Bộ Khoa học và Công nghệ - Nơi đặt nền tảng cho sự phát triển Công nghệ Thông tin Việt nam  
 

(Post 16/05/2007) Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có quyền tự hào là nơi gây dựng nền móng đầu tiên và là cơ quan chủ chốt của Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đóng góp cho phát triển một lĩnh vực KH&CN còn mới mẻ nhưng vô cùng quan trọng ở Việt Nam.

Trong 45 năm hoạt động của Bộ KH&CN, một trong những kết quả đặc biệt đáng lưu ý là Bộ chính là nơi đặt nền tảng cho sự phát triển CNTT ở nước ta.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) - tiền thân của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (UBKH&KTNN), của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) sau này và Bộ KH&CN hiện nay, đã thấy rõ vai trò to lớn của máy tính và khoa học máy tính trong sự nghiệp phát triển khoa học và xây dựng đất nước. Năm 1962, GS Tạ Quang Bửu, lúc đó là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký UBKHNN, đã trực tiếp chỉ đạo việc chọn và cử một số cán bộ đầu tiên của ta đi đào tạo về máy tính tại Liên Xô, đồng thời trình Trung ương và Chính phủ cho mua một máy tính điện tử cũng của Liên Xô.

Đến năm 1965, số cán bộ này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thực tập và về nước chuẩn bị tiếp nhận máy tính điện tử thế hệ 2, Minsk-22. Cùng thời gian này, UBKH&KTNN đã ra quyết định thành lập Phòng Máy tính do các GS Nguyễn Lãm và Phan Đình Diệu phụ trách. Cuối năm 1967, máy tính Minsk-22 được lắp đặt xong tại Phòng Máy tính thuộc UBKH&KTNN. Đầu năm 1968, máy bắt đầu được khai thác, đem lại niềm phấn khởi không chỉ cho giới tin học mà cho toàn thể giới KH&KT nước ta. Số giờ làm việc của máy ban đầu là một ca, lên hai ca, rồi đến ba ca (mỗi ca 8 giờ). Máy Minsk-22 đã phục vụ đắc lực cho các tính toán về xây dựng, giao thông, khí tượng và quốc phòng.

Ngoài việc tính toán phục vụ chiến đấu, máy tính điện tử Minsk-22 đã góp phần đào tạo một đội ngũ ngày càng đông đảo lập trình viên và kỹ thuật viên máy tính cho các ngành KH&KT khác ở nước ta. Sau này, vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, UBKH&KTNN đã nhập thêm máy Odra của Ba Lan (máy tính điện tử thế hệ 3, sản xuất theo thiết kế của Hãng ICL-Anh).

Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, UBKH&KTNN được giao nhiệm vụ tiếp quản Công ty máy tính IBM với nhiệm vụ hỗ trợ chương trình và bảo trì các máy IBM và một số máy khác (như Raytheon) do các Bộ khác tiếp quản. Tháng 9.1976, UBKH&KTNN đã thành lập Cục Máy tính điện tử để chỉ đạo Công ty IBM duy trì hoạt động của các máy này. Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nhất là về linh kiện, Cục đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, và cho đến 10-15 năm sau, các máy này vẫn còn hoạt động như IBM-360/50 của Bộ Quốc phòng, IBM-360/40 của Công ty IBM.

Năm 1976, UBKH&KTNN đã mời ông Trương Trọng Thi, một kỹ sư máy tính người Việt định cư ở Pháp, về trao đổi việc hợp tác sản xuất ở Việt Nam máy vi tính 8 bít do ông thiết kế. Hai bên đã thỏa thuận một kế hoạch lắp ráp máy vi tính Micral thực hiện bằng vốn vay của Chính phủ Pháp. Kế hoạch này, do nhiều khó khăn khách quan, chủ yếu là bị cấm vận, nên không thực hiện được. Tuy vậy, nó cũng chứng tỏ Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên đã có kế hoạch lắp ráp và sản xuất máy vi tính ở trong nước.

