Kể tiếp chuyện “Đội quân máy tính” tiếp quản Sài Gòn  
 

(Post 23/02/2007) VP. Hội Tin Học TP.HCM nhận được bài viết của GSTS. Nguyễn Lãm về câu chuyện của những người lính làm tin học phía Bắc vào Nam những ngày tháng 04 cách đây 32 năm. Đối với nhiều người trong chúng ta, kỷ niệm về những ngày tháng lịch sừ ấy thật khó quên. Bởi vì cùng đi với những kỷ niệm này là những tháng ngày của tuổi trẻ, của hoài bão trong vận hội lớn lao của đất nước. Kỷ niệm ngày 30/04 thống nhất đất nước sắp đến, HCA trân trọng giới thiệu với các Anh Chị Hội viên những thước phim quý báu do một trong những người tiên phong xây dựng ngành CNTT của chúng ta - GSTS. Nguyễn Lãm - ghi lại.

Ảnh chụp vào tháng 5/1975 bên bàn điều khiển máy tính IBM360/50.
Từ trái sang phải: Đại úy Nguyễn Lãm, Anh Âu,chuyên gia Việt kiều ở Pháp,trung úy Lê thanh Nhân,
cán bộ Trung tâm Toán –Máy tính quân đội và ba nhân viên cũ của trung tâm IBM360/50.
(ảnh chụp lại ngày 19/03/2007)

Về lịch sử tiếp quản các máy tính ở miền Nam sau ngày giải phóng và tổ chức khai thác các máy IBM360/50, IBM360/40, IBM360/30, IBM360/20 do Trung tâm Toán –Máy tính quân đội quản lý, đã có nhiều phóng viên ghi lại theo lời kể của một vài người (anh Trần Thế Nam, anh Lê Tự Thành, anh Nguyễn Trọng, anh Nguyễn Quang Bắc…), cũng đã phản ánh một số nét trong những ngày mới vào tiếp quản máy tính ở thành phố Sài gòn. Ngoài những máy đã kể trên đây,liên quan đến quân đội còn một số máy khác như IBM360/20 của Bộ tư lệnh Hải quân quản lý mà trước đây Bộ tư lệnh Hải quân quân đội Sài gòn dùng để nắm quân số,vật tư,trang bị; máy Univac của bộ tư lệnh Không quân mà trước đây quân đội Sài gòn dùng để nắm trang bị vật tư cho Không quân. Sau khi tiếp quản một ít lâu, máy Univac được tháo dỡ đưa từ Biên Hoà về Tân sơn Nhất và giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không quản lý. Việc vào chiếm lĩnh các trung tâm máy tính của Mỹ và quân đội Sài gòn, đầu tiên là do các đơn vị chiến đấu chủ lực, nhưng nhờ có “đội quân máy tính” tiếp nhận nhanh chóng nên nói chung đã đảm bảo an toàn được cho hầu hết các trung tâm máy tính ở Sài gòn. Một câu chuyện về chiếm giữ trung tâm máy tính của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài gòn có dàn máy IBM360/40 mà tôi được đại tá Chu văn Hồ, chỉ huy trưởng trung tâm này kể lại là: hai cha con anh Chu văn Hồ giữ toàn bộ chìa khoá các phòng máy và đã nằm suốt cả đêm hôm đó ở trung tâm để chờ đợi quân giải phóng vào. Khi quân ta vào, thì cha con anh Chu văn Hồ đã giao chìa khoá từng phòng máy cho bộ đội ta, vì thế mọi thiết bị và tài liệu thuộc trung tâm này hầu như còn nguyên vẹn. Về sau, chúng tôi chẳng những khai thác máy IBM360/40 của trung tâm rất chủ động, phục vụ được nhiều yêu cầu mà còn cung cấp cho quân đội ta được nhiều dữ liệu về quân đội Sài gòn mà trước đây đã được lưu trữ ở nơi này.

