(Post 19/05/2007) Bài viết sau đây của GS.TS
Nguyễn Lãm gởi Hội Tin Học TP.HCM nhân dịp Viện Công nghệ Thông Tin kỷ
niệm 30 năm thành lập (27/12/1976 - 27/12/2006). Tiền thân của Viện là
Phòng Toán Học Tính Toán thuộc Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật Nhà Nước mà GS.TS
Nguyễn Lãm là người phụ trách cho đến năm 1972. GS.TS Nguyễn Lãm là một
trong những cán bộ lão thành trong ngành CNTT, hiện nay GS là Ủy viên
Ban Chấp Hành Hội Tin Học TP.HCM và là Giám đốc Trung tâm Tin Học Đại
Học Lương Thế Vinh (TP. Nam Định). Xin trân trọng giới thiệu với các Anh
Chị Hội viên bài viết của GS Nguyễn Lãm về một phần giai đoạn lịch sử
thời kỳ đầu của ngành máy tính của đất nước ở phía Bắc.
GS.TS
Nguyễn Lãm
(Hình: TGVT - PC World VN) |
|
Tôi gọi điện thoại nói với bác Hồ Thuần là nhất định
Bác phải giới thiệu bài thơ “Buổi ban đầu…” của bác trong dịp kỷ niệm
30 năm thành lập Viện Công Nghệ Thông Tin chứ không thể chỉ để nó nằm
lặng lẽ ở Tạp chí Tin Học Ngân Hàng trong số Xuân Kỷ Mão năm 1999 mà ít
người biết đến. Bác Thuần bảo là thế nào bác cũng viết cái gì đó về “buổi
ban đầu…” ấy để cho các bạn trẻ thấy cái không khí đầm ấm,hăng say hồi
đó. Thế là tôi yên tâm không viết những gì diễn ra trong những ngày đầu
tiên lắp đặt máy Minsk-22 nữa, mà viết vài nét về một số khía cạnh khác
xung quanh chiếc máy tính điện tử đầu tiên này ở nước ta.
Câu chuyện đầu
Sau khi máy tính Minsk-22 được lắp đặt xong, anh Thành
(Nguyễn Chí Thành) viết chương trình in ảnh Bác Hồ trên máy in khổ rộng
và các đoàn đến tham quan đều được tặng bức ảnh đó. Máy tính vẽ được ảnh
Bác Hồ quả là một điều kỳ diệu, khó hình dung nổi đối với nhiều người
lúc bấy giờ! Miền Bắc lúc ấy chỉ mới có một máy tính điện tử và nó lại
làm được những điều kỳ diệu như vậy, nên rất nhiều cơ quan, các trường
học đến tham quan. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến. Riêng Thủ
tướng Phạm Văn Đồng thì còn có buổi tiếp xúc với một số cán bộ trong đơn
vị.Thủ tướng còn mời cơm thân mật ở Phủ Chủ tịch và chiêu đãi toàn đơn
vị một buổi xem kịch ở Nhà hát lớn. Máy Minsk -22 được chuẩn bị bảo trì
tốt và chuẩn bị để khai thác tốt, nên không lâu sau khi chuyên gia Liên
Xô lắp đặt xong, đã tổ chức được cho các đơn vị khai thác tính toán và
học tập. Bộ phận kỹ thuật do anh Nguyễn Hoàng phụ trách cùng các anh:
Vũ Hồng Sơn, Bạch Hưng Khang, Trần Văn Tiểu, Lê Minh Chương, Đậu Quang
Lâm, Lê Mạnh, Lê Minh Thanh…(bộ phận điện tử), anh Đôn, anh Hạ, Anh Tùng…
(bộ phận cơ khí) .Ngoài ra, còn có bộ phận đục lỗ số liệu gồm nhiều chị
em, có thể kể ra đây vài người: cô Thuý (về sau thành vợ anh Kỷ), cô Nga
(rồi thành vợ anh Phố), cô Dung (thành vợ anh Quán), cô Quỳnh Giao (con
của Bác Tạ Quang Bửu)…Hai anh bộ đội xuất ngũ làm công tác vật tư và hành
chính là anh Hồng và anh Nghinh. Anh Nguyễn Liệu thì phụ trách toàn bộ
công tác xây dựng, đảm bảo hậu cần. Chỉ sau một thời gian, nhu cầu tính
toán của các nơi đòi hỏi phải tổ chức cho máy làm việc không phải chỉ
là một ca (8 giờ) mà phải 2 ca, rồi 3 ca. Ai muốn tính toán phải đăng
ký trước hàng tuần.
