(Post 24/01/2007) Bộ trưởng Cố vấn Singapore
Lý Quang Diệu, vị Thủ tướng đã đưa quốc đảo Singapore nhỏ bé trở thành
đô thị hiện đại nhất châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người không
thua kém phương Tây, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết ông đã góp ý "...Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng
Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng
sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu". Ông còn cảnh báo, nếu tất
cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi
chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".
Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đón Bộ trưởng cố vấn Singapore Lý Quang Diệu |
|
Việt Nam có thể đi cùng con đường của Trung Quốc
nhưng nhanh hơn
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cảm ơn và đánh giá
cao những bài học quý giá "vẫn còn nguyên giá trị" của Singapore
trong quản lý xã hội, quy hoạch và quản lý, kinh nghiệm đào tạo và xây
dựng nguồn nhân lực. Chủ tịch hy vọng có cơ hội sang thăm và trao đổi
kinh nghiệm với Singapore.
Trong buổi hội đàm, nhiều bài học thiết thực của Singapore,
Malaysia, Anh, Mỹ... đã được Bộ trưởng cao cấp Lý Quang Diệu đưa ra làm
hình mẫu cho Việt Nam.
Là người chứng kiến sự phát triển của Trung Quốc những
năm 1976, 1980s, 1990s và hiện nay là sự sẵn sàng phát triển hơn nữa của
nước này, ông tin tưởng, Việt Nam có thể đi cùng con đường này nhưng nhanh
hơn vì có thể nhìn Trung Quốc, đi tắt và tránh lỗi.
"Điều quan trọng là Chính phủ ngay từ đầu phải có
chính sách nhất quán, và ổn định tạo thành một dòng chảy thông suốt. Nếu
nói mà không thực hiện thì dòng chảy này sẽ ngắt quãng".
"Nếu thắng được trong cuộc đua giáo dục,
sẽ thắng trong kinh tế"
Nguồn nhân lực tốt chính là "nút cổ chai" phát
triển mà Việt Nam cần chuẩn bị trước, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung
Quốc, Malaysia đã làm...
Ông Lý đã dùng hình mẫu Singapore và Malaysia, hai nước
láng giềng đều từng là thuộc địa của Anh cùng với Trung Quốc làm minh
chứng cho quan điểm của mình về vấn đề giáo dục.
"Malaysia hiện nay đang phải đối mặt với sự trì
trệ bởi lẽ những ngành công nghiệp cũ không phát triển được nữa, trong
khi đòi hỏi cho ngành công nghiệp mới chưa được đáp ứng đầy đủ. Và Malaysia
đang phải trả giá cho việc đào tạo thiếu của mình".
Ông khẳng định "chúng ta luôn giáo dục để thừa chứ
không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung
cấp đủ nhu cầu của thị trường".
Ông gợi ý, "đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa
tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ
dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu". Thực tế hiện nay tất
cả các kỹ sư làm việc quốc tế đều có khả năng nói tiếng Anh rất tốt. Ông
cảnh báo, nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và
nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".
Ở Singapore, tất cả các trường học đều lấy tiếng Anh
là ngôn ngữ bắt buộc. "Ngày nay, Singapore có lợi thế lớn là nhờ
vậy", ông nói. "Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore
khi thực hiện quy định này".
Tiếng Anh là công cụ hữu dụng khai thác thông tin và
nguồn kiến thức phong phú, đặc biệt trong thời đại Internet phổ biến hiện
nay. Trong khi đó, Malaysia trước kia cũng là thuộc địa của Anh nhưng
từ năm 1967 không dùng tiếng Anh và quay trở lại sử dụng ngôn ngữ Mã lai.
Bây giờ, chính nước này đang quay trở lại đào tạo tiếng Anh. Như vậy,
nước này sẽ chịu thiệt thòi vì mất đi một thế hệ không biết tiếng Anh.
Trung Quốc cũng là một ví dụ được ông Lý Quang Diệu nêu
trong việc phổ biến tiếng Anh. Hiện tại Singapore có khoảng 50.000 người
Trung Quốc sang học các cấp. Tại các trường này, họ có thể được trang
bị tiếng Anh mà không mất đi ngôn ngữ tiếng Trung. Sang Singapore học,
bởi những người Trung Quốc hiểu được lợi thế của việc nắm vững "ngôn
ngữ quốc tế" này.
Ông bày tỏ hy vọng sau 4 năm nữa, khi quay trở lại, ông
sẽ thấy tất cả các thành phố đều đổi khác. Nhìn vào Trung Quốc, sẽ thấy
sự thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng
hàng năm từ 8-10% nhưng trong giáo dục, họ vẫn đang cải cách mạnh mẽ,
hướng ra các trường đại học lớn, chuẩn bị cho sinh viên học đại học chất
lượng cao. Đây là điều Trung Quốc đã học được từ các nước Singapore, Hàn
Quốc, Nhật Bản, Na Uy... Cần phải hết sức tập trung cho học đại học.
Hiện tại, ở Trung Quốc, hai thành phố Bắc Kinh, Thượng
Hải đã có những trường quy định học tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên song
song với tiếng Trung Quốc. Đây là những trường đặc biệt dành cho sinh
viên sáng giá, xuất sắc nhất. Khó khăn lớn nhất của họ hiện nay chính
là thiếu người bản địa nói tiếng Anh để giảng dạy. Do đó, bất kỳ người
Mỹ, người Anh nào đến Trung Quốc, họ ngay lập tức trao đổi với những người
này.
Ông đúc rút lại: "nếu thắng trong cuộc đua này (cuộc
đua trong giáo dục), sẽ thắng trong phát triển kinh tế". Và "Việt
Nam sẽ thắng!"
