(Post 30/05/2007) Để kể tường tận và có hệ thống chuyện này có lẽ cần cả một cuốn sách. Ghi nhanh của STinfo hy vọng sẽ là mở đầu cho việc này. Chúng tôi đã từng gặp nhau hồi anh còn là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Gen Pacific vào giữa những năm 1990. Hồi đó quả thật tôi chưa biết anh thuộc tốp “quân máy tính” đầu tiên vào tiếp quản các Trung Tâm Điện Toán ở Sài Gòn, anh Trần Thế Nam, trưởng phòng Công Nghệ Thông Tin (CNTT) của Ngân Hàng Thương mại Cổ Phần Á Châu (ACB)...
Các chàng thiếu úy CNTT trẻ măng tiến vào Sài “Ngoài hai anh Trương Công Dũng và Trần Duy Thỏa là “cựu binh”, tôi và các anh Lê Tự Thành, Lê Thanh Nhân đều là thiếu úy và cùng là “lính mới”, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng Hợp Hà Nội đã vào Trung Tâm Toán – Máy Tính, Bộ Quốc Phòng” – anh Trần Thế Nam bắt đầu câu chuyện – “Chúng tôi theo một đoàn đặc biệt, khởi hành từ Hà Nội ngày 16/4/1975. Sau khi quân ta đã giải phóng Huế và Đà Nẵng, tin báo về và đồng thời qua báo chí, chúng tôi đã biết trong miền Nam có máy tính và trước khi lên đường chúng tôi đã tìm đọc một số tài liệu để tìm hiểu về hình dáng, tính năng một số loại máy tính có thể gặp ở Sài Gòn…” Anh Nam kể tiếp: “Theo kế hoạch, chúng tôi đi dọc miền Trung, lên Tây Nguyên rồi đổ xuống, tập hợp ở Đồng Dù trước khi tiến vào Sài Gòn - được gọi với mật danh “Thành phố S”. Do nhiệm vụ tiếp quản kỹ thuật nên tốc độ chúng tôi đi không nhanh lắm, qua nơi nào cũng xem xét liệu có máy tính không. Nghe nói Đà Nẵng có, nhưng kiểm tra thì không có, Huế cũng không có…” - anh kể - “Đến Quy Nhơn, lúc đang nhận xăng vào gần trưa ngày 30/4/1975 thì chúng tôi nghe đài phát thanh đưa tin Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Vậy là đoàn thay đổi kế hoạch, không đi Đồng Dù mà mở hết tốc lực cho xe phóng ngay đến Sài Gòn. Tối mùng 1 tháng 5 năm 1975, chúng tôi đến Xuân Lộc, hôm sau vào đến Sài Gòn”. “Ngay chiều mùng 2 tháng 5, nhóm sĩ quan máy tính chúng tôi bắt đầu đi tìm các “mục tiêu”. Đi lang thang và hỏi dân. Khi rẽ sang đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), đang đứng nói chuyện thì loay hoay chợt nhận thấy cái bảng… IBM. Do đã đọc tài liệu trước đó ở Hà Nội, chúng tôi nhận ra cái nhãn nổi tiếng IBM và rẽ vào xem, gặp một nhóm chiến sĩ biệt động thành đang canh giữ ở đây. Sáng mùng 3, chúng tôi nhận bàn giao và đề nghị họ cho nhân viên cũ của IBM đi cùng đến các nơi khác có máy tính. Một nhóm đến Trung Tâm Điện Toán Nhân Viên (TTĐTNV) và Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận (TTĐTTV). nhóm kia đi nhà máy Ba Son, nhà máy đường, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, rồi quay về Tổng Nha Cảnh Sát. Chúng tôi là sĩ quan, có giấy của Uỷ Ban Quân Quản, đến các nơi có máy tính thì đề nghị bật máy lạnh bảo quản và không cho ai vào. Sau khi “đi tua”, chúng tôi để lại cho họ địa chỉ và dặn: “Nếu có khó khăn thì báo ngay cho chúng tôi.” “Lúc đó, bên TTĐTTV ở Tân Sơn Nhất đang gặp vấn đề: