(Post 27/06/2007) Diễn đàn giáo dục vừa kết
thúc tại New York đã đề cập tới sự cấp thiết phải có những hành động đột
phá trong giáo dục ĐH Việt Nam trước thành công "vượt mọi kỳ vọng"
của tăng trưởng kinh tế bền vững. Diễn đàn giáo dục "Trường ĐH: Động
lực của sự phát triển" bắt đầu từ 9h sáng ngày 20/6, giờ New York
(Mỹ), được tổ chức trong khuôn khổ chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn
Minh Triết tới Mỹ.
Dự diễn đàn, ngoài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn có Phó Thủ tướng
Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: AP |
|
Cựu thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Bob Kerrey, Hiệu trưởng ĐH
The New School, GS Henry Rosovsky đến từ ĐH Harvard, đồng chủ trì diễn
đàn. Tham gia phía Việt Nam có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ
tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và đông đảo quan
chức. Diễn đàn là một phần trong nội dung hỗ trợ Việt Nam cải cách giáo
dục do ĐH Harvard chủ trì dựa trên đề xuất của Thủ tướng Phan Văn Khải
trong chuyến thăm Mỹ cách đây hai năm.
Bỏ bớt sự tập trung để giáo dục "nhảy vọt"
như Internet
Có một điều thú vị, các diễn giả đều đánh giá cao những
tiến bộ mạnh mẽ của VN hiện nay và khẳng định "những bước phát triển
đó là không thể tưởng tượng được".
"Sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam đã
vượt mọi kỳ vọng", ông Bob Kerrey, một thượng nghị sỹ rất quan tâm
và từng ủng hộ quá trình bình thường hóa quan hệ với VN, khẳng định.
Theo ông, khi VN quyết tâm làm điều gì thì đều làm tốt
và khó ai bì kịp. Đã quyết tâm sắt đá muốn phát triển kinh tế thì trong
tương lai, VN sẽ có bước phát triển vượt bậc về kinh tế.
"Khi hỏi người dân VN có muốn phát triển như các
nước ASEAN không, tôi đều nhận được câu trả lời: "Không, chúng tôi
muốn phát triển nhanh, mạnh như Trung Quốc", David Dapice, ĐH Turfs
nói.
Ông David Dapice đưa ra một hình dung rất cụ thể về sự
phát triển của VN thông qua sự phát triển Internet. Năm 2007, VN có tốc
độ phát triển internet nhanh nhất thế giới trong khi chỉ mới 7 năm trước,
VN thuộc loại thấp nhất.
Lý giải về sự "nhảy vọt" này, ông Dapice cho
rằng khi Nhà nước tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với Internet đã
tạo nên sự nhảy vọt của internet tại VN.
Tốc độ phát triển Internet thể hiện dân trí, trình độ
phát triển xã hội. Trong tương lai, người dân ngày càng sử dụng Internet
nhiều thì văn minh, tri thức, kiến thức tăng lên, kéo theo sức cạnh tranh
của VN cũng tăng.
"Vì thế, nếu giáo dục VN bỏ bớt sự tập trung, quản
lý quá sâu của Nhà nước thì có thể sẽ phát triển nhanh như internet",
David so sánh.
Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và con người
của VN đang gặp khó khăn để bắt kịp với sự phát triển kinh tế bền vững
đó.
Theo báo cáo phát triển thế giới, năm 2000, VN chỉ có
2% dân số có từ 13 năm đi học trở lên so với 5% của Trung Quốc, 8% của
Ấn Độ, 15% ở Thái Lan và thấp hơn nhiều so với các nước châu Á khác.
Tỉ lệ người dân đi học ĐH trong nhóm tuổi 20-24 năm 2004
của VN chỉ đạt 10%, bằng 1/4 Philippine và 1/4 Thái Lan.
Tỉ lệ này phản ánh rõ ràng thực tế rằng VN đang thiếu
hụt lao động có kỹ năng mặc dù nền kinh tế "đang tăng trưởng đáng
kinh ngạc".
Trưa cùng ngày, tại New York, Chủ tịch Nước Nguyễn
Minh Triết đã dự cuộc gặp gỡ và tiệc chào mừng của các giới New
York do Asia Society (Hiệp hội Châu AÁ) tổ chức.
Phát biểu tại cuộc chiêu đãi, Chủ tịch nói: "Tôi
rất phấn khởi bắt đầu chuyến thăm từ thành phố New York, biểu trưng
sự thành đạt của nhân dân Mỹ và được gặp gỡ các quý vị đại diện
cho chính giới, doanh nghiệp, học giả và bạn bè của VN. Nhân dân
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng với nhân dân Mỹ đưa mối quan
hệ tốt đẹp hiện có giữa hai nước lên tầm cao mới".
Chủ tịch nhấn mạnh: "Từ diễn đàn này tôi muốn
gửi một lời mời chân thành tới nhân dân Mỹ: Một nước Việt Nam hòa
bình, ổn định, phát triển năng động luôn mở rộng cửa chào đón những
người bạn Mỹ đến tham quan, đầu tư, trao đổi văn hoá, giáo dục và
cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa dân tộc chúng
ta".