Nhắc đến việc khai thác Minsk-22 không thể nào quên các
nhóm cán bộ nghiên cứu của các Viện, Trường, Bộ, ngành mà tên của họ gắn
bó thân thiết với Minsk-22 như Trần Bình, Lại Huy Phương, Nguyễn Tri Niên,
Nguyễn Đức Hiếu, Hoàng Kiếm, Nguyễn Bá Hào, Trịnh Văn Thư, Mai Anh, Bùi
Khương…
Sau khi mấy nhịp cầu Long Biên bị bom địch đánh sập,
một nhóm cán bộ Trường Đại học Xây dựng do anh Trần Bình chủ trì tính
toán phương án sửa cầu và cầu đã được sửa chữa thành công theo phương
án ấy. Nhóm anh Trần Bình, anh Mai Anh, anh Bùi Khương còn giải nhiều
bài toán trong xây dựng như thiết kế cầu, đường, nhà cửa, cảng… Nhóm anh
Trịnh Văn Thư với bài toán dự báo thời tiết ngắn hạn, giải hệ phương trình
khí nhiệt động học đầy đủ bằng phương pháp hệ thức tích phân; giải các
bài toán tính toán dự báo thuỷ triều; phân tích đánh giá quan hệ giữa
phân bố mưa với các điều kiện hoàn lưu khí quyển; tính hàm phân bố gió
bão… Về sau, dự báo thời tiết tiếp tục được xử lý trên máy tính Minsk-32
của quân đội và đạt kết quả ngày càng tốt hơn, được Ban phòng chống bão
lũ trung ương do tướng Phùng Thế Tài làm trưởng ban quyết định : thông
báo về dự báo bão lũ chỉ phát ra rộng rãi khi đã được xử lý trên máy tính.
Một nhóm khác giải bài toán dự báo lũ bằng phương pháp tương quan nhiều
chiều; dự báo lũ bằng phương pháp sai phân giải hệ phương trình Saint
Venant; lập mô hình dự báo mực nước trong trường hợp có bão…
Cán bộ nghiên cứu ở lĩnh vực này còn nghiên cứu xử lý
trên Minsk-22 nhiều vấn đề khác như tính sóng ở vịnh Bắc Bộ, tính toán
hải lưu, tính nhiệt độ nước biển…Nhóm của anh Nguyễn Đức Hiếu thì giải
bài toán của cục Tình báo, nhưng không ai biết chính xác là bài toán gì,
chỉ phỏng đoán chắc là bài toán giải mã nhưng không một ai “dám “tìm hiểu
sâu hơn. Đối với nhóm các anh ở Bộ tư lệnh Pháo binh thì Minsk-22 là cứu
cánh giúp cho các anh giải quyết nhanh chóng hàng loạt bảng bắn của các
loại pháo mà chiến trường đòi hỏi cấp bách. Những tính toán này về sau
cũng được hoàn thiện hơn trên máy tính Minsk-32 của quân đội. Bộ tư lệnh
Công binh thì có nhóm anh Nguyễn Tiến Cường và anh Nguyễn Văn Oanh ở Viện
Thiết kế Công Binh tính toán thiết kế những công trình công binh.