Vào thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, Viện KTQS rất nhạy bén nên đã đề xuất với cấp trên tổ chức những đoàn cán bộ vào miền Nam trước ngày giải phóng để chuẩn bị tiếp quản những cơ sở khoa học kỹ thuật (lúc đó Viện chưa biết một cách chắc chắn miền Nam có máy tính hay không). Được tham gia vào những đoàn này là một vinh dự lớn! Không phải ai muốn đi cũng được. Trong hồi ức “Từ nhà trường đi vào hai cuộc kháng chiến” của Hoàng Đình Phu kể lại vào tháng 3/1975, Viện KTQS được Bộ Tổng Tham mưu cho phép vào tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ - quân đội Sài gòn cũ tại các nơi mà ta vừa giải phóng. Đoàn có 3 người: Đại tá Hoàng đình Phu,anh Nguyễn Đăng Đắc, đại diện Bộ tham mưu Tổng cục Kỹ thuật và anh Bùi Quang Độ, cán bộ nghiên cứu Phòng Điện tử Viện KTQS.Thật ra, lúc bấy giờ Viện KTQS chủ yếu quan tâm đến những thiết bị điện tử, đặc biệt là hệ thống thông tin đối lưu ICS, là hệ thông tin hiện đại nhất của Mỹ mà phòng Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quân sự của Viện trước đây đã bỏ ra khá nhiều công sức sưu tầm tài liệu về nó. Khi anh Hoàng đình Phu đang ở Đà nẵng thì theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật, Viện KTQS đã cử thêm một đoàn cán bộ do anh Ngô Đình Liêu, cán bộ Viện KTQS làm trưởng đoàn, đi theo các đơn vị chiến đấu của ta ven biển miền Trung để tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật các vùng mới giải phóng. Hồi ức ghi lại “Đến Phan Rang, đoàn anh Liêu rẽ lên Đà Lạt, tiếp quản lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tiếp quản xong lò phản ứng hạt nhân, đoàn của anh Liêu để lại một bộ phận ở đó để quản lý và quay xuống Sài gòn. Tôi gặp anh Liêu và nhiều cán bộ của Viện ở Tân Sơn Nhất mới tiếp quản xong hai trung tâm máy tính IBM360/40 và IBM360/50 trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người.”

Một ít lâu sau khi tiếp quản Sài gòn, anh Hoàng Đình Phu quay ra Bắc chuẩn bị thêm lực lượng bổ sung cho tiếp quản và nhanh chóng trở vào lại Sài gòn. Lần này, vì có tiếp quản máy tính điện tử nên tôi được cử đi. Trong nhiều việc phải làm, tôi xin kể ra đây một vài việc mà tôi còn ghi nhớ. Để cho các sĩ quan quân đội Sài gòn cũ đang ở lại làm việc với ta tại trung tâm IBM360/40 yên tâm, tôi xin gặp Thượng tướng Trần văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố đề nghị thượng tướng đến nói chuyện với số sĩ quan này, trong đó có đại tá Chu văn Hồ. Thượng tướng Trần văn Trà nhận lời ngay và đã đến nói chuyện. Trước đó, sau khi giải phóng Sài gòn, thượng tướng Trần văn Trà vào ngày 7/5/1975 đã thay mặt Ủy ban Quân quản đọc diễn văn ra mắt trước đông đảo đồng bào ở sân “Dinh Độc lập”, đã nhấn mạnh: “Non sông Việt nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau lần đầu tiên trên một thế kỷ nay sạch hết bóng thù hắc ám của quân xâm lược nước ngoài... Cả nước đã giành được độc lập trọn vẹn và tự do thật sự... Dân tộc ta từ đây nhất định trường tồn và phát triển... Không một thế lực phản động nào có thể ngăn cản bước đường của dân tộc ta đi lên,tiến tới, tạo lập cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc muôn đời... Toàn thể dân tộc Việt nam là người chiến thắng... Bất cứ ai còn mang giòng máu Việt nam đều có quyền tự hào về chiến thắng chung của cả dân tộc... Mỗi người Việt nam biết nghĩ đến dân đến nước không thể không mừng vui sâu sắc trước tiền đồ rộng mở của quê hương đất nước... Con cháu chúng ta, con em của mọi từng lớp trong xã hội mới cũng đều được lớn lên mãi mãi từ đây trong tinh thần tự hào dân tộc, sống ngẩng cao đầu, được vui, được học, được làm việc trong một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nước nhà... Chúng ta không hổ thẹn với ngàn năm tổ tiên về trước... Chúng ta đã không phụ lòng tin yêu trìu mến của anh em, bè bạn ta trên thế giới... Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử này là thắng lợi của truyền thống dân tộc anh hùng được đào luyện qua bốn nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó được cách mạng hết lòng gìn giữ và không ngừng phát huy cao độ... Có độc lập, có hoà bình, người dân có ý thức làm chủ là có tất cả...” Khi tiếp xúc với số sĩ quan cũ ở trung tâm IBM360/40, không phải thượng tướng Trần văn Trà đọc lại nguyên văn diễn văn này, nhưng những ý chủ yếu thì thượng tướng có nhắc đến. Buổi gặp gỡ đó thực sự có ích. Số sĩ quan cũ ở lại làm việc ở Trung tâm đã yên tâm hơn, đã cùng với anh em ta khai thác máy rất hiệu quả.

