(Post 13/06/2007) Từ thập kỷ 70, Tiến sĩ Nguyễn
Chí Công đã cùng đồng nghiệp làm những chiếc máy vi tính đầu tiên của
Việt nam và cũng là của châu Á và trở thành Trưởng tiểu ban mạng của Chương
trình quốc gia về công nghệ thông tin.
Tiến sĩ
Nguyễn Chí Công - Ảnh: Phạm Yên |
|
Tiến sĩ Nguyễn Chí Công tuổi Kỷ Sửu, cầm tinh con trâu,
“con trâu” của tinh thần canh tân khai sáng. Bốn mươi năm qua anh lầm
lũi và cần mẫn cày xới trên “cánh đồng công nghệ thông tin” với nhiều
kỳ tích thầm lặng. Từ thập kỷ 70, anh đã cùng đồng nghiệp làm những chiếc
máy vi tính đầu tiên của Việt nam và cũng là của châu Á.
Trong vai trò Trưởng tiểu ban mạng của Chương trình quốc
gia về công nghệ thông tin, anh đã trở thành một trong những người đỡ
đầu đắc lực đưa mạng internet vào Việt Nam và ứng dụng thành công công
nghệ mạng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống.
Thế nhưng, con người thẳng thắn đầy tinh thần cách tân táo bạo này không
phải lúc nào cũng bước đi trên con đường bằng phẳng thênh thang. Anh vẫn
day dứt tiếc thầm vì đã bị vuột mất cơ hội vàng đưa công nghệ thông tin
của Việt Nam đi trước nhiều nước trong khu vực.
Gần đây trong tư cách kiến trúc sư trưởng của Đề án 112,
anh cũng có nhiều tâm sự ngổn ngang. Nguyễn Chí Công đặt hết niềm tin
và hy vọng vào lớp trẻ, tin rằng họ sẽ thực hiện được ước mơ công nghiệp
hóa công nghệ thông tin của thế hệ anh.
Những cội nguồn văn hóa Đông Tây
Nguyễn Chí Công là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn
Hữu Cầu, một trong những linh hồn của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục, người
từ một thế kỷ trước đã sớm biết giáo dục cho dân quan tâm đến kinh tế
hàng hóa, hội nhập với phương Tây, sở hữu trí tuệ, ngân hàng và chứng
khoán v.v…
Thân sinh anh là cố giáo sư Nguyễn Hữu Tảo, thầy dạy
của các vị Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Văn
Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Khiêu,... Học trò cũ từng tôn vinh gọi cụ là
“Macarenco của Việt Nam”, “Người quán triệt được cả hai nền văn hóa Đông
Tây”, “điển hình về người thầy giáo gương mẫu về mọi mặt”.
Chú ruột anh là Cư sĩ Thiền Chửu Nguyễn Hữu Kha cũng
nổi danh là người học giả yêu nước, giữ đạo, có kiến thức Nho giáo và
Phật giáo thâm sâu. Anh cả Nguyễn Hải Trừng là cảm tử quân của Thủ đô
kháng chiến. Có thể nói, Nguyễn Chí Công đã trưởng thành từ cái nôi của
tinh thần yêu nước, mô phạm, canh tân.
GS Nguyễn Hữu Tảo có mười người con, hầu hết đều biết
chữ Hán, cả bà vợ chỉ bưng nước cho chồng dạy học nhiều năm cũng thạo
viết bút lông, nhưng Nguyễn Chí Công không biết, vì anh là con út, lớn
lên trong bối cảnh văn hóa Nho gia đã suy tàn, nhường chỗ cho những quan
tâm nồng nhiệt với văn hóa phương Tây. Không dạy con kinh sách Nho gia,
nhưng cốt cách mô phạm hài hòa văn hóa Đông Tây của cụ Tảo đã ảnh hưởng
sâu đến quá trình hình thành nhân cách của con.
Hồi bé đi học, Công không bao giờ là nô lệ của sách vở,
lại hay nói năng thẳng thắn bốp chát nên chỉ được kết nạp Đoàn khi tốt
nghiệp phổ thông, như thế rất khó mà vào đại học. Nhưng có lẽ hồng phúc
của tổ tiên còn dày, nên anh lại được người giúp cho có cơ hội đi du học
ngay năm 1966 ấy.
