(Post 26/05/2007) “Những ngày tháng 3/1975,
sau khi hoàn thành chương trình tính thuỷ triều ở các cảng biển trên toàn
quốc cho Bộ tư lệnh Hải quân, tôi được lệnh bàn giao lại cho đồng chí
khác để chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nhận toàn
bộ quân trang theo chế độ đi B hồi đó”, ông Lê Tự Thành, thành viên “quân
máy tính” đầu tiên trong chiến dịch tiếp quản các trung tâm điện toán
của chính quyền Sài Gòn bắt đầu câu chuyện. Ông Lê Tự Thành hiện là người
phụ trách Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội.
Các kỹ sư máy tính tiến vào Sài Gòn
“Những ngày tháng 3/1975, sau khi hoàn thành chương trình
tính thuỷ triều ở các cảng biển trên toàn quốc cho Bộ tư lệnh Hải quân,
tôi được lệnh bàn giao lại cho đồng chí khác để chuẩn bị tham gia chiến
dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nhận toàn bộ quân trang theo chế độ đi B hồi
đó”, ông Lê Tự Thành, thành viên “quân máy tính” đầu tiên trong chiến
dịch tiếp quản các trung tâm điện toán của chính quyền Sài Gòn bắt đầu
câu chuyện. Ông Lê Tự Thành hiện là người phụ trách Cổng giao tiếp điện
tử Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội.
Ông Thành kể tiếp, “Tốp quân máy tính đầu tiên tiến vào
Sài Gòn khi đó có 5 sỹ quan máy tính gồm Trần Duy Thoả (trưởng nhóm),
Trương Công Dũng, Trần Thế Nam, Lê Thanh Nhân và tôi, cùng là lính mới
sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội đã vào Trung tâm Toán – Máy
tính, Bộ Quốc phòng.”
“Trưa 30/4 khi đang nhận xăng ở cảng Qui Nhơn thì mọi
người nghe tin Dương Văn Minh đã đầu hàng qua Đài phát thanh Sài Gòn.
Theo kế hoạch đoàn sẽ hành quân lên Tây Nguyên để hợp quân với các đoàn
khác, nhưng tình hình thay đổi. Lãnh đạo đoàn đã quyết định chỉ một bộ
phận nhỏ lên Tây Nguyên, số còn lại đi thẳng vào Sài Gòn.”
“Đêm 30/4 xe chúng tôi ghé vào một đơn vị đóng ở đầu
cầu Tuy Hoà ngủ nhờ. Các đồng chí ở đó kể tối hôm qua còn bị một nhóm
tàn binh tấn công, may không có thương vong. Tối mùng 1 tháng 5 năm 1975,
chúng tôi đến Xuân Lộc. Sớm 2/5 vào đến Sài Gòn, vết tích chiến tranh
còn khắp nơi. Xe, nhà vẫn còn đang cháy. Cầu Sài Gòn và cầu Thị Nghè còn
đầy những ụ cát giữa cầu chặn cơ giới. Xe chúng tôi dừng ở Trường Cao
đẳng Quốc phòng (nguỵ) ở đối diện Phủ Thủ tướng (nguỵ) để tìm liên lạc.”
“Hôm sau chúng tôi chia nhau đi khắp thành phố. Buổi
chiều về nhận được tin anh Thoả đã tìm ra Công ty IBM (bây giờ là Công
ty Máy tính VN 2). Ở đó đã có một nhóm quân quản miền do anh Ngà chỉ huy
tiếp quản. Những ngày sau đó, anh Ngà cho xe của công ty đưa chúng tôi
đến tất cả những nơi đặt máy IBM để kiểm kê lại. Hầu hết các máy này đều
do quân đội, cảnh sát và ngân hàng thuê. Các máy tại ngân hàng vẫn đang
hoạt động. Việc kiểm kê hoàn tất trong vài ngày và an toàn. Có một vài
nơi tàn quân còn nổ súng, chúng tôi cũng gặp những cảnh cướp phá công
sở (nguỵ), công ty nước ngoài đã bỏ chạy, nhưng nhìn chung tình hình không
căng thẳng.”
“Chúng tôi được phân công tiếp quản một số máy của quân
đội. Riêng tôi được phân tiếp quản máy IBM360/50 là máy lớn nhất hồi đó
ở miền Nam. Máy này nằm trong khu quân sự Mỹ ở Tân Sơn Nhất dùng cho việc
quản lý toàn bộ các kho hậu cần của quân đội trên khắp miền Nam, gọi là
Trung tâm điện toán tiếp vận (TTĐTTV).”
“Mìn đặt khắp nơi trên từng bộ phận và cả trên những
máy đục lỗ. Quan sát, chúng tôi cho rằng việc đặt mìn nhằm huỷ toàn bộ
khu vực đặt máy, nhưng do pháo binh ta bắn dữ dội, dây mìn đứt nên đã
không kích nổ được. Vài ngày sau, công binh của ta đến gỡ mìn.”