Thượng tướng Trần văn Trà còn ký cho chúng tôi một tập giấy giới thiệu để đi tìm hiểu về máy tính ở các nơi khác, muốn đi đâu cũng được. Nhờ có giấy giới thiệu này chúng tôi đã đến nhiều trung tâm máy tính, phần lớn các trung tâm này có máy IBM360/40. Nơi nào chưa có người cai quản, chúng tôi cử người đến quản lý, sau đó bàn giao lại cho các Bộ chủ quản. Riêng trong khu sân bay Tân sơn Nhất, vào dịp này, ngoài 3 cơ sở IBM360/40, IBM360/50, Univac đã tiếp quản và quân đội đang quản lý, tôi đến khu máy tính IBM360/30 chưa ai đến. Ở đấy là cơ sở máy tính của hãng PACIFIC, một hãng của Mỹ chuyên dùng máy tính IBM360/30 để quản lý vật tư xây dựng các công trình quân sự cho Mỹ và quân đội Sài gòn. Các phòng đặt máy cũng như phòng làm việc của cơ sở này khi chúng tôi đến đang ngổn ngang, ngập ngụa giấy đủ các loại và rất bẩn thỉu. Tôi tổ chức anh em dọn dẹp, sau đó tìm hiểu máy và phân công anh em canh giữ. Lúc đó chưa chuẩn bị mọi yếu tố cần thiết để cho máy chạy. Về sau này, khi tăng cường thêm lực lượng ở Bắc vào, Trung tâm đã tìm cách khôi phục máy này, cho máy làm việc và kết quả tuy rất hạn chế, nhưng IBM360/30 cũng tham gia làm được một số việc.

Trung tâm IBM360/50 ở khu vực MACVI/DAO,Tân Sơn Nhất gọi là Trung tâm Điện toán Tiếp vận, là trung tâm xử lý số liệu hậu cần của Mỹ- quân đội Sài gòn mà toàn bộ vật tư của kho Long Bình từ cái kim sợi chỉ đều có số liệu được cập nhật thường xuyên trên máy này. Trước đây,vào khoảng cuối những năm 60 đầu những năm 70, Mỹ dùng IBM360/50 này để phục vụ cho chỉ huy không quân trên cả khu vực Đông Nam Á. Đây là máy tính có năng lực lớn nhất ở miền Nam lúc bấy giờ. Nói rộng ra thì ở miền Nam vào thời điểm đó có một trình độ ứng dụng tin học cao hơn tất cả các quốc gia khác trong khu vực và máy IBM360/50 cũng là máy có năng lực lớn nhất khu vực.

Cùng với một số chuyên gia kỹ thuật của trung tâm cũ còn ở lại, cán bộ trung tâm Toán- Máy tính vào tiếp quản đã khôi phục cho máy làm việc và chúng tôi đã khẩn trương liên hệ với các bộ, ngành, cơ quan nhà nước khai thác máy mà một trong những bài toán xử lý có hiệu quả nổi bật là xử lý dữ liệu thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Về sau này, năm 1992 anh Chu Việt Cường chủ trì nghiên cứu một đề tài nhà nước góp phần vào việc khai thác dầu khí của Liên doanh dầu khí Vietsopetro :”xây dựng bộ chương trình xử lý các thông số cơ lý hoá của mẫu hỗn hợp dầu khí”; năm 1993 anh Nguyễn Quang Bắc nghiên cứu đề tài “Thiết kế hệ thu thập ,xử lý tin tự động cho giàn khoan và tàu chở dầu”.