Giảm thuế doanh
nghiệp, thuế thu nhập, tăng thuế tiêu thụ
Ông Lý Quang Diệu cho biết,
ban đầu, Singapore cũng áp dụng thu thuế công ty và thuế thu nhập
cao giống Việt Nam, khoảng 60-70%. Điều này khiến các doanh nghiệp
nước ngoài bỏ, không đầu tư nữa.
Sau đó, Singapore đã học
tập Mỹ, giảm mức thuế công ty và thuế thu nhập xuống còn 20%,
và ngược lại tăng thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ. Sắp tới, mức
thuế này của Singapore có thể giảm xuống còn 19%. Nhờ đó, môi
trường đầu tư sẽ tốt hơn.
"Nếu bạn đánh thuế
vào thành công của họ, họ sẽ không còn động lực để thành công".
Ông khuyên "hãy đánh thuế vào tiêu dùng của họ". |
"Một cửa" và lương cao cho công chức
sẽ nâng sức cạnh tranh
Khi tiếp xúc với các doanh nghiệp Singapore làm ăn tại
Việt Nam, họ thường băn khoăn "thông thường phải mất 2 năm để thiết
lập được các mối quan hệ, biết ai là ai, có quyền gì". Điều này dễ
gây chán nản, thất vọng cho các nhà đầu tư, dẫn đến việc họ chuyển hướng
sang nền kinh tế khác.
Do đó, muốn phát triển, cần phải đơn giản hóa thủ tục.
Lấy Singapore là ví dụ. Singapore có Ban phát triển kinh tế xử lý tất
cả các vấn đề nội bộ của Singapore liên quan đến việc đầu tư nước ngoài
vào nước này. Ban này sẽ xử lý với tất cả các ban, bộ khác ở Singapore,
nhờ đó rút ngắn thời gian. Nhà đầu tư có thể tiến hành công việc thuận
lợi hơn, tốt hơn. "Một cửa" theo dạng này có thể áp dụng cho
Việt Nam, ông nói.
Một cách khác Singapore cũng đang tiến hành là đơn giản
hóa, minh bạch hóa các thủ tục. Giảm thiểu các luật lệ, quy định sẽ giúp
giảm các cách diễn giải luật khác nhau nhằm trục lợi.
Singapore cũng đã nhờ các công ty lớn xếp hạng mức độ
thuận lợi đầu tư dựa trên thời gian cần thiết dành cho bắt đầu một doanh
nghiệp ở các nước. Thực tế cho thấy, Singapore có thời gian ngắn nhất
chỉ với vài tuần. Ông Lý Quang Diệu cho biết, hiện nay, hầu hết các thủ
tục đăng ký kinh doanh của Singapore đều được tiến hành qua mạng.
Ông nói thêm, ở Việt Nam hiện nay việc áp dụng hình thức
giao dịch qua mạng như vậy sẽ khó khăn vì thiếu hệ thống đường truyền
rộng. Tuy nhiên 3,4, hoặc 5 năm nữa, Việt Nam có thể tiến hành càng nhiều
càng tốt hình thức này. Các nhà đầu tư không nhất thiết phải trực tiếp
đến trụ sở, làm các thủ tục phiền hà.
Đối với đội ngũ công chức làm việc trong ban, ông cho
rằng cần tăng lương cho họ. Khi có lương cao, đảm bảo cuộc sống, những
người này sẽ không cần đặc quyền đặc lợi, không gây khó khăn, nhũng nhiễu
cho nhà đầu tư.
Kinh nghiệm cho thấy, khu vực hành chính Ấn Độ tồi tệ
nhất trong thời gian Anh chiếm đóng vì đồng lương hạn chế. Do lương thấp,
nhân viên tìm cách tăng thu nhập bằng nhiều con dấu, nhiều chữ ký, gây
khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài cũng như cho toàn bộ nền hành chính
của họ.
Khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ băn khoăn
"điều Việt Nam đã học tập từ lâu nhưng chưa thực hiện được là trả
lương cao cho viên chức nhà nước. Bởi lẽ khu vực này đầu tư thấp, chưa
thu hút được nhiều người tài vào đây. Do đó, bộ máy nhà nước còn cồng
kềnh, kém hiệu quả", Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu nói "thực
ra đây là câu chuyện con gà và quả trứng". "Nếu bộ máy hành
chính tốt, đầu tư sẽ nhiều, doanh thu sẽ nhiều, lương cho viên chức sẽ
cao, sẽ thu hút được người tài, nhờ đó, bộ máy hành chính hoạt động tốt.
Việt Nam sẽ vượt qua Singapore
Kết thúc buổi hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết,
Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu chia sẻ niềm vui "được nhìn thấy sự
tiến bộ của Việt Nam, được thấy người Việt trẻ đang thúc đẩy sự phát triển
nhanh của đất nước".
Ông cam kết "Singapore sẵn sàng giúp Việt Nam trong
khả năng có thể. Giống như với Trung Quốc, bây giờ, chúng tôi giúp các
bạn, nhưng 30, 40 năm nữa, có thể chính Singapore sẽ phải học tập Việt
Nam, Trung Quốc". "Singapore có một người xuất sắc thì Việt
Nam, Trung Quốc có hàng trăm, hàng nghìn người xuất sắc".
Ông nói "Làm sao Singapore với 4 triệu dân có thể
cạnh tranh được với Việt Nam 85 triệu dân, chỉ là Singapore đang có lợi
thế mà thôi..." Và "cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam sẽ vượt
qua Singapore", ông nói.
Phương Loan
(theo VietNamNet) |