Cụ Tảo đã khuyên con chọn nghề kỹ thuật để giúp cho đất
nước thoát đói nghèo. Và sự định hướng đầy tinh thần yêu nước và khát
vọng canh tân của cha đã đưa Nguyễn Chí Công đến Praha học điều khiển
học.
Nhưng ở xứ người, Nguyễn Chí Công vẫn bị cái gien văn
hóa chữ nghĩa của dòng họ cuốn đi, thường trốn học vào thư viện đọc sách
văn chương, triết học, lần đầu tiên biết Khổng Tử qua tiếng Tiệp! Anh
đã đọc Faulkner trước khi đọc Khổng Tử, nhưng rốt cục, cái cốt cách sĩ
phu Bắc Kỳ kiêu hãnh và mô phạm vẫn là nền tảng chi phối mọi suy nghĩ
và ứng xử của anh.
Nếu ai đã có dịp vào thăm địa chỉ dongtac.net, một trang
web trí tuệ, phong phú và sinh động do Nguyễn Chí Công tự làm từ A đến
Z, sẽ thấy cái tên làng Đông Tác của anh được đặt bên hình ảnh những thửa
ruộng bậc thang. Đó là biểu trưng của hành trình đi từ bùn đất tới lúa
vàng, đi từ dân tộc ra nhân loại. Cứ đi mãi về phía Đông ta sẽ gặp phương
Tây và ngược lại. Đó chính là hành trình mà Nguyễn Chí Công đã trải nghiệm,
rèn đúc nên cốt cách đa văn hóa trong anh.
Thích phiêu lưu và chưa từng thất bại về kỹ thuật
Nguyễn Chí Công nói đùa rằng không có tính phiêu lưu
thì chắc anh không lấy được vợ.
Năm 1977, khi tham gia chế tạo máy tính đầu tiên của
Việt Nam, thiếu RAM, Nguyễn Chí Công đã ra chợ Giời mua những cục thiết
bị điện tử lấy từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, với hàng nghìn cái đi-ốt
mà hồi ấy gọi là mắt muỗi, đem về tháo ra chế tạo bộ nhớ, rồi lập trình
bằng cách tắt mở thủ công những công tắc làm bằng đinh rivê.
“Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình liều. Ngày ấy mình có
cái đam mê và tự ái. Họ làm được sao mình không làm được?”.
Sau một đợt thực tập thành công ở Pháp, anh đã bỏ hầu
hết tiền lương ra đi lùng mua các thiết bị để mang về nước lắp ráp loạt
máy tính mới của Việt Nam có cả bàn phím và màn hình mang tên VT8X. Hiện
nay các bảng mạch điện tử của loạt máy tính này vẫn để ở nhà người khai
sinh ra nó, hoàn toàn có thể vận hành. Cả bản sơ đồ Nguyễn Chí Công thiết
kế cũng vẫn còn nguyên, tuy giấy đã úa vàng.
Nguyễn Chí Công tâm sự: “Cái máy tính trước mặt khi chưa
có hệ điều hành giống như một hình nhân chưa có linh hồn, chúng tôi phải
viết bằng được phần mềm để thổi sức sống vào trong nó.
Lúc đó chưa có PC, cũng chẳng có mấy thông tin từ nước
ngoài, nghe đài BBC còn phải nhìn quanh vặn khẽ. Vì thế phải tự mày mò
viết hệ điều hành riêng.
Nhưng tự biết là còn dốt nên bọn tôi không dám đề là
hệ điều hành, chỉ dám đề là hệ thống phần mềm Basic Đồi Thông rồi sử dụng
nó để viết phần mềm ĐT82 phục vụ quản lý vật tư cho các xí nghiệp”.
Đề tài nào được giao dù khó đến đâu Nguyễn Chí Công cũng
nhận và say mê làm cho bằng được. Sau khi cùng một số người thành lập
Cty FPT, Nguyễn Chí Công đã “liều mạng” nhận nhiệm vụ làm siêu tính!
Có lần được giao viết chương trình giải mã những bức
điện tối mật, Nguyễn Chí Công đã đốt hàng trăm trang, viết đi viết lại,
mất cả tháng trời mà máy vẫn không hoạt động. Anh tưởng như phải chết
vì tuyệt vọng.