Đại úy Nguyễn Lãm( bên phải) cùng với anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung (giữa)
và thượng úy Đặng Minh Ngạc(cán bộ VKTQS) ở sân bay Tân sơn Nhất
vào tháng 5/1975. (ảnh chụp lại ngày 19/03/2007)

Anh Trần duy Thoả, một cán bộ của Trung tâm Toán – Máy tính quân đội, trong số những người vào tiếp quản máy tính đầu tiên, có viết một báo cáo cho biết: chiều ngày 02/5/1975, phát hiện được dàn máy IBM360/20 của trung tâm Điện toán Bộ quốc phòng quân đội Sài gòn ở 63 đường Gia long. Ngày 5/5/1975 anh Thoả được giao nhiệm vụ tiếp quản, chốt giữ. Trung tâm này thuộc Tổng nha Tài chính và Thanh tra Quân khí của Quân đội Sài gòn, nên sau đó, ngày 9/5/1975 đồng chí Lê Quang Sa, trung tá trưởng đoàn tiếp quản của Cục Tài vụ Bộ Quốc phòng cũng cử cán bộ tới tiếp quản. Sau khi thảo luận, hai bên thống nhất giao cho anh Thoả phụ trách. Cục Tài vụ có anh Huỳnh Ngọc, kỹ sư máy tính, tham gia. Trung tâm này đã hoạt động từ tháng 7 năm 1973 nhằm điện toán hoá lương bổng và phụ cấp cho toàn thể Quân lực Việt nam cộng hoà, điện toán hoá công tác dự trù và thi hành Ngân sách quốc phòng, điều hợp quân số hưởng lương và quân số hiện diện, yểm trợ Tổng nha Nhân lực về việc quản trị tài nguyên nhân lực. Báo cáo trình bày rất tỷ mỷ về lợi ích của Trung tâm trong việc thống kê quân số, sử dụng ngân sách, sử dụng nhân viên; trình bày biên chế tổ chức của trung tâm; ý chừng anh muốn thuyết phục quân đội ta xây dựng một trung tâm theo mô hình này để quản lý tài chính quân đội. Báo cáo cũng cho biết tình trạng thiết bị, nguyên liệu, vật tư, phương tiện làm việc và các loại hồ sơ tài liệu ở trung tâm.

Để khôi phục lại hoạt động của máy IBM360/20, các anh đã cho gọi 5 sĩ quan và nhân viên cũ chủ chốt đến khai thác tình hình và giao nhiệm vụ cho họ thông báo lại cho toàn bộ nhân viên cũ làm việc ở trung tâm đến gặp. Sau khi tiếp xúc với nhiều nhân viên cũ , cuối cùng các anh đã sử dụng trở lại một số nhân viên sau: một trưởng ban thảo chương , một điều hành viên điện tử, một xuyên phiếu viên, một thợ sửa chữa điện và máy lạnh, một lao công vệ sinh.

Thấy tình hình bảo quản trang thiết bị ,vật tư của một số cơ sở máy tính tiếp quản được chưa chặt chẽ, anh đề nghị cấp trên một số việc cần phải làm “có mệnh lệnh chính thức đối với các cơ quan đã và sẽ tiếp quản cơ quan Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ và quyền hạn của chúng tôi (cán bộ Trung tâm Toán –Máy tính). Vừa rồi,qua hai lần di chuyển, bàn giao đã có nhiều chuyện đáng tiếc: tháo dỡ,di chuyển và phá hỏng nhiều tài sản công.”

Nói thêm vài nét về trung tâm ở Bộ tổng tham mưu quân đội Sài gòn. Trung tâm này đầu tiên gọi là trung tâm Điện cơ Kế toán, nhưng từ năm 1968 thì đổi là Trung tâm Khai thác An Bài Điện tử. Trung tâm trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt nam Cộng hoà (TTM/QLVNCH) dưới sự giám sát hoạt động của Phòng Tổng Quản trị - Bộ TTM quân lực Việt nam cộng hoà. Trung tâm có chức trách xử lý dữ liệu cho quản lý quân số, tuyển quân. Trước thì Trung tâm này có máy IBM360/20, cuối năm 1972 thì được trang bị máy IBM360/40. Trung tâm đảm trách những công việc: thống kê quân số, thiết lập danh sách và lệnh gọi nhập ngũ, yểm trợ việc quản trị nhân viên. Ngoài ra trung tâm còn hỗ trợ cho các trung tâm khác như Điện toán Tiếp vận, Điện toán Hải quân, Điện toán Không quân. Nhờ chúng ta tiếp quản thành công và khôi phục được hoạt động của trung tâm này mà đã cung cấp được nhiều dữ liệu quan trọng về sĩ quan quân đội Sài gòn cho các cơ quan chức năng của ta xử lý trong quá trình giáo dục cải tạo họ sau này.