Tuy không thực hiện được kế hoạch nói trên, nhưng UBKH&KTNN vẫn quan tâm đến việc sử dụng các máy vi tính và tương lai các loại máy này. Ủy ban là cơ quan đầu tiên của Việt Nam đã nhập loạt đầu tiên gồm 20 máy PC-IBM 16 bít ngay khi chúng ra đời (năm 1981).

UBKH&KTNN và sau này là Bộ KHCN&MT đã nhanh chóng công nhận các thuật ngữ tin học [1] (năm 1976), vi tin học và máy vi tính (năm 1981), CNTT (năm 1993). Những thuật ngữ này ngày nay đã được dùng rộng rãi ở Việt Nam.

Về quản lý nhà nước, từ năm 1975, ngay sau khi thống nhất đất nước, UBKH&KTNN đã đề nghị và Chính phủ đã hai lần ra các nghị quyết về tăng cường ứng dụng toán học và máy tính điện tử trong quản lý nhà nước (Nghị quyết số 173-CP, năm 1975), về tăng cường quản lý và sử dụng máy tính điện tử trong cả nước (Nghị quyết số 245-CP, năm 1976). Năm 1981, UBKH&KTNN đã tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường phục vụ thông tin cho lãnh đạo và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng ra quyết định của các cấp. Sau đó, UBKHNN (tên gọi của UBKH&KTNN kể từ tháng 4.1990) đã tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30.3.1991 của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới. Trong đó đề cập: “Tập trung sức phát triển một số ngành KH&CN mũi nhọn của đất nước như điện tử, tin học…”

Vào cuối những những năm 80, ngoài các máy tính lớn, số lượng máy vi tính cá nhân ở Việt Nam được sử dụng ngày càng tăng. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc - UNDP, Ủy ban và sau này là Bộ KH,CN&MT đã tiến hành việc điều tra tình hình sử dụng máy tính của Việt Nam và dự thảo những kiến nghị đầu tiên về chính sách ứng dụng và phát triển máy tính của Việt Nam. Công việc này được triển khai trong khuôn khổ dự án VIE/89/002 và cũng qua dự án này, từ năm 1992, những bước chuẩn bị đầu tiên cho việc phát triển Internet của Việt Nam đã được thực hiện.

Trong năm 1992, theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN&MT đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về ứng dụng và phát triển CNTT của Việt Nam trong những năm 90. Đó là Nghị quyết 49/CP được Chính phủ thông qua ngày 4.8.1993, nền tảng quan trọng cho ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta trong những năm cuối thế kỷ XX. Theo đánh giá của các cán bộ quản lý và chuyên gia về CNTT, đến nay Nghị quyết này vẫn còn mang tính thời sự quan trọng.

Thực hiện Nghị quyết quan trọng nêu trên, Bộ KH,CN&MT đã mời các chuyên gia CNTT thuộc Công ty Unisys (Mỹ) cùng một tổ công tác gồm các chuyên gia hàng đầu về CNTT của Việt Nam để xây dựng dự thảo Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2000. Ngày 7.4.1995, Bản Kế hoạch tổng thể này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bởi Quyết định số 211/TTg .