Thế rồi, một đêm như có thần linh mách bảo, những ý tưởng
vụt hiện trong một giấc mơ, anh tỉnh dậy bật đèn viết và dịch ngay. Sáng
hôm sau thử, máy vận hành luôn. Hạnh phúc không tả nổi.
Anh tâm sự: “Đối thủ cũng không thể ngờ ta làm được những
bộ máy như vậy. Bạn bè cũng thấy nể. Nhưng lúc bàn giao kết quả lại là
lúc buồn nhất, cảm thấy trống rỗng, muốn được làm tiếp đề tài khác.
Lúc nào tôi cũng có hàng chục dự định trong đầu. Bài
toàn này giải được, lại nảy sinh bài toán khác khó hơn. Không phải vì
muốn được tung hô - công việc phục vụ an ninh quốc phòng phải làm trong
âm thầm bí mật ai biết mà tung hô, nhưng mình luôn có nhu cầu được đối
mặt với những nan đề”.
Năm 1996, Nguyễn Chí Công cho một ngôi sao đang lên của
ngành tin học xem giáo trình chuyên môn do anh soạn thảo trong đó có 70
môn học, ngôi sao đó ngạc nhiên: “Sao nhiều thế? Em tưởng chỉ 7,8 môn
thôi?”. Anh cười: “Đây chỉ là những môn tôi biết, những môn tôi không
biết còn nhiều hơn nữa”.
Nhờ kiến thức quảng bác, khi được mời vào Ban soạn thảo
thuật ngữ tin học Việt Nam, anh đã viết xong 700 mục từ chỉ trong vòng
một tháng nghỉ dưỡng bệnh. Anh say mê đem kiến thức ứng dụng vào cuộc
sống và đào tạo thế hệ trẻ, dạy tin học trong cả trường Tây.
Tiếc không được gặp TBT Lê Duẩn
Có lần, một đồng nghiệp trẻ - nay đã là giám đốc một
trong những công ty phần mềm lớn nhất nước - đến nhà Nguyễn Chí Công,
được anh tặng một cuốn sách chuyên môn tiếng Pháp mặc dù biết anh bạn
này chưa học tiếng Pháp. Anh bảo, nó thông minh, thế nào nó cũng đọc được.
Khát vọng lớn của anh là bắc một nhịp cầu cho lớp trẻ làm đổi thay đất
nước bằng sự nghiệp công nghiệp hoá công nghệ thông tin. Nguyễn Chí Công
dành sự trân trọng và quan tâm đặc biệt cho lớp trẻ vì anh thấm thía hơn
ai hết sự cần thiết phải có những người lãnh đạo biết tin mình.
Vào đầu thập kỷ 80, nhóm của anh được giao nhiệm vụ chế
tạo một chiếc máy chuyên dụng phục vụ quốc phòng, nhưng đang chuẩn bị
triển khai thì Nguyễn Chí Công đọc thấy trong thái độ của lãnh đạo có
điều gì đó hơi chần chừ, nghi ngại ở cái công nghệ mới lạ của Mỹ. Thế
là, chàng trai trẻ “xông thẳng” đến nhà trung tướng Trần Quý Hai để thuyết
phục ông tin rằng anh và các đồng nghiệp có thể làm được việc khó này.
Tướng Trần Quý Hai là một trí thức hiểu biết và lịch
lãm, ông động viên “Cháu cứ nói đi đừng sợ gì cả!” Thế là sau hai giờ
đồng hồ “nhảy dù thuyết khách”, anh đã thuyết phục được vị tướng này tiếp
tục triển khai đề tài đi đến thành công.
Nhưng không phải lúc nào cũng có thể thuyết khách như
vậy. Cho đến bây giờ Nguyễn Chí Công vẫn còn tiếc, còn đau vì đã không
vượt qua được cản trở của một số quan chức trong ngành để đưa tin học
của Việt Nam phát triển, đi trước nhiều nước trong khu vực như lẽ ra nó
đã phải xảy ra.
Vào đầu thập kỷ 80, Nguyễn Chí Công và các đồng nghiệp
đã đưa được máy IBM PC/XT với đĩa cứng và nhiều phần mềm của Mỹ vào ứng
dụng lần đầu tiên trong Văn phòng Chính phủ.