Có một điều thật khó hình dung là một máy tính với tốc
độ chỉ 6000 phép tính /giây và bộ nhớ chỉ vẻn vẹn 32K mà lại giải các
bài toán quy hoạch! Thâm nhập vào thực tiễn trong nhiều lĩnh vực hoạt
động của kinh tế- xã hội lúc bấy giờ, các nhà toán học phân tích, tìm
mô hình giải quyết, dẫn đến các bài toán quy hoạch và đã có một số bài
toán cụ thể được tính trên Minsk-22 như quy hoạch điện miền Bắc, cân đối
than, tính đường ống nước Hà Nội, phân phối các phương tiện vận tải… Những
bài toán hình thành trong lĩnh vực này có thể là tuyến tính và cũng có
cả những bài toán phi tuyến.Việc đánh giá kết quả tính toán quy hoạch
có tác dụng như thế nào cho thực tiễn lúc ấy thì chưa nói, ở đây chỉ muốn
nói đến khía cạnh khai thác máy tính để giải quyết vấn đề. Làm được điều
này là nhờ có một lực lượng làm toán quy hoạch khá mạnh ở nước ta lúc
bấy giờ.
Bài toán thống kê thì có nhiều như bài toán điều tra
sức khoẻ học sinh, xác định hệ số hô hấp, phân tích quặng,tính toán điều
tra quy hoạch rừng, xác định chỉ tiêu than cho các đầu máy xe lửa (đoạn
đầu máy Hà nội ), chỉnh lý số liệu địa chất cho thiết kế xây dựng, phân
tích khách quan trường khí tượng ban đầu, quản lý cán bộ khoa học kỹ thuật…Nội
dung xử lý của loại bài toán này rất phong phú và thường đưa đến việc
tính giá trị trung bình, tính tần xuất, tính độ lệch chuẩn, xác định các
hàm tương quan… Muốn sử dụng máy tính điện tử để phân tích số liệu một
cách thuận lợi, cần tiến hành nghiên cứu cải tiến nhiều khâu trong việc
thu thập số liệu từ nội dung các chỉ tiêu điều tra đến cách ghi chép,
cách lưu trữ, cách đục lỗ số liệu, kiểm tra và cập nhật số liệu. Một số
cơ quan đã có những cải tiến có giá trị trong việc này như Cục Điều tra
Qui hoạch Rừng-Tổng cục Lâm nghiệp. Có một người bám máy, ngày đêm với
hàng đống số liệu điều tra rừng, miệt mài phân tích, xử lý, gây cho tôi
nhiều ấn tượng đẹp là anh Lại Huy Phương. Anh là cán bộ nghiên cứu của
Cục Điều tra Quy hoạch Rừng. ( Bây giờ anh là Giám đốc Trung tâm Tư vấn
Thông tin Lâm nghiệp) .Thật không ngờ, một tài liệu về tài nguyên rừng
những năm gần đây cho biết nước ta có chỉ tiêu rừng bình quân đầu người
thuộc loại thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0,14ha/người so với chỉ tiêu trung
bình của thế giới là 0,97ha/người.Niềm tự hào xưa nay “rừng vàng biển
bạc” đâu còn nữa! Và chính nhóm của anh Phương ngay từ thuở ban đầu Minsk-22
ấy đã điều tra, phân tích, xử lý để về sau này dần dần rõ ra điều đó.
