Giảng viên trẻ và "hy vọng 10 năm"  
 

(Post 06/06/2007) Nhiều người đã rất ấn tượng với lời tuyên bố của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo khi nhậm chức năm ngoái: “10 năm nữa, giáo dục Việt Nam sẽ khác”. “10 năm nữa” là câu chuyện của thì tương lai. Sự thay đổi của nền giáo dục, nếu có, sẽ phải bắt đầu từ những người thầy. Những giảng viên trẻ đóng góp gì vào sự thay đổi đó? Trả lời câu hỏi này, phải làm rõ vai trò của ba nhân tố chính: giảng viên trẻ - lãnh đạo nhà trường và các nhà hoạch định chính sách.

Sự thay đổi của nền giáo dục, nếu có, sẽ phải bắt đầu từ những người thầy. Những giảng viên trẻ đóng góp gì vào sự thay đổi đó? (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Giảng viên trẻ: Cần bứt phá!

Sẽ là cố chấp và lạc lõng khi cứ hô hào giảng viên trẻ phải cống hiến, phải phấn đấu, trong khi cuộc sống của họ còn chật vật, mức lương còn xa mới đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nhất là ở các thành phố lớn. Nhưng cũng rất thiển cận nếu chỉ chăm chăm quy động lực phấn đấu của họ về góc độ thu nhập.

Lẽ nào ngôi đền tri thức không hấp dẫn những người trẻ, khi họ bước qua nó để tìm đến những cơ hội mới một cách không vương vấn?

Lẽ nào chỉ giải bài toán ấy bằng những công thức toán học khô khan, rằng nếu ở lại thì thu nhập một tháng chỉ hơn một triệu, trong khi ra làm doanh nghiệp, ”tung tăng” với không gian rộng mở của cơ chế khoáng đạt, mức lương khởi điểm sẽ là gấp đôi, gấp ba lần?

Rất nhiều giảng viên trẻ vẫn đang miệt mài với công việc của mình, bất chấp độ nóng và sức hấp dẫn của những môi trường “dễ chịu” khác, chỉ với tâm niệm: đã làm nghề, phải làm cho tốt.

Có những giảng viên lặng lẽ trang bị cho mình vốn ngoại ngữ và tri thức nền đáng nể, lặng lẽ tìm kiếm học bổng du học, nâng cao tri thức để gắn bó lâu dài với nghiệp.

Có những giảng viên coi việc làm thêm là lẽ đương nhiên, khi tri thức thực tiễn còn mỏng mảnh, vốn sống hạn chế, nhưng dù thu nhập bên ngoài cao bao nhiêu vẫn quyết gắn với nghề dạy học, vì “nhiều bạn trẻ cũng khao khát vươn lên và bỡ ngỡ như mình mươi năm trước”! Nỗ lực ấy đã làm nên những nhà khoa học “có tầm” khi còn rất trẻ...

GS. Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Clay, một trong những giải thưởng uy tín nhất của các nhà toán học trên thế giới, khi mới ngoài 30 tuổi. Tiến sĩ Trần Ngọc Nam, Khoa Toán – Tin, ĐHKHTN Hà Nội, lặng lẽ với những công thức toán học để ghi danh vào danh sách những nhà khoa học tiêu biểu của ĐHQG, bên những tên tuổi “cây đa”, “cây đề” khác. Chưa kể những giảng viên trẻ, những nhà quản lý có uy tín như thạc sĩ Phạm Thị Song Hạnh - ĐH Ngoại thương, hay vị “trưởng khoa tuổi 25” Hoàng Gia Thư của ĐH Hà Nội… đang góp phần làm nên chân dung những giảng viên trẻ đầy năng động và nhiệt huyết, ít nhiều ghi dấu ấn trong giới trẻ.

Không thể đổ trách nhiệm cho... tổ trưởng bộ môn (!)

Nhưng, thẳng thắn mà nói những nỗ lực đơn lẻ và đầy tính cá nhân ấy chưa đủ sức làm nên niềm tin về sự đổi thay của nền giáo dục ĐH 10 năm, thậm chí 20 năm nữa. Có vị giáo sư, phụ trách một khoa vốn nổi danh của ngành KHXH và NV đặt vấn đề: giảng viên trẻ phải biết đặt những mong muốn vật chất sang một bên vì chấp nhận làm giảng viên thực chất là chấp nhận “có bi kịch”(?!) Một vị hiệu trưởng khác thì đánh giá: có giữ chân được giảng viên trẻ hay không là ở... tổ trưởng bộ môn! Ông ấy tận tâm, nhiệt tình, quan tâm đến giảng viên trẻ sẽ tạo được môi trường tốt cho họ gắn bó, phấn đấu, chứ cả trường 400- 500 giảng viên thì hiệu trưởng làm sao nắm hết được(!)