Các vị lãnh đạo đất nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng,
Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng đều đã dự cảm đúng và nhìn ra vai trò quan trọng
của tin học, nên ngay từ lúc đó đã có thái độ hết sức quan tâm ủng hộ.
Thế nhưng, một số quan chức có học vị, trực tiếp lãnh đạo khoa học đã
không tin vào tương lai của tin học, gây chậm trễ, cản trở và lái hoạt
động của ngành này sang hướng khác có lợi cho cá nhân họ, khiến chúng
ta bỏ lỡ cơ hội.
“Tôi tiếc là không được gặp TBT Lê Duẩn để trình bày
với ông khả năng phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam. Vì vào thời
điểm ấy các nước châu Á chưa có nước nào chế tạo được máy vi tính như
ta. Trên thế giới, những nước có điều kiện như ta lúc ấy, đếm trên đầu
ngón tay. Nếu tôi được gặp ông Lê Duẩn thì có thể tình hình đã khác, sẽ
có bùng nổ lớn...” - Nguyễn Chí Công nói đầy vẻ tiếc nuối.
Một sĩ phu bí ẩn và lập dị
Làng Đông Tác quê hương Nguyễn Chí Công trước đây còn
thuộc Hà Đông, mùa mưa lầy lội, cậu bé Công phải cắp guốc bên nách lội
bùn đi học, đến trường mới bỏ guốc xuống đi. Đến bây giờ ngôi làng xưa
nhà cửa đường sá đã sạch sẽ phong quang, nhưng anh vẫn phải cắp bên nách
đôi guốc của một sĩ phu kiêu hãnh, thẳng thắn và trong sạch để tiếp tục
lội qua cánh đồng lầy của những tư duy và lề thói cũ.
Hình ảnh người trí thức giàu nhiệt huyết canh tân với
đôi guốc sạch có cái gì lập dị và bí ẩn - cái bí ẩn của cuộc đời, cái
bí ẩn của thời cuộc... Có lẽ tạo hóa đã cố ý phủ lên anh một màn sương
bí ẩn để giảm bớt cho anh những thiệt thòi, phiền toái do cái tính thẳng
thắn của anh gây ra.
Từ bé, Nguyễn Chí Công đã có những sở thích bí ẩn: Thích
những hòn đá, bị gọi là “hâm” vì đi đâu cũng nhặt những hòn đá, hòn sỏi,
hổ phách, lá rừng, con bướm, chiếc tem... và nhiều thứ linh tinh khác.
Người mải nhặt nhạnh những hòn sỏi, những chiếc lá, những linh kiện để
làm máy tính thì thường có những mối quan tâm khác lạ ở những cảnh giới
khác, chẳng để ý nhặt nhạnh những đồng tiền, những giải thưởng, những
chức danh.
Vào cuối những năm 70, tên của chàng trai Nguyễn Chí
Công đã nổi, nhiều cô gái xinh con thứ bộ trưởng dập dình, nhưng anh vẫn
thả hồn mải mê nhặt nhạnh những thứ linh tinh để chế tạo máy tính. Số
tiền anh bỏ ra mua các thiết bị từ nước ngoài đủ mua mấy cái căn hộ lúc
bấy giờ.
Năm 1991, ông Vũ Đình Cự đưa Nguyễn Chí Công từ Cty FPT
về Viện Công nghệ quốc gia làm Giám đốc ISC với những đề tài táo bạo.
Trong quyết định tiếp nhận lại quên mất khoản lương, nhưng anh vẫn cứ
làm mải mê, cần mẫn. Một năm sau kế toán trưởng mới phát hiện ra và hỏi:
“Thế anh không có lương à?”. Anh cười đầy bí ẩn! Thực ra, anh biết không
có lương nhưng vẫn làm hết mình để độc lập với FPT.
Bù lại, anh tạo thu nhập bằng con đường dạy học cho những
người chuẩn bị thi đi nước ngoài, rồi dạy ngoại ngữ, viết bài gửi in báo
và thực hiện các hợp đồng kinh tế kỹ thuật lớn. Hiện nay, bên cạnh công
việc chính, Nguyễn Chí Công đang tham gia nhiều dự án, trong đó có cả
các dự án về khoáng vật và chế tạo kim loại quý.