Minsk-22 cùng với các máy cơ điện như Cellatron, Robotron xử lý số liệu
điều tra rừng. Đó là một việc làm khá mới mẻ. Những bài toán khoa học
kỹ thuật thì đã quen nhưng những bài toán kinh tế thì mới bắt đầu. Thế
mà các anh ấy đã làm được nhiều việc như: xử lý số liệu đo đếm rừng phục
vụ thống kê tài nguyên của 70 lâm trường trong các năm 1968-1975, xử lý
số liệu đo đếm rừng vùng nguyên liệu cho Nhà máy giấy Bãi Bằng (1968-1972).Cũng
từ năm 1968, bắt đầu với máy Minsk-22 đã xử lý số liệu giải tích đo cây
rừng để lập biểu thể tích cây gỗ, trọng lượng tre nứa và biểu tăng trưởng
rừng trên toàn quốc. Công trình này còn được áp dụng hiệu quả cho dự án
VIE/76/014 do Liên hợp quốc tài trợ (1979-1982). Quy hoạch rừng quốc gia
Cúc Phương cũng bắt đầu trên máy Minsk-22. Nhờ đã làm quen với xử lý số
liệu trên máy tính từ thuở ban đầu ấy, ngành lâm nghiệp từ năm 1986 đã
bắt tay vào nghiên cứu áp dụng công nghệ GIS và xây dựng thành công chương
trình hệ thống xử lý thông tin bản đồ CAMAPS, một ứng dụng GIS đầu tiên
có hiệu quả ở nước ta. Rồi với thế hệ máy tính mới,với các máy chuyên
dụng cho lâm nghiệp ,trạm thu ảnh vệ tinh NOAA, ngành lâm nghiệp đã có
những bước phát triển ứng dụng cntt đáng kể. Nhưng rồi những gì đã bắt
đầu và tiếp tục một số năm sau đó lại phải chững lại do nhiều nguyên nhân!
Ngành địa chất cũng có nhiều bài toán giải trên máy Minsk-22,
chủ yếu là địa vật lý thăm dò. Một trong những nhiệm vụ của khoa học địa
chất là nghiên cứu các quy luật tạo thành và phân bố các loại mỏ khoáng
sản có ích trong lòng đất. Ngoài ra còn có những vấn đề khác như nghiên
cứu địa chất thuỷ văn và địa chất công trình…Các phương pháp trong địa
chất được sử dụng như thăm dò từ tính , thăm dò trọng lực, thăm dò điện,
thăm dò địa chấn, thăm dò phóng xạ…được xử lý trên máy tính. Nhiệm vụ
chung của các phương pháp vật lý là nghiên cứu sự phân bố của các trường
vật lý tự nhiên hoặc nhân tạo trong lớp vỏ trái đất. Nhiệm vụ ấy được
thực hiện bằng cách đo đạc thực địa. Các tài liệu thu được trong công
tác thăm dò địa vất lý chủ yếu là các tài liệu đo đạc ngoài trời. Chúng
bị nhiều ảnh hưởng ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên làm sai lệch. Cần chỉnh
lý và phân loại tài liệu, gồm các bước:
- Hiệu chỉnh các ảnh hưởng của địa hình, của điều kiện đo đạc.
- Loại nhiễu ngẫu nhiên
- Xét tính biến đổi tài liệu.
Các bước này đều được thực hiện trên máy tính điện tử.
Việc nghiên cứu các mô hình địa vật lý cũng được đặt ra. Máy Minsk-22
được sử dụng để hiệu chỉnh, giải thích các số liệu địa vật lý như trọng
lực, địa chấn, từ; giải các bài toán thuận với điều kiện vật lý địa chất
cho trước cụ thể ở nước ta; nghiên cứu việc tự động hoá phân tích số liệu
gồm nhiều khâu từ phân tích quặng đến ước lượng trữ lượng. Lúc đó đã thí
nghiệm thành công việc dùng Minsk-22 để phân tích định lượng các mẫu quặng.
Các trường đại học, đặc biệt là Đại học Bách khoa và
Đại học Tổng hợp thường xuyên gửi sinh viên đến thực tập. Khoa Máy tính
của Đại học Bách khoa ngày càng thu hút nhiều sinh viên. Đại học Tổng
hợp thì phát triển nhanh ngành phương pháp tính.