Có vẻ như nhiều nhà quản lý vẫn chưa có thói quen đặt mình vào hoàn cảnh của những người dưới quyền, những giảng viên trẻ với bao lo toan, trăn trở trước ngưỡng cửa cuộc sống và nghề nghiệp. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn coi chuyện tuyển dụng giảng viên trẻ như tuyển dụng cán bộ hành chính thông thường mà chưa có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị cho tương lai. Không ít cán bộ quản lý vẫn nặng trong đầu tâm lý: trẻ thì phải chịu khổ, chịu vất vả, vì so với thời bao cấp, chiến tranh thì đã thấm tháp gì(!)

Những vướng mắc, bất cập ấy đang cản trở hành trình đi đến một nền giáo dục hiện đại, với những giảng viên đầy năng lực và tâm huyết, được đặt đúng chỗ, được đánh giá đúng khả năng và thể hiện được năng lực của mình. Nó sẽ còn là di chứng dai dẳng khi đây đó trong nhận thức giới trẻ và tâm lý xã hội đã đánh giá: ai ở lại trường giảng dạy là kém năng động, là chui mình trong vỏ ốc cố thủ! Nguy hại hơn, có những nhà quản lý cũng ngầm thoả hiệp với lối tư duy đó, khi hạ thấp tiêu chí tuyển chọn giảng viên, "miễn là người muốn gắn bó với trường"!

Tháo gỡ "vòng kim cô" cơ chế

Đã có bạn đọc phản ánh về tình trạng "người thi trượt ĐH nghiễm nhiên trở thành giảng viên ĐH" nhờ phong trào rầm rộ "nâng cấp" các trường trung cấp, dạy nghề lên bậc cao hơn! Lại có bạn đọc nêu dẫn chứng về những giảng viên trẻ đã sớm thỏa mãn với vị trí công việc của mình, không sốt sắng với những cải tiến và thay đổi cho phù hợp... Chưa kể, nhiều ông bố, bà mẹ có tâm lý coi nghề dạy học là nghề “yên ổn” nên cố tìm cách "chạy" cho con một suất ở lại trường.

Nghề dạy học vẫn “đắt giá”. Chỉ có điều đó là sự đắt giá trên những mục đích khác, không gắn với một mặt bằng tri thức và niềm say mê thực sự. Cho nên, chuyện người được giữ ở lại trường không phải là người xuất sắc không phải là chuyện hiếm. Nhiều giảng viên trẻ trong con mắt sinh viên không tạo được sự nể vì, tin cậy đã đành, mà ngay cả lớp sinh viên cùng khoá cũng nhìn người được giữ lại trường bằng con mắt không mấy tròn trịa. Uy tín của nhà trường, của môi trường giáo dục vì thế cũng mai một trong cái nhìn của không ít học trò…

Bài toán thu nhập gắn liền với vòng kim cô của cơ chế "cầm tay chỉ việc" đã vượt quá tầm mức giải quyết của mỗi nhà trường. Làm khoa học để cải thiện đời sống hay tạo điều kiện cho giảng viên trẻ chạy “sô”, dạy nhiều lên đều không phải là giải pháp triệt để và hợp lý.

Còn quá sớm để nói về sự thay đổi của nền giáo dục ĐH, khi những thành tố làm nên nó còn nguyên đó những bất cập, chưa có giải pháp căn cơ.

Hơn 10 năm trước, Phó Chủ tịch QH, GS. Vũ Đình Cự đã làm nhiều người xúc động khi ông kể câu chuyện về một cô sinh viên giỏi được giữ lại trường: “Em chỉ mong đủ sống để theo thầy làm khoa học suốt đời!”. Không day dứt sao được khi 10 năm sau, ước mơ giản dị ấy vẫn là bài toán khó. Đó là câu chuyện của cơ chế mà nếu không tháo gỡ thì việc hô hào "giáo dục là quốc sách hàng đầu" chỉ là câu khẩu hiệu vô hồn, không có giá trị đích thực trong hệ thống chính sách quốc gia.

“10 năm nữa, giáo dục Việt Nam sẽ khác”. Đó là một ước mơ đẹp và nó chỉ thành hiện thực khi có một kế hoạch dài hạn và triệt để. Không nghi ngờ gì nữa, sự thay đổi của nền giáo dục nếu có sẽ phải bắt đầu từ những người thầy. Sẽ là vô trách nhiệm nếu để mặc họ trong những giằng níu của cơ chế, để những khát vọng khoa học mỏi mòn và bị quên lãng trong vô vàn những bất cập, trì trệ kéo dài. Đó cũng là mong mỏi của nhiều bạn đọc gửi đến VietNamNet trước khi chúng tôi khép lại chuyên đề này.

Ban Giáo dục
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Đào tạo nghề: Thiếu và yếu"Quân máy tính” vào Sài Gòn, tháng 5 năm 1975
"Quân máy tính” vào Sài Gòn năm 1975Kể tiếp chuyện “Đội quân máy tính” tiếp quản Sài Gòn
Nhớ lại những ngày khó quên ở phòng Toán Học Tính ToánBộ Khoa học và Công nghệ - Nơi đặt nền tảng cho sự phát triển Công nghệ Thông tin Việt nam
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11