Khi chưa lấy vợ, Nguyễn Chí Công ở với mẹ tại xóm trại
Cam Đường. Anh để chiếc máy tính tự chế tạo trong một cái hòm khóa lại
mỗi khi không dùng. Tác phong bí ẩn đã xuất hiện trong cuộc sống của anh
từ lúc nào. Khi lấy vợ rồi, anh rất yêu gia đình, thường nói chuyện xã
hội cởi mở với vợ con, dạy các con về lẽ sống và nhân cách, nhưng công
việc nghiên cứu khoa học và suy nghĩ của anh thì vợ con hầu như không
biết rõ.
Có những thời kỳ dài đi công tác trong nước, ngoài nước,
trăn trở lo toan biết bao đại sự, nhưng vợ con cũng chẳng biết gì. Cho
đến một ngày giữa tháng 5 năm 2007, Nguyễn Chí Công đi nhận Giải thưởng
Nhà nước trao cho tập thể tác giả các thiết bị mật mã chuyên dụng giai
đoạn 1990-2002 của Ban cơ yếu chính phủ, vợ con mới biết anh đã từng tham
gia chế tạo những thiết bị này.
Trước ngày trao giải không lâu anh mới biết mình được
giải, vì anh chưa bao giờ làm hồ sơ Giải thưởng, tất cả đều do người khác
tự động làm thay. Đây có lẽ là Giải thưởng Nhà nước đầu tiên trao cho
những người trong ngành tin học. Tác phong bí ẩn của Nguyễn Chí Công có
thể có nguồn gốc trực tiếp từ những công việc cần bí mật, nhưng sâu xa
hơn có lẽ đó là hệ quả của những cuộc phiêu lưu nghiên cứu và thực nghiệm
xuyên qua ranh giới của tư tưởng hệ những năm tháng Việt Nam bị cấm vận,
bao vây.
Nguyễn Chí Công tâm sự: “Tôi khoái nhất Doxtoiepxki,
cảm giác là nếu đứng trước ông thì mình lộ hết chân tướng”… Có lẽ cái
gien văn hóa văn chương của dòng họ vẫn ngày ngày rạo rực trong anh nên
ngay cả khi đã trở thành một nhà khoa học chuyên nghiệp, Nguyễn Chí Công
vẫn bị lôi vào những cuộc chơi chữ nghĩa say mê, nhiều khi vì thế mà anh
thêm vẻ lập dị và bí ẩn. Theo anh, “Nếu chỉ làm khoa học mà không có nghệ
thuật thì sống vô vị, nếu làm nghệ thuật mà không có khoa học thì cũng
thiếu phương tiện”.
Vừa say mê nghiên cứu ứng dụng tin học, anh vừa viết
văn làm thơ, dịch tiểu thuyết nước ngoài, dịch gần như toàn bộ truyện
ngắn Turghenhep, dịch cả văn của những nước nhỏ ít người biết. Dịch chỉ
để thỏa lòng yêu văn chương, dịch rồi để đấy thôi, không lo xuất bản.
Thế rồi, vì bí ẩn quá nên vợ con chẳng biết trong những đống giấy má tài
liệu của anh cái gì là quan trọng. Kết quả là trong lúc anh đi vắng vợ
anh dọn nhà đã bán đi mấy xe xích lô giấy báo, trong đó có rất nhiều kỷ
niệm, tài liệu và những sáng tác hồi trẻ của anh!
Cho đến phút này Nguyễn Chí Công tự coi mình là con người
hạnh phúc, may mắn, có đóng góp cho xã hội, độc lập về tư tưởng, không
lệ thuộc ai, suốt đời thích thực nghiệm và ứng dụng, không quan tâm mấy
đến sức khoẻ, không thích lý thuyết sách vở, ưa phiêu lưu, trung thành
với bạn bè, yêu thiên nhiên, ghét nói suông và lý luận suông.
Có thể nói anh đã kế tục được ở những tiền nhân họ Nguyễn
làng Đông Tác tinh thần yêu nước và khát vọng canh tân. Những đóng góp
lớn của anh trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã cho thấy GS Nguyễn Hữu
Tảo quyết định chọn nghề kỹ thuật cho con trai là sáng suốt.
Đỗ Minh Tuấn
(theo Tiền Phong Online) |