tất cả các tủ (máy thời đó các bộ phận riêng rẽ như ổ đĩa, CPU... đều là các tủ cỡ tủ quần áo!) đều có đặt mìn. Nơi đây trước là của phái đoàn quân sự Mỹ MAC V, máy tính IBM 360-50 do Mỹ quản lý, sau năm 1973 mới giao lại cho quân đội Sài Gòn. Đó là các quả mìn điện và ngẫu nhiên trong loạt pháo của ta bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất có trái rơi vào đây, làm… đứt dây điện nên toàn bộ khu mất điện! Vài ngày sau, công binh của ta đến gỡ mìn...” “Chúng tôi gọi các nhân viên cũ đến trình diện, giải thích chính sách và đề nghị họ làm việc lại. Chúng tôi tổ chức những lớp học để họ huấn luyện lại cho mình, cho nên mới có chuyện vừa là “quan quân quản”, vừa là “học trò”! Không chỉ động viên họ, mà phải lo cho cuộc sống cho họ vì lúc ấy vừa giải phóng, còn có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chưa liên hệ được với Cục Tài Vụ để giải quyết lương cho họ, mà cũng không biết kiếm ở đâu cả nên quyết định sử dụng số gạo và thực phẩm đã chở vào để “thanh toán lương”… Một điều đáng nói là đôi bên đều là dân kỹ thuật, không ai có thành kiến gì và rất chóng hoà đồng”.
Dựng lại các hệ thống quản lý nhân sự, hậu cần của quân đội Sài Gòn
Từ Hà Nội, TS Nguyễn Lãm, giám đốc Trung Tâm Toán - Máy Tính hồi ấy, đã quyết định cử thêm một đoàn bảy người thành nhóm thứ hai vào tham gia tiếp quản máy tính với nhóm đầu tiên. Trong nhóm ấy, có thiếu úy Nguyễn Trọng. Giờ đây, 30 năm sau, chúng tôi nghe TS Nguyễn Trọng, nguyên chánh văn phòng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT, nguyên phó giám đốc Sở Khoa Học - Công Nghệ TP.HCM, nguyên tổng biên tập tạp chí Thế Giới Vi Tính (PC World Vietnam) kể tiếp câu chuyện. Ông nói: “Đoàn chúng tôi gồm tôi, các anh Trần Văn Huân, Nguyễn Qúy Lợi, Lê Văn Nguyên, … xuất phát từ Hà Nội, nếu tôi nhớ không nhầm, khoảng ngày 5/5/1975, đi ô-tô độ 5 ngày thì đến Sài Gòn.” TS Nguyễn Trọng cho biết: “Trong Bộ Tổng Tham Mưu (TTM) của quân đội Sài Gòn có hai cơ sở: TTĐTNV, dùng máy tính IBM 360-40 quản lý hơn một triệu quân, và một cụm nữa không phải là trung tâm điện toán nhưng chứa dữ liệu sao lưu (backup) của trung tâm kia nhằm đảm bảo an toàn. TTĐTNV rất ngăn nắp, sạch sẽ, đâu ra đấy. Ngày 30/4, máy bay trực thăng đã đỗ ở ngay cổng TTĐTNV để chở chỉ huy trưởng TTĐTNV, đại tá quân đội Sài Gòn Chu Văn Hồ di tản, nhưng ông đã ở lại. Sau này, có lần tôi hỏi sao ông quyết định ở lại thì ông nói rằng: hệ thống quản lý quân số này là thành quả cả đời tôi, tôi muốn giao nó lại đầy đủ cho qúy anh, sợ rằng tôi đi thì nó không còn nguyên vẹn”. “Hai cụm máy tính nữa, một cụm ở Tân Sơn Nhất – Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận (TTĐTTV) của quân đội Sài Gòn, sử dụng máy IBM 360-50 là máy tính lớn nhất Sài Gòn lúc ấy. Cụm kia là Trung Tâm Điện Toán Bộ Quốc Phòng ở 63 Gia Long (nay là 63 Lý Tự Trọng, trụ sở Sở Địa Chính TP.HCM hiện giờ), sử dụng máy IBM 360-20. Trước máy này ở TTĐTNV nhưng do quân số quân đội SG phình lớn quá, IBM 360 – 20 không đủ sức nên được chuyển giao, chuyên tính lương cho quân đội.” “Nhóm đi trước gồm các anh Trần Duy Thoả đóng ở 63 Gia Long, anh Trương Công Dũng, Trần Thế Nam,...