(Post 12/05/2007) Từ kết quả ban đầu của
diễn đàn “Chọn nghề cùng bạn”, chúng tôi đã có khảo sát thực tế việc dạy
hướng nghiệp trong trường phổ thông. Lãnh đạo từ Bộ, sở, các trường, đến
mọi giáo viên trực tiếp giảng dạy hay không giảng dạy môn học hướng nghiệp
đều không chần chừ bày tỏ sự nhất trí về tầm quan trọng đặc biệt của nó.
Bài toán cần giải quyết là làm sao để sự trân trọng đó không chỉ dừng
lại ở lời nói.
Một giờ
sinh hoạt ngoại khóa của môn học hướng nghiệp tại Trường THPT
Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) |
|
Lớp 10, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội). Môn Giáo dục
hướng nghiệp, chủ đề 6: Tìm hiểu một số nghề thuộc các ngành Y và Dược.
Tiết cuối:
“Ai trong lớp mình sẽ làm trong ngành dược nào?”
…
Không ai thích làm dược sĩ à? Sao thế? Mạnh dạn lên!
...
Mai Anh, em nói cho các bạn biết em thấy ngành dược thế nào?
- Dạ thưa cô, em thấy ngành dược… khó quá!
Cô học trò cưng hôm nay vô tình làm cô giáo bị… hớ.
Quả thực, cô cũng băn khoăn, tại sao tên bài rõ ràng
là tìm hiểu các nghề thuộc ngành dược, mà cuốn sách hướng dẫn giáo viên
giảng dạy cô có lại chỉ nói về công việc của người sản xuất dược phẩm?
Cô lén thở hắt ra, thoáng ngậm ngùi. Tất cả những gì
cô được đào tạo và nghiên cứu bấy lâu nay là những bản vẽ và kết cấu chi
tiết kỹ thuật – vì cô là giáo viên dạy môn Kỹ thuật công nghiệp.
Kiêm nhiệm thêm môn hướng nghiệp ở lớp này, dù cố gắng,
chính cô cũng chưa tìm được cách nào thoát khỏi cảm giác chán nản.
Đây là tình cảnh khá phổ biến của các giờ học giáo dục
hướng nghiệp ở các trường phổ thông – môn học được đánh giá là có tầm
chiến lược trong việc hỗ trợ HS chọn ngành, nghề cho tương lai. Thế nhưng,
ai đã đánh giá hiệu quả của nó?
3 năm, 81 tiết học
Ở trường THPT, một quãng thời gian dài trước đây, HS
phải đảm bảo 180 tiết học nghề, với hình thức chính là thực hành. Bộ GD-
ĐT chỉ thị nhà trường tùy ý bố trí trong vòng 2 năm, có thể vào hè. HS
được lựa chọn nghề mình muốn học trong khuôn khổ các nghề của một Trung
tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (thuộc Bộ) mà trường liên hệ như sửa
chữa xe máy, thêu, mộc, vi tính, điện, trồng lúa….
Kỳ vọng của Bộ là giúp các em làm quen với các nghề,
rèn luyện trải nghiệm lao động và phát hiện sở trường (!).
Năm học 2006 - 2007, Bộ GD - ĐT cải cách môn nghề phổ
thông theo chương trình mới dài 3 năm, áp dụng năm đầu cho lớp 10, tiến
đến cải cách toàn bộ trong 2 năm tiếp theo.
Theo đó, HS có 81 tiết Giáo dục hướng nghiệp, mỗi năm
27 tiết học, tức là mỗi tháng có 3 tiết. Ngoài ra, còn duy trì môn giáo
dục học nghề 3 tiết mỗi tuần cho riêng HS khối 11.
Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Lao động hướng nghiệp
(TTLĐ HN) của Bộ GD –ĐT, cơ quan trực tiếp biên soạn giáo trình “Hoạt
động giáo dục hướng nghiệp” (sách giáo viên, NXB Giáo dục), nội dung của
3 tập sách (mới xuất bản tập 1, cho lớp 10) là cung cấp thông tin về thị
trường lao động, thế giới nghề nghiệp, nhằm giúp HS đánh giá năng lực
bản thân và tư vấn rộng cho các em lựa chọn nghề nghiệp của mình”.
Mạnh ai… nấy làm!
Lãnh đạo các trường được hỏi đều khẳng định rằng nếu
thực hiện được chuẩn như những gì Bộ chỉ đạo và kỳ vọng thì chương trình
hướng nghiệp mới rất hay. Tuy nhiên, thực hiện nó lại không dễ tý nào!
Sự thật không cần phải… giật mình là hiện nay, không
có bất cứ một giáo viên nào trên toàn quốc được đào tạo bài bản để giảng
dạy môn này. Tất cả những gì gọi là “hướng nghiệp cải cách” học trò lớp
10 nhận được suốt năm qua là từ… bất cứ một cô giáo chưa đủ giờ dạy của
bất kể… môn nào!
Ở Trường THPT Thăng Long (Hà Nội), dạy hướng nghiệp
cho HS khối 10 là 2 cô giáo Kỹ thuật công nghiệp! “Nếu thiếu giờ dạy là
GV môn Giáo dục công dân, thì nhà trường cũng sắp xếp dạy hướng nghiệp
luôn, không có tiêu chuẩn gì cả!” Ông Phạm Trung Dũng – Hiệu trưởng trường
cho biết.