Tối 20/6, Chủ tịch nước cùng phái đoàn Việt Nam
đã tới Washington D.C, chuẩn bị cho ngày hoạt động bận rộn thứ ba
tại Mỹ.
|
"Hành động và hành động thật nhanh"
Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm "giáo
dục ĐH là động lực chính yếu cho phát triển xã hội và kinh tế".
2 năm trước, phái đoàn chuyên trách World Bank - UNESCO
về giáo dục của GS Rosovsky và các cộng sự đã nghiên cứu khủng hoảng toàn
cầu xảy ra đối với hệ thống giáo dục ĐH của các nước đang phát triển.
Nghiên cứu đã chỉ ra chất lượng "thấp một cách kinh
ngạc" với chương trình giảng dạy lỗi thời, đội ngũ giảng viên được
đãi ngộ kém, ít tận tụy, cơ sở hạ tầng lạc hậu và quản lý chất lượng sai
lầm.
Phái đoàn này kêu gọi Chính phủ các nước đang phát triển
"hành động và hành động thật nhanh". Chính phủ càng đầu tư nhiều
vào cơ bản và giáo dục phổ thông thì càng kích thích nhu cầu của các cấp
học cao hơn. Đó chính là giá trị của một hệ thống đa dạng với các trường
ĐH nghiên cứu ở vị trí đỉnh cao.
“Trường ĐH hiện đại là một thực thể phức tạp. Những nỗ
lực xây dựng nó thường thất bại. Hơn nữa, trong khi Chính phủ Việt Nam
mong muốn có những trường ĐH đẳng cấp quốc tế, thì vấn đề đặt ra là liệu
có chấp nhận những tiền đề để đạt được mục tiêu này hay không, trong đó
có cả việc trao quyền tự chủ cho các trường ĐH và mở rộng không gian học
thuật", Bob Kerry đặt vấn đề.
Tom Vallely ở ĐH Harvard, người từng gắn bó và khá am
hiểu giáo dục VN, nhận thấy, "nghị quyết 14 (nghị quyết đổi mới toàn
diện giáo dục ĐH Việt Nam - người viết) đã bao hàm những nguyên lý chung
này. Nhưng thách thức hiện nay là thực thi".
Chủ tịch
nước tặng quà cho ông Bob Kerry, Hiệu trưởng Trường ĐH The New
School. Ảnh: AP |
|
"Không nên nhập khẩu thuần túy một mô hình"
Tại diễn đàn, các ý kiến một lần nữa khẳng định "những
nguyên lý quản trị ĐH hữu hiệu áp dụng đúng cho mọi nơi". Đó là cơ
chế quản trị tự chủ, dựa vào tài năng minh bạch, tự do trong học thuật.
Theo GS Blair Sheppard (Hiệu trưởng bổ nhiệm Trường Kinh
doanh Fuqua, ĐH Duke), Chính phủ các nước đang phát triển không thể cung
cấp giáo dục ĐH một mình hay kiếm tiền để mở rộng và nâng cao chất lượng
ĐH thông qua thuế. Mặt khác, cũng không thể phụ thuộc vào khu vực tư nhân,
cũng như rơi vào những sai lầm quen thuộc trong các lĩnh vực như khoa
học cơ bản, giáo dục tổng thể và tiếp cận giáo dục.
Bởi vậy, chính phủ phải xác định rõ vai trò của mình
và khẳng định có thể cung cấp hay tạo điều kiện thuận lợi gì cho giáo
dục. Đồng thời, cũng cần tạo điều kiện cho SV đóng góp, cả tài chính và
sức lực, cho giáo dục.
Nói như Tom Vallely, "thách thức thực thi"
đòi hỏi giáo dục ĐH phải thay đổi. Nhưng điều đó sẽ không loại bỏ vai
trò của nhà nước bằng cách tăng sự tự chủ của các trường ĐH và tăng hiệu
quả của đầu tư nhà nước thông qua cạnh tranh.
Là một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục ĐH ở các nước
phát triển, GS Rosovsky, ĐH Harvard lưu ý VN không nên chỉ nhập khẩu thuần
túy một mô hình nào của nước ngoài mà "ĐH chất lượng cao là một thực
thể kết hợp giữa tinh hoa của dân tộc và thực tiễn của đất nước tại thời
điểm đó cùng với sự chọn lọc những mô hình hay của nước ngoài".
"Quan trọng là phải có nhà lãnh đạo đủ tầm, đủ tư
duy, nhiệt huyết", GS bày tỏ.
Ông Rosovsky cũng nhấn mạnh, không cần lo ngại chỉ những
người giỏi mới vào được trường chất lượng cao. Ngược lại, đó là điều cần
thiết, bởi "trường chất lượng cao phải là nơi tập trung trí tuệ cao
nhất của xã hội".
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
khẳng định, giáo dục là lĩnh vực mà Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch nước kêu gọi các chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ tiếp tục duy trì
các đóng góp và coi đây là "sợi dây nối liền quan hệ giữa hai nước".
Tuấn Anh (từ New York)
(theo VietNamNet) |