Nhận thức rõ công tác tổ chức có ý nghĩa quyết định trong việc triển khai các chính sách và kế hoạch của Chính phủ về việc ứng dụng và phát triển CNTT, Bộ KHCN&MT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT do Bộ trưởng Bộ KHCN&MT làm Trưởng ban (Quyết định số 154/TTg ngày 11.3.1995). Dưới sự chỉ đạo của Ban, Chương trình quốc gia về CNTT đã hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch tổng thể về CNTT: Bước đầu đưa công tác tin học hoá vào hoạt động quản lý nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu có được 20 ngàn cán bộ kỹ thuật có trình độ cử nhân và cao đẳng trong lĩnh vực CNTT, hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật về Internet của Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo… Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và giải thể vào ngày 20.9.1999 theo Quyết định số 192/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiền đề cho việc xây dựng và phát triển Internet Việt Nam cũng được Bộ KHCN&MT xây dựng vào năm 1995 trên cơ sở tập hợp 5 đề án khác nhau của các đơn vị trong nước. Tháng 1.1996, Tổ công tác do Bộ thành lập đã hoàn thành bản dự án phát triển Internet trình Chính phủ xem xét. Trên cơ sở bản đề án này, Chính phủ đã thành lập Ban điều phối quốc gia về Internet do Bộ trưởng KHCN&MT làm Trưởng ban. Ban điều phối đã tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ quyết định nhiều biện pháp quan trọng cho việc phát triển Internet Việt Nam từ năm 1997.

Với sự hợp tác quốc tế chặt chẽ trên phạm vi toàn cầu, thế giới (trong đó có Việt Nam) đã vượt qua sự cố Y2K. Kết quả đó cũng có phần đóng góp quan trọng của Bộ KHCN&MT, cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối quốc gia trong công tác đột xuất này.

Tiếp theo Kế hoạch đầu tiên về CNTT giai đoạn 1995-2000, Bộ KHCN&MT đã trình và được Chính phủ phê duyệt các chương trình quan trọng cho giai đoạn 2000-2005. Các chương trình này, Chính phủ cũng giao cho cho Bộ KHCN&MT làm đầu mối quốc gia tổ chức triển khai. Đó là Chương trình phát triển Công nghiệp phần mềm theo Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP, Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam đến năm 2005 theo Quyết định số 95/2002/QĐ-TTg. Bộ KHCN&MT đã tạo những cơ sở ban đầu rất thuận lợi cho việc triển khai 2 Chương trình trên để Bộ Bưu chính - Viễn thông tiếp tục triển khai theo sự phân công mới của Chính phủ vào cuối năm 2002.

Việc dự thảo Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT ở Việt Nam đến năm 2010 cũng đã có sự đóng góp cơ bản và quan trọng của Bộ KHCN&MT. Tiếp đó, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chỉ thị này (Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg). Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị do Bộ trưởng Bộ KHCN&MT làm Trưởng ban. Trong hai năm (2001-2002), Ban chỉ đạo đã cụ thể hoá một bước kế hoạch triển khai Chương trình. Trên cơ sở đề nghị của Ban chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ KHCN&MT triển khai 2 nhiệm vụ quan trọng có tác động ở phạm vi quốc gia là Thống nhất bộ mã chữ Việt theo Unicode và Phần mềm mã nguồn mở. Đó cũng là 2 nhiệm vụ quan trọng mà Bộ KH&CN hiện nay đang tích cực triển khai.

Thực hiện sự phân công mới của Chính phủ, Bộ KH&CN đã nhanh chóng bàn giao công tác quản lý nhà nước về CNTT sang Bộ Bưu chính - Viễn thông. Với chức năng của mình, Bộ KH&CN vẫn tiếp tục một số công tác có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp phát triển CNTT quốc gia. Đó là công tác nghiên cứu và triển khai, thẩm định và chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn hoá, sở hữu trí tuệ, phát triển một số công nghệ đặc thù và tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, như các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, an toàn an ninh thông tin, phần mềm mã nguồn mở, tính toán mạng lưới... Trong những năm tới, bên cạnh các nhiệm vụ quốc gia về chính phủ điện tử, thương mại điện tử, Bộ KH&CN sẽ tạo những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực Khoa học điện tử ở nước ta.

(theo Tạp chí Hoạt Động Khoa Học)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Hướng nghiệp: Mạnh ai… nấy làm!Tốt nghiệp để... thất nghiệp
Tôi đã đi xin việc như thế nào? - Phần sauTôi đã đi xin việc như thế nào? - Phần đầu
Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường - Bài cuối: Không chạy theo “thị hiếu xã hội”Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường - Bài 3: Ba trong một
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11