Vận hành lại các hệ thống máy tính của quân đội
Sài Gòn
Từ Hà Nội, nhận được tin tìm thấy các dàn máy IBM, anh
Nguyễn Lãm - giám đốc Trung Tâm Toán - Máy Tính hồi ấy - đã cử thêm đoàn
bảy người thành nhóm thứ hai tham gia tiếp quản với nhóm đầu tiên. Trong
nhóm thứ hai, có thiếu úy Nguyễn Trọng.
Ông Nguyễn Trọng, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo
Quốc gia về CNTT, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM,
nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thế Giới Vi Tính (PC World Vietnam) kể tiếp
câu chuyện.
Ông cho biết: “Đoàn thứ hai gồm tôi, các anh Trần Văn
Huân, Nguyễn Quý Lợi, Lê Văn Nguyên… xuất phát từ Hà Nội, khoảng 5/5/1975,
đi ô-tô 5 ngày thì đến Sài Gòn.”
“Trong Bộ Tổng tham mưu (TTM) của quân đội Sài Gòn có
hai cơ sở: TTĐTTV, dùng máy tính IBM 360-40 quản lý hơn một triệu quân,
và một cụm nữa không phải là trung tâm điện toán nhưng chứa dữ liệu sao
lưu của trung tâm kia nhằm đảm bảo an toàn. TTĐTNV rất ngăn nắp, sạch
sẽ, đâu ra đấy. Ngày 30/4, máy bay trực thăng đã đỗ ở ngay cổng TTĐTNV
để chở chỉ huy trưởng TTĐTNV, đại tá quân đội Sài Gòn Chu Văn Hồ di tản,
nhưng ông đã ở lại. Sau này, có lần tôi hỏi sao ông quyết định ở lại thì
ông nói rằng: hệ thống quản lý quân số này là thành quả cả đời tôi, tôi
muốn giao nó lại đầy đủ cho qúy anh, sợ rằng tôi đi thì nó không còn nguyên
vẹn”.
“Hai cụm máy tính nữa, một cụm ở Tân Sơn Nhất – TTĐTTV
của quân đội Sài Gòn, sử dụng máy IBM 360-50 là máy tính lớn nhất Sài
Gòn lúc ấy. Cụm kia là Trung tâm Điện toán Bộ Quốc phòng ở 63 Gia Long
(nay là 63 Lý Tự Trọng, trụ sở Sở Địa chính TP.HCM hiện giờ), sử dụng
máy IBM 360-20. Trước máy này ở TTĐTNV nhưng do quân số quân đội SG phình
lớn quá, IBM 360 – 20 không đủ sức nên được chuyển giao, chuyên tính lương
cho quân đội.”
“TTĐTNV hoạt động trở lại sớm nhất. Ông Chu Văn Hồ và
anh em cũ đã trình bày rõ: Trung tâm này giải quyết những bài toán gì,
sơ đồ hệ thống, hệ thống phần mềm, kho dữ liệu quản lý ra sao,… Họ chỉ
dẫn cho chúng tôi những cuốn sách mô tả các hệ thống ứng dụng này. Nhờ
vậy, chúng tôi nhanh chóng dựng lại được toàn bộ hoạt động của hệ thống
quản lý nhân sự của quân đội Sài Gòn. Ngay trong những ngày tháng 5/1975,
những người tham gia đội “quân máy tính” đã đáp ứng tất cả các yêu cầu
số liệu trên cơ sở khai thác hệ thống quản lý quân số này cuả quân đội
Sài Gòn.”
Về sau, cả ông Trọng và ông Thành cho biết: “Máy tính
IBM 360-50 được tiếp tục sử dụng để quản lý và khai thác những kho hậu
cần khổng lồ của quân đội Sài Gòn, như tổng kho Long Bình. Đồng thời tham
gia phục vụ cho nhiều công trình nghiên cứu và sản xuất khác, trong đó
có công trình của Uỷ ban khoa học kỹ thuật (anh Trần Lưu Chương, Mai Anh).
Viện hạt nhân, các Viện Kỹ thuật quân sự (anh Nguyễn Quang A), thăm dò
và khai thác dầu khí.”
Các máy tính IBM 360-40 và 360-50 còn được khai thác
để quản lý đảng viên ở TP.HCM, cấp phát thẻ đảng viên cả nước, kể cả đã
là “chủ lực” để xử lý dữ liệu phục vụ tuyển sinh đại học hồi ấy, giải
quyết những bài toán thống kê về chất độc màu da cam và hậu quả…
Đỗ Duy
(Bài viết có sử dụng tài liệu của Trung tâm Khoa học và công nghệ TP.HCM)
(theo báo Bưu Điện Việt Nam) |