Cán bộ khoa học của Phòng hầu hết đều tham gia giảng
dạy và hướng dẫn sinh viên làm tốt nghiệp ở các trường đại học. Bác Hồ
Thuần thì dạy ở ĐH Tổng hợp; bác Lê Thiện Phố thì ĐH Bách khoa, Đại học
An ninh, dạy các lớp cán bộ kỹ thuật cho các nơi như Viện Thiết kế Giao
thông, cán bộ Ủy ban Sông Hồng, Nha khí tượng; bác Trịnh Quang Khuynh
thì dạy ở ĐH Tổng hợp, ĐH Thuỷ lợi; Nguyễn Lãm thì đại học An ninh…
Máy tính Minsk-22 làm việc tốt, phục vụ tính toán cho
nhiều ngành, cho đào tạo cán bộ và cũng có thể nói phục vụ được phần nào
đó cho chiến đấu, nên Nhà nước có quyết định cho các ngành mua thêm 2
máy Minsk-32 (năng lực lớn gấp 2 lần so với Minsk-22), một cho quốc phòng
và một cho Tổng cục thống kê và một máy tính ODRA của Ba Lan cho UBKHKTNN.
Một cách khách quan mà nhận xét thì ở thời điểm đó có một chuyển biến
sôi động về ứng dụng máy tính điện tử ở nước ta. Đã gần 40 năm trôi qua,
những ký ức còn lại phai nhạt dần, lại không có ai tổ chức lưu lại những
kỷ vật hồi đó, không ai ghi chép, không có lấy một cái ảnh để kỷ niệm.
Thật đáng tiếc!
Cùng với bảo trì bảo dưỡng, tổ chức khai thác Minsk-22
phục vụ cho tính toán của nhiều ngành, phục vụ cho đào tạo, Phòng Toán
Học Tính Toán còn tổ chức nghiên cứu khoa học theo các hướng:
- Cibernetic do GS Phan Đình Diệu đứng đầu.
- Toán học rời rạc mà chủ yếu là phương pháp tính và lập chương trình
thì có nhiều người: Hồ Thuần, Lê Thiện Phố, Trinh Quang Khuynh, Nguyễn
Lãm, PhạmVăn Ất, Trần Hành, Trần Văn Nho, Bùi Thị Hoàng, Nguyễn Chí
Thành, Nguyễn Văn Kỷ, Nguyễn Đức Tích, Ngô Thu Nguyệt…
Phòng có một nội san lấy tên là Toán Học Tính Toán và
Kỹ Thuật Máy Tính, bác Lê Khắc (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật
Nhà nước - UBKHKTNN, người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo phòng Toán học
tính toán lúc bấy giờ) làm chủ nhiệm. Ban biên tập gồm: Trần Bình (Đại
học Xây dựng), Phan Đình Diệu (UBKHKTNN), Tạ Văn Đĩnh (Đại học Bách khoa),
Phan Văn Hạp (Đại học Tổng hợp), Bạch Hưng Khang (UBKHKTNN), Bùi Khương(
Viện Kỹ thuật Bộ Giao thông), Nguyễn Lãm, Hồ Thuần, Lê Thiện Phố, Trần
Văn Nho, Trần Văn Tiểu (UBKHKTNN), Trịnh Văn Thư (Nha Khí tượng), Nguyễn
Công Thuý (Đại học Tổng hợp).
Ban Thường trực gồm: Phan Đình Diệu, Nguyễn Lãm, Trần
Văn Nho, Lê Thiện Phố.
Máy Minsk-22
với bộ nhớ trong 32Kbytes ,tốc độ tính toán 6000phéptính/giây |
|
Xin trình bày nội dung của một số báo để hình dung các
vấn đề nghiên cứu được quan tâm lúc đó. Chẳng hạn, trong số 4, tập 1(tháng
10,11,12 năm 1968) có các bài :
Phần 1: Phương pháp tính
- Áp dụng phương pháp Galorchkine giải một bài toán về sự ổn định
của hệ thống dây mềm trong cơ học. - Trần Hành.
- Một vài quy tắc đơn giản một bước để giải phương trình dạng hy-pec-bôn.
- Ngô Thu Nguyệt.
