(Post 02/06/2007) “Dự báo 8-10 năm nữa, lao
động các nước, cụ thể là Thái Lan, sẽ đổ sang Việt Nam làm việc, nếu chúng
ta không khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng”, Bộ trưởng
Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hằng nhận định
như vậy tại hội nghị triển khai kế hoạch dạy nghề, việc làm và xuất khẩu
lao động giai đoạn 2007-2010 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Một giờ
thực hành tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Ảnh: V.Tình |
|
Lao động Việt Nam có thể thua trên sân nhà?
Trước hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết: Năm
nay, Việt Nam dự kiến thu hút 12 tỷ USD đầu tư nước ngoài, Chính phủ dự
kiến dành 40-45% GDP cho tái đầu tư phát triển. Và việc giảm thất nghiệp
là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Lê Bạch Hồng thì lao động chủ yếu của Việt Nam là lao động nông thôn (chiếm
khoảng trên 50%) trong khi đó 20% lực lượng lao động trong khu vực này
thiếu việc làm. 70% lao động chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn, tay
nghề chưa cao, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp kém…
Cơ cấu ngành nghề được đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của
thị trường, thiếu lao động kỹ thuật cao, thể lực người lao động yếu, không
phù hợp với việc sử dụng máy móc, thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Do
vậy, khả năng cạnh tranh yếu, nhất là ở thị trường yêu cầu lao động có
trình độ kỹ thuật cao như các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu
lao động. Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cũng cho biết hiện Việt Nam đang nhập
khẩu khoảng 2% lao động của một số nhóm ngành đặc biệt. Tuy nhiên “dự
báo 8-10 năm nữa, lao động các nước, cụ thể là Thái Lan sẽ đổ sang làm
việc”.
Nguy cơ lao động Việt Nam thua ngay trên sân nhà là điều
hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn thế nữa, thị trường lao động phát triển tập
trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều các khu công nghiệp, khu
chế xuất, ở ba vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh khác còn ở mức độ sơ
khai. Dịch chuyển lao động tăng nhanh nhưng tự do hóa lao động còn hạn
chế tính linh hoạt của thị trường lao động, đặc biệt là sự dịch chuyển
lao động giữa các vùng trong cả nước. Vùng sâu vùng xa không phát triển
tạo nên nơi thừa, nơi thiếu lao động. Một bất cập nữa hiện nay là Việt
Nam chưa có hệ thống thông tin thị trường lao động, thiếu dự báo vĩ mô,
dẫn đến tình trạng các trường đào tạo theo những cái “mình có” mà không
đào tạo theo “thị trường yêu cầu”.
Trong khi đó, bên cạnh tay nghề không đảm bảo, vấn đề
ý thức kỷ luật kém cũng đã làm cho lao động Việt Nam mất dần uy tín trên
thị trường lao động quốc tế. Thứ trưởng Lê Bạch Hồng cho biết, hiện thị
trường lao động Anh đã đóng cửa đối với lao động Việt Nam.
Trong 5 năm, từ 2001-2006, cả nước tạo việc
làm cho trên 7,5 triệu lao động, tăng 25% so với giai đoạn 1996-2000;
đưa gần 300.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; dạy nghề cho
6,6 triệu người, tăng bình quân 15%/năm. Trên 70% người học nghề
sau khi tốt nghiệp được giải quyết việc làm. |
Năm 2010: 50% lao động phải qua đào tạo
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
khẳng định một trong những thách thức lớn nhất của đất nước khi gia nhập
WTO là chất lượng nguồn nhân lực còn quá thấp, làm giảm khả năng cạnh
tranh của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đòn bẩy để thúc đẩy đất nước phát
triển phải là yếu tố con người, phải nâng cao chất lượng dạy nghề. Mặc
dù chúng ta đã cố gắng nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ lên đến 27%
thì không ổn. Hơn nữa, mục tiêu nâng tỷ lệ lao động có nghề lên 40% vào
năm 2010 là thấp. Thủ tướng cũng đề nghị kỳ họp tới của Chính phủ, Bộ
LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ ngành phải trình được Đề án về đào tạo
nghề với mục tiêu là đến năm 2010 có 50% lao động đã qua đào tạo; huy
động toàn bộ xã hội vào công tác dạy nghề.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết xây dựng đề án
dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên, tăng ít nhất 150.000 chỗ làm
việc mới hàng năm (so với chỉ tiêu Đại hội X) với chính sách tín dụng,
ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để tạo việc
làm cho thanh niên. Một trong những giải pháp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng gợi ý cho ngành LĐ-TB&XH tại hội nghị là mở rộng các cơ sở dạy
nghề ngay tại các trường đại học, cao đẳng và trung học hiện có. Làm sao
để phát triển được các cơ sở dạy nghề cả công lập và ngoài công lập, xây
dựng mối liên kết doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề; hỗ trợ cho người đi
học nghề thông qua hai cách: hoặc doanh nghiệp đóng tiền trước cho lao
động, sau đó ra trường lao động đi làm trả dần, hoặc Nhà nước cho lao
động vay vốn. Trước mắt Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phải xây dựng
đề án khả thi về dạy nghề để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Nghiêm Huê
(theo báo Giáo Dục Online) |