Chỉ tận dụng nhân lực thừa, cho nên GV đã nghiệp dư
lại càng có cơ hội liên tục… nghiệp dư: “HK I HS lớp 10 chỉ có 1 tiết
Địa lý/ tuần, nên GV môn này thiếu giờ phải phụ trách dạy thêm hướng nghiệp.
Đến HK II có sự thay đổi: Địa lý tăng lên 2 tiết, Lịch sử giảm từ 2 xuống
còn 1 tiết/ tuần, GV Lịch sử lại thế chỗ dạy hướng nghiệp cho GV Địa lý.
Thế là kinh nghiệm dạy suốt 1 kỳ coi như mất không!”, một giáo viên Trường
THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cho hay.
Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) thì có cách phân nguyên
một GV thừa phụ trách môn này. Mỗi tháng, cô sẽ làm nhiệm vụ… soạn giáo
án môn học, copy thành nhiều bản giao cho… GV chủ nhiệm thực hiện ở lớp
mình.
Mở đầu cuốn sách giáo viên, Bộ quy định rõ: “Chương trình
hoạt động “Giáo dục hướng nghiệp 10” gồm 27 tiết học với 9 chủ đề. Mỗi
chủ đề được tiến hành 3 tiết liền nhau (trong 1 buổi). Do vậy, toàn bộ
chương trình được dạy trong 9 buổi và rải đều ở 9 tháng của năm học”.
(Tr.3)
Trong từng điều kiện, mỗi trường tự phải ” liệu cơm
gắp mắm”.
Trường THPT Nhân Chính bố trí vào tiết 4, 5 thứ 4 mỗi
tuần cuối của tháng, nghiễm nhiên cả năm cắt gọt 1/3 chương trình của
học trò.
Trường THPT Thăng Long học 2 ca/ngày, không có phòng
dư, lại chia ra mỗi tuần học 1 tiết, nên 3 tuần đã hết 1 chủ đề. Thành
ra, chương trình lại hoàn thành khi mới hết 3/4 năm học.
Điều buồn cười phát sinh là rất rắc rối nếu nhà trường
phải thay đổi khóa biểu, nên trong 1/4 thời gian cuối năm, đến tiết hướng
nghiệp HS vẫn phải… ngồi trong lớp tự quản bình thường, nếu là tiết cuối
của buổi học thì mới được… cho về!
Khi nào thì… “3 cây chụm lại”?!
Nhiều ý kiến đồng tình với hiệu trưởng trường Thăng
Long rằng, giáo trình hướng nghiệp mới của Bộ có nhiều nét hiện đại nhưng
không thể có hiệu quả cao vì “công tác chuẩn bị chưa tới nơi”.
“Bộ chỉ tổ chức tập huấn đúng 2 ngày cho đại diện GV
các trường. Những người này về trường họp 1 buổi phổ biến lại thông tin
cho chúng tôi. Giáo trình chỉ có cuốn sách GV, cái gì cũng đại khái nhấn
mạnh vai trò ý nghĩa của môn học hướng nghiệp, còn phương pháp thì GV
tự nghiên cứu! Phải nói thật, chúng tôi cũng chỉ còn cách “biết đến đâu,
nói đến đấy” thôi!”, một giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo bộc bạch.
Một cô giáo khác Trường THPT Năng khiếu Sơn La rụt rè
giãi bày: “GV còn không thấy thích giảng thì HS thích học sao được! Có
phải ai cũng có điều kiện tìm được cái nọ cái kia mang cho HS xem thêm
đâu! ”
Một bất cập khác, HS cũng không có bất cứ một phương
tiện chính thống nào tiếp cận môn học, kể cả một cuốn SGK.
Ông Nguyễn Hùng cho hay,sách cho HS sẽ có trong năm
học tới. Bộ GD-ĐT cũng đang tích cực làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà
Nội nhằm thực thi phương án đào tạo GV chuyên trách môn này.
Cô Lê Thị Mười, giáo viên lịch sử kiêm nhiệm hướng nghiệp
của 1 lớp 10 Trường THPT Trần Hưng Đạo đề xuất: “Tôi đề nghị HS học môn
này phải có điểm tổng kết như các môn học khác. Nếu chỉ đánh giá bằng
hạnh kiểm như hiện nay, HS không nhận thức được để đầu tư.. Như thế, hiệu
quả hướng nghiệp chỉ là số điểm cộng cơ học cho HS khi thi tốt nghiệp”.
Tất cả lãnh đạo một số trường chúng tôi được tiếp cận
đều nhấn mạnh ngay khi bắt đầu buổi làm việc rằng: Quan điểm của nhà trường
là thực hiện đúng mọi chỉ thị của Bộ về công tác hướng nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ có một điều không trường nào tự nói ra
là, chưa hề thấy Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra nào về việc thực hiện chỉ
thị của mình.
Lãnh đạo từ Bộ, sở, các trường, đến mọi giáo viên trực
tiếp giảng dạy hay không giảng dạy môn này đều không chần chừ bày tỏ sự
nhất trí về tầm quan trọng đặc biệt của môn học hướng nghiệp trong hệ
thống các môn học của HS phổ thông. Bài toán cần giải quyết là làm sao
để sự trân trọng đó không chỉ dừng lại ở lời nói.
theo Nguyên Nhung
nguồn: VietNamNet |