Phần 2: Lập chương trình
- Vấn đề kiểm tra trong khi giải bài toán bằng máy tính điện tử -
Nguyễn Bá Hào
- Các khái niệm cơ sở về hệ lệnh và lập chương trình cho máy tính
Minsk-22 - Nguyễn Đức Tích
Phần 3: Cibernetic
- Lôgich toán và tự động hoá các quá trình sáng tạo toán học - Phan
Đình Diệu
- Một vài kết quả về thu gọn các ôtomat xác xuất - Đặng Hữu Đạo
- Giải bài toán vận tải bằng ngôn ngữ Algol - Muller Merbacl H.
- Nhận dạng các quá trình động cắt nhau bằng máy tính điện tử - Bạch
Hưng Khang
Cùng với việc ra nội san hàng quý, một số anh có viết
và dịch một số sách. Cuốn “Lý thuyết lập chương trình cho máy tính điện
tử” của Hồ Thuần và Nguyễn Lãm do Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên
nghiệp xuất bản cũng có thể xem như một tài liệu đầu tiên về máy tính
cho sinh viên. Cuốn “Lập chương trình cho máy tính điện tử Minsk-22” và
“Cơ sở ngôn ngữ thuật toán Algol-60”của M.I. Agheep,V.M. Xavincop do Nguyễn
Văn Kỷ, Nguyễn Chí Thành và Nguyễn Đức Tích dịch và Nhà xuất bản khoa
học và kỹ thuật xuất bản cũng có tác dụng tốt cho người sử dụng, khai
thác máy.
Những ngày đó, khi máy bay địch có thể bắn phá bất kỳ
lúc nào, nhưng những sinh hoạt khoa học như xemina, chuyên đề vẫn diễn
ra thường xuyên trong một không khí hoạt động nghiên cứu khoa học thật
sôi nổi. Cán bộ của Phòng cũng tham gia nghiên cứu giải nhiều bài toán
thực tế như giải bài toán tính áp xuất động cho Viện Kỹ thuật- BQP, (bài
toán này là cơ sở lý thuyết cho việc chế tạo thành công vũ khí thuỷ lôi
APS đánh tàu biển, thứ vũ khí chủ yếu của đặc công nước ), giải bài toán
tính đường dây điện cho Viện Thiết kế Mỏ- Bộ Điện than, ứng dụng MTĐT
trong chẩn đoán y học, xây dựng thuật toán nhận dạng đô thị và áp dụng
vào việc giải bài toán mạng đường ống nước…
Về nghiên cứu khoa học thì lĩnh vực phương pháp tính
thời đó được quan tâm hơn cả. Một số anh có một số kết quả đăng ở tập
san Toán học (Ủy ban khoa học và kỹ thuật nhà nước- nước Việt Nam dân
chủ cộng hoà), ở tạp chí Toán học tính toán và vật lý toán (Viện hàn lâm
khoa học Liên Xô) như “Phương pháp tìm giá trị riêng lớn nhất và vectơ
riêng tương ứng của ma trận dương”, “Đưa ma trận không âm không thu gọn
được về ma trận ngẫu nhiên suy rộng” của Phạm Văn Ất, “Một số tiêu chuẩn
đủ cho sự hội tụ của các phương lặp Jacobi và Gauss-Seidel”,những kết
quả về lớp ma trận không thu gọn được của Hồ Thuần, “Một vài nhận xét
về bài báo của Loizou G. “ của Hồ Thuần và Phạm Văn Ất…
Cùng với việc khai thác máy tính Minsk-22 phục vụ cho
nhu cầu tính toán của các nơi và hoạt động nghiên cứu khoa học, anh em
còn quan tâm đến việc làm chiến lược phát triển ngành máy tính ở nước
ta.Chúng tôi tìm hiểu những mô hình xây dựng trung tâm tính toán của các
nước và suy nghĩ về xây dựng các trung tâm tính toán ở nước ta. Anh Trần
Lưu Chương (tuy anh ở phòng Cơ học nhưng rất gắn bó với phòng Toán học
tính toán.) phác thảo một chiến lược phát triển máy tính điện tử ở nước
ta đầu tiên, sau đó anh Diệu và tôi tham gia ý kiến, sửa đổi. Anh Diệu
chịu trách nhiệm đem báo cáo cấp trên.Tháng 9/1976 UBKHKTNN thành lập
Cục Máy tính điện tử và giao cho anh Trần Lưu Chương phụ trách. Từ đó