Sau khoảng một tháng ở Sài gòn, tôi ra lại miền Bắc để tổ chức lực lương bổ sung cho các trung tâm ở phía Nam. Việc bổ sung được thực hiện trong nhiều đợt vào nhiều thời điểm khác nhau. Anh Nguyễn Trọng là một trong những người được bổ sung vào sớm và anh được giao trách nhiệm phụ trách cơ sở IBM360/40. Quyết định bổ sung lực lượng cho phía Nam được triển khai rất nhanh và khi giao nhiệm vụ không nói đi công tác trong bao nhiêu lâu, nhưng tất cả đều yên tâm, phấn khởi lên đường. Không ngờ, nhiều cán bộ của Trung tâm đi công tác trong những đợt này đã ở thành phố Hồ Chí Minh lâu dài, phải chuyển vùng từ Bắc vào Nam và hầu như tất cả cán bộ này về sau đã định cư cùng với gia đình ở TP. Hồ Chí Minh. Những đợt đi công tác này không khỏi làm cho các chị nhà bất ngờ và băn khoăn. Những người đi trước khi giải phóng miền Nam hầu hết đều thuộc diện độc thân (trừ anh Trần duy Thoả). Lần này thì nhiều người đã có vợ, con, nên việc quyết định ở lại lâu dài ở miền Nam không phải đơn giản! Các anh ở cơ sở 2 lúc đó phải đối phó biết bao khó khăn trở ngại từ điện, nước, điều hoà nhiệt độ cho máy làm việc đến những điều kiện tối thiểu đảm bảo sinh hoạt cho anh chị em, thực hiện những quyền lợi tối thiểu của sĩ quan như lương bổng, đề bạt, đi nghỉ phép…

Trong quá trình tổ chức khai thác các máy tính phía Nam phục vụ các hoạt động của quân đội cũng như các hoạt động kinh tế- xã hội, các anh Sơn, anh Trọng thường xuyên viết thư, báo cáo công việc rất cụ thể. Những bức thư dài trình bày việc phân tích, thiết kế các hệ xử lý thông tin về quản lý cán bộ; những suy nghĩ đề xuất của các anh về tổ chức khai thác và nhiều vấn đề khác. Các anh làm việc với cán bộ thường trực của cục Cán bộ trong ấy để bàn việc quản lý cán bộ B2, quản lý trên cơ sở thông tin từng người (mỗi người 150 ký tự).

Thời gian đầu mới vào, chưa biết triển khai công việc ra sao nên có người không yên tâm, nhưng đến tháng 10/1975 thì công việc lại dồn dập, thiếu người. Anh Trọng phải xin bổ sung anh Huân từ cơ sở máy 30 sang hỗ trợ cho 40. Thư anh Trọng viết: ”Bài toán cán bộ: đã hoàn thành số liệu và chương trình (gồm 55 biểu mẫu báo cáo và 5 chương trình phục vụ). Hiện nay lẽ ra là bắt đầu lấy kết quả nhưng vừa rồi cục cán bộ lại yêu cầu sửa đổi các mẫu báo cáo mà như vậy thì toàn bộ hệ thống chương trình cho 55 báo cáo ấy đều phải sửa khá lớn!(báo cáo nào các ông ấy cũng có những sửa đổi). Bọn em quyết định là sẽ làm việc này ngay vì hệ thống chương trình này có khả năng sẽ sử dụng lâu dài nên mình chịu khó sửa đổi sao cho phục vụ được tốt nhất cho yêu cầu quản lý. Song song với việc sửa các chương trình bọn em đang chuẩn bị các văn bản và chương trình cho vấn đề chỉnh lý tiểu sử. Cụ thể là em đang chuẩn bị mẫu báo cáo chỉnh lý tiểu sử và bản hướng dẫn cách làm báo cáo ấy. Minh, Nam, Nựu đang nghiên cứu viết chương trình phiên mã thành chỉ danh để in lại toàn bộ tiểu sử đã ghi trên băng. Em, Huân, Lợi đang làm chương trình nhật tu (vì công việc nhiều quá mà bên máy 30 của Huân lại chưa làm gì nên a.Sơn đã đồng ý để Huân giúp 40 hoàn thành công tác). Tuần sau in xong mẫu báo cáo chỉnh lý và bản hướng dẫn báo cáo bọn em sẽ in danh sách cán bộ của từng đầu mối (sư đoàn) rồi đi xuống các sư đoàn kiểm tra so sánh với tình trạng thực tế chỉnh lý lại đồng thời hướng dẫn cho các cơ quan cán bộ ấy làm báo cáo chỉnh lý. Khoảng giữa tháng 11 có thể sẽ cho chạy các chương trình nhật tu và trên cơ sở đó có thể kết luận một bước căn bản công tác quản lý nhân sự trên máy tính cho ta.”