đóng tại TTĐTTV ở Tân Sơn Nhất.” “TTĐTNV hoạt động trở lại sớm nhất. Ông Chu Văn Hồ và anh em cũ đã trình bày rõ: Trung tâm này giải quyết những bài toán gì, sơ đồ hệ thống, hệ thống phần mềm, kho dữ liệu quản lý ra sao,… Họ chỉ dẫn cho chúng tôi những cuốn sách mô tả các hệ thống ứng dụng này. Nhờ vậy, chúng tôi nhanh chóng dựng lại được toàn bộ hoạt động của hệ thống quản lý nhân sự của quân đội Sài Gòn.” Ngẫm lại, quân đội ta đã có sự chuẩn bị rất sáng suốt khi xây dựng lực lượng máy tính trong quân đội từ năm 1972, hình thành lớp sĩ quan trẻ làm việc thuần thục trên máy tính. Nếu không có sự chuẩn bị ấy, không ai có thể hiểu gì khi tiếp quản các trung tâm điện toán như thế này!” - ông Nguyễn Trọng nói. Ông Nguyễn Trọng cũng cho hay: “Khi đó, ngay lập tức đã có yêu cầu từ đích thân tướng Trần Văn Trà Chủ Tịch Uỷ Ban Quân Quản và cơ quan lãnh đạo các cấp về việc phải làm sao khai thác ngay các dữ liệu ở đây - nơi quản lý tất cả hồ sơ của quân đội Sài Gòn - để phục vụ công tác quân quản.” Chúng tôi đã đáp ứng tất cả các yêu cầu số liệu trên cơ sở khai thác hệ thống quản lý quân số này cuả quân đội SG ngay trong những ngày tháng 5/1975. TS. Nguyễn Trọng kể tiếp: “Máy tính IBM 360-50 (TTĐTTV) được tiếp tục sử dụng để quản lý và khai thác những kho hậu cần khổng lồ của quân đội Sài Gòn, như tổng kho Long Bình. Chương trình quản lý cho những thông tin chi tiết về loại vũ khí, trang thiết bị, vật tư,… đang còn ở kho nào, giá nào, thùng nào,… Quản lý được khối lượng khổng lồ kho tàng quân sự đó, góp phần không nhỏ vào xây dựng lực lượng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu cuả quân đội ta nhiều năm sau, một phần rất quyết định là sự đóng góp cuả Trung Tâm máy tính này. Các máy tính IBM 360-40 và 360-50 còn được khai thác để quản lý đảng viên ở TP.HCM, cấp phát thẻ đảng viên cả nước, kể cả đã là “chủ lực” để xử lý dữ liệu phục vụ tuyển sinh đại học hồi ấy, giải quyết những bài toán thống kê về chất độc màu da cam và hậu quả,… Những năm 1980 các anh Hoàng Minh Châu (nay là giám đốc Công ty FPT HCM), Ngô Vi Đồng (hiện là giám đốc Công ty HPT), Lê Trường Tùng (hiện là giám đốc Học Viện Quốc Tế FPT, chủ tịch Hội Tin Học TP.HCM),… tiếp tục được phái vào phía Nam. “Rất tự hào vì dân Toán - Máy Tính (tên gọi cuả đơn vị máy tính quân đội thời ấy) sau này chuyển công tác sang các nơi khác đều phát huy được vai trò của mình.” - cả ông Nguyễn Trọng, ông Trần Thế Nam đều nói vậy. Quả tình chúng tôi phải “bó tay”vì không tìm ra bất kỳ ảnh tư liệu nào về giai đoạn “quân máy tính” tiếp quản Sài Gòn. “Hồi đó máy ảnh còn xa xỉ, chúng tôi lên đường vào Nam thì phải để lại tất cả giấy tờ, tư trang cá nhân ở Hà Nội, làm gì có điều kiện… chụp ảnh kỷ niệm!” – ông Trần Thế Nam nói. Nhật Minh (theo Mạng Thông tin Khoa học và Công nghệ TpHCM) |