rất nhiều chủ trương về máy tính điện tử ra đời: UBKHKTNN nhập trên 20
máy PC-IBM 16 bit ngay khi chúng mới ra đời (1981); chuẩn bị cho chính
phủ ra nghị quyết 173-CP năm 1975 về tăng cường ứng dụng toán học và máy
tính điện tử trong quản lý nhà nước; nghị quyết 245-CP năm 1976 về tăng
cường quản lý và sử dụng mtđt trong cả nước; nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ
Chính trị về tăng cường phục vụ thông tin cho lãnh đạo và quản lý,góp
phần nâng cao chất lượng ra nghị quyết của các cấp. Thế rồi, mãi hơn 20
năm sau từ khi có những phác thảo đầu tiên về một chiến lược, nước ta
mới có một quyết định có tính chiến lược thật sự phát triển ngành này
ở nước ta chính thức ra đời. Đó là nghị quyết 49/CP năm 1993 của Chính
phủ.
Câu chuyện tiếp theo
Có một nhân vật nước ngoài mà nhiều người trong Viện
CNTT hiện nay và phòng Toán Học Tính Toán trước đây có sự gắn bó, có tình
cảm đặc biệt, từ Nguyễn Lãm, Bạch Hưng Khang, Phan Đình Diệu đến Nguyễn
Xuân Huy, Hồ Thuần, Trần Thành Trai, …Đó là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa
học Liên Xô, Giám đốc Trung Tâm Tính Toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô
Anatoli Alexeevich Dorotnhitxun. Trung tâm này, khoảng năm 1959, Bác Hồ
đã từng ghé thăm. Hồi đó, Trung tâm đang tính toán đường bay cho các con
tàu vũ trụ và rất vinh dự được đón một nguyên thủ quốc gia đến thăm mà
từ trước đến lúc đó chưa từng có. Trung Tâm Tính Toán Viện Hàn lâm Khoa
học Liên Xô là nơi đào tạo nhiều cán bộ cho Việt Nam.
Anatoli Alexeevich Dorotnhitxun đã sang nước ta hàng
chục lần. Lần đầu tiên vào năm 1971, ông là Trưởng đoàn của Viện Hàn lâm
Khoa học Liên Xô sang ký kết hợp tác khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học
Liên Xô và Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước Việt Nam. Tôi còn nhớ lần
này Viện sĩ đến Việt Nam vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 . Vào dịp
ngày sinh nhật của Viện sĩ (2/12/1910), chúng tôi tổ chức một buổi gặp
mặt nhẹ nhàng và mời GS Lê Văn Thiêm chủ trì chúc mừng sinh nhật Viện
sĩ. Tuy rất đơn giản, chỉ một ít rượu, với nem rán, nhưng rất đầm ấm,
thân mật. Trong ký kết hợp tác lần đó có nội dung đào tạo cán bộ khoa
học, dĩ nhiên là có ngành máy tính. Những năm sau, nhiều thực tập sinh,
nghiên cứu sinh đã sang làm việc ở Trung Tâm Tính Toán của Ông và ở những
cơ sở khác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô. Sang Việt Nam lần đầu
tiên này, qua thời gian làm việc với Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước,
với phòng Toán Học Tính Toán và một số nơi khác, Viện sĩ đã có những ấn
tượng sâu sắc, tình cảm trước đây đã gắn bó bây giờ càng gắn bó hơn. Năm
1974, lần thứ 2 Viện sĩ lại sang Việt Nam để ký hợp tác khoa học (như
năm 1971). Lần thứ ba,vào năm 1977, Viện sĩ lại dẫn đầu đoàn của Viện
Hàn lâm Khoa học Liên Xô sang ký kết. Lần này, Viện sĩ có mặt ở Hà Nội
và ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các năm 1979, 1983,1984,1985,1987 ,1990 Viện
sĩ đều có mặt ở Việt Nam. Lần sau cùng, khi tôi đang làm việc ở Tổng cục
kỹ thuật- Bộ Quốc phòng, đã tổ chức một buổi trao đổi giữa Viện sĩ với
Trung tướng Lê Văn Tri - Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật, BQP.