Máy tính IBM360/40. Ảnh lấy từ internet

Ngoài quản lý cán bộ còn làm kiểm kê quân số theo yêu cầu của Quân lực, thống kê trang bị vũ khí, tổng hợp, phân tích tăng giảm theo từng nguyên nhân cho toàn bộ trang bị vũ khí. Tình hình sức khoẻ của anh em lúc đó cũng rất đáng lo ngại: nhiều anh bị ốm ,phải đi nằm viện. Số anh em ở cơ sở 40 được phân ra mấy nhóm công tác: Anh Lợi chịu trách nhiệm về kho tàng, vật tư, thiết bị, doanh trại; anh Nam về chạy máy; anh Minh về phân tích hệ thống và chương trình. Mỗi nhóm có một số nhân viên cũ làm việc dưới sự chỉ huy của cán bộ Trung tâm. Sau một thời gian ngắn, các anh đã viết thạo chương trình và chạy máy được như đã từng làm với Minsk-32. Làm bất cứ một việc gì, các anh đều có thói quen suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo. Khi tổ chức dữ liệu trên bìa với số lượng lớn, anh Trọng phân tích dẫn đến bài toán xếp thông tin lên bìa. Vấn đề được đặt ra là: trong các quy trình quản lý thực hiện trên máy tính điện tử ta thường phải đưa một khối lượng lớn các bản kê khai có độ dài, cấu trúc cố định lên bìa. Trường hợp các bản kê khai đó có không đầy đủ các chỉ tiêu kê khai thì việc sắp xếp thứ tự các chỉ tiêu và quyết định bao nhiêu và là chỉ tiêu nào được cùng đưa lên một bìa nhiều khi dẫn đến những tiết kiệm đáng kể. Trong thực tiễn, chúng tôi đã gặp các hệ thống mà chỉ cần biết sắp xếp thông minh đã đủ tiết kiệm hàng triệu bìa, đó là chưa nói đến vấn đề sắp xếp tối ưu mà bài toán đặt ra đây nhằm mục đích giải quyết.

