Tự chủ cho các trường đại học: Bao giờ?  
 

(Post 26/10/2006) Gần đây, dư luận đang khá xôn xao trước sự kiện Đại học (ĐH) FPT – trường đại học tư thục đầu tiên vừa có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ – nhưng chưa được tuyển sinh vì chưa có quyết định mở ngành và giao chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Nhìn từ khía cạnh tự chủ của các trường đại học, sự việc này một lần nữa trở nên “nóng bỏng” trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam...

Các trường đại học đòi... “giải phóng”

Theo ý kiến của không ít chuyên gia giáo dục, việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội đối với các trường đại học có thể xem là luồng gió cải cách thổi vào bộ máy hành chính khá cồng kềnh, kém hiệu quả để tạo ra những điều kiện tốt nhất cho GDĐH Việt Nam phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong hai đơn vị được giao quyền tự chủ trên 10 năm nay. Tuy nhiên, theo PGS Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: quyền tự chủ về đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội còn chưa đáp ứng yêu cầu của xu thế phát triển giáo dục đại học thế giới. Các ĐHQG vẫn phải phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, khung chương trình đào tạo, quy định thu, sử dụng học phí cứng nhắc…

Trong khi đó, các nhà quản lý giáo dục đã chỉ ra rằng, khi lẫn lộn chức năng quản lý chính sách của cơ quan quản lý nhà nước với chức năng tác nghiệp của các trường đại học, sẽ làm nảy sinh các vấn đề trong hoạt động quản lý (ví dụ như các vấn đề về tuyển sinh đại học theo phương án chung của bộ trong vài năm gần đây), làm giảm đi năng lực và hiệu quả quản lý. Theo PGS Phạm Trọng Quát, khi trao trả các hoạt động tác nghiệp cho các trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, đồng thời làm tăng tính tự chủ, sáng tạo của các trường đại học.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, nhìn nhận, đổi mới giáo dục đại học phải bắt đầu từ đổi mới quản lý hệ thống, chủ yếu là đổi mới cơ chế bởi so với các ngành khác, bóng dáng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đặc trưng là sự trì trệ vẫn còn đậm nét trong ngành giáo dục. Vì vậy, bản chất của đòi hỏi đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học là giải phóng cho các trường, công cũng như tư, để phát triển; cũng giống như bản chất của việc đổi mới kinh tế là giải phóng lực lượng sản xuất, là xã hội hóa và tự do hóa nền kinh tế.

Cần xóa 5 rào cản

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân đã đề nghị: hãy để cho các trường có quyền tự chủ cao, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, tự xây dựng và bảo vệ uy tín của mình để tồn tại và phát triển. Ông đề nghị, Bộ GD-ĐT cần xóa bỏ 5 vấn đề đang là “rào cản” đối với GDĐH hiện nay: xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản; xóa việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường, các trường tự cân đối với năng lực của mình để quyết định hằng năm tuyển bao nhiêu chỉ tiêu, những ngành gì, cấp nào; xóa việc tuyển sinh 3 chung, giao cho các trường tự quyết định cách tuyển, một năm tuyển mấy lần, thi bao nhiêu môn…; xóa bỏ chế độ tài chính cứng nhắc, tiến tới giao cho các trường tự hạch toán, lấy thu bù chi, tự chủ về tài chính, nhân lực; xóa bỏ quy định trần học phí.

Nói thêm về vấn đề xóa bỏ bộ chủ quản, TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho biết: hiện nay, ở nhiều trường ĐH, CĐ, nguồn kinh phí nhà trường thu được lớn gấp hàng chục lần kinh phí cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, song mọi quyết định về chỉ tiêu tuyển sinh, đầu tư, mở rộng cơ sở, liên kết đào tạo, tuyển dụng biên chế … lại phải “xin phép” bộ chủ quản và những bộ liên quan.

Thủ tục phiền hà đẻ ra từ cơ chế bộ chủ quản làm hạn chế quyền chủ động của nhà trường và vô hình chung góp phần làm cho nhà trường thiếu trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, “dỡ miếu thì dễ, tống thần thì khó”, việc bỏ cơ chế bộ chủ quản có thể sẽ gặp phải những khó khăn do phản ứng níu kéo, nỗi “ám ảnh” của quyền uy trong cơ chế “xin cho” vốn đã hình thành “tự nhiên” ở cơ chế cũ. Có thể có những khó khăn ban đầu về nhận thức và cách làm, song một điều chắc chắn rằng bỏ cơ chế bộ chủ quản sẽ được hầu hết các trường đại học, cao đẳng ủng hộ nhờ bớt đi những phiền toái gây ra, bởi chính bộ máy quản lý hành chính GDĐH thuộc nhiều bộ ngành như hiện nay - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Bỏ cơ chế bộ chủ quản, tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội đối với các trường đại học có thể xem là luồng gió cải cách thổi vào bộ máy hành chính chưa chuyển biến kịp, khá cồng kềnh kém hiệu quả để tạo ra những điều kiện tốt nhất cho GDĐH Việt Nam phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình.

VIỆT LAN
(theo báo Sài Gòn Giải Phóng)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Cần lộ trình gấp rút trao quyền tự chủ cho trường ĐHNguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân: FPT "xé rào" hay muốn tồn tại "ngoài rào"?
“Giao chỉ tiêu”Thủ tướng Chính phủ: sẽ đổi mới cơ chế hoạt động, đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường, trước hết là các đại học...
"Khoán 10" cho giáo dục đại họcXâm nhập thế giới hacker kỳ I: Cuộc đột nhập lúc nửa đêm
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11