Tôi gặp may, trong thời gian tôi thực tập (1962-1964)
tại Trung Tâm Tính Toán-Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô dưới sự hướng dẫn
của một cán bộ thuộc Trung tâm, nhưng lại được giải một bài toán chuyển
động chất lỏng của Viện sĩ. Bài toán giải có kết quả nên hết thời gian
thực tập, tôi được Viện sĩ nhận làm nghiên cứu sinh. Tuy công việc của
Ông bận rộn ở nhiều nơi, nhưng mỗi lần tôi xin được gặp, hầu như chưa
khi nào Ông từ chối. Ông tiếp xúc thân mật, gần gũi. Nhớ lại những năm,
tháng đó, cả một thời gian dài, đêm nào cũng làm máy đến tận 1, 2 giờ
sáng trên máy Strela mà giật cả mình!
Anatoli Alexeevich Dorotnhitxun từng làm việc, có thể
nói là khá thân thiết với Giáo sư Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm. Qua những
lúc thầy trò tâm sự, tôi cảm nhận sự kính trọng của Ông đối với các vị
tiền bối này. Ông cũng biết được GS Lê Văn Thiêm là một nhà toán học ở
Pháp, đã về nước theo tiếng gọi của Bác Hồ vào khoảng năm 50 của thế kỷ
trước và lặn lội dọc đường rừng Trường sơn từ miền Nam ra miền Bắc. Còn
với GS Tạ Quang Bửu thì Viện sĩ nhiều lần trao đổi về phát triển ngành
máy tính nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nói đến đây tôi nghẹn ngào
nhớ lại Bác Tạ Quang Bửu, người có công đầu tiên đặt những nền tảng cho
ngành công nghệ thông tin nước ta, người say mê nghiên cứu những hướng
phát triển mới của khoa học, người xông xáo mạnh dạn giải quyết những
khó khăn,cản trở trong quá trình xây dựng và cũng chính bác Bửu có tác
động lớn trong việc đặt máy Minsk-22 ở tầng 1 toà nhà 39 Trần Hưng Đạo.
Trong công việc khi gặp khó khăn gì là tôi tìm gặp Bác Bửu. Bác là người
quan tâm nhiều về những vấn đề lý thuyết toán học hiện đại. Tôi còn nhớ,
một lần nhà toán học Mỹ Chomski sang nước ta đọc một chuyên đề về ngôn
ngữ toán. Người nghe ngồi gần kín hội Trường Đại học Bách khoa. Anh Đặng
Quang Thiên, phiên dịch viên tiếng Anh của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật dịch.
Dịch được một lúc nhưng gặp phải vấn đề toán học khó quá, Bác Bửu phải
dịch thay. Thế là Bác dịch hết cả chuyên đề suốt cả ngày hôm đó. Ngành
công nghệ thông tin nước ta đời đời ghi nhớ công ơn của bác Bửu.
Năm 1994, Viện sĩ Anatoli Alexeevich Dorotnhitxun đã
qua đời, để lại một niềm thương nhớ vô hạn cho chúng tôi-những người đã
từng được gần gũi, học tập, làm việc với Viện sĩ, những người lớn tuổi
đã trải qua một thời trai trẻ sôi nổi ở phòng Toán Học Tính Toán, tiền
thân của Viện Công Nghệ Thông Tin ngày nay.
Ngày 11 Tháng 12 Năm 2006
GS.TS Nguyễn Lãm
(theo Hội Tin học TpHCM) |