Bài toán mà các anh dẫn đến là bài toán quy hoạch Bun. Giả sử một bìa mang không quá b lỗ đục, phải dùng bao nhiêu bìa để chứa một bản kê khai và các chỉ tiêu nào cần đưa lên 1 bìa để tổng số bìa phải dùng là ít nhất? Các anh đã trình bày phương pháp giải bài toán đặt ra. Không phải kết quả bàì toán này sau đó được đưa vào quy trình chuẩn bị thông tin lên bìa một cách chính thức, nhưng việc phân tích tổ chức thông tin cho nhiều quy trình xử lý trong trung tâm đều có khai thác ý tưởng này. Tất nhiên, ngày nay không dùng bìa để nhập thông tin vào máy tính nên bài toán không còn ý nghĩa với chúng ta, nhưng tư tưởng giải quyết vấn đề, ý nghĩa sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ thì vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Anh Sơn vào Sài gòn thì nhanh chóng triển khai công việc và thường xuyên viết thư báo cáo công việc. Thư của anh Sơn thì đề cập đến nhiều mặt hoạt động của cơ sở 2 Trung tâm Toán –Máy tính quân đội: đảm bảo kỹ thuật,quản lý cán bộ, lãnh đạo Đảng và nhiều vấn đề khác. Về công tác chuyên môn, sau một thời gian khoảng một năm (ngày 14/8/1976), anh Sơn cho biết: ”B50 (trung tâm IBM360/50) hiện đang làm kiểm kê kho Long Bình và quản lý cấp phát. Bước đầu đã xong phần kiểm kê.Tổng cục và Tổng kho nhiệt liệt khen ngợi.. Đang kiểm kê cho cục Quân khí, đến 18/8 là xong. Việc làm với Việt kiều đang tiến hành. Nhiệm vụ mà đ/c biên thư cho thì hiện nay chủ yếu làm được 1 thôi, chủ yếu chạy thử và chỉnh lý hệ chương trình. Còn Display, viễn toán thì không làm được vì anh Chiếu (một Việt kiều, chuyên gia về tin học ở Pháp được UBKHKTNN mời về) làm phần mềm, không biết phần cứng mấy. Máy IBM360/30 đã làm xong nhiệm vụ kiểm kê cho Phòng không không quân (máy làm việc ọc ạch lắm). Nếu không có máy 50 yểm trợ thì nhỡ hết công việc. Sẽ làm thêm một số việc khác với PKKQ (Phòng không không quân). Máy 40 đang tiếp tục làm việc với cục cán bộ như đ/c đã biết. Cục 2 đang tiếp tục học và sẽ làm việc ở máy 50 (đã học xong assembler, cobol,sắp học Fortran) sau đó sẽ có 1 tháng làm việc trên máy . Nói chung tốt. Còn tình hình nhiệm vụ cụ thể sắp tới (18 hoặc 20/8) tôi sẽ đi phép và sẽ báo cáo với đ/c tỷ mỷ. Huân ra dịp này như ý định của đ/c đã biên thư cho tôi. Còn 3 người mới vào tôi đã bố trí. Đang tạm nghỉ vài buổi, sẽ phân công cụ thể ra sao, hôm ra tôi sẽ báo cáo lại. Nói chung công việc từ nay đến cuối năm cũng tương đối nhiều và máy làm việc tốt. Còn về công tác bảo trì máy có gặp khó khăn,nhiều nhất là nguyên vật liệu thay thế. Công ty IBM hiện nay cũng đã cạn rồi, hơn nữa ta chưa trả tiền nên có một số bộ phận hỏng họ không thay cho”.

Bằng mối quan hệ khá linh hoạt,cơ sở 2 đã mua được máy vi tính ngay từ năm đầu mới xuất hiện vi tính trên thị trường cho Trung tâm. Anh Sơn báo cáo: ”máy vi tính đầu tháng 10 mới về đến cảng Sài gòn. Phương tiên chuyên chở bằng tàu thuỷ nên thời gian không chắc chắn ,nhưng đã rời cảng từ nước ngoài rồi. Cấu hình máy: 1 CPU bộ nhớ 512k,1 ổ đĩa cứng 30Mb,một ổ đĩa mềm 1,2Mb,1 màn hình thường,1 máy in nhanh…”.

Nhờ có cơ sở 2 mà các đoàn cán bộ của trung tâm vào công tác ở Học viện Đà lạt được thuận lợi hơn.Các anh tìm cách xin máy bay quân sự cho cán bộ đi lại. Nhưng nhiều khi không có máy bay ,cán bộ phải nằm chờ đợi nhiều ngày ở cơ sở 2. Những lần đó anh Sơn viết thư cho biết ”mặc dù đã tha thiết đề nghị với anh Dương (thường trực cục Tác chiến), vẫn không giải quyết được cho đoàn ra hết đợt này, chỉ giải quyết được cho 2 đ/c ra trước là đ/c Trinh và đ/c Lê Trường Tùng. Trong thời gian chờ đợi, tôi đã tổ chức cho các đồng chí ở lại giới thiệu những nội dung đã triển khai trong đợt diễn tập vừa qua cho anh em cơ sở 2 để anh em cơ sở 2 sớm nắm được những nội dung nhiệm vụ mà anh vừa qua đã có chỉ thị cho cơ sở 2 đàm nhiệm với Học viện Đà Lạt”. Anh Sơn cũng phản ảnh thêm: đoàn công tác ở Đà Lạt được Học viện đánh giá cao. Anh em thì phấn khởi,có được niềm tin vào ứng dụng máy tính trong chỉ huy.

Nguyễn Lãm
Ủy viên Ban Chấp Hành HCA

(theo Hội Tin học TpHCM)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Nhớ lại những ngày khó quên ở phòng Toán Học Tính ToánBộ Khoa học và Công nghệ - Nơi đặt nền tảng cho sự phát triển Công nghệ Thông tin Việt nam
Hướng nghiệp: Mạnh ai… nấy làm!Tốt nghiệp để... thất nghiệp
Tôi đã đi xin việc như thế nào? - Phần sauTôi đã đi xin việc như thế nào? - Phần đầu
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11