nghệ thông tin Việt Nam gặp nhiều cơ hội lẫn thách thứcMuốn làm giàu phải... “khùng” một chút!
“Bill Gates” của Trung QuốcHồ sơ xin việc - Sai một li, đi một dặm
Xin việc khi có ít kinh nghiệmPhỏng vấn gì